Kinh tế xanh
DN vừa và nhỏ chưa mặn mà với tăng trưởng xanh
17/03/2014 - 700 Lượt xem
Phát biểu tại diễn đàn “Kinh doanh xanh - con đường hướng tới phát triển bền vững” được tổ chức ngày 14-3 tại Hà Nội, bà Laura Altinger, chuyên viên cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho biết, hiện nguồn vốn và tài nguyên của trái đất đang bị sử dụng kém hiệu quả, lãng phí, đe dọa đến tính bền vững lâu dài của tăng trưởng kinh tế và những tiến bộ đạt được về mặt phúc lợi xã hội.
Do vậy, bà nói: “Tăng trưởng xanh chính là công cụ thiết yếu để đạt được phát triển bền vững”.
Song, bà Altinger cho rằng, đầu tư tăng trưởng xanh của Việt Nam vẫn thấp, chỉ chiếm 0,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mặc dù chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2012, nhưng cho đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa mặn mà với các chính sách xanh.
Trong lúc doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với việc giải quyết hàng tồn kho, tìm kiếm và mở rộng thị trường, bảo hộ thương hiệu, tiếp cận vốn vay... họ cũng phải tiếp tục lo thêm một khoản vốn đầu tư ban đầu khá cao khi thực hiện các dự án về sản xuất sạch, tăng trưởng xanh. Thế nhưng, việc tiếp cận vốn vay vẫn còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, và hiện chưa có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn để phát triển kinh tế xanh.
Cũng tại hội thảo quốc tế “Tiếp cận tài chính cho tăng trưởng xanh và Chiến lược phát triển ít phát thải” diễn ra từ ngày 12 đến 14-3 tại Việt Nam, có ý kiến từ phía doanh nghiệp cho rằng để vay vốn chuyển đổi mô hình sản xuất sang tăng trưởng xanh thì cần có tài sản thế chấp, chưa kể lãi suất khá cao và thời hạn cho vay thường ngắn trong khi để kiếm chứng hiệu quả đầu tư phải chờ tới vài năm. Việc tiếp cận nguồn vốn ODA còn nhiều khó khăn và vướng mắc, và vì nguồn vốn này vẫn chủ yếu dành cho các dự án cấp bộ, cấp trung ương...
Một thách thức nữa đối với doanh nghiệp khi chuyển đổi mô hình kinh doanh xanh là vấn đề quản trị và minh bạch thông tin. Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, cho rằng: “cần phải hài hòa giữa ba yếu tố quản trị tài chính, quản trị con người và quản trị tài nguyên thiên nhiên. Trước hết những người quản trị doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh tế xanh, quan tâm thực sự tới vấn đề môi trường”.
Bên cạnh đó, cần đưa chỉ số môi trường vào trong báo cáo một cách minh bạch, niêm yết công khai.
Bà Altinger cho rằng doanh nghiệp chính là người hưởng lợi đầu tiên từ tăng trưởng xanh. "Tăng trưởng xanh không hề tốn kém bởi phần lớn hoạt động tăng trưởng xanh có thể tự trang trải cho các chi phí của chính nó, và các doanh nghiệp tư nhân sáng tạo luôn luôn kiểm soát được chi phí”, bà nhấn mạnh.
Chia sẻ tại diễn đàn, Tổng giám đốc Công ty May 10, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ: “Thực ra kinh tế xanh không phải thứ gì quá lớn lao, mà đơn giản nhất là việc sử dụng tiết kiệm năng lượng điện, nước ngay tại chính doanh nghiệp - điều mà không phải cứ doanh nghiệp lớn mới làm được”.
Ông Bùi Cát Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, tăng trưởng xanh sẽ là con đường duy nhất để các doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Nguồn: thesaigontimes.vn
Tin tức khác
Lựa chọn kinh doanh xanh: Đòn cân não
18/03/2014