VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tái cấu trúc nền kinh tế

Đánh giá về tái cơ cấu nền kinh tế trong năm 2014

07/01/2015 - 322 Lượt xem

Kết quả thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu mà Ngành Tài chính đã đạt được trong năm 2014:

1. Về tái cơ cấu đầu tư công: Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về phân cấp và quản lý đầu tư công; xác định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư và chủ đầu tư; rà soát danh mục các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn tín dụng đầu tư nhà nước có hiệu quả, các dự án đầu tư phải theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.  

2. Về tái cấu trúc thị trường tài chính:

- Đối với thị trường chứng khoán: Trong năm 2014, thị trường chứng khoán  tiếp tục tăng trưởng tích cực; tính đến ngày 22/12/2014, mức vốn hoá thị trường đạt 30,9% GDP, tăng 16,74% so với năm 2013; chỉ số VN-Index ở mức 537,54 điểm, tăng 6,52%%, chỉ số HNX-Index ở mức 82,55 điểm, tăng 21,68% so với cuối năm 2013; giá trị giao dịch tăng mạnh, bình quân phiên đạt 5,56 nghìn tỷ đồng (trong đó: giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt xấp xỉ 3 nghìn tỷ đồng; giao dịch trái phiếu Chính phủ đạt trên 2,5 nghìn tỷ đồng), gấp đôi năm 2013; đến ngày 18/12/2014 đã huy động 257 nghìn tỷ đồng qua thị trường chứng khoán, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2013 (trong đó đấu thầu trái phiếu đạt 220 nghìn tỷ đồng, tăng 13%; phát hành cổ phiếu ra công chúng 29 nghìn tỷ đồng, giảm 55% và huy động qua đấu giá cổ phần hoá và thoái vốn đạt 11 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so cùng kỳ năm 2013). Sự phát triển của thị trường chứng khoán đã có tác động tích cực đến việc huy động vốn cho đầu tư phát triển và tiến trình cổ phần hóa DNNN. Đây cũng là nền tảng để phát triển thị trường trong những năm tiếp theo. Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phát triển thị trường (trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam, ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước; đang xây dựng để trình Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động thị trường chứng khoán phái sinh); đồng thời, xây dựng các văn bản hướng dẫn về công bố thông tin, giao dịch, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm để sớm đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động thực tiễn. Nghiên cứu ban hành các chuẩn mực kế toán, kiểm toán mới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán có vấn đề về an toàn tài chính, thanh khoản; vi phạm các quy định về giao dịch; tăng cường công tác giám sát giao dịch, kịp thời phát hiện các dấu hiệu giao dịch bất thường, giao dịch nội bộ, thao túng giá chứng khoán... để xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, nhằm phát triển thị trường lành mạnh.

- Về thị trường bảo hiểm: Trong năm 2014 doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước tăng 14,2% so với năm 2013; các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 131,37 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2013. Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức đánh giá kết quả thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 tại 20 địa phương theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tiếp tục nghiên cứu khả năng mở rộng bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý kinh doanh bảo hiểm theo hướng tăng minh bạch, giảm rủi ro, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; bổ sung các quy định về bảo hiểm bảo lãnh, ban hành tiêu chí đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm.

3. Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Tiếp tục triển khai, thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 của BCH TƯ và Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, đã tích cực phối hợp, đôn đốc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tính đến tháng 11/2014, đã có 90/108 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước được cấp thẩm quyền phê duyệt đề án tái cơ cấu (trong đó: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án của 20/20 DN trực thuộc; các Bộ, UBND tỉnh phê duyệt 70/88 DN trực thuộc). Trong 11 tháng năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 177 doanh nghiệp (trong đó: cổ phần hóa 115 doanh nghiệp, sáp nhập 62 doanh nghiệp). Việc thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) cũng đạt những kết quả khả quan, với tổng vốn đầu tư đã thoái trong 10 tháng năm 2014 là 2.415 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy bước đầu đã đạt được kết quả nhất định, song tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa vẫn chậm so với mục tiêu yêu cầu đề ra; ngoài nguyên nhân khách quan do kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán, cổ phần hoá và thoái vốn; còn do nhận thức của một bộ phận cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu ở nhiều doanh nghiệp chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng và các lợi ích mang lại của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển KT-XH, nên chưa thật sự quan tâm, tập trung triển khai quyết liệt.

Đây là một trong các khâu mà ngành Tài chính phải đẩy mạnh trong năm 2015, nhằm đạt được mục tiêu
tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015 do Chính phủ đề ra.

Nguồn: Tạp chí Tài chính