VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Cách mạng công nghiệp 4.0

Ngân hàng, nhà mạng và ví điện tử cần liên kết thay vì 'ép' khách khai thông tin

05/06/2020 - 632 Lượt xem

 

(TBKTSG Online) - Việc phải khai báo lại thông tin cá nhân, thông tin tổ chức qua cách thức nộp chứng minh nhân dân hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi mở ví điện tử làm quy trình mở ví trở nên phức tạp.

 

Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần ban hành quy trình liên kết cụ thể hơn trong việc cung cấp thông tin giữa các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp viễn thông với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Quản lý ví điện tử và tiền di động: nguy cơ lớn từ sự ẩn danh

Cần có các cơ chế tạo thuận lợi hơn cho khách hàng chứ không thể siết chặt ngay từ lúc mở ví điện tử. Ảnh minh họa Thành Hoa.

 

Theo Thông tư 23/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, cá nhân mở ví điện tử phải cung cấp các thông tin như căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân..., còn đối với doanh nghiệp phải có chứng nhận đăng kí doanh nghiệp.

Việc xác nhận lại thông tin cá nhân có cần thiết?

Về nguyên tắc, ví điện tử cần liên kết với tài khoản ngân hàng và có rất nhiều loại hình thanh toán có thể liên kết thông tin bao gồm liên kết thông tin thẻ tín dụng quốc tế, thông tin thẻ ATM trong nước hoặc dữ liệu từ Internet Banking. Do đó, các thông tin chính chủ vốn dĩ trước đó đã được xác nhận bởi các ngân hàng có liên kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ví điện tử.

Ví dụ, Moca đang là đối tác của 8 ngân hàng gồm Sacombank, VPBank, Vietcombank, Maritime Bank, HD Bank, ACB, OCB, SCB. Khi mở ví điện tử Moca thì bạn chỉ cần thông tin ngân hàng để liên kết với tài khoản thẻ và mã OTP để xác nhận.

Có thể nói, các thông tin nhân thân người dùng đã được xác nhận bởi các nhà mạng và ngân hàng trước đó nên việc xác nhận lại thông tin khi mở ví điện tử là việc không cần thiết.

Việc nộp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trường hợp đối với tổ chức) và giấy chứng minh nhân dân (trường hợp đối với cá nhân) để xác nhận thêm một lần nữa khiến liên kết thông tin từ tài khoản thẻ ngân hàng và số di động của người dùng trở nên vô nghĩa.

Chưa kể đến trường hợp thông tin mà khách hàng cung cấp lúc mở tài khoản thẻ, lúc đăng ký sim khác với thông tin khi đăng ký ví điện tử do có sự thay đổi trong quá trình sử dụng, có thể dẫn đến một cơ chế xử lý đầy phức tạp khác và khiến cho quá trình khởi tạo ví trở nên khó khăn.

Thông tin định danh khách hàng là một dạng thông tin được các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thu thập rất kỹ lưỡng và có quy trình giữ bí mật cũng như cung cấp rất chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật. Do đó, việc thu thập thông tin định danh của khách hàng từ phía các ngân hàng có thể xem là cẩn thận và đầy đủ vì nó bao gồm nhiều thông tin như họ và tên, mẫu chữ ký, chữ ký điện tử, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, địa chỉ nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện tại, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, số, ngày cấp, nơi cấp chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu (thông tin về thị thực đối với khách hàng cá nhân là người nước ngoài) của khách hàng hoặc của người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền (gọi chung là người đại diện hợp pháp) và các thông tin có liên quan khác.

Còn đối với khách hàng là tổ chức thì thông tin định danh cũng bắt buộc phải có tên giao dịch đầy đủ, tên viết tắt, giấy phép hoặc quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương; địa chỉ đặt trụ sở chính, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử…

Có thể nhìn nhận thông tin định danh khách hàng được thu thập bởi các tổ chức tín dụng khi phát hành thẻ đã có thể cung cấp đầy đủ những thông tin nhân thân cần thiết để mở ví điện tử.

Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ ví điện tử có thể yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng được thực hiện thông qua các tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính hoặc thông qua phương tiện điện tử, hệ thống mạng viễn thông và mạng máy tính.

Việc yêu cầu, cung cấp thông tin khách hàng thông qua phương tiện điện tử, hệ thống mạng viễn thông, mạng máy tính phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, hướng dẫn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và phù hợp với điều kiện kỹ thuật của các bên.

Ngoài ra, đối với thông tin mà nhà mạng thu thập từ khách hàng cũng hoàn toàn đáng tin cậy theo quy định của pháp luật. Bởi vì thông tin đăng ký thuê bao sẽ bao gồm số thuê bao; đối tượng sử dụng cho từng số thuê bao: đối với cá nhân (cho bản thân; cho con đẻ, con nuôi dưới 14 tuổi; cho người được giám hộ; cho thiết bị); đối với tổ chức (cho các cá nhân thuộc tổ chức; cho thiết bị).

Thêm vào đó, thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân sẽ bao gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số, ngày cấp, cơ quan cấp hoặc nơi cấp giấy tờ tùy thân, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với người có quốc tịch Việt Nam); thông tin trên giấy tờ của tổ chức bao gồm tên tổ chức; địa chỉ trụ sở giao dịch; thông tin trên giấy tờ tùy thân của người đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và thông tin trên giấy tờ tùy thân của mỗi cá nhân thuộc tổ chức tương ứng với số thuê bao mà tổ chức giao cho cá nhân đó sử dụng (trường hợp tổ chức giao cho người sử dụng).

Việc cập nhật thông tin từ khách hàng cũng thuộc trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông vì họ phải xây dựng hệ thống kỹ thuật, cơ sở dữ liệu tập trung để nhập, lưu giữ, quản lý thông tin trong suốt thời gian sử dụng dịch vụ của thuê bao, bao gồm thông tin thuê bao, ngày bắt đầu sử dụng dịch vụ của thuê bao, trạng thái hoạt động của thuê bao (đang hoạt động, tạm dừng dịch vụ một chiều hoặc tạm dừng dịch vụ hai chiều), số lượng số thuê bao mà cá nhân hoặc tổ chức đang sử dụng, ngày chấm dứt sử dụng dịch vụ (đối với các thuê bao đã chấm dứt sử dụng dịch vụ hoặc đã chuyển quyền sử dụng).

Một điều đáng lưu ý là thông tin thu thập được từ các nhà mạng sẽ được kết nối với cơ sở dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an theo quy định của pháp luật. Do đó, việc các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với các thông tin này là hoàn toàn đảm bảo được các thông tin nhân thân chính xác của khách hàng.

Do đó, việc buộc các khách hàng phải nộp giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là không cần thiết vì sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng từ vấn đề về thời gian, chi phí và cả bí mật thông tin cá nhân.

Để phát triển thanh toán điện tử nói chung và ví điện tử nói riêng, cần tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc tạo và sử dụng loại hình thanh toán này, thay vì tạo ra những cơ chế trùng lắp để kìm hãm và giảm tính hấp dẫn của ví điện tử.

Cơ chế liên kết thông tin giữa ngân hàng, nhà mạng và doanh nghiệp ví điện tử

Thay vì phức tạp hóa quá trình khởi tạo và gây bất tiện cho người dùng, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần ban hành quy trình liên kết cụ thể hơn trong việc cung cấp thông tin giữa các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp viễn thông với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Ví dụ, văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng từ phía các ngân hàng cần phải có các nội dung như căn cứ pháp lý cụ thể quy định thẩm quyền được yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng; lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng trong đó nêu rõ mối liên quan của khách hàng với mục đích yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng; nội dung, phạm vi thông tin khách hàng, thời hạn cung cấp; hình thức yêu cầu, cung cấp thông tin khách hàng; hình thức văn bản cung cấp thông tin (bản sao, bản in, bản mềm và các hình thức khác theo quy định của pháp luật),… thì có thể sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt yêu cầu để thuận lợi hơn cho các tổ chức cung ứng ví điện tử hay không.

Nếu đặt lợi ích của người sử dụng lên hàng đầu và hướng tới mục đích không thanh toán bằng tiền mặt trong tương lai thì cần các cơ chế tạo thuận lợi hơn cho khách hàng chứ không thể siết chặt ngay từ lúc mở ví điện tử.

 

Theo TBKTSG Online