VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Chính sách tài khóa - Chính sách tiền tệ

Điều hành chính sách tiền tệ: Những vấn đề đặt ra

31/03/2014 - 319 Lượt xem

Linh hoạt đổi mới phương thức điều hành

Từ cuối năm 2011 đến nay, trên cơ sở bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 và diễn biến kinh tế vĩ mô từng năm, NHNN đã xác định nhiệm vụ trọng tâm và kiên trì theo mục tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong đó, NHNN đặt trọng tâm vào các giải pháp cụ thể sau:

Một là, điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống;

Hai là, điều hành tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường, đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam; hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường vàng, từng bước sắp xếp và đổi mới căn bản thị trường vàng;

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng; triển khai đồng bộ và quyết liệt Đề án tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 và thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu.

Đồng thời với đó là đổi mới phương thức điều hành theo hướng điều hành linh hoạt, chủ động dẫn dắt, định hướng thị trường; Kết hợp hài hòa giữa điều hành khối lượng với điều hành giá cả; Phối hợp uyển chuyển giữa các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo bơm và hút tiền linh hoạt với điều kiện thị trường nhưng vẫn ổn định được tỷ giá.

Với việc linh hoạt đổi mới phương thức điều hành, NHNN đã góp phần vào tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Lạm phát bền vững giảm từ 18,13% (năm 2011) xuống còn 6,81% (năm 2012) và duy trì ổn định mức 6-7% (năm 2013 và đầu năm 2014).

Thị trường tiền tệ sau khi biến động và đầy rủi ro đến nay, đã dần ổn định và được cải thiện. Mức tăng tổng phương tiện thanh toán đã thấp hơn nhiều so với trước. Lượng tiền cung ứng phù hợp đã góp phần ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hoạt động và thanh khoản cho hệ thống TCTD. Nguy cơ đổ vỡ hệ thống theo đó được đẩy lùi, kỷ luật thị trường cũng dần được thiết lập.

Mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, chỉ trong vòng hai năm, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ mức 20-25%/năm về bằng mức lãi suất trong giai đoạn 2005-2006. Lãi suất cho vay tính đến cuối năm 2013, phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên 7-9%; Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác là 9-11%/năm. Đặc biệt, trong nửa cuối năm 2013, NHNN đã cho phép các TCTD thỏa thuận đối với lãi suất huy động bằng VND kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Việc làm này cho thấy hệ thống NHNN đã rất nỗ lực chia sẻ, hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản xuất kinh doanh.

Nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tăng cường trong quản lý thị trường ngoại hối, đã góp phần cải thiện và nâng cao niềm tin vào VND, hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Những rào cản phía trước

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng trước những dự báo nền kinh tế thế giới sẽ còn nhiều khó khăn và đầy biến động, hệ thống ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro và những thách thức, cụ thể như: Kinh tế vĩ mô có những dấu hiệu tích cực song còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa ổn định vững chắc; tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào cầu nước ngoài; sức mua trong nước yếu; lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trở lại.

Bên cạnh đó, dòng vốn vẫn “tắc nghẽn” trong hệ thống ngân hàng, nợ xấu lại ở mức cao; Quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng diễn ra chậm; Tiến trình xử lý nợ xấu phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường. Đặc biệt là về tín dụng, tuy đã được cải thiện song mức tăng trưởng vẫn thấp cho dù NHNN đã rất quyết liệt trong việc linh hoạt, đổi mới phương thức điều hành để đẩy mạnh tín dụng trong mấy năm qua.

Nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, tổng cầu yếu, vốn khả dụng của các TCTD luôn dư thừa, mặt bằng lãi suất giảm mạnh, hàng tồn kho tăng cao cho nên nhu cầu vay vốn là rất thấp. Điều này được thể hiện rõ ràng qua các Hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố thời gian qua. Số lượng doanh nghiệp tiếp cận được tới vốn vay là rất ít. Có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng không vay được vốn, không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do tình hình tài chính yếu kém, báo cáo tài chính không rõ ràng, nợ đọng ngân sách lớn…

Hiện nay, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng tuy đã có song được thực hiện không nhiều bởi sức cầu của thị trường yếu, tồn kho vẫn là mối lo ngại của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có tới 73% phản hồi cho rằng hàng tồn kho thực sự là mối lo ngại của doanh nghiệp. Điều đó cũng khiến các TCTD thận trọng hơn khi cho vay… Như vậy, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không còn là nhiệm vụ mà ngành Ngân hàng có thể tự thân giải quyết, mà cần tới sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cần có sự phối hợp của liên ngành, khi đó mới có thể giải quyết căn bản những yếu kém, nâng cao nội lực kinh tế, nắn dòng vốn đến từng lĩnh vực và thành phần kinh tế hiệu quả.

Giải pháp điều hành hiệu quả

Trước bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến khó lường, Chính phủ tiếp tục kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, giải quyết nợ xấu, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh. Trên tinh thần đó, NHNN đã định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động cho năm 2014 và những năm tiếp theo là tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ. Chủ động điều hành linh hoạt tiền cung ứng và các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo thanh khoản và hỗ trợ nguồn vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế. Đồng thời, điều hành lãi suất phù hợp và điều tiết lãi suất, góp phần ổn định thị trường, tháo gỡ khó khăn cho thị trường, hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu theo Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD ban hành kèm theo Quyết định 843/QĐ-TTg; Tạo khuôn khổ pháp lý cho VAMC, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu; Điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định giá trị VND; Cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối; Bình ổn thị trường vàng, chống “vàng hóa” nền kinh tế. Đặc biệt, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại các TCTD, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm hỗ trợ quá trình tái cấu trúc hệ thống các TCTD, tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các TCTD hoạt động an toàn và lành mạnh.

Ngoài ra, tiếp tục tính toán và xây dựng các kịch bản điều hành chính sách tiền tệ để đối phó với khả năng lạm phát tăng cao trở lại khi cầu phục hồi và giá cả các mặt hàng Nhà nước quản lý tiếp tục thực hiện lộ trình tăng giá; Nâng cao chất lượng dự báo thống kê tiền tệ nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin và ứng phó kịp thời trước những biến động của nền kinh tế.

Năm 2014, trong khuôn khổ triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, NHNN kiên trì, tiếp tục điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đạt mục tiêu đặt ra; Củng cố những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2012-2013 về kiềm chế lạm phát (mục tiêu là 5-7%), ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; Duy trì sự ổn định các thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá và vàng. Đẩy mạnh các giải pháp cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu theo đúng lộ trình; Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các TCTD.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 3 - 2014

Nguồn: tapchitaichinh.vn