Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước
Các thị trường mới nổi phải làm gì để trở nên giàu có? (27/10)
27/10/2011 - 185 Lượt xem
Với vận tốc tối đa 430km/h, chiếc tàu đệm từ ở Thượng Hải là một mắt xích quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải của thành phố. Trên một trục đường bộ dài 30km từ Đường Longyang đến Sân bay quốc tế Phố Đông ở ngay bên cạnh, những chiếc xe hơi chạy hết tốc độ nhưng vẫn bị bỏ lại đằng sau, đã cho thấy con tàu hiện đại trên di chuyển nhanh đến mức nào. Đối với những hành khách thích cảm giác mạnh, một chiếc công-tơ-mét kỹ thuật số trong từng toa xe hiển thị tốc độ của tàu đến vận tốc tối đa trước khi lại giảm xuống khi đoàn tàu vào ga.
Tàu đệm từ ở Thượng Hải là một biểu tượng cho sự hiện đại của Trung Quốc - dù công nghệ này được phát triển từ những năm 1960 tại Anh và toàn bộ trang thiết bị do hãng Siemens, một công ty của Đức, sản xuất. Nhưng dự án này lại không sinh lời. Vào một buổi chiều giữa mùa hè, chuyến tàu trên trống gần như một nửa số ghế, và đa số hành khách là khách du lịch chỉ đi tàu "cho biết". Bởi vì ngoài tốc độ ấn tượng của nó, tuyến tàu đệm từ này không phải là trục đường chính đến và đi từ sân bay. Vé tàu cũng quá đắt đối với mọi người, trừ các doanh nhân giàu có và du khách nước ngoài, trong khi những vị khách này lại thấy đây là tuyến đường không phù hợp. Bởi sau khi dừng chân ở đường Longyang, họ còn cả một quãng đường dài nữa mới tới quận tài chính và những khách sạn tốt nhất.
Đối với những người hoài nghi về sự kỳ diệu kinh tế của Trung Quốc, câu chuyện Thượng Hải trên là một ví dụ cho thấy các ngân hàng nhà nước đầu tư vốn không hiệu quả như thế nào. Trung Quốc đầu tư khoảng 50% GDP, nhiều hơn gấp đôi mức trung bình ở các nước giàu. Các dự án vốn lớn của các doanh nghiệp nhà nước, như đường sắt, dễ dàng được rót vốn, trong khi lãi suất huy động vốn của ngân hàng lại rất cao. Một hệ thống tạo điều kiện cho một số người đi vay bất chấp người gửi tiết kiệm thông thường hoặc các cổ đông bình thường của ngân hàng, sẽ dẫn đến những dự án tồi và làm gia tăng nợ xấu, gây đầu cơ sụt giá. Vụ va chạm giữa hai đoàn tàu cao tốc ở Trung Quốc hôm 23/7 vừa qua, làm 40 người thiệt mạng và 191 người bị thương, dường như đã khẳng định lại những nghi ngại này.
Phải nhảy cóc
Nhưng có một cách hiểu tích cực hơn về tính "tham" dự án tốn kém của Trung Quốc như tàu cao tốc. Giới lãnh đạo nước này hẳn biết rằng khi một nền kinh tế phát triển, nó không thể dựa mãi vào việc sao chép máy móc và bí quyết sản xuất của các nước giàu. Khi một quốc gia càng giàu có hơn thì công nghệ của họ càng gần tới độ sử dụng tốt nhất và càng ít công nhân làm những công việc năng suất thấp như nghề nông. Khi những thành quả dễ dàng đạt được đã hết tác dụng thì nền kinh tế vận hành chậm lại hoặc bị mắc kẹt. Một cách để thoát khỏi "cái bẫy thu nhập trung bình" này là cố gắng nhảy cóc qua các công nghệ hàng đầu.
Mức tăng trưởng hiện nay của Trung Quốc rất ấn tượng, đến mức người ta tự hỏi liệu đà tăng trưởng này còn có thể tiếp tục hay không. Nước này sẽ thấy khó tiếp tục tăng trưởng nhanh khi họ trở nên giàu hơn, giống như Ấn Độ và Brazil. Cả ba thị trường lớn mới nổi này cần tìm cách để tránh tình trạng lạm phát từng hành hạ các nước đang phát triển, đồng thời phải cân bằng giữa đầu tư và tiêu dùng, giữa nhu cầu trong và ngoài nước.
Các vấn đề khi quá trình phát triển đạt gần đến độ chín sẽ sớm ảnh hưởng tới Trung Quốc và các nước khác, theo nghiên cứu của Barry Eichengreen (thuộc Đại học California), Berkeley, Donghyun Park (Ngân hàng Phát triển châu Á) và Kwanho Shin (Đại học Hàn Quốc). Các chuyên gia này nghiên cứu các nước có thu nhập ở mức trung bình (thu nhập bình quân đầu người đạt tối thiểu 10.000 USD, theo giá cả năm 2005) và đạt tăng trưởng GDP trung bình ở mức ít nhất 3,5% trong nhiều năm suốt nửa thế kỷ qua, nhưng tỷ lệ tăng trưởng lại bất ngờ sụt giảm ít nhất 2%.
Nghiên cứu đã khẳng định lại linh cảm của họ, rằng sự mất đà này chủ yếu do nền kinh tế đã đến độ chín muồi, hơn là vì thiếu lao động hay suy giảm đầu tư. Lực lượng lao động tăng tương tự như nhau trước vào sau suy thoái, và chất lượng lao động đã được cải thiện: thực vậy, lao động trung bình có trình độ thậm chí còn cao hơn sau khi kinh tế suy thoái. Mức tăng vốn vật chất (nhà xưởng, văn phòng, đường sá, máy móc...) giảm dần, nhưng con số này chỉ chiếm một phần nhỏ trong sự sụt giảm tăng trưởng GDP.
Thay vào đó, hầu hết tình trạng suy thoái trên là do suy giảm "năng suất tổng thể" - hiệu quả mà người công nhân và vốn được sử dụng. Eichengreen và các đồng nghiệp viết: "Tăng trưởng chậm lại, nói một cách ngắn gọn, chính là sự suy giảm mức tăng năng suất". Điều này xảy đến sau khi nền kinh tế vượt qua giai đoạn phát triển kinh tế "dễ dàng". Chuyển các nông dân thất nghiệp đến đô thị làm việc trong các nhà máy và văn phòng với các trang thiết bị nhập khẩu làm tăng năng suất. Nhưng khi những người rảnh rỗi ở nông thôn được sử dụng, sẽ không đạt được những thành quả dễ dàng nói trên nữa.
Theo ba chuyên gia kinh tế trên, dạng suy thoái này hầu như xảy ra khi thu nhập trung bình đạt 16.000 USD theo giá cả năm 2005; khi thu nhập trên đầu người tăng 58% so với thu nhập bình quân tại nền kinh tế hàng đầu thế giới; hoặc khi tỷ lệ tuyển dụng trong ngành chế biến chiếm 23%. Ba cái mốc này sẽ không nhất thiết đạt được cùng một lúc. Trung Quốc có thể đã đạt mục tiêu về sản xuất chế biến và nếu nền kinh tế nước này giữ một mức tăng trưởng khoảng 9%, thì mốc thu nhập bình quân sẽ sớm đạt tới mức tương xứng. Nhưng mốc thu nhập tương đối vẫn còn xa. Theo IMF, năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc chỉ bằng 16% của Mỹ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng các nền kinh tế như Trung Quốc, với đồng tiền được định giá thấp và mức chi tiêu tiêu dùng thấp, sẽ phải chứng kiến suy giảm tăng trưởng như trên. Tuy nhiên, đây không phải là quy luật không thể đảo ngược. Thậm chí, dường như chắc chắn một đợt suy thoái sẽ theo sau một thời kỳ phát triển dễ dàng. Vấn đề là liệu Trung Quốc có thể giảm nhẹ điều này bằng cách thay đổi mô hình tăng trưởng của mình hay không.
Mô hình cũ
Mô hình này đã được áp dụng thành công ở nhiều nước châu Á khác. Nó dựa vào xuất khẩu, nên lượng cầu chủ yếu đến từ bên ngoài. Để đạt được điều này, Trung Quốc đã huy động kho nhân công giá rẻ khổng lồ của mình, thêm vào đó là một kho dự trữ vốn vật chất đang phát triển nhanh chóng, mà họ chủ yếu nhập khẩu nhưng bằng tiền tiết kiệm của chính nước mình. Vì mô hình tăng trưởng của Trung Quốc cần nhiều vốn nên chi tiêu cho tiêu dùng chiếm một phần rất nhỏ trong GDP: năm 2010, con số này giảm xuống còn 34%. Điều này chỉ càng làm tăng thêm sự phụ thuộc vào xuất khẩu.
Cơ cấu tài chính của Trung Quốc đã góp phần củng cố mô hình này. Dòng vốn qua biên giới của họ được quản lý chặt chẽ. Trung Quốc đã kiềm chế sự tăng giá của đồng nhân dân tệ, tạo thế cạnh tranh xuất khẩu, bằng cách mua đôla và các ngoại tệ khác với khối lượng lớn, tạo thành một quỹ dự trữ ngoại tệ trị giá 3.200 tỷ USD, chiếm 54% GDP năm 2010 của Trung Quốc.
Hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc chịu sự giám sát chặt chẽ của nhà nước. Các ngân hàng nước ngoài chỉ chiếm gần 2% tổng tài sản ngân hàng. Lượng tiền mặt được tạo ra để giữ giá NDT ở mức thấp đã được "thu dọn" bằng việc buộc các ngân hàng phải mua trái phiếu "vô sinh" có giá trị chuyển nhượng thấp, hoặc tăng lượng dự trữ bắt buộc bằng tiền mặt. Lãi suất được ấn định theo hướng tạo thuận lợi cho các công ty nhà nước (thường là các nhà cung cấp độc quyền phục vụ xuất khẩu) nhưng lại cho cổ đông ít lợi tức. Cho vay tiêu dùng vẫn thấp.
Tỷ trọng tăng trưởng của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới cho thấy họ không thể mãi dựa vào sức tiêu dùng của các nước khác. Nguy cơ nợ đọng ở nhiều nước trong thế giới giàu đồng nghĩa với việc khách hàng nước ngoài của Trung Quốc đang chịu sức ép nặng nề. Và nước này đang hút nốt nhu cầu của phần còn lại của thế giới: thặng dư cán cân thanh toán của Trung Quốc (phép đo tiết kiệm vượt quá giới hạn) tăng trên 10% GDP vào năm 2007, sau đó đã giảm một nửa.
Đây là một nguồn cơn gây căng thẳng: người Mỹ cho rằng chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc đem lại cho hàng hóa xuất khẩu của họ một sự hỗ trợ không công bằng, và không có lợi cho công nhân của Mỹ. Chiến lược dựa vào xuất khẩu cũng bắt đầu giảm tác dụng. Người nông dân di cư đến làm việc tại các nhà máy để phục vụ khách hàng nước ngoài của Trung Quốc ngày nay đã khó tìm việc hơn trước kia.
Nếu Trung Quốc muốn tránh được cái bẫy thu nhập trung bình, họ cần phát triển thị trường nội địa. Họ phải đổi từ việc tích lũy các nhà máy, phân xưởng, cầu cảng và các tài sản cố định khác sang cách bố trí vốn và nhân công tinh vi hơn để cho phép các công ty dịch vụ nhỏ phát triển. Sự chuyển đổi này sẽ được trợ giúp bởi hai nhân tố. Khi dân số lao động bắt đầu sụt giảm vào khoảng năm 2015, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình cũng sẽ giảm, bởi các quốc gia có ít người lao động hơn và tỷ lệ người phụ thuộc lớn hơn thường có xu hướng chi tiêu nhiều hơn.
Và Trung Quốc đã dành một phần lớn trong GDP của mình cho nghiên cứu và phát triển, nhiều hơn các nước khác có mức thu nhập tương đương. Điều này tạo một cơ hội tốt hơn để duy trì tăng trưởng năng suất khi thành quả của việc ứng dụng các công nghệ hiện đạt đến thời điểm tận thu. Nhưng các lĩnh vực khác trong nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang vật lộn chống lại sự thay đổi. Ví dụ Ngân hàng Thế giới (WB) xếp Trung Quốc ở vị trí 65 trên tổng số 183 quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tiếp cận tín dụng, thua xa Ấn Độ (đứng vị trí thứ 32).
Các trở ngại cũng rất lớn. Việc chuyển đổi sang một nền kinh tế tập trung vào người tiêu dùng sẽ đồng nghĩa với việc thay đổi toàn bộ các ngành công nghiệp. Mức lương cao ở Trung Quốc, rất cần cho quá trình tái cân bằng này, đã khiến một số việc làm trong ngành dệt may được chuyển sang Việt Nam và Campuchia. Dỡ bỏ các trợ cấp ngầm cho lãi suất và các khoản vay có thể khiến lợi nhuận của các công ty bị thu hẹp và gây phản đối. Các ngân hàng tham gia thực hiện quyết định trên của chính phủ sẽ cần đưa ra những đánh giá tốt hơn, từ chối cho vay tiền đổ vào những ngành công nghiệp thu lời thấp và chuyển số vốn này sang cho các doanh nghiệp mới nhiều hứa hẹn.
Nguồn: Vietnamnet