VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Kinh tế thế giới 2012: Không quá tồi tệ?

03/01/2012 - 189 Lượt xem

Địa chấn chính trị bị bỏ quên

Đã xảy ra một điều đáng ngạc nhiên trong các dự báo về kinh tế thế giới năm 2012 của những tổ chức tiếng tăm như Ngân hàng Morgan Stanley và Goldman Sachs của Mỹ, Deutsche Bank của Đức, hoặc hãng truyền thông Bloomberg... Hầu hết các nhận định đều chỉ dựa trên những cơ sở và điều kiện về kinh tế, trong khi lại hoàn toàn không đề cập đến yếu tố địa chính trị.

Vào cuối năm 2010 cũng vậy, khi dự báo về triển vọng kinh tế thế giới năm 2011, người ta đã không hề đặt vấn đề về một cơn địa chấn chính trị nào đó có thể xảy ra làm sẽ khuynh đảo cả tương lai kinh tế.

"Mùa xuân Ả rập" là tên gọi của phong trào biểu tình đã bắt đầu lan ra từ các quốc gia vùng Bắc Phi như Tunisia, Ai Cập, Algeria, Libya và sang vùng Trung Đông như Yemen, Syria. Vào tháng 12/2010, khi một người bán rau có tên Mohamed Al Bouazzizi tự thiêu trong tâm trạng quá bức bách bởi thái độ nhẫn tâm của cảnh sát, đã chẳng có một chuyên gia kinh tế và cả chuyên gia phân tích chính trị nào nêu ra được dự đoán về cuộc "Cách mạng hoa nhài" sẽ khởi nguồn từ cái chết này.

Vào thời gian  đầu năm 2011, kinh tế thế giới vẫn tương đối ổn định. GDP của Mỹ dù không đạt đến tỷ lệ tăng trưởng 4%, nhưng khi đó vấn đề nợ công Hy Lạp đã tạm lắng dịu.

Tuy nhiên tháng 2/2011 lại giống như một điềm báo về cơn địa chấn chính trị có thể dẫn sang những biến động lớn về chi tiêu cá nhân. Như một hiệu ứng trùng hợp, thảm họa sóng thần ở Nhật Bản cũng xảy ra vào cùng thời gian - tháng 3/2011. Những yếu tố chính trị và thiên nhiên đã kết hợp với nhau như một sự hài hòa, đủ để đưa ra lời phán quyết về thời điểm tăng trưởng cuối cùng của nền kinh tế Mỹ - Âu: tháng 4/2011.

Sau "Cách mạng hoa nhài", từ tháng 5/2011, nền kinh tế thế giới đã chính thức bước vào thời kỳ suy giảm và kéo dài cho đến tận cuối năm.

Giờ đây, khi nhìn lại năm 2011 và hướng đến năm 2012, các nhà phân tích kinh tế, và tốt nhất là nên có những nhà phân tích kinh tế - chính trị tham gia, cần đặc biệt chú tâm đến những khu vực có thể xuất hiện địa chấn chính trị, điều mà có thể vô hình trung trở nên mang tính quyết định đối với vận mệnh kinh tế trong khu vực đó.

Những con số an ủi

Theo những tính toán thuần về kinh tế của Morgan Stanley, tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ không thực sự khởi sắc cho đến năm 2014. Năm 2012, GDP Mỹ sẽ tăng 2,2%, năm 2013 là 1,8%. Tương tự, mức tăng tiêu dùng cá nhân năm 2012 là 1,9% và năm 2013 là 1,4% - thấp hơn mức 2,3% của năm 2011.

Những biến động như thế sẽ nằm trong bối cảnh chỉ số CPI của Mỹ giảm từ 3,2% năm 2011 xuống còn 2,1% năm 2012 và 1,8% năm 2013.

Với đường biểu diễn của khá nhiều chỉ số trượt dần trong hai năm tới, tỷ lệ thất nghiệp cũng không giảm hơn được, mà vẫn duy trì ở mức 8,9-9%.

Những dự báo của Goldman Sachs và Deutsche Bank cũng phản ánh một tương lai chỉ được thay đổi một cách chậm chạp. Trong khi khá nhiều chỉ số cho thấy kinh tế Mỹ vẫn giữ được thế thăng bằng tương đối, yếu tố trì kéo nền kinh tế thế giới lại đến từ vấn đề nợ công châu Âu.

Bài học mà giới phân tích đã nằm lòng là sau Hy Lạp, nạn nhân của nợ công gần như chắc chắn là Ý, quốc gia có tỷ lệ nợ công chiếm đến 115% GDP. Nhưng Tây Ban Nha cũng không phải là một ngoại lệ. Dù tỷ lệ nợ công/GDP của đất nước này không cao như Ý, nhưng nạn thất nghiệp lại là một vấn đề quá nhạy cảm - khoảng 23%.

Ngay cả Pháp cũng không bị loại trừ khỏi vòng nguy hiểm. Cùng với những dự đoán về khả năng nước Anh có thể phải mất đến 5-6 năm nữa mới phục hồi hoàn toàn, nền kinh tế châu Âu nhìn chung sẽ chìm trong suy thoái. Chỉ có điều chưa ai lượng định được mức độ suy thoái sẽ sâu sắc ra sao.

"Con ngoáp ộp" rình mò

Không thể không tính tới mối nguy cơ mà "tiến sĩ tận thế" Roubini đã dự báo: nền kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng. Thời thịnh vượng với tỷ lệ tăng trưởng GDP đến 9-10% của Trung Quốc đã qua. Bây giờ đã đến lúc phải nói đến một tương lai hoàn toàn không êm ả đối với nền kinh tế nước này. Tỷ lệ tăng trưởng GDP có thể sụt giảm về vùng 5-6% là một khả năng có thể vào năm 2012. Hiện tượng đó không chỉ do nguyên nhân giảm giá trị xuất khẩu, mà chủ yếu nó đến từ "Con ngoáp ộp" - thị trường nhà đất.

Đã có quá nhiều nghi ngờ về hiện trạng thống kê không trung thực từ nợ xấu bất động sản ở Trung Quốc. Trong khi Ngân hàng trung ương của quốc gia này chỉ xác nhận nợ từ các chính quyền địa phương vào khoảng 1.650 tỷ USD, thì Fitch Ratings, Moody's hay Credit Suisse - những tổ chức xếp hạng tín nhiệm có tiếng về phản biện trên thế giới, lại tính toán con số nợ của khối chính quyền địa phương lên tới 2.200 tỷ USD. Riêng Fitch tính tỷ lệ nợ xấu lên tới 15-18% thay cho chỉ có khoảng 3% từ công bố của Trung Quốc.

Ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc đối với thế giới là không quá lớn. Nhưng như giáo sư Lang Hàm Bình của một trường đại học tại Hồng Kông đã ví von, mỗi địa phương ở Trung Quốc đều có thể trở nên một Hy Lạp.

Hiện thời, thị trường nhà đất quốc gia này đang chịu sức ép rất lớn từ tình trạng đóng băng, hàng hóa tồn ứ quá lớn, bong bóng bất động sản đang xì hơi và có thể bùng vỡ bất cứ lúc nào. Trong năm 2012, sẽ khó có một dấu hiệu nào khả quan cho thị trường bất động sản Trung Quốc, cho dù chính phủ nước này có thể nới lỏng tín dụng và do đó nới lỏng nguồn cho vay đối với bất động sản.

Bong bóng bất động sản ở Trung Quốc là một thách đố, một ẩn số lớn cho nền kinh tế thế giới năm 2012. Chưa ai có thể định hình được là nếu bong bóng nhà đất tại Trung Quốc phát nổ, nền kinh tế thế giới sẽ bị tác động tiêu cực đến thế nào. Tuy nhiên, điều có thể thấy khá rõ là các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới, kể cả Mỹ, sẽ bị giá cổ phiếu bất động sản của Trung Quốc kéo xuống.

Hy vọng không quá tệ

Vậy sự an ủi cho kinh tế thế giới năm 2012 là gì?

Một thông tin được xem là tốt lành mà Morgan Stanley dự báo cho hai năm 2012-2013 là mức tăng trưởng đầu tư vào thị trường nhà ở Mỹ sẽ tăng lần lượt là 1,7% và 3,4%. Cần ghi nhận là các mức tăng này sẽ khả quan hơn hẳn so với mức tăng dự kiến trong năm 2011 là -2,1%.

Những biến động gần nhất của thị trường nhà đất Mỹ đang tạo ra hy vọng khấp khởi cho giới đầu tư của quốc gia này về một tương lai phục hồi, dù rằng tương lai này có thể sẽ diễn ra khá muộn màng.

Vào tháng 12/2011, hãng tin Bloomberg cũng đã thực hiện khảo sát cho hơn 1.000 đối tượng. Kết quả lạc quan một cách đáng ngạc nhiên. Chỉ 33% nhà đầu tư nói kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm sau, giảm 10% so với cuộc khảo sát vào tháng 10/2011 cũng do Bloomberg thực hiện. 54% cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang xấu đi, tỷ lệ nhà đầu tư dự đoán tương tự trong tháng 9 là 68%.

Cũng theo Bloomberg, 2/5 người được khảo sát (chiếm 41%) nhận định Mỹ là một trong những thị trường sẽ hoạt động tốt nhất vào năm sau. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi Bloomberg tiến hành cuộc khảo sát này từ tháng 10-2009. Chỉ chưa đến 25% số người tham gia khảo sát cho rằng Mỹ có thể rơi trở lại suy thoái trong năm sau. Vào tháng 10/2011, có đến 50% số người tham gia khảo sát dự báo kinh tế Mỹ sẽ đi xuống vào năm sau.

Khoảng 39% nói nền kinh tế Mỹ đang cải thiện. Con số này tăng gần gấp bốn lần so với cuộc khảo sát tháng 10/2011. 25% nói rằng nền kinh tế Mỹ đang xấu đi, giảm nhiều so với mức 60% vào tháng 9. Các nhà đầu tư toàn cầu cũng tin tưởng vào thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ. 7/10 người cho rằng trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn là kênh đầu tư an toàn nhất đến năm sau, trong khi có 47% nói trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn an toàn trong ba năm tới.

Cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu Mỹ, là tài sản được nhiều nhà đầu tư lựa chọn đầu tư. Khoảng 2/5 người tham gia khảo sát xem chứng khoán là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất trong năm tới. 43% cho biết sẽ tăng đầu tư vào cổ phiếu trong sáu tháng tới, con số này cao hơn con số 39% trong cuộc khảo sát tháng 9/2011.

Dự báo của Bloomberg về giá cổ phiếu cũng hỗ trợ cho nhận định của chúng tôi, căn cứ vào xu hướng của các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới. Một điểm đáng lưu ý là trong 5 tháng qua, đường biểu diễn của chỉ số chứng khoán Mỹ khá tương đồng với giai đoạn 2005, tức biểu thị sự đi ngang với những pha lên xuống thất thường, nhưng nhìn chung không bị giảm sút quá mạnh so với đỉnh phục hồi gần nhất.

Cho tới giờ, đã có thể tạm kết luận về khả năng nền kinh tế thế giới đang trải qua một giai đoạn quá độ, nhưng là quá độ của suy thoái chứ chưa phải là quá dộ của khủng hoảng.

Nếu mọi chuyện diễn ra theo quy luật xa nhất về quá khứ là giai đoạn suy thoái kép năm 1937-1938, nền kinh tế Mỹ cũng có thể kéo dài chu kỳ suy thoái nhẹ trong khoảng 1 năm, từ tháng 5/2011 đến tháng 5/2012.

Điều đó cũng có nghĩa là năm 2012 mọi chuyện sẽ không quá tồi tệ. Nhưng tất nhiên phải đi kèm với việc không xảy ra những cơn địa chấn chính trị như năm 2011.

Nguồn: Vietnamnet