Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc: Tác động đến thế giới ra sao?
19/01/2016 - 494 Lượt xem
Sau ba thập niên tăng trưởng ở mức hai con số, kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và gây tác động mạnh tới phần còn lại của thế giới. Nhưng tác động ấy trầm trọng đến mức nào?
Theo số liệu thống kê của nước này, tăng trưởng GDP năm 2015 vừa qua là 6,9%; thấp hơn mức 7% mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đặt ra hồi đầu năm. Trước đó, năm 2014 tăng 7,3% và năm 2013 tăng 7,7%. Dự kiến năm nay 2016, GDP của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 6,5-6,7%. Tốc độ tăng trưởng GDP như vậy là “giảm” so với tiêu chuẩn Trung Quốc nhưng vẫn là mơ ước đối với tất cả các nền kinh tế khác; hoàn toàn không phải là “suy thoái” như dư luận báo chí gần đây. Với quy mô khoảng 11.500 tỉ đô la Mỹ, nếu tăng trưởng 6,5% thì mỗi năm kinh tế Trung Quốc vẫn tạo thêm được một sản lượng tương đương một phần ba GDP của Ấn Độ hoặc 80% GDP của Indonesia.
Thật ra, kinh tế Trung Quốc chậm lại là tất yếu. Nhiều năm trước, các chuyên gia đã cảnh báo mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và đầu tư của nước này không có tính bền vững và cần phải chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu thụ và dịch vụ nội địa bền vững hơn dù mức tăng GDP sẽ bị giảm trong trung hạn.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc như ông Tập Cận Bình cũng nhận ra rằng, các
động lực kinh tế của nước này đã yếu đi rất nhiều, và ông kêu gọi người
dân chấp nhận tăng trưởng thấp như một “điều bình thường mới”.
Tuy nhiên, từ năm ngoái, kinh tế Trung Quốc nói chung đã không cải
thiện mà còn xấu đi rất nhanh, ngoài dự liệu của giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Xuất khẩu - cột trụ lớn nhất của kinh tế Trung Quốc 30 năm qua, đã lao
dốc từ mức tăng hai con số xuống mức âm; đầu tư vào tài sản cố định giảm
xuống 7% từ mức hơn 20% trước đây - tác động nặng nề tới việc xây dựng
nhà máy, cơ sở hạ tầng và bất động sản. Có nhiều nguyên nhân: sức tiêu
thụ yếu trên thị trường toàn cầu do khủng hoảng kinh tế và tình trạng
đầu tư quá mức, sản xuất dư thừa ở ngay chính Trung Quốc.
Theo tính toán của OECD, nếu nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc giảm 2 điểm phần trăm thì tổng sản lượng (GDP) của thế giới sẽ giảm từ 0,3-0,5%. Nguồn: OECD - Đồ họa của The Economist |
Khi tạp chí Caixin công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm 10 tháng liên tục cho thấy nền sản xuất công nghiệp nước này “co lại” trong suốt năm qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phản ứng bằng các đợt bán tháo, gây ra các vụ “nổ cầu chì” trong tuần giao dịch đầu tiên của năm mới 2016. Công nghiệp đình đốn cũng đẩy hàng loạt nhà máy ở Quảng Đông - nơi tập trung các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu - vào tình trạng phá sản, sa thải hàng vạn công nhân và dự kiến làn sóng phá sản, sa thải sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng tới. Trong kế hoạch năm năm 2016-2020, Bắc Kinh đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng GDP ở mức 6,5%/năm nhưng theo nhà kinh tế Li Wei, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc, mục tiêu này sẽ khó mà đạt được trong bối cảnh giảm tốc kéo dài như hiện nay.
Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp kích thích tăng trưởng: trong năm 2015, ngân hàng trung ương nước này đã sáu lần giảm lãi suất, từ mức 5,6%/năm xuống còn 4,35%/năm hiện nay; bốn lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng thương mại, từ mức 19,5% xuống còn 17,5% hiện nay; và đặc biệt Trung Quốc đã đột ngột phá giá đồng nhân dân tệ 4,4% chỉ trong ba ngày giữa tháng 8-2015, gây chấn động các thị trường tài chính toàn cầu. Những biện pháp trên đều nhắm tới đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, tiêu thụ hàng tồn kho và ổn định sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, tác dụng ngược của các biện pháp này là giá hàng nhập khẩu tăng lên, kích hoạt làn sóng rút vốn đầu tư và tâm lý hoảng loạn trên các thị trường tài chính.
Theo nhiều chuyên gia, vấn đề mà Trung Quốc phải giải quyết càng sớm càng tốt là tình trạng sản xuất công nghiệp thừa, xây dựng thừa, doanh nghiệp nhà nước “xác sống” (zombie) và núi nợ của chính quyền địa phương. Về dài hạn, Bắc Kinh còn phải đối mặt với hai vấn đề lớn: công nợ đã vượt mức 250% GDP từ mức 180% GDP năm 2008 và ổn định giá trị đồng nhân dân tệ để tạo niềm tin trong giới kinh doanh-đầu tư khi kinh tế Trung Quốc đã có liên hệ phức tạp và chằng chịt về tài chính và thương mại với thế giới bên ngoài.
* * *
Tuy chưa đi tới giai đoạn trì trệ hoặc suy thoái, do đó chưa đặt ra nguy cơ gây “tai họa” cho kinh tế thế giới, song đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đã và đang tác động mạnh đến các thị trường tài chính, nguyên vật liệu (commodities) ở khắp toàn cầu. Vấn đề cần quan tâm không phải là Trung Quốc sẽ đi về đâu mà là sự giảm tốc của nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến từng quốc gia, từng ngành kinh tế.
Khi kinh tế tăng trưởng chóng mặt, Trung Quốc đương nhiên trở thành thị trường tiêu thụ khổng lồ các mặt hàng chiến lược như dầu mỏ, than đá, khoáng sản, nông sản... và các loại linh kiện, bán thành phẩm. Lấy mặt hàng dầu mỏ làm ví dụ: năm 2003, Trung Quốc tiêu thụ mỗi ngày 5,5 triệu thùng dầu, tăng lên 7,5 triệu thùng/ngày năm 2007 và hiện nay là 11,19 triệu thùng/ngày - vượt qua Mỹ để trở thành nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ nhất thế giới.
Nhu cầu của Trung Quốc mở ra những cơ hội ngàn năm có một để các doanh nghiệp nhiều nước đẩy mạnh đầu tư khai thác khoáng sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất linh kiện... Các nước Brazil, Chile ở Nam Mỹ, Úc, Ấn Độ, các nước châu Phi, các mỏ dầu vùng Trung Đông... nhanh chóng phất lên nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc quặng sắt, quặng đồng, than đá, dầu mỏ, khí đốt, gỗ... và hàng trăm loại nguyên liệu khác. Nền kinh tế Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản cũng nhanh chóng trở thành nguồn cung cấp linh kiện điện tử, xe hơi, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải... cho các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện lắp ráp rồi xuất khẩu sang Mỹ, EU.
Nhu cầu của thị trường Trung Quốc, cộng với chi phí vốn rẻ do các ngân hàng trung ương giảm lãi suất xuống mức tối thiểu để đối phó với khủng hoảng tài chính năm 2008, đã thúc đẩy các doanh nghiệp vay vốn, mở rộng sản xuất, khai thác với quy mô lớn chưa từng thấy.
Nhưng kinh tế Trung Quốc không thể tăng trưởng mãi; từ đầu năm 2015 bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chững lại và giảm tốc. Thế là các thị trường thế giới bắt đầu chao đảo, giá hàng hóa bắt đầu rớt. Trong 18 tháng qua, giá dầu đã mất 60%, hiện dao động quanh mức 30-35 đô la Mỹ/thùng; trong năm qua giá các kim loại nickel, đồng, quặng sắt, platinum giảm hơn 25%; ngay cả nông sản như cao su, lúa mì và bắp cũng giảm giá mạnh.
Các doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tỉ đô la vào các dự án lớn như lọc cát lấy dầu (oil sand) ở Canada, khai thác quặng sắt ở Tây Phi... bây giờ đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan; vừa phải duy trì sản xuất để thu hồi vốn, vừa phải cắt giảm chi phí do giá giảm. Chỉ tính riêng ngành dầu khí, trong năm qua đã có hơn 250.000 kỹ sư và công nhân bị sa thải, theo The New York Times. Và tình trạng sản xuất thừa, giá giảm, sa thải nhân viên được dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều năm sắp tới.
Cũng đã xuất hiện những hiện tượng chưa từng thấy trước đây: Ả rập Saudi, nền kinh tế thịnh vượng nhờ dầu hỏa, đã lần đầu tiên cạn kiệt ngân sách phải vay tiền trên thị trường tài chính quốc tế; Venezuela có khả năng vỡ nợ do không trả được 10 tỉ đô la nợ đáo hạn năm nay...
Ở Đông Nam Á, nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc hiện cũng đang lo lắng. Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của Ngân hàng ANZ cho biết, nếu kinh tế Trung Quốc giảm 1 điểm phần trăm thì Singapore bị giảm theo 1,4 điểm vì Trung Quốc tiêu thụ tới 25% sản lượng xuất khẩu của đảo quốc này. Việt Nam và Malaysia ít bị ảnh hưởng hơn nhưng không phải không đáng lo ngại. Nhiều hiệp hội ngành hàng ở Việt Nam đã công bố số liệu cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do nhu cầu của thị trường Trung Quốc suy giảm mạnh trong năm 2015.
Trong hai tuần đầu năm 2016, dư luận chú ý nhiều tới các vụ “sập sàn” của thị trường chứng khoán Trung Quốc, nhưng thực ra đó chưa phải là điều đáng lo vì đây là các sự cố đột xuất, nảy sinh từ sai lầm của nhà quản lý và tác động tới thị trường toàn cầu chủ yếu do yếu tố tâm lý. Tác động sâu xa hơn của sự giảm tốc kinh tế Trung Quốc nằm ở nền kinh tế “thực”, ở phương diện cung-cầu, giá trị đồng tiền và dòng tiền. So với vụ sập sàn chứng khoán Thượng Hải, những tác động ấy không chỉ trầm trọng hơn nhiều mà còn có khả năng kéo dài trong nhiều năm tháng nữa, đòi hỏi các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách phải tỉnh táo theo dõi và có đối sách thích hợp.
Nguồn: TBKTSG