VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Ba đột phá trong chiến lược phát triển

Kinh tế Việt Nam 2014: Đột phá thể chế, chấp nhận cạnh tranh

23/01/2014 - 125 Lượt xem

Cơ cấu thị trường thế giới thay đổi

Những ngày này, thông tin về những biến động chính trị, kinh tế mới của thế giới khiến không chỉ các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo điều hành và cả doanh nghiệp phải liên tục cập nhật. Thế giới đang chứng kiến sự thay đổi cơ bản trong cơ cấu kinh tế. Các mối liên kết kinh tế lớn đang hình thành như: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP); Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chỉ riêng 3 hiệp định thương mại này khi chính thức có hiệu lực sẽ tạo nên một khu vực kinh tế chiếm 80% tổng GDP toàn thế giới, làm thay đổi trật tự thương mại toàn cầu.

Như vậy, bức tranh kinh tế thế giới sẽ thay đổi cơ bản sau năm 2014. Để bắt kịp những thay đổi này, Việt Nam cần có những bước đi nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế, chuẩn bị khẩn trương cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế sẵn sàng hội nhập trong tư thế chủ động cao, vừa bảo vệ sản xuất trong nước, vừa sẵn sàng chấp nhận hội nhập cạnh tranh bình đẳng. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2014.

Năm mới sang, kinh tế Việt Nam đã có những bước khởi đầu tốt khi có thể nói “đà suy giảm đã chấm dứt, đà phục hồi đang lên”. Nhưng quả thực, mừng ít lo nhiều khi bức tranh nền kinh tế vẫn ở gam màu trầm với vài điểm sáng chứ chưa có được những mảng màu sáng là chủ đạo.

Nền kinh tế còn rất nhiều thách thức lớn: Tổng cầu vẫn yếu và chưa có động lực để tăng trưởng; sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn; môi trường đầu tư và kinh doanh đang dần đi xuống, kém hấp dẫn; doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả; năng suất lao động của nền kinh tế đang thấp...

Nhiều vấn đề nổi lên rất cấp bách của nền kinh tế đều chưa được “xử lý bài bản” như: nợ xấu của nền kinh tế; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; phát triển nông nghiệp, nông thôn; tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình phát triển kinh tế; vấn đề biến đổi khí hậu gắn với xử lý môi trường; vấn đề chuẩn bị hành trang của các DN Việt Nam, của các nền kinh tế khi Việt Nam gia nhập và triển khai thực hiện các hiệp định thương mại đã ký, sắp ký với các nước đối tác...

Xử lý tất cả những vấn đề trên không chỉ có tác động trung hạn, dài hạn đến phát triển của nền kinh tế Việt Nam mà còn nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện tại, do đó cần phải có quyết tâm chính trị, một bản lĩnh cao, dám chịu trách nhiệm của bộ máy Nhà nước và những người có trách nhiệm.

 

Đột phá chứ không chỉ là giải pháp tình thế

 

Từ bức tranh kinh tế 2013, càng thấy cần phải có những giải pháp tháo gỡ mang tính đột phá để nền kinh tế năm nay thoát khỏi tình trạng “vẫn khó khăn và tăng trưởng thấp”.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đã thoát khỏi khủng hoảng và đang hồi phục mạnh mẽ hơn thì kinh tế Việt Nam lại đang phải vật lộn với những khó khăn “mang tính hệ thống nội tại” là chính. Các giải pháp mang tính tình huống sẽ không có tác dụng lớn mà thay vào đó phải là giải pháp đột phá để xoay chuyển tình thế, nhằm đưa kinh tế Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng tăng trưởng chậm chạp hiện nay. Trong đó, đặc biệt cần tập trung vào một số ưu tiên:

Một là, phải thay đổi tư duy để hình thành sớm thể chế kinh tế, mà trước hết là những cơ chế, chính sách đột phá cho nền kinh tế. Muốn đạt được điều đó, phải thay đổi tư duy quản lý cũ, tư duy trên cơ sở phát triển của thời đại, của hội nhập toàn diện, của cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh.

Hai là, cần đồng thuận trong tư duy, quan điểm, hành động để các cơ chế, chính sách đột phá được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và đến nơi đến chốn, không nửa vời. Đây là điều kiên quyết. Có như vậy, sự phối hợp cộng tác giữa các quan chức, giữa các cơ quan Nhà nước, giữa bộ và địa phương... mới thật sự và đưa các cơ chế, chính sách vào cuộc sống.

Ba là, nhanh chóng xây dựng và củng cố niềm tin cho sản xuất kinh doanh và cho người dân. Muốn vậy, phải củng cố, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh mà mấu chốt là khẳng định cơ chế, chính sách ổn định trong thời gian dài để các nhà đầu tư yên tâm và có cơ sở để thiết kế chiến lược đầu tư. Thiết kế cơ chế, chính sách phải minh bạch, rõ ràng, tránh tình trạng chung chung để trong quá trình vận dụng “mỗi lúc một khác”.

Bốn là, bộ máy công quyền phải được ưu tiên và kiên quyết củng cố. Chức năng, nhiệm vụ phải rõ ràng, tránh trùng lắp, phải có cơ quan chịu trách nhiệm chính. Số lượng cán bộ công chức phải tinh giản tối đa; tách hẳn sản xuất kinh doanh ra khỏi quản lý Nhà nước. Thiết lập lại vai trò Nhà nước trong quản lý kinh tế.

Ngoài ra, vấn đề xử lý nợ xấu và hạch toán nợ công cũng phải được thực hiện thông qua một chiến lược, kế hoạch rõ ràng mang tính tổng thể, đồng bộ. Các số liệu về nợ xấu, nợ công phải được thống kê đầy đủ để có cơ sở đánh giá.

2014 là năm rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam. Điều kiện khó khăn của kinh tế năm 2013, 2014 cũng là thời cơ tiến hành các cải cách cần thiết như sắp xếp lại bộ máy công quyền, tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế và xử lý nợ xấu trên một quan điểm cải cách và thị trường. Hy vọng kinh tế sẽ có đột phá vào sau năm 2014.

 

Nguồn: thoibaonganhang.vn