Cách mạng công nghiệp 4.0
Phát triển nguồn nhân lực NN 4.0: Yêu cầu cấp bách
06/06/2019 - 1695 Lượt xem
Lực lượng lao động nước ta hiện nay đang có sự chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ. Đó là xu hướng tất yếu đối với một nước đang trong quá trình phát triển.
Trang trại sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Delco. |
Tuy nhiên, sự chuyển dịch này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới, nhất là thiếu lao động nông nghiệp trình độ cao.
“Đỏ mắt” tìm lao động thời vụ
Tình trạng lao động nông thôn đổ xô đi làm các công việc, ngành nghề khác ở trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa khiến mỗi khi vào vụ cấy, gặt, ở nhiều địa phương, các hộ sản xuất nông nghiệp “đỏ mắt” tìm người, trả công cao cũng khó thuê được.
Ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Hoằng Trạch (Hoằng Hóa) cho biết: “Nếu như trước đây thuê lao động nông nghiệp trả 100.000-150.000 đồng/ngày/người thì nay lúc vào mùa vụ phải trả 200.000-250.000 đồng/ngày/người mà cũng không kiếm được người làm”.
Thiếu nhân lực trong những đợt cao điểm thời vụ sản xuất khiến nông dân lo lắng và cũng ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất nông nghiệp. Làng quê vắng bóng thanh niên, lực lượng lao động nông nghiệp hầu hết là người lớn tuổi, khả năng tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật hạn chế, năng suất lao động thấp, hiệu quả kinh tế thấp.
Thực tế, ngày càng nhiều bạn trẻ bỏ nông thôn lên thành phố tìm cơ hội lập nghiệp hoặc tập trung vào các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động. Nhiều làng quê vắng bóng thanh niên, nên lực lượng lao động nông nghiệp hiện nay hầu hết là người lớn tuổi. Điều này khiến ruộng nương dần hoang hóa, hiệu suất sử dụng đất ngày càng suy giảm.
Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Đồng bằng sông Cửu Long (Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lương thực, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và cây ăn quả nhiệt đới lớn của cả nước.
Tuy nhiên, lực lượng lao động khu vực nông thôn vùng này chất lượng thấp, tỷ lệ không có trình độ chuyên môn chiếm 91,2%. Bên cạnh đó, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” của vùng diễn ra mạnh. Trong khi ở nhiều quốc gia, quy mô đào tạo bậc trung cấp luôn chiếm tỷ lệ nhiều hơn đại học, cao đẳng thì ở nước ta lại là... ngược lại.
Theo ông Đinh Cao Khuê, Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn đang thiếu hụt rất lớn cả về số lượng và chất lượng, nhất là lao động trẻ. Thực tế cho thấy, lực lượng tham gia sản xuất nông nghiệp phần lớn là người cao tuổi, sản xuất cá thể và dựa vào kinh nghiệm là chính; việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến chưa nhiều. Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói riêng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp thiếu hụt lao động có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ tốt và có tình trạng “thừa lao động phổ thông, thiếu lao động chất lượng cao”. Đa số lao động chưa có thái độ cầu thị trong công việc, hời hợt… dẫn đến năng suất sản xuất thấp, không đáp ứng yêu cầu công việc của doanh nghiệp.
Hiện, cơ cấu lực lượng lao động nước ta phân theo 2 khu vực thành thị và nông thôn cũng có sự chênh lệch lớn. Nhìn chung, lực lượng lao động chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, chiếm khoảng gần 70%. Con số này có xu hướng giảm qua các năm nhưng vẫn ở mức cao. Cả nước hiện có khoảng 17 triệu thanh niên nông thôn có độ tuổi từ 15-30, chiếm 70% số thanh niên và 60% số lao động nông thôn. Tuy nhiên, 80% trong số này chưa qua đào tạo chuyên môn. Đặc điểm này là trở ngại lớn cho lao động nông thôn trong tìm kiếm việc làm.
Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ 15,5% (năm 2010) lên khoảng 50% (năm 2020). Tuy nhiên, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Thực tế, lao động nông nghiệp Việt Nam đang ở độ tuổi cao, thiếu lao động trẻ, nhất là lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao... |
Năm 2020, thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo
Việt Nam tuy có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp nhưng đa số nguồn nhân lực trong nông nghiệp (với tỷ trọng khoảng 46%) chưa đáp ứng được yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới.
Tại buổi tọa đàm “Gắn kết cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao” mới đây, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, dự báo, đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Không những vậy, lao động nông nghiệp đang ở độ tuổi cao và thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.
Trong khi đó, thực tế một số ngành nông nghiệp chưa thực sự thu hút được người học, tuyển sinh gặp khó khăn. Việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nền nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn nhất đối với các cơ sở đào tạo nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.
Đào tạo phải kết nối giữa nhà trường - doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo nguồn nhân lực nông, lâm, ngư nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo sát hơn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới.
Các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo nguồn nhân lực nông, lâm, ngư nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và PTNT để gắn kết hơn nữa kế hoạch đào tạo với thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn mà Bộ đang triển khai nhằm tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận với thực tế sớm, để kiến thức, kỹ năng gắn liền với cuộc sống, để khi ra trường các em có thể phát huy ngay trong điều kiện thực tiễn.
Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học là rất cần thiết. Do đó, cần phải nhận thức rõ sức ảnh hưởng và tác động của việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp; cần thay đổi chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp để có thể thích ứng với sự phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, đảm bảo cho nền nông nghiệp nước nhà phát triển nhanh và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, để thay đổi thực trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng ngành nông nghiệp thì các cơ sở đào tạo phải đổi mới chương trình đào tạo. Không phải chỉ các trường nông, lâm, ngư nghiệp gói gọn trong 54 cơ sở hiện có mới đào tạo được nhân lực cho ngành nông nghiệp. Nhiều ngành công nghệ thông tin, khoa học quản lý từ hàng trăm cơ sở đào tạo cũng có thể đào tạo nhân lực cho nông nghiệp, bởi ứng dụng cần từ khâu sản xuất đến chế biến ứng dụng công nghệ cao.
Về lâu dài, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, vấn đề kết nối giữa nhà trường -doanh nghiệp không phải là mới. Đây là hoạt động thường xuyên, tất yếu trong đào tạo, kết nối cung - cầu về nhân lực. Bên cạnh đó, nhà trường - doanh nghiệp sử dụng lao động phải thực sự đồng hành với nhau vì sự phát triển chung. Việc kết nối nhà trường - doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc cấp học bổng hay tạo cơ hội thực tập cho sinh viên tốt nghiệp, mà còn phải ở nhiều phương diện khác như xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và đặt hàng đào tạo, xác định chuẩn đầu ra…
GS.TS. Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần có chính sách và chương trình đầu tư thỏa đáng cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp. Coi đây là sự đầu tư đào tạo nhân lực cho những ngành mà Nhà nước rất cần nhưng khó tuyển sinh.
Ngoài ra, Chính phủ cần có chương trình cụ thể để đưa việc đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức khởi nghiệp vào hệ thống các trường nông, lâm, ngư nghiệp và các cơ sở giáo dục có liên quan để thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp hiện nay là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, các cơ sở đào tạo phải cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tiễn. Việc định hướng đào tạo phải bắt đầu từ nhu cầu thị trường, đảm bảo cung ứng cho thị trường lực lượng lao động chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Các ngành nghề tập trung thu hút trong năm 2019 - 2020, trước hết chủ yếu vẫn là ngành nghề thuộc khu vực FDI. Khu vực này dự báo sẽ tiếp tục thu hút lao động, rồi đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Để thực hiện chuyển dịch kinh tế nông thôn, theo hướng ly nông không ly hương, các doanh nghiệp, khu công nghiệp ở ngay nông thôn, như vậy người nông dân có thể ăn cơm nhà, làm công nghiệp. |
Nguồn: Theo Kinh tế nông thôn