VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

WB kêu gọi giải pháp dài hạn cho khủng hoảng nợ

18/08/2011 - 171 Lượt xem

Trong cuộc họp báo tại Australia, Chủ tịch WB - ông Robert Zoellick, cho rằng, thiệt hại về lòng tin của thị trường đối với ban lãnh đạo kinh tế tại các quốc gia lớn như Mỹ và khu vực Châu Âu đang làm suy yếu sự hồi phục của nền kinh tế thế giới và đẩy thị trường vào một làn sóng nguy hiểm mới. “Những gì mà các thị trường đang mong đợi là một kế hoạch hành động dài hạn chứ không chỉ dừng ở những gói chi tiêu” - ông Zoellick nhận định.

Cũng trong cuộc họp báo ngày 16.8, Chủ tịch WB nhấn mạnh đã đến thời điểm phải thúc đẩy một chương trình nghị sự thương mại tự do, đồng thời cảnh báo về xu hướng gia tăng các biện pháp bảo vệ thương mại vào thời điểm các quốc gia đang tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng nợ. “Đây sẽ thực sự là trách nhiệm mà mỗi quốc gia đang lâm khủng hoảng cần đưa ra được những giải pháp về cách đối phó với khủng hoảng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn” - ông nói. Ông Zoellick cho rằng, sự tăng giá của đồng nhân dân tệ là tín hiệu tích cực để giúp khôi phục sự bình ổn kinh tế toàn cầu và đối phó với lạm phát tại Trung Quốc.

Lời kêu gọi của WB được đưa ra vào thời điểm các nhà hoạch định chính sách tại khu vực đồng euro đang nỗ lực để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng nợ, vốn đang đe doạ bùng phát với quy mô rộng hơn nếu lan sang các quốc gia mới như Italia, Tây Ban Nha. Hồi cuối tuần trước, NHTƯ Châu Âu đã phải nhập cuộc, với quyết định mua một lượng trái phiếu kỷ lục, trị giá 22 tỉ euro, của Italia và Tây Ban Nha nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng nợ. Các nhà kinh tế cho rằng, ECB sẽ tiếp tục chương trình mua lại trái phiếu trong những tuần tới trước khi thực hiện các biện pháp mới nhằm tăng cường khả năng can thiệp của Quỹ Ổn định tài chính Châu Âu (EFSF).

Song những lời kêu gọi của Italia về ý tưởng “trái phiếu euro” (trái phiếu được phát hành chung trong khu vực đồng euro) đã bị Đức - nền kinh tế lớn nhất Châu Âu - bác bỏ. Chính quyền Berlin lo ngại một động thái như vậy có thể sẽ làm tăng thêm chi phí vay nợ của Đức và làm giảm động cơ cho các nền kinh tế yếu hơn như Hy Lạp trong việc cải cách nền kinh tế.

Trong một nhận xét tích cực, Uỷ viên Uỷ ban Tiền tệ EU - ông Olli Rehn - đánh giá Pháp, Italia và Tây Ban Nha có thể tự bình ổn ngân sách và nền kinh tế. Ông Rehn cũng kỳ vọng các nước khu vực Eurozone sẽ nhanh chóng nhất trí mở rộng phạm vi hoạt động của Quỹ Bình ổn tài chính Châu Âu vào tháng 9 tới.   

Nguồn: Lao động