Tái cấu trúc nền kinh tế
Cải tổ ngân hàng: Mới chỉ ‘chữa cháy’
06/03/2012 - 326 Lượt xem
Hệ thống ngân hàng ở Việt Nam từ 2006 đến nay có những bước tăng trưởng ồ ạt về số lượng ngân hàng cũng như giá trị tổng tài sản, và từ tăng trưởng nhanh của tỷ lệ M2/GDP đến tăng trưởng tỷ lệ tiền gửi/GDP. Bên cạnh đó, tỷ lệ Tiền mặt lưu thông/Tổng khối lượng tiền gửi lại giảm xuống, do sự tăng gia dùng ngân phiếu, cho thấy điều đáng mừng trong vai trò trung gian (intermediation) gia tăng của hệ thống ngân hàng, đã tác động không nhỏ lên độ tăng trưởng cao của nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc áp dụng Nghị quyết 11 từ tháng 2/2011 nhằm kiềm chế lạm phát, cùng tình trạng nợ xấu và thiếu thanh khoản phát hiện do tác động của thị trường bất động sản (BĐS) sụt giảm, cũng đã làm lộ rõ hàng loạt những rủi ro tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng.
Bài viết này nhằm đưa ra những cảnh báo từ những chỉ tiêu liên quan đến hệ thống ngân hàng hiện tại, và đưa ra vài đề xuất chính sách cải tổ một cách bền vững thay vì chỉ là nhằm "chữa cháy" trong ngắn hạn.
Tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán và lạm phát
Theo biểu đồ trên, tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán tăng mạnh từ năm 2006 và bắt đầu suy giảm từ năm 2008, đi kèm theo nó là hệ lụy lạm phát với độ trễ 6-12 tháng. Chính sách thắt chặt tiền tệ năm 2011 sẽ có thể giúp giảm lạm phát năm 2012. Một phần khác tăng trưởng cung tiền đi kèm với tăng trưởng tín dụng cho thấy nền kinh tế hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đầu tư rất cao.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tăng mạnh vào năm 2007 và nửa đầu năm 2008 góp phần làm gia tăng lạm phát vào năm 2008. Ngay sau đó, Chính phủ đã phải áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ vào nửa cuối năm 2008 giúp kiềm chế lạm phát năm 2009. Nhưng từ giữa năm 2009, do nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đều rơi vào trạng thái suy thoái, Chính phủ lại đã bắt đầu thả lỏng chính sách tiền tệ và lạm phát bắt đầu tăng trở lại từ 2010 đến cuối năm 2011. Vào tháng 2/2011, Chính phủ ban hành nghị quyết 11 với quyết tâm kiềm chế lạm phát từ quý II/2011 và sang cả năm 2012 theo độ trễ của chính sách.
Như vậy, chính sách tiền tệ mở rộng cùng tăng trưởng tín dụng trong thời gian dài đã làm lạm phát tăng cao trong khi tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại trong 3 năm qua, điều này phần nào cho thấy hiệu quả kém của việc đầu tư (được thể hiện khá rõ với chỉ số ICOR gia tăng đáng kể từ 2003 đến 2011). Thực tế cũng cho thấy luồng tiền đầu tư chảy vào BĐS khá nhiều đã gây nên bong bóng BĐS từ 2 năm qua.
Những bất ổn chính trong hệ thống ngân hàng hiện nay
Số lượng bù đắp chất lượng có đem lại sự phát triển bền vững hay càng làm tăng thêm bất ổn cho hệ thống ngân hàng?
Hiện nay, hệ thống ngân hàng có hơn 100 ngân hàng thương mại với đa số là ngân hàng nhỏ có dịch vụ tương tự như nhau, chưa kể đến các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, các quỹ tín dụng... So với các nước trong khu vực, chẳng hạn như Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới cũng chỉ có khoảng 20 ngân hàng, Thái Lan có kinh tế lớn hơn Việt Nam cũng có không quá 20 ngân hàng, Malaysia cũng có khoảng 10 ngân hàng,... thì số lượng ngân hàng của Việt Nam là quá nhiều.
Trong khi đó, thị trường lại quá hạn hẹp với khoảng 12% dân số có thu nhập trung bình trở lên là có tài khoản ngân hàng. Số lượng ngân hàng tăng lên quá nhanh so với quy mô cũng như sự phát triển của nền kinh tế, các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng Việt Nam vừa thiếu và vừa yếu, đặc biệt là các ngân hàng cổ phần nhỏ. Do đó, để có thể cạnh tranh, thu hút được khách hàng và tồn tại được trong môi trường cạnh tranh gay gắt đã buộc các ngân hàng phải có "mánh khóe" kinh doanh riêng của mình, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thiếu minh bạch; đạo đức ngân hàng ngày càng giảm sút và sự quản trị rủi ro không còn được chú trọng. Đó là hệ quả của việc phát triển theo số lượng, bỏ quên chất lượng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong nhiều năm qua.
Thiếu vốn tự có và hệ lụy của trào lưu đầu tư chéo
Từ trước tới nay, giới chuyên gia, cơ quan quản lý mới chỉ nhìn vấn đề tỷ lệ vốn góp dưới giác độ là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp, mà việc các ngân hàng đầu tư vào nhau chưa quan tâm nhiều. Giờ đây, khi hoạt động ngân hàng đang bị "xem xét" và "điều chỉnh" lại cho an toàn, lành mạnh hơn thì việc nhiều ngân hàng đang là cổ đông lớn của một số ngân hàng khác khiến mọi người không khỏi lo ngại. Những con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy hiện nhiều ngân hàng đang đầu tư chéo nhau, ngân hàng này góp vốn cho ngân hàng kia. Sự đầu tư vòng quanh và tràn lan như vậy dễ gây nhiều rủi ro cho hoạt động ngân hàng.
Hoạt động đầu tư chéo giữa các ngân hàng đã trở thành một chiến lược phổ biến của các ngân hàng nhất là trong giai đoạn 2006-2007, khi các ngân hàng nông thôn cần vốn để được chuyển đổi thành ngân hàng đô thị. Đầu tư chéo đã đem lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng nhỏ bên cạnh đạt được mục tiêu tăng vốn như được hưởng lợi về kinh nghiệm và nghiệp vụ kinh doanh từ các ngân hàng lớn, đồng thời mở rộng thị phần, thêm khách hàng, dự án mới. Đây cũng là cách để các ngân hàng lớn mở rộng mạng lưới kinh doanh và bành trướng cả chiều ngang lẫn chiều dọc.
Với hình thức đầu tư chéo, tổng vốn thực có của các ngân hàng sẽ thấp hơn nhiều so với con số báo cáo, khi đó nguồn vốn đầu tư vào các ngân hàng trở nên kém thực chất, làm giảm sức mạnh của toàn hệ thống, gây bất lợi trong cuộc cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế đã và đang đổ bộ vào Việt Nam.
Những hoạt động kinh doanh thiếu kiểm soát, sự nhập nhằng trong việc cho vay, trong thẩm định đối tượng vay và cung ứng nguồn vốn vay khi ngân hàng này đẩy khách hàng không đạt chuẩn cho ngân hàng khác vì đang nắm giữ cổ phần chi phối. Điều này đã góp phần đẩy tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam tăng nhanh, và con số thực tế còn rất cao.
Trong thời gian tới, nhiều ngân hàng vẫn đang lên kế hoạch tăng vốn. Do đó, nếu hiện tượng đầu tư chồng chéo không được hạn chế thì rủi ro sẽ không chỉ dừng ở vấn đề thanh khoản hay nợ xấu mà còn là nguy cơ đổ vỡ dây chuyền khi nguồn vốn thực có của các ngân hàng không đủ sức để chống đỡ.
Bất ổn về cơ cấu tiền gửi theo kỳ hạn và tình trạng thiếu thanh khoản dẫn đến sự kinh doanh chụp giật, lách trần lãi suất huy động là hiện tượng phổ biến của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua.
Xét về nguyên lý đường cong lãi suất "gửi càng lâu, lãi suất càng cao" thì diễn biến trên thị trường đang theo chiều ngược lại: trong cấu trúc hiện tại, ngoài lãi suất 6% hay lãi suất không kỳ hạn nhỏ hơn áp dụng cho tiền gửi dưới một tháng, các lãi suất kỳ hạn ngắn dài trên 1 tháng đều như nhau - tiền gửi một tháng và tiền gửi trên một năm hay lâu hơn đều thẳng băng ở cùng mức 14%/năm. Hệ quả là tiền gửi thanh toán chiếm tỷ trọng cao nên đã gây bất ổn đến cơ cấu nguồn vốn ổn định cho ngân hàng, làm cho việc cấp tín dụng ra nền kinh tế rất khó khăn, khách hàng muốn vay dài hạn thì rất khó so với vay ngắn hạn và nếu vay được thì phải chịu mức lãi suất rất cao.
Mặc dù NHNN đã có quy định về trần lãi suất 14% nhưng trên thực tế ngay cả ở thời điểm quý 1/2012, các ngân hàng vẫn có nhiều cách thức "lách" khác nhau để đưa ra mức lãi suất huy động cao hơn (khuyến mãi, dự thưởng... ). Rất hiếm như ở Việt Nam, người gửi tiết kiệm lại được "mặc cả" với ngân hàng về lãi suất (như trước ngày họp "đồng thuận" của G12+1).
Cải tổ ngân hàng: Mới là biện pháp hành chính
Trong vài năm qua, nền kinh tế nước ta đã quen thuộc và "ưa thích" các công cụ hành chính ngắn hạn hơn là các công cụ điều tiết bền vững của cơ chế thị trường. Tâm lý và thói quen này đã giúp cho các biện pháp hành chính mà NHNN liên tiếp đưa ra trong năm qua và ngay cả mới đây, có hiệu lực "chữa cháy" nhưng lại được tin tưởng mơ hồ là có thể kéo dài. Hiệu lực thì tạm thấy nhưng cái giá của những biện pháp đó vẫn đang từng ngày hiện hữu ở những rủi ro đạo đức được bàn đến khá nhiều của các ngân hàng Việt Nam. Và quan trọng nhất là tác động lên hiệu quả của nền kinh tế càng ngày càng suy sụp với sự cạnh tranh sút giảm, như được nhiều báo cáo quốc tế đưa ra mới đây.
Các biện pháp hành chính thường có tính áp đặt chứ không phải xuất phát từ ý chí của các bên tham gia thị trường. Do đó, tất yếu sẽ dẫn đến hoặc là không thể thực hiện giao dịch; hoặc là có sự thiệt hại của một hay nhiều bên; hoặc các bên sẽ cùng bắt tay nhau để lách luật. Và trường hợp thứ 3 là trường hợp phổ biến hiện nay ở các ngân hàng. Sự không tương thích giữa các biện pháp hành chính và các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường sẽ tạo ra tình trạng giá cả và các tín hiệu thị trường khác bị bóp méo, không còn là cơ sở hay cho tín hiệu chính xác để các tác nhân kinh tế ra quyết định. Kinh nghiệm của bản thân nền kinh tế Việt Nam cho thấy, bất kỳ khi nào tồn tại cơ chế hai giá thì một số người sẽ tìm đủ mọi cách để hưởng lợi. Tình trạng "hai giá" trong lãi suất và tỷ giá đã khiến các tổ chức tín dụng và khách hàng mệt mỏi, thị trường tiền tệ không minh bạch, và sau cùng nền kinh tế gánh chịu việc phân bổ các nguồn lực lệch lạc.
Các chiêu để lách trần lãi suất trong gần suốt năm 2011 không còn là điều mới lạ nữa khi tình hình xảy ra giữa năm 2009 và năm 2011 gần như tương tự nhau. Năm 2009, NHNN sử dụng chính sách điều hành trần lãi suất (lãi suất huy động bị nén ở mức dưới 10,5%/năm và lãi suất cho vay bị giới hạn bởi trần lãi suất 12%/năm) với mục đích chống cho vay nặng lãi và hạn chế cuộc chạy đua lãi suất, thực tế không những không phản ánh đúng cung - cầu trong thị trường vốn, mà những mục đích của quy định này cũng không đạt được. Để thu hút vốn trong điều kiện lãi suất huy động đã kịch "trần", các NHTM chuyển qua hình thức khuyến mãi với quà tặng lên đến hàng tỷ đồng, cho khách hàng lĩnh lãi trước, tặng tiền khi gửi tiền... Với các chương trình này, lãi suất mà người gửi tiền thực nhận sẽ cao hơn "trần" nhiều. Trong khi đó, những người đi vay không thể hoặc vô cùng khó khăn để có thể tiếp cận được vốn.
Các biện pháp can thiệp có tính hành chính - cấm mua bán đô la trên thị trường tự do - chỉ giảm hoạt động trên thị trường tự do được trong vài tháng ngay sau nghị quyết 11 vào tháng 2/2011 rồi lại hoạt động trở lại tinh vi hơn trước. Biện pháp cấm kinh doanh vàng miếng có thể bị lách qua một cách dễ dàng bằng một vài thủ thuật đơn giản để biến chúng thành vàng trang sức - như đục một lỗ nhỏ trên tấm vàng để đeo dây, hay chuyển hình dạng miếng vàng từ hình chữ nhật sang hình chiếc lá sen hay lá súng...
Nhằm kiềm chế tăng trưởng tín dụng quá nóng, NHHN có quy định một số tỷ lệ về vốn và sử dụng vốn trên cả hai thị trường, nhưng lại thiếu kiểm soát cụ thể. Thực tế này gây áp lực buộc các tổ chức tín dụng phải đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư bằng mọi giá, dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh và lãi suất tiết kiệm cao. Ngoài ra, vài tổ chức tín dụng thừa vốn, song không thể điều hòa cho các tổ chức tín dụng khác vay vì vướng các tỷ lệ quy định như trên. Họ cũng không dám hạ lãi suất tiền gửi vì e ngại bị rút vốn, giảm thị phần.
Và kết quả là, nền kinh tế sẽ là điểm cuối cùng gánh chịu những hậu quả của những méo mó thị trường này. Vấn đề thực tế đặt ra là NHNN cần và có thể sử dụng các biện pháp hành chính và biện pháp kinh tế trong sự kết hợp và hỗ trợ nhau. Nếu biện pháp hành chính không đủ hiệu lực thì đã có biện pháp kinh tế hỗ trợ hoặc ngược lại.
Dù vậy, tất cả những biện pháp hành chính đã không được tuân thủ nghiêm chỉnh. Các biện pháp hành chính được áp dụng vì chúng ta chưa tìm ra được các công cụ kinh tế cho phép đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn nhất. Sử dụng biện pháp hành chính chỉ nên cho thời hạn ngắn, nếu không kịp thời điều chỉnh hoặc tháo gỡ thì bất cập ngày càng lan rộng. Hậu quả của những biện pháp can thiệp hành chính sẽ gây những hậu quả khó lường về dài hạn đối với hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế. Do đó, NHNN cần phải sử dụng những công cụ, biện pháp của thị trường để không làm mất đi những thành quả của cải cách từ trước tới nay trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ. Đồng thời, đó cũng là tiền đề cho công cuộc tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng: Các bước khởi đầu của NHNN
Biện pháp từ tháng 11/2011: Theo chương trình của NHNN được biết rộng rãi, việc thực hiện tái cơ cấu sẽ phân nhóm hệ thống ngân hàng Việt Nam thành ba nhóm lớn từ lành mạnh nhất đến yếu kém cần “tái cấu trúc”.
Về lộ trình:
Trong quý I/2012: định hình rõ 3 nhóm ngân hàng và giải quyết tốt những vấn đề thanh khoản của những ngân hàng yếu kém.
Từ quý II/2012 đến hết 2013: hoàn thành việc tái cấu trúc lại các ngân hàng thuộc nhóm 3.
Từ năm 2013 đến năm 2015: tập trung vào việc nâng cao các hiệu quả an toàn, việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và củng cố xây dựng, đặc biệt xây dựng các nhóm ngân hàng lành mạnh để có đủ sức làm trụ cột cho hoạt động ngân hàng trong nước và phấn đấu để có thể có từ 1 - 2 ngân hàng đạt tiêu chuẩn khu vực.
Theo trên, NHNN chú trọng xếp loại các ngân hàng lớn và khỏe xuống dần đến ngân hàng yếu theo kiểu "stress test" của Mỹ hay Âu châu đang áp dụng cho các ngân hàng để đối phó với các cơn bão tài chính Âu Mỹ trong vài năm qua.
Biện pháp mới nhất: lại phân chia các ngân hàng thành 4 nhóm mới và áp đặt mức tín dụng
Mới đây, vào tháng 2/2012, NHNN vừa công bố thêm biện pháp hành chính mới này đã được thảo luận rộng rãi trong giới truyền thông. Ai cũng thấy sau việc duy trì lãi suất huy động ở mức trần 14% trong một thời gian dài, và lại để nguyên mức lãi suất cho vay linh động do một số ngân hàng lớn quyết định, vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã không thể giải quyết nhanh chóng và mặt bằng lãi suất chung đã không thể xuống thấp như mong muốn, dù lạm phát đã bắt đầu giảm nhanh. Nguyên do chính là tảng băng BĐS đã không cho thanh khoản của các NH được cải thiện nhanh chóng. Đường cong lãi suất vẫn còn méo mó dị dạng.
Một số đông bình luận gia đã ngợi khen việc chia nhóm các NH mạnh (nhóm I) sẽ được phép cho tăng tín dụng khoảng 17% , sau đó là nhóm "mạnh kế tiếp" (II) sẽ được tăng tín dụng 15%, nhóm III được tăng tín dụng 8%, và kết thúc là nhóm IV "yếu" nhất sẽ không được phép tăng tín dụng chút nào. Một cách công bình, chúng ta phải chờ thêm một thời gian để xem tác động của biện pháp hành chính này.
Một cách tóm lược, chúng tôi có các nhận xét sau đây:
1. Với việc áp đặt tín dụng nhóm này, cả hệ thống lại đi sâu thêm vào các can thiệp hành chính ngược hẳn với sự điều tiết mong đợi của cơ chế thị trường cho các giải pháp hữu hiệu và bền vững.
2. Ngoài ra, làm sao để các mục tiêu nhóm này thích hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế là 15%-17% đã được chính NHNN đặt ra trước đây? Đây chỉ là một ví dụ cụ thể của việc đặt ra biện pháp hành chính vội vàng, đã không nhất quán với mục tiêu chính sách tiền tệ trong bài toán vĩ mô tổng thể. Còn bao ví dụ trái chiều như vậy cho nền kinh tế nếu chúng ta tiếp tục với các biện pháp hành chính mới trong nhiều lãnh vực khác, thay vì nghe "tiếng nói của thị trường"?
3. Nếu chỉ áp dụng lộ trình của NHNN thì chỉ tìm ra được vài ngân hàng khỏe phô trương nhưng toàn bộ các NH vẫn không ra khỏi "tình trạng khủng hoảng" với các yếu kém hệ thống bây giờ.
Nguồn: Vietnamnet