Số liệu thống kê
Tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng năm 2015
03/05/2015 - 273 Lượt xem
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chăm sóc cây trồng vụ đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở các địa phương phía Nam. Tính đến ngày 15/4, cả nước đã gieo cấy được 3094,7 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1152,2 nghìn ha, bằng 100,2%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1942,5 nghìn ha, bằng 99,6%.
Đến trung tuần tháng Tư, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 1653,8 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 112,2% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1531 nghìn ha, bằng 115,1%. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 70,8 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 11 triệu tấn, giảm 100 nghìn tấn.
Cùng với việc thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương phía Nam đã gieo sạ được 665,2 nghìn ha lúa hè thu, bằng 126,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 648 nghìn ha, bằng 127,4%. Một số địa phương có tiến độ gieo sạ nhanh: Đồng Tháp đạt 132 nghìn ha, bằng 114% cùng kỳ năm trước; Kiên Giang 100 nghìn ha, bằng 135,2%; Cần Thơ 70 nghìn ha bằng 104,8%; An Giang 60 nghìn ha, bằng 263,6%; Long An 60 nghìn ha, bằng 208%.
Tính đến giữa tháng Tư, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 468,2 nghìn ha ngô, bằng 103,3% cùng kỳ năm trước; 77,8 nghìn ha khoai lang, bằng 97,3%; 136,5 nghìn ha lạc, bằng 92,2%; 60,5 nghìn ha đậu tương, bằng 109,5%; 526,6 nghìn ha rau đậu, bằng 101,1%.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm nhìn chung ổn định. Đàn trâu trong tháng ước tính giảm 2%-2,5% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò tăng 1%-1,5%, riêng đàn bò sữa tăng 20%-22% do thị trường tiêu thụ sản phẩm sữa ổn định nên các doanh nghiệp tăng cường đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Đàn lợn tăng 1,5%-2%; đàn gia cầm tăng 3%. Tính đến ngày 22/4/2015, dịch lở mồm long móng và dịch tai xanh trên lợn đã được khống chế; dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày còn ở Nghệ An và Cần Thơ.
Lâm nghiệp
Trong tháng Tư, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 28,4 nghìn ha, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 17,5 triệu cây, xấp xỉ cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 476 nghìn m3, tăng 6,8%; sản lượng củi khai thác đạt 2,9 triệu ste, tăng 0,7%. Tính chung 4 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 34,5 nghìn ha, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 82,3 triệu cây, tăng 0,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1978 nghìn m3, tăng 7,8%; sản lượng củi khai thác đạt 10,5 triệu ste, tăng 0,4%.
Thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài nên đã xảy ra cháy rừng ở một số khu vực, nhất là các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong tháng, cả nước có 626 ha rừng bị thiệt hại, tăng 161,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 461 ha; diện tích rừng bị phá là 165 ha. Tính chung 4 tháng đầu năm, diện tích rừng bị thiệt hại là 785 ha, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 534 ha, giảm 20,8%; diện tích rừng bị phá là 251 ha, tăng 52,2%. Theo thông tin cảnh báo cháy rừng từ cơ quan chức năng, cả nước hiện có 10 tỉnh có khu vực nguy cơ cháy rừng cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm[1] và 3 tỉnh có nguy cơ cháy rừng cấp IV - cấp nguy hiểm[2]. Do đó, các địa phương cần tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng.
Thủy sản
Sản lượng thuỷ sản tháng Tư ước tính đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 425,1 nghìn tấn, tăng 3%; tôm đạt 43,8 nghìn tấn, giảm 0,5%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 240,6 nghìn tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 193,9 nghìn tấn, giảm 1%; tôm đạt 34,4 nghìn tấn, giảm 2%. Nuôi cá tra bước đầu có lãi do giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng. Tuy nhiên, do khó khăn từ năm trước chưa được khắc phục dẫn đến diện tích thả nuôi bị thu hẹp nên sản lượng cá tra thu hoạch trong tháng của một số địa phương giảm: An Giang đạt 25 nghìn tấn, giảm 2,6%; Bến Tre 9,5 nghìn tấn, giảm 43%; Vĩnh Long 4,8 nghìn tấn, giảm 24%. Nuôi tôm thẻ chân trắng ở hầu hết các tỉnh bị ảnh hưởng của dịch bệnh diễn biến phức tạp, sản lượng trong tháng ước tính đạt 16,9 nghìn tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cà Mau đạt 4,5 nghìn tấn, giảm 7,3%; Bến Tre 1,24 nghìn tấn, giảm 51,4%; Bạc Liêu 0,9 nghìn tấn, giảm 25%. Tôm sú ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên sản lượng thu hoạch ước tính đạt 14,6 nghìn tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cà Mau đạt 7,5 nghìn tấn, tăng 25%; Bạc Liêu 4,7 nghìn tấn, tăng 49%.
Sản lượng thủy sản khai thác tháng Tư ước tính đạt 322,6 nghìn tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 312,6 nghìn tấn, tăng 6,6%. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 1748,4 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 738,5 nghìn tấn, tăng 1,6%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 1009,9 nghìn tấn, tăng 4,4%, trong đó khai thác biển đạt 961,5 nghìn tấn, tăng 4,7%.
Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng Tư ước tính tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 5,8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%; cung cấp nước tăng 5,5%.
Ước tính 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%, cao hơn nhiều mức tăng 5,5% của cùng kỳ năm 2014. Trong các ngành công nghiệp, ngành khai khoáng tăng 6,7%, đóng góp 1,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng cao ở mức 10,1%, đóng góp 7,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 10,6%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 6,4%[3], đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Trong các ngành công nghiệp cấp 2, một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ tăng 33,6%; dệt tăng 22,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 21,7%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 20,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 18,1%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 17%; sản xuất thiết bị điện tăng 12%. Một số ngành có mức tăng thấp: Sản xuất kim loại tăng 7,5%; sản xuất đồ uống tăng 7,3%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên tăng 7,3%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,6%; khai thác than tăng 4,4%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 2,2%; sản xuất thuốc lá tăng 0,9%; sản xuất trang phục tăng 0,3%.
Trong 4 tháng đầu năm, một số sản phẩm công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại di động tăng 89%; ô tô tăng 58,4% (xe tải tăng 68,9%, xe khách tăng 52,8%); ti vi tăng 41,8%; giày, dép da tăng 24,7%; thức ăn cho thủy sản tăng 23,9%; sơn hóa học tăng 17,8%; sữa tươi tăng 17,8%; thép cán tăng 17,3%; thức ăn cho gia súc tăng 14,4%; điện sản xuất tăng 11,1%. Một số sản phẩm có chỉ số sản xuất 4 tháng tăng thấp hoặc giảm: Phân U rê tăng 5,5%; xi măng tăng 5,3%; than đá tăng 4,4%; sắt thép thô tăng 2,5%; khí đốt thiên nhiên tăng 0,3%; đường kính tăng 0,2%; quần áo mặc thường cho người lớn tăng 0,1%; khí hóa lỏng giảm 4%; sữa bột giảm 5,4%; xe máy giảm 11,6%.
Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Thái Nguyên tăng cao ở mức 353,5%; Quảng Nam tăng 21,8%; Hải Phòng tăng 15,2%; Đà Nẵng tăng 10,1%; Cần Thơ tăng 8,1%; Đồng Nai tăng 8,1%; Hải Dương tăng 7,4%; Hà Nội tăng 7,3%; Bình Dương tăng 7,3%; Quảng Ninh tăng 5,8%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,5%; Vĩnh Phúc tăng 5,1%; Quảng Ngãi giảm 3,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,7%; Bắc Ninh giảm 24,7%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2015 tăng 35,6% so với tháng trước (tháng sau Tết so với tháng Tết) và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2015, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất xe có động cơ tăng 46,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 40,1%; sản xuất kim loại tăng 23,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 18,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,7%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ quý I tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất tăng 13,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,9%; dệt tăng 9,3%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,1%; sản xuất trang phục tăng 5,6%; sản xuất đồ uống tăng 4,3%; sản xuất thuốc lá giảm 6,4%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm 01/4/2015 tăng 11,3% so với cùng thời điểm năm 2014, thấp hơn mức tăng 13,9% của cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất trang phục tăng 4,1%; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tăng 1,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 2,6%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất giảm 11,8%; sản xuất thiết bị điện giảm 14,2%; sản xuất thuốc lá giảm 19,9%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 39,5%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với mức tăng chung: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 112,3%; sản xuất đồ uống tăng 60,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 50,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 43,4%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 29,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 22,8%; sản xuất kim loại tăng 22,3%; sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 20,2%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2015 tăng 5,5% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 3,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 8,3%. Tại thời điểm trên, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 6% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,8%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 3,3%.
Lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2015 so với cùng thời điểm năm trước của các tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn như sau: Thái Nguyên tăng 65%; Hải Dương tăng 15,1%; Bắc Ninh tăng 11,4%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 9,7%; Đồng Nai tăng 7%; Quảng Nam tăng 6,3%; Bình Dương tăng 5,5%; Đà Nẵng tăng 4,2%; Vĩnh Phúc tăng 3,1%; Quảng Ngãi tăng 2%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,5%; Hải Phòng tăng 1,1%; Cần Thơ giảm 0,2%; lao động của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội nhìn chung ổn không biến động so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình hoạt động của doanh nghiệp[4]
Trong tháng Tư, cả nước có 9186 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 51,3 nghìn tỷ đồng, tăng 73,9% về số doanh nghiệp và tăng 52,2% về số vốn đăng ký so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 24,6%; số vốn đăng ký tăng 12,9%. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 5,6 tỷ đồng, giảm 12,5% so với mức bình quân tháng Ba. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng là 162,8 nghìn người, tăng 139,3% so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu sản xuất, kinh doanh tăng trở lại sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán.
Trong tháng, cả nước có 2726 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 24,1% so với tháng trước; 3670 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, tăng 58,5% và 684 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng 34,1%.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 28.235 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 162,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% về số doanh nghiệp và tăng 13,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, có 6834 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 223 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 5,7 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới 4 tháng đầu năm là 427,9 nghìn người, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 4 tháng đầu năm là 3249 doanh nghiệp, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động có 1162 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 35,8%); 855 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 27,2%); 708 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 21,8%) và 494 công ty cổ phần (chiếm 15,2%).
Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm là 19.035 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 6726 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 12.309 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Trong tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, có 6569 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 34,5%); 6339 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 33,3%); 3212 công ty cổ phần (chiếm 16,9%) và 2915 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 15,3%). Có tới 94% số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay là 6316 doanh nghiệp, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2014. Điều này cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế, tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4/2015 ước tính đạt 16.140 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 3083 tỷ đồng; vốn địa phương 13.057 tỷ đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 53,1 nghìn tỷ đồng, bằng 26,2% kế hoạch năm và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2014, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 10.023 tỷ đồng, bằng 24,6% kế hoạch năm và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải đạt 1728 tỷ đồng, bằng 25,1% và tăng 9,4%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 727 tỷ đồng, bằng 25,4% và giảm 2,4%; Bộ Y tế 413 tỷ đồng, bằng 26,1% và tăng 94,8%; Bộ Xây dựng 358 tỷ đồng, bằng 23,1% và tăng 2,6%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 185 tỷ đồng, bằng 21,7% và tăng 10,5%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 174 tỷ đồng, bằng 25,4% và tăng 0,9%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 140 tỷ đồng, bằng 23,8% và tăng 13%; Bộ Công Thương 95 tỷ đồng, bằng 21,9% và tăng 15,4%; Bộ Khoa học và Công nghệ 79 tỷ đồng, bằng 26,6% và tăng 4,7%; Bộ Thông tin và Truyền thông 53 tỷ đồng, bằng 29,1% và tăng 0,6%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 43.075 tỷ đồng, bằng 26,6% kế hoạch năm và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 30.045 tỷ đồng, bằng 25,1% và tăng 7,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 10.541 tỷ đồng, bằng 29,7% và tăng 4,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 2489 tỷ đồng, bằng 37,5% và tăng 0,3%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 5793 tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch năm và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước; Thành phố Hồ Chí Minh đạt 3824 tỷ đồng, bằng 19,8% và tăng 8%; Bà Rịa - Vũng Tàu 1559 tỷ đồng, bằng 29,4% và tăng 21,8%; Nghệ An 1500 tỷ đồng, bằng 39,4% và tăng 5,5%; Kiên Giang 1213 tỷ đồng, bằng 36,5% và tăng 32,2%; Thanh Hóa 1144 tỷ đồng, bằng 33,7% và tăng 4,4%; Vĩnh Phúc 1077 tỷ đồng, bằng 20,6% và giảm 7,1%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/4/2015 thu hút 448 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 2676,3 triệu USD, tăng 14,9% về số dự án và giảm 17,1% về số vốn so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời có 167 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 1046,2 triệu USD. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 3722,5 triệu USD, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm 2014. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đầu năm ước tính đạt 4200 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong 4 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 2830,5 triệu USD, chiếm 76% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 327,7 triệu USD, chiếm 8,8%; các ngành còn lại đạt 564,3 triệu USD, chiếm 15,2%.
Cả nước có 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 4 tháng qua, trong đó Đồng Nai có số vốn đăng ký lớn nhất với 797,4 triệu USD, chiếm 29,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh với 603,6 triệu USD, chiếm 22,6%; Hà Nam 130,5 triệu USD, chiếm 4,9%; Trà Vinh 120 triệu USD, chiếm 4,5%; Vĩnh Phúc 118,2 triệu USD, chiếm 4,4%.
Trong số 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 674,7 triệu USD, chiếm 25,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ 660 triệu USD, chiếm 24,7%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 421,8 triệu USD, chiếm 15,8%; Nhật Bản 185,3 triệu USD, chiếm 6,9%; Xin-ga-po 134,9 triệu USD, chiếm 5%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 115,7 triệu USD, chiếm 4,3%.
Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/4/2015 ước tính đạt 262,3 nghìn tỷ đồng, bằng 28,8% dự toán năm, trong đó thu nội địa 196,9 nghìn tỷ đồng, bằng 30,8%; thu từ dầu thô 20 nghìn tỷ đồng, bằng 21,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 44,4 nghìn tỷ đồng, bằng 25,4%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 64,6 nghìn tỷ đồng, bằng 29,3% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 42,4 nghìn tỷ đồng, bằng 29,8%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 38,2 nghìn tỷ đồng, bằng 32%; thuế thu nhập cá nhân 18,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35,9%; thuế bảo vệ môi trường 3,4 nghìn tỷ đồng, bằng 26,3%; thu tiền sử dụng đất 14,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/4/2015 ước tính đạt 311,8 nghìn tỷ đồng, bằng 27,2% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 50,4 nghìn tỷ đồng, bằng 25,9% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 49 nghìn tỷ đồng, bằng 25,7%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể ước tính đạt 216,6 nghìn tỷ đồng, bằng 28,2%; chi trả nợ và viện trợ 44,8 nghìn tỷ đồng, bằng 29,9%.
Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư ước tính đạt 255,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước đạt 28,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3% và tăng 26,7%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 218,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% và tăng 5,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% và tăng 5,2%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Tư ước tính đạt 196,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành hàng có mức tăng cao so cùng kỳ: Nhóm ô tô các loại tăng 26,5%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 15,2%; nhóm lương thực, thực phẩm tăng 14,2%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 13,1%; nhóm hàng may mặc tăng 8,4%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong tháng đạt 26,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước, trong đó một số địa phương đóng góp đáng kể vào mức tăng chung: Hải Phòng tăng 7,4%; An Giang tăng 5,9%; Đà Nẵng tăng 4,9%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,4%; Đồng Tháp tăng 4,1%. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Tư giảm 13,8%. Doanh thu hoạt động du lịch lữ hành đạt 2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2014. Doanh thu các hoạt động dịch vụ khác đạt 30 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1042,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá tăng 8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng của khu vực kinh tế Nhà nước đạt 114,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tổng mức và tăng 7,7%; kinh tế ngoài Nhà nước đạt 893,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 85,7% và tăng 9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 9,5%. Phân theo ngành hoạt động, bán lẻ hàng hóa 4 tháng đạt 797,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,5% tổng mức và tăng 9,7%; dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 116,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,2% và tăng 2,5%; du lịch lữ hành đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,8% và giảm 13,1%; dịch vụ khác đạt 120,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% và tăng 11,8%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 3/2015 đạt 13,3 tỷ USD, cao hơn 645 triệu USD so với số ước tính, trong đó hàng dệt may cao hơn 128 triệu USD; thủy sản cao hơn 83 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ cao hơn 74 triệu USD; sắn và sản phẩm sắn cao hơn 60 triệu USD; giày dép cao hơn 50 triệu USD; gạo cao hơn 48 triệu USD; dầu thô thấp hơn 125 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Tư ước tính đạt 13,8 tỷ USD, tăng 3,4% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 5,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 9,6 tỷ USD, tăng 2,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 4/2015 tăng 6,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 7,4%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15 tỷ USD, giảm 1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 35,1 tỷ USD, tăng 12,6%. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 62,9%; sắn và sản phẩm của sắn tăng 44,6%; hạt điều tăng 25,1%; giầy dép tăng 19,1%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 13,9%. Một số mặt hàng nông sản giảm cả về lượng và kim ngạch: Gạo giảm 0,5% về lượng và giảm 5% về trị giá; cà phê giảm 40,6% và giảm 38,2%; thủy sản giảm 15% về trị giá.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với 9,9 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2014. Tiếp đến là thị trường EU với 9,4 tỷ USD, tăng 10,6%; ASEAN đạt 6,2 tỷ USD, tăng 2,7%; Trung Quốc đạt 4,9 tỷ USD, giảm 1,2%; Nhật Bản đạt 4,5 tỷ USD, giảm 5,8%; Hàn Quốc đạt 2,5 tỷ USD tăng 20,3%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 3/2015 đạt 14,7 tỷ USD, cao hơn 1,4 tỷ USD so với số ước tính, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác cao hơn 289 triệu USD; sắt thép cao hơn 211 triệu USD; vải cao hơn 148 triệu USD; hàng điện tử máy tính và linh kiện cao hơn 119 triệu USD; ô tô cao hơn 96 triệu USD; xăng dầu cao hơn 89 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu cao hơn 83 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Tư năm nay ước tính đạt 14,4 tỷ USD, giảm 2,3% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,7 tỷ USD, giảm 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,7 tỷ USD, giảm 2,6%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Tư tăng 19,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 6,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 29,7%.
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 4 tháng đầu năm ước tính đạt 53,1 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 9,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 32,4 tỷ USD, tăng 27,8%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh: Ô tô đạt 1,8 tỷ USD, tăng 96,4% (ô tô nguyên chiếc tăng 188,8%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 9,5 tỷ USD, tăng 44,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 7,5 tỷ USD, tăng 36,4%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,5 tỷ USD, tăng 30,5%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 1165 triệu USD, tăng 27,5%; sản phẩm chất dẻo đạt 1163 triệu USD, tăng 24,2%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 4 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch ước tính đạt 15,6 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2014; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 9 tỷ USD, tăng 25%; ASEAN đạt 8 tỷ USD, tăng 12%; Nhật Bản đạt 5 tỷ USD, tăng 39,1%; EU đạt 3 tỷ USD, tăng 13,4%; Hoa Kỳ đạt 2,5 tỷ USD, tăng 18,3%.
Tháng Tư nhập siêu 600 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, nhập siêu ước tính khoảng 3 tỷ USD, bằng 6% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 5,7 tỷ USD, cao hơn mức 3,8 tỷ USD của cùng kỳ năm 2014; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,7 tỷ USD, thấp hơn mức 5,8 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của nhập siêu 4 tháng đầu năm nay chủ yếu do tăng trưởng xuất khẩu thấp do giá dầu thô giảm làm kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 1 tỷ USD; xuất khẩu nhóm hàng nông sản giảm cả về lượng và giá trong khi nhập khẩu tăng mạnh, đặc biệt là nhóm máy móc thiết bị với kim ngạch tăng gần 3 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2015 tăng 0,14% so với tháng trước, chủ yếu do tác động từ đợt tăng giá xăng, dầu ngày 11/3/2015 (tác động đến CPI chung khoảng 0,2%) và việc điều chỉnh giá điện tăng 7,5% kể từ ngày 16/3/2015 theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT ngày 12/3/2015 của Bộ Công Thương (tác động đến CPI chung khoảng 0,07%). Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ, nhóm giao thông có giá tăng cao nhất với mức 2,47%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,84%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,32%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,19%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,14%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm gồm: Giáo dục tăng 0,01%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,01%; bưu chính viễn thông giảm 0,09%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,42% (Lương thực giảm 0,31% và thực phẩm giảm 0,54%, tác động làm CPI chung giảm 0,16%).
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2015 tăng 0,04% so với tháng 12/2014 và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm tăng 0,8% so với bình quân cùng kỳ năm 2014.
Chỉ số giá vàng tháng 4/2015 giảm 1,04% so với tháng trước; tăng 0,53% so với tháng 12/2014; giảm 5,36% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2015 tăng 0,74% so với tháng trước; tăng 0,93% so với tháng 12/2014 và tăng 2,11% so với cùng kỳ năm 2014.
Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách 4 tháng đầu năm ước tính đạt 1067,4 triệu lượt khách, tăng 7,1% và 47,9 tỷ lượt khách.km, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2014, bao gồm: Vận tải trung ương đạt 11,1 triệu lượt khách, tăng 3% và 12 tỷ lượt khách.km, tăng 6%; vận tải địa phương đạt 1056,3 triệu lượt khách, tăng 7,1% và 35,9 tỷ lượt khách.km, tăng 6,7%. Vận tải hành khách đường bộ 4 tháng đầu năm ước tính đạt 1006,4 triệu lượt khách, tăng 7,3% và 35,3 tỷ lượt khách.km, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; đường hàng không đạt 6,6 triệu lượt khách, tăng 6,9% và 10,3 tỷ lượt khách.km, tăng 6%; đường sắt đạt 3,5 triệu lượt khách, giảm 4,7% và 1,3 tỷ lượt khách.km, tăng 5,2%; đường biển đạt 1,8 triệu lượt khách, tăng 2,4% và 85,3 triệu lượt khách.km, tăng 2,3%.
Vận tải hàng hóa 4 tháng đầu năm ước tính đạt 356,2 triệu tấn, tăng 5,4% và 70,1 tỷ tấn.km, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải trong nước đạt 347 triệu tấn, tăng 5,6% và 29,1 tỷ tấn.km, tăng 6,5%; vận tải ngoài nước đạt 9,1 triệu tấn, giảm 0,3% và 41 tỷ tấn.km, giảm 1,4%. Vận tải hàng hoá đường bộ ước tính đạt 274,6 triệu tấn, tăng 5,9% và 14,4 tỷ tấn.km, tăng 6,8%; đường sông đạt 60,7 triệu tấn, tăng 4,9% và 11,9 tỷ tấn.km, tăng 5,5%; đường biển đạt 18,5 triệu tấn, tăng 0,7% và 42,2 tỷ tấn.km, giảm 1,3%; đường sắt đạt 2,3 triệu tấn, tăng 4,5% và 1,4 tỷ tấn.km, tăng 18,9%.
Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta trong 4 tháng đầu năm ước tính đạt 2,7 triệu lượt người, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 2235 nghìn lượt người, giảm 9%; khách đến bằng đường bộ đạt 439,1 nghìn lượt người, giảm 24,9%; khách đến bằng đường biển đạt 24,2 nghìn lượt người, giảm 29,8%.
Trong 4 tháng đầu năm, khách đến nước ta từ châu Á đạt 1733,7 nghìn lượt người, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số nước và vùng lãnh thổ có khách đến nước ta giảm nhiều: Trung Quốc 537,1 nghìn lượt người, giảm 33,2%; Ma-lai-xi-a 108,8 nghìn lượt người, giảm 6,1%; Cam-pu-chia 96 nghìn lượt người, giảm 28,1%; Thái Lan 72,8 nghìn lượt người, giảm 23,7%; Lào 35,5 nghìn lượt người, giảm 17%; Phi-li-pin 30,1 nghìn lượt người, giảm 16,1%; In-đô-nê-xi-a 18,9 nghìn lượt người, giảm 21,6%; Đài Loan 140,4 nghìn lượt người, giảm 2,7%. Một số quốc gia có khách đến nước ta tăng khá: Hàn Quốc 398,7 nghìn lượt người, tăng 33,4%; Xin-ga-po 70 nghìn lượt người, tăng 6,7%.
Khách đến nước ta từ châu Âu ước tính đạt 449,3 nghìn lượt người, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số quốc gia có lượng khách đến nước ta giảm: Nga 124,2 nghìn lượt người, giảm 19,9%; Pháp 82,3 nghìn lượt người, giảm 6,6%; Anh 76,9 nghìn lượt người, giảm 5,2%; Hà Lan 16,2 nghìn lượt người, giảm 4,9%. Một số quốc gia có lượng khách đến nước ta tăng: Đức 60 nghìn lượt người, tăng 0,6%; I-ta-li-a 14,6 nghìn lượt người, tăng 5%.
Khách đến từ châu Mỹ đạt 229,5 nghìn lượt người, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 184,4 nghìn lượt người, tăng 4,7%. Khách đến từ châu Úc đạt 127,7 nghìn lượt người, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khách đến từ Ôx-trây-li-a đạt 116,8 nghìn lượt người, giảm 8,3%.
Thiếu đói trong nông dân
Trong tháng 4/2015, cả nước có 33,6 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 142,4 nghìn nhân khẩu thiếu đói. So với cùng kỳ năm 2014, số hộ thiếu đói giảm 17%; số nhân khẩu thiếu đói giảm 20,9%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành và tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 12,1 nghìn tấn lương thực và 8,5 tỷ đồng, riêng tháng Tư hỗ trợ khoảng 2,4 nghìn tấn lương thực.
Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Trong tháng Tư, cả nước có 5,4 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 2,4 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 47 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (03 trường hợp tử vong); 22 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 11 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (02 trường hợp tử vong).
Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có hơn 12,7 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 9,2 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 136 trường hợp mắc bệnh viêm não virut (04 trường hợp tử vong); 81 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 24 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (02 trường hợp tử vong). Từ đầu năm, không ghi nhận thêm trường hợp nào mắc mới bệnh cúm A(H5N1).
Trong tháng đã phát hiện gần 1,3 nghìn trường hợp nhiễm HIV, tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 17/04/2015 là 224,6 nghìn người, trong đó 75,9 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Số người tử vong do AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 77,6 nghìn người.
Trong tháng, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 09 vụ ngộ độc thực phẩm làm 285 người bị ngộ độc, trong đó 04 trường hợp tử vong. Tính từ đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 32 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 1074 người bị ngộ độc, 10 trường hợp tử vong.
Tai nạn giao thông
Trong tháng Tư (từ 16/3 đến 15/4), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1732 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 810 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 922 vụ va chạm giao thông, làm 682 người chết; 491 người bị thương và 1091 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 15,8% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 6,9%; số vụ va chạm giao thông giảm 22,3%); số người chết giảm 8,6%; số người bị thương giảm 20,8% và số người bị thương nhẹ giảm 23,7%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 7584 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 3495 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 4089 vụ va chạm giao thông, làm 3027 người chết; 2137 người bị thương và 4933 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông 4 tháng giảm 12,2% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 3,2%; số vụ va chạm giao thông giảm 18,7%); số người chết giảm 4,6%; số người bị thương giảm 10,3% và số người bị thương nhẹ giảm 19,5%. Bình quân một ngày trong 4 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 63 vụ tai nạn giao thông, gồm 29 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 34 vụ va chạm giao thông, làm 25 người chết, 18 người bị thương và 41 người bị thương nhẹ.
Thiệt hại do thiên tai
Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai xảy ra trong tháng làm gần 700 ngôi nhà bị ngập, sạt lở, tốc mái; 7,9 nghìn ha lúa và 2,5 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng ước tính 236 tỷ đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm, thiên tai làm hơn 900 ngôi nhà bị ngập, sạt lở, tốc mái; 7,9 nghìn ha lúa và 2,5 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong 4 tháng ước tính khoảng 270 tỷ đồng.
Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường
Trong tháng Tư, trên địa bàn cả nước xảy ra 309 vụ cháy, nổ làm 10 người chết và 21 người bị thương, thiệt hại ước tính 75,9 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 1148 vụ cháy, nổ làm 37 người chết, 88 người bị thương, gây thiệt hại ước tính 252,9 tỷ đồng.
Trong tháng 4/2015, cơ quan chức năng đã phát hiện 640 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường, trong đó 292 vụ bị xử lý với tổng số tiền phạt hơn 24,7 tỷ đồng.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
[1] Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Cà Mau, Đăk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Khánh Hòa, Kon Tum, Long An, Ninh Thuận.
[2] Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Bình.
[3] Cùng kỳ năm trước ngành khai khoáng giảm 2,4%; ngành chế biến, chế tạo tăng tăng 7,5%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 10,6%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 5,8%.
[4] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.