Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước
Đổi mới và bài học từ láng giềng
15/05/2014 - 249 Lượt xem
Nếu như cách đây khoảng 5 năm thôi, đổi mới sáng tạo vẫn là một chuyện xa lạ với cộng đồng doanh nghiệp, thì thời gian gần đây, thuật ngữ "Đổi mới - Sáng tạo" đã gần như là câu cửa miệng của nhiều doanh nhân và nhà làm chính sách. Lý do: Tình trạng kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp phá sản hàng loạt, đã buộc các doanh nghiệp phải định hình lại chiến lược phát triển của mình. Thay vì đầu cơ hoặc nhắm đến những mục tiêu ngắn hạn, doanh nghiệp đã thấy nhu cầu cấp bách phải xây dựng chiến lược phát triển bền vững dựa trên sự đổi mới công nghệ và quản trị.
Với nhà quản lý, sự khó khăn kéo dài của nền kinh tế đã dẫn đến một nhiệm vụ mới: Phải tập trung cho đổi mới sáng tạo thì mới mong có được một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, hầu có thể trụ qua khủng hoảng và tạo đà cho sự phát triển của giai đoạn tiếp theo.
Như vậy, bàn về đổi mới sáng tạo bây giờ không còn là có cần thiết hay không, mà là làm như thế nào?
Có nhiều cách để tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Một trong những cách đó là tìm trong kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt ở những nước tương đồng về văn hóa và xuất phát điểm với Việt Nam, như Hàn Quốc và Singapore, để học hỏi kinh nghiệm. Đó là lý do vì sao bài viết này ra đời.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc.
Hàn Quốc có một sự tương đồng khá lớn với Việt Nam khoảng 50 năm về trước. Lúc đó, Hàn Quốc cũng vừa tạm thoát khỏi cuộc chiến Nam - Bắc, kinh tế khó khăn, công nghiệp hầu như không có gì. Ngoài sự tương đồng về văn hóa do đều chịu ảnh hưởng nặng của Nho giáo thì trình độ dân trí, trình độ khoa học kỹ nghệ của Hàn Quốc cũng tương tự, hoặc kém Việt Nam. Họ thậm chí còn nghèo hơn cả hơn nhiều nước nghèo của châu Phi lúc bấy giờ, với thu nhập bình quân đầu người năm 1960 chỉ 80 đô-la.
Vậy mà sau chưa đầy 40 năm, họ đã gia nhập câu lạc bộ các nước công nghiệp trên thế giới vào năm 1996.
Còn nhớ khi theo học ở Hàn Quốc đầu những năm 2000, tôi thường gặp các bà các cụ, tuy tuổi đã cao nhưng thi thoảng vẫn vào khuôn viên trường để nhặt rau dại. Ngoài sự cần cù thì điểm khác biệt nổi bật nhất, đập ngay vào mắt người quan sát, giữa họ và những người Hàn Quốc trẻ là chiều cao của họ rất khiêm tốn. Phần lớn các cụ bà tôi gặp đều có chiều cao khoảng 1,5m. Tình trạng của các cụ ông cũng không khá hơn nhiều. So với những người trẻ, thì họ thấp hơn khoảng 20cm.
Trong căng-tin, hoặc trên hè phố, chúng tôi thường bắt gặp những món ăn rất lạ, đơn giản vô cùng, nhưng luôn gợi lại thời gian khó. Chẳng hạn món Topokki, thoạt ăn vào có cảm tưởng chỉ như bột gạo ngào lên để luộc rồi trộn tương ớt. Nhưng khi hỏi ra, thì những người già trả lời, đó là những món của thời nghèo khó, nên người Hàn rất trân trọng, và đã trở thành một món truyền thống điển hình.
Rồi cũng còn nhớ, nhiều người Hàn Quốc khi biết tôi là người Việt Nam đã thanh minh rằng với tôi rằng, những năm 60, nhiều người đàn ông Hàn Quốc đã phải sang Việt Nam tham chiến vì nếu không, sẽ không có gì để ăn. Họ lấy làm day dứt vô cùng vì sự kiện này vì theo họ, đây là lần đầu tiên, người Hàn Quốc đi đánh nhau ở một nước khác.
Và trong thời gian hai năm ở Hàn Quốc, ít nhất cũng đã ba lần những người Hàn Quốc xin lỗi tôi vì sự việc này. Chung quy cũng chỉ vì nghèo, họ biện minh và hồi tưởng.
Vậy mà nay họ vượt cách xa ta một trời một vực, với thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25000 đô-la (danh nghĩa).
Vậy Hàn Quốc đã làm gì để vượt lên như vậy?
Câu trả lời ngắn gọn: Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc cách mạng công nghệ và quản trị để chấn hưng đất nước. Trọng tâm của cuộc cách mạng này không là gì khác hơn sự đổi mới sáng tạo ở mọi cấp bậc.
Điển hình cho việc này là việc thành lập Viện nghiên cứu khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) năm 1966. Thay vì thành lập một viện nghiên cứu cơ bản tân tiến, KIST được định hướng để đáp ứng nhu cầu về công nghệ mà các doanh nghiệp tư nhân đòi hỏi. Hệ quả của việc này là các nghiên cứu củ KIST được triển khai theo hướng hợp đồng, để kết quả nghiên cứu có thể ngay lập tưc được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh. Điều này cũng dẫn đến một thái độ làm việc mới: các nhà nghiên cứu của KIST đã chủ động đi tìm khác hàng thay vì ngồi chờ doanh nghiệp tìm đến.
Trong quản trị nội bộ, KIST cũng có một điểm đột phá: KIST được miễn kiểm toán và hoạt động hàng năm của KIST không cần chính phủ phê duyệt. Một dự luật đặc biệt dành cho KIST cũng được thông qua, "nhằm bảo đảm cho các nhà nghiên cứu tránh khỏi những rắc rối không cần thiết".
Ngân sách của viện KIST cũng được đảm bảo trực tiếp từ tổng thống Park Chung-hee. Hệ thống hành chính được xây dựng theo hướng hỗ trợ mọi mặt cho nghiên cứu, thay vì can thiệp trực tiếp vào nghiên cứu.
Là tổ chức tiên phong, nên tinh thần nghiên cứu theo hợp đồng mà KIST xây dựng đã lan tỏa đến mọi ngõ ngách của đời sống học thuật Hàn Quốc. Các chương tình nghiên cứu cảu các trường viện thường xuyên có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Các đề án nghiên cứu có sự tham gia của doanh nghiệp, với kế hoạch sử dụng sản phẩm nghiên cứu rõ ràng, thường được ưu tiên nhận tài trợ nghiên cứu.
Trong phòng thí nghiệm của trường đại học, người của công ty đến làm việc là chuyện rất thường thấy. Các học viên sau đại học hoặc nghiên cứu sinh cũng thường ra công ty để thực tập. Mối liên kết tự nhiên giữa trường viện và doanh nghiệp được hình thành và củng cố, trước hết phục vụ nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp, sau đó là phục vụ việc đào tạo của nhà trường.
Tất cả có được đều nhờ tinh thần nghiên cứu theo hợp đồng mà KIST đã tiên phong xây dựng.
Kết quả của các nghiên cứu có tính hướng đích rõ ràng này, cộng hưởng với sự lớn mạnh của các tập đoàn công nghiệp, lại được gia cố theo thời gian, đã làm cho nền công nghệ của Hàn Quốc luôn ở tình trạng kích thích để đổi mới liên tục. Tất cả đều hướng đến việc tạo ra những sản phẩm tốt nhất, cạnh tranh nhất, và các quy trình quản lý hiệu quả nhất.
KIST đã thành công và đóng góp to lớn cho sự phát triển của Hàn Quốc. Vậy bài học ở đây là gì?
Bài học thứ nhất là hãy chọn người có đức có tài, rồi tin tưởng họ và giao cho họ toàn quyền tự chủ trong các hoạt động khoa học công nghệ, hướng đến mục tiêu lớn là chấn hưng đất nước.
Bài học thứ hai là hãy bắt tay với cộng đồng doanh nghiệp ngay từ khi khởi động các nghiên cứu. Tốt nhất là nghiên cứu theo các đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Bài học thứ ba là thay vì đóng đô trong tháp ngà, các nhà nghiên cứu cần chủ động đi tìm các doanh nghiệp để giải các bài toán thực tế mà doanh nghiệp đang gặp phải. Chỉ có như thế, kết quả nghiên cứu mới đi thẳng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngày nay, hệ thống xây dựng và đánh giá chính sách khoa học công nghệ của Hàn Quốc đã phát triển hơn rất nhiều so với thời KIST mới được thành lập. Chẳng hạn, Viện Đánh giá và Quy hoạch KH&CN Hàn Quốc (KISTEP) đang đóng vai trò Think-Tank đối trong việc xây dựng các chính sách KH&CN của Hàn Quốc, đặc biệt trong việc hoạch định, dự báo, đánh giá và điều phối các chính sách.
Thông qua hoạt động của các cơ quan này, việc đổi mới sáng tạo của Hàn Quốc như vậy phần nào đã được thể chế hóa, và xây dựng thành quy trình để các tổ chức nghiên cứu phát triển cũng như giới công nghiệp nương tựa vào.
Nhờ đó, Hàn Quốc đã chuyển đổi thành công từ việc rượt đổi công nghệ, đến việc đổi mới sáng tạo để dẫn dắt sự phát triển của công nghệ cho thế giới, mà thành công của Samsung trong lĩnh vực điện tử là một điển hình.
Theo Bloomber, Hàn Quốc là nước hiện đứng đầu trong bảng xếp hạng về đổi mới sáng tạo năm 2014, với điểm số 92,1/100. Đây là phần thưởng xứng đáng cho các nỗ lực về đổi mới sáng tọa của Hàn Quốc trong suốt mấy chục năm qua, và xứng đáng để chúng ta học hỏi.
Kinh nghiệm Singapore
Tạm rời Hàn Quốc, chúng ta sang Singapore để học hỏi kinh nghiệm đổi mới sáng tạo của đất nước nhỏ bé trong cùng khu vực Đông Nam Á này.
Một trong những ấn tượng lớn nhất của tôi khi đến làm việc ở đây mấy năm về trước, là người Singapore, từ trên xuống dưới, ý thực một điều rất rõ: Singapore là nước nhỏ, không có tài nguyên, nên chỉ có thể phát triển nhờ nguồn lực con người. Vì thế, họ đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và phát triển khoa học, công nghệ. Chẳng hạn, chiến lược KH-CN hiện thời của Singapore (2015) nêu rõ: Cùng với tri thức, đối mới sáng tạo là hai động lực đảm bảo cho Singapore phát triển bền vững.
Còn nhớ khi mới đến ĐHàn QuốcG Singapore (NUS), khẩu hiệu làm tôi giật mình là: NUS: Doanh nghiệp tri thức (NUS: Knowledge Enterprise). Tức là trường đại học đã tự nâng mình lên trở thành một doanh nghiệp với mặt hàng chủ đạo là tri thức để bán cho cộng đồng.
Hình ảnh thường thấy của Singapore với người nước ngoài như một thiên đường du lịch và mua sắm, với một môi trường xanh sạch bậc nhất thế giới. Nhưng chỉ có ai làm việc ở đây mới biết rằng, Singapore còn là một nước công nghiệp phát triển. Và chính phủ Singapore luôn có những chính sách quyết đoán và đúng lúc để phát triển nền công nghiệp của mình, đặc biệt là những ngành công nghiệp cốt lõi. Tất cả đều hướng đến mục tiêu phát triển những sản phẩm công nghiệp chủ chốt cho Singapore, ở mức dẫn đầu thế giới.
Tinh thần này thấm nhuần đến từng trường đại học và viện nghiên cứu. Trong các đại học, các trung tâm hoặc viện nghiên cứu chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể và có liên hệ chặt chẽ với công nghiệp được xây dựng. Chẳng hạn, trong khuôn viên của ĐHàn QuốcG Singapore, có một viện chuyên sâu về lưu trữ dự liệu (Data Storage Institute) nhằm phục vụ ngành công nghiệp sản xuất ổ cứng máy tính. Chính những viện như thế sẽ là cầu nối trực tiếp để triển khai các nghiên cứu công nghiệp, cũng theo dạng hợp đồng, nhằm đẩy mạnh sự kết nối trường viện và doanh nghiệp, cũng như đẩy mạnh tốc độ đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp.
Ví dụ thứ hai là các trường đại học và viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về đổi mới sáng tạo, để truyền thông, gợi mở và nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo này đến từng nhân viên của mình.
Ví dụ thứ ba không thể bỏ qua là hệ thống các viện nghiên cứu trực thuộc Cơ quan phát triển Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (A-STAR) của Singapore. Cơ quan này được thành lập năm 1991 để thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ, đồng thời thu hút tài năng nước ngoài đến làm việc tại Singapore, với ưu đãi về thu nhập, nhằm phát triển nền kinh tế tri thức của Singapore.
Thật trùng hợp với bài học của Hàn Quốc, các Viện thuộc A-STAR cũng chủ yếu tiến hành nghiên cứu theo hợp đồng. Đó có thể là hợp đồng của chính phủ, hay các bộ ngành, hoặc hợp đồng của các doanh nghiệp.
Như vậy có thể thấy, để thúc đẩy liên kết trường viện với doanh nghiệp, và thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, thì cách tốt nhất là tiến hành các nghiên cứu theo chính đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải được tham gia vào các nghiên cứu này từ khâu đầu tiên và theo sát trong quá trình nghiên cứu, nhất là phần đánh giá, nghiệm thu kết quả. Có như thế, họ mới đủ tin tưởng để triển khai các kết quả này ra thực tiễn kinh doanh.
Ở mức vĩ mô, việc xây dựng các chiến lược khoa học và công nghệ đã được Singapore triển khai rất tốt. Nhưng điều họ làm tốt hơn là việc dám điều chỉnh những chính sách này khi thấy không còn phù hợp, hoặc thấy không đủ sức, để tập trung cho các lĩnh vực thế mạnh. Chẳng hạn, đầu những năm 2000, chính phủ Singapore có tham vọng phát triển ngành công nghiệp Y-Sinh, với mục đích trở thành một thung lũng y sinh và dược phẩm của thế giới. Kết hợp với ngành du lịch đang phát triển mạnh mẽ, đây quả là một tầm nhìn hoàn hảo.
Nhưng sau khoảng mười năm triển khai, kết quả đã không đạt như mong đợi. Chính phủ Singapore đã có những điều chỉnh đáng kể, mà nổi bật nhất là phát triển các nghiên cứu về xử lý nước, không chỉ để đảm bảo an ninh nước sạch cho mình, mà họ còn nhìn nhận rằng, nước sạch sẽ là một trong những vấn đề nóng toàn cầu trong thời gian tới. Ngày nay, công nghệ xử lý nước của Singapore đã được coi là dẫn đầu thế giới.
Với những kế hoạch, những điều chỉnh và nỗ lực không mệt mỏi như vậy trong hành trình đổi mới sáng tạo của cả nhà nước và doanh nghiệp, sau gần 50 năm kể từ ngày lập quốc, với nguồn nhân lực eo hẹp và không có bất cứ tài nguyên khoáng sản nào, Singapore đã vươn lên từ một làng chài nghèo để trở thành một trong những nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới, với thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 000 đô-la (danh nghĩa).
Cũng vì thế, năng lực đổi mới sáng tạo của Singapore đạt mức rất cao trong bảng xếp hạng toàn cầu. Theo Blooomberg, Singapre hiện đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2014, đạt mức 86,07/100 điểm.