Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước
Điều chỉnh chính sách của Mỹ khiến toàn cầu lo nghĩ (28/8)
28/08/2013 - 245 Lượt xem
Hậu “vốn rẻ” là quan ngại
Cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang chuẩn bị rút dần các chương trình kích thích kinh tế, ngày càng xuất hiện nhiều quan ngại cho rằng, sự đảo ngược chính sách này của Mỹ có thể khiến nhiều nền kinh tế mới nổi có thể rơi vào tình trạng sụp đổ dây truyền.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu Fed “có thèm” để tâm đến điều này? Đây cũng chính là một trong những vấn đề trọng tâm chiếm phần lớn thời lượng trong cuộc họp Thống đốc NHTW các nước tại Jackson Hole, Wyo (Mỹ) do Fed tổ chức vào cuối tuần qua.
Trong khi Fed nỗ lực để cứu nền kinh tế Mỹ trong 4 năm vừa rồi thông qua việc đưa lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục và liên tiếp đưa ra các chương trình mua trái phiếu thì USD đã liên tục giảm khiến các nhà đầu tư (NĐT) tìm đến các thị trường có độ rủi ro cao hơn đi cùng với khả năng sinh lời cũng cao hơn. Và các thị trường đang nổi chính là những đích đến của dòng vốn đó.
Các thị trường đang nổi như Ấn Độ, Brazil, Indonesia hay các nước ở khu vực Đông Âu đều đã được hưởng lợi từ các dòng vốn bằng đồng USD chảy đến với họ trong những năm này.
Giá bất động sản tăng tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan; giá chứng khoán tăng mạnh tại Trung Quốc, Mexico và Nga; các khoản tín dụng trở nên dễ dàng hơn với người vay ở các quốc gia như Brazil, Trung Quốc, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ… Tất cả đều cho thấy một sự nới lỏng trong chính sách tiền tệ (CSTT) của Mỹ đã khiến nhiều nền kinh tế đang nổi “có dịp” hưởng lợi.
Nhưng nay, khi dư luận cho rằng Fed chuẩn bị giảm dần và có thể chấm dứt các chính sách kích thích kinh tế của mình, đồng USD lập tức đảo chiều tăng lên so với tất cả các đồng tiền khác, nhất là đồng Real của Brazil, đồng Rupee của Ấn Độ và đồng Rupiah của Indonesia. Việc các NĐT đang rút tiền khỏi các nền kinh tế này, gây ra những quan ngại về một cơn hoảng loạn sắp diễn ra.
“Thông tin về việc Fed có thể rút khỏi các chương trình nới lỏng (QE) không chỉ quan trọng đối với người dân Mỹ mà với cả thế giới bên ngoài. Những phản ứng từ các thị trường mới nổi đều cho thấy, quyết định của Fed quan trọng đến thế nào với họ” - Glenn Hubbard, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Columbia và từng là cố vấn dưới thời Tổng thống George W. Bush nhìn nhận.
Và đây là kịch bản mà sự hoảng loạn và khủng hoảng có thể xảy ra: Do tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi sụt giá, xuất hiện nỗi sợ hãi rằng những người vay tại các nền kinh tế này sẽ không thể trả được các khoản vay bằng đồng USD mà họ đã vay. Và nếu tình trạng này diễn ra đồng loạt trên một diện rộng, các ngân hàng trong nước của họ sẽ “lãnh đủ” và thậm chí rơi vào tình trạng sụp đổ.
Trong khi đó, việc các đồng tiền của họ mất giá không có nghĩa là giá hàng hóa thiết yếu sẽ cũng giảm xuống. Tại những nước phải nhập khẩu lương thực hoặc dầu mỏ từ nước ngoài – thường bằng USD và đây đều là những hàng hóa thiết yếu thì giá tiêu dùng với các mặt hàng này đối với mỗi người dân thậm chí còn trở nên đắt đỏ hơn.
“Đó là một công thức cho tình trạng bất ổn định chính trị” - Philippa Malmgren, Chủ tịch Quỹ Quản lý Tài sản Principals, cựu cố vấn kinh tế dưới thời Tổng thống Bush nhận xét. “Thật nực cười, họ (tức người dân các nước đang nổi - PV) đang thậm chí phải gánh chịu lạm phát cao hơn và đây là vấn đề đáng chú ý.
Hiện người dân ở các thị trường đang nổi phải dành từ 40% đến 70% thu nhập của mình chỉ để chi tiêu cho lương thực và thực phẩm. Khi người Mỹ phải cằn nhằn về hóa đơn thực phẩm của họ tăng lên, mà thực sự đối với họ biến động như vậy vẫn là rất nhỏ, thì ngược lại, với các thị trường mới nổi, biến động ấy đã là cuộc sống và cái chết”.
Hợp tác chính sách – ai cũng muốn nhưng khó làm
Tại cuộc họp các Thống đốc NHTW các nước tại Jackson Hole vừa qua, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng, các NHTW lớn trên thế giới, đặc biệt như châu Âu và Nhật Bản không nên rút các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế quá sớm và việc rút này cũng cần tính tới những tác động toàn cầu mà nó có thể gây ra.
Cụ thể, theo bà Lagarde, việc các nền kinh tế phát triển dừng CSTT nới lỏng sẽ làm chậm đà tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Một trong những nguyên nhân được người đứng đầu IMF chỉ ra là do CSTT nới lỏng tại các nền kinh tế phát triển trong suốt thời gian qua đã khiến dòng vốn vào các nền kinh tế đang nổi tăng lên. Và nay nếu các chính sách này được thay đổi đột ngột sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với các nền kinh tế đang nổi cũng như ảnh hưởng chung đến toàn cầu.
“Không một quốc gia là một hòn đảo riêng lẻ”, bà Lagarde nói. “Trong thế giới kết nối với nhau sâu rộng ngày nay, các chính sách trong nước cũng sẽ có tác động lan tỏa đến những nước khác. Cần nhìn đến các tác động rộng lớn hơn bởi ngoài lợi ích của chính các bạn (công dân của quốc gia đưa ra một chính sách - PV) còn có lợi ích của chúng tôi và tất cả chúng ta”.
Có lẽ không khó để thấy việc NHTW các nước, đặc biệt là tại các nền kinh tế đang nổi đã nỗ lực phối hợp CSTT để giảm bớt những căng thẳng và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu vừa qua.
Hoạt động phối hợp của khối BRICS, các nước khu vực Balkans, Biển Đen và Trung Á… đã cho thấy điều đó. “Chúng ta đã phối hợp tốt để hạn chế tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Giờ là lúc chúng ta cần tiếp tục phối hợp tốt hơn để giảm thiểu những tác động tiêu cực sau QE3 của Fed” – ông Ardian Fullani, Thống đốc NHTW Albania phát biểu tại cuộc họp vừa qua.
Nhưng có lẽ, với Mỹ, một sự hợp tác như vậy sẽ không dễ dàng, ít nhất là về mặt chính trị. Bởi, việc tính đến lợi ích của các nước khác của Fed sẽ xung đột trực tiếp với luật của Mỹ.
Quốc hội Mỹ đã giao trách nhiệm cho Fed phải triển khai các chính sách làm sao để đảm bảo tối đa việc làm cho người Mỹ và giữ cho giá cả trên đất Mỹ ổn định. Họ không nói một chút nào về việc điều này sẽ ảnh hưởng ra sao đến lương thực hay thu nhập của người lao động ở những quốc gia khác như Ấn Độ hay Indonesia.
“Theo luật pháp của Mỹ, Fed phải tập trung toàn lực vào các vấn đề trong nước. Vì thế, bất cứ quan điểm nào muốn thúc đẩy hợp tác ra bên ngoài biên giới Mỹ cũng sẽ gặp phải những xung đột” – Chuyên gia kinh tế Alan Blinder, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang nhận định.
Và cũng bởi thế nên mong muốn tăng cường phối hợp điều hành CSTT tốt hơn nữa giữa các nước, đặc biệt từ Mỹ dù ai cũng muốn nhưng vẫn rất xa vời.
Nguồn: Thời báo Ngân hàng