
Kinh tế xanh
Thị trường các-bon với nông nghiệp Việt Nam
27/02/2012 - 421 Lượt xem
Mặc dù tỷ lệ tương đối về phát thải nông nghiệp có giảm (từ 62,4% năm 1994 đến 57,5% năm 2000), nhưng thực chất, lượng tuyệt đối của phát thải loại khí CH4 vẫn tăng từ 32.750 nghìn tấn CO2e năm 1994 đến 37.430 nghìn tấn CO2e năm 2000. Bên cạnh phát thải khí mê tan do sản xuất lúa nước, các hoạt động sản xuất phân hữu cơ, đốt rừng, nương rẫy và các loại phế phụ phẩm, hoạt động lên men… cũng gây phát thải KNK, trong đó sản xuất lúa nước phát thải lớn nhất.
Tiềm năng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Tuy là một ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn trong các ngành sản xuất, nhưng việc giảm nhẹ phát thải KNK có thể thực hiện được thông qua các hoạt động canh tác nhằm, giảm phát thải các loại khí nhà kính như CH4, N2O, CO2; tăng cường tích lũy các-bon vào trong đất; hoặc tăng khả năng đồng hóa CO2 trong khí quyển vào các bể chứa các-bon thông qua các phản ứng quang hợp vào sinh khối cây trồng. Các phương pháp đó là tưới tiết khô ướt xen kẽ, bón than sinh học, bón phân hữu cơ vi sinh từ rơm rạ, giới thiệu giống mới.
Một số mô hình thử nghiệm canh tác giảm nhẹ phát thải KNK tại tỉnh Hải Dương cho thấy, việc áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước đã giảm được lượng phát thải lớn nhất (giảm được 12,8% so với đối chứng), tiếp đến là biện pháp vùi phế phụ phẩm, than sinh học (giảm được từ 9,3-10,8% so với đối chứng). Với biện pháp áp dụng giống mới, lượng phát thải không chênh lệch nhiều với đối chứng (giảm 0,55%).
Khả năng tiếp cận thị trường các-bon
Cùng với các dự án theo cơ chế sản xuất sạch hơn (CDM) của ngành lâm nghiệp, người dân sản xuất nông nghiệp cũng có cơ hội áp dụng các biện pháp giảm phát thải KNK. Với những nghiên cứu định lượng xác định khả năng giảm phát thải và tăng cường tích lũy các-bon trong đất thì ngành nông nghiệp và người nông dân có thể đăng ký tham gia thị trường và trao đổi bằng những chứng chỉ thực hiện giảm phát thải, vừa đảm bảo sản xuất bền vững, môi trường đảm bảo lại vừa góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo cho người dân.
Những thách thức và cơ hội tiếp cận thị trường các-bon của nông nghiệp Việt
Tiềm năng cao, cơ hội có nhiều, song để tham gia được thị trường các-bon thế giới, chúng ta gặp không ít thách thức, đó là nền nông nghiệp manh mún và sản xuất nhỏ lẻ.
Việc có một thị trường rộng và đồng đều, đồng loạt là cực kỳ khó khăn, bởi vì các biện pháp giảm phát thải này cần phải được triển khai đồng loạt trên quy mô lớn, vùng lớn và đặc biệt là việc giám sát đầu vào, định lượng các yếu tố chỉ thị về phát thải, về tích lũy các-bon trong đất đòi hỏi quy trình khắt khe, khoa học và chính xác và chỉ có tác dụng trong kế hoạch dài hạn. Một số biện pháp giảm phát thải đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng như hệ thống tưới tiêu chủ động theo đúng nghĩa của nó.
Nhận thức và trình độ của nông dân cũng phải được nâng lên để có thể chủ động triển khai các biện pháp này.
Những giải pháp để tiếp cận thị trường các-bon
Nâng cao nhận thức về tiềm năng giảm nhẹ phát thải KNK trong nông nghiệp cho hệ thống quản lý và điều hành sản xuất nông nghiệp ở tất cả các địa phương;
Triển khai mô hình thí điểm kết hợp với định lượng hóa tác dụng của các biện pháp này với các hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường đề sẵn sàng gia nhập thị trường các-bon;
Lồng ghép công tác giảm nhẹ phát thải KNK, sản xuất nông nghiệp bền vững ngay từ bây giờ để tăng cường năng lực và nâng cao nhân thức của người dân;
Cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất như hệ thống tưới tiêu chủ động;
Kêu gọi sự tham gia tích cực của các tổ chức quốc tế, các quỹ của các nước công nghiệp phát triển, gắn với trách nhiệm giảm phát thải của những nước này vào các hoạt động giảm thiểu của Việt Nam.
Nguồn: Đầu tư

Tin tức khác
Lựa chọn kinh doanh xanh: Đòn cân não
18/03/2014