VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Kinh tế thế giới sau “thảm họa 11-3”

31/03/2011 - 198 Lượt xem

Mất nguồn cung thiết bị bán dẫn

Nhật Bản có vai trò quan trọng trong mạng lưới kinh tế toàn cầu vì là nhà cung cấp chính chất bán dẫn. Theo số liệu của CLSA Asia-Pacific Markets, Nhật sản xuất 20% thiết bị bán dẫn và 40% thiết bị điện tử cho toàn thế giới. Hàng trăm loại thiết bị mũi nhọn, các linh kiện chủ yếu hay các máy công cụ cung cấp cho thế giới đều có xuất xứ từ Nhật Bản.

“Thảm họa 11-3” đã làm cho ngành công nghệ cao cấp của cả thế giới gần như rơi vào rối loạn. Theo Bloomberg, chỉ trong một tuần, một phần quan trọng của ngành công nghiệp thế giới mới ý thức được sự “lệ thuộc vào Nhật Bản”. Hàng loạt nhà máy chế tạo điện tử và xe hơi từ Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đến châu Âu và Mỹ đều lần lượt thông báo ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vì thiếu linh kiện cung ứng từ Nhật Bản.

Hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ cho biết thảm họa động đất tại Nhật Bản có thể làm gián đoạn nhiều tuần hoạt động sản xuất phụ tùng máy bay Boeing tại Nhật Bản, trong khi các doanh nghiệp Nhật Bản cũng cấp tới 35% linh kiện cho máy bay 787 Dreamliner của hãng này.

Các hãng xe hơi Pháp như Renault đang phải cắt giảm sản xuất tại Hàn Quốc vì thiếu linh kiện điện tử từ Nhật Bản. Ngày 22-3, hãng xe Pháp PSA Peugeot Citroen cũng thông báo một phần của bộ phận sản xuất động cơ bị rối loạn, do bị cắt nguồn linh kiện từ Công ty Hitachi. Hãng Toshiba cũng thông báo đóng cửa tạm thời một cơ sở lắp ráp màn hình tinh thể lỏng (LCD).

Dòng vốn đầu tư đổ về xứ sở hoa anh đào

Theo ước tính ban đầu của Barclays Capital, GDP của Nhật có thể tăng trưởng âm trong năm nay và tốc độ tăng trưởng GDP toàn thế giới sẽ giảm 0,1% so với ước tính trước đây. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng thảm họa sẽ ảnh hưởng mạnh tới tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm, nhưng GDP của nước này sẽ tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nhờ hoạt động tái thiết cơ sở hạ tầng.

Với tính chất của một nền kinh tế mở và đầu tư khắp thế giới, diễn biến trên đã tạo ra cú sốc đột ngột thực sự về cầu trong bối cảnh khoản tiền thặng dư từ cán cân thương mại thường được Nhật mang đầu tư khắp thế giới. Khi thảm họa xảy ra, bên cạnh chuyện các nhà đầu tư thi nhau tháo chạy vì lo ngại rủi ro, một phần tiền có được từ bảo hiểm sẽ chuyển về cho Nhật và rất nhiều nhà đầu tư sẽ bán bớt các tài sản đầu tư bằng đồng USD chuyển về tái thiết nền kinh tế Nhật.

Trước đây, người Nhật tận dụng lãi suất thấp của đồng yên (JPY) là 0,1% để gửi tại các nước khác có lãi suất cao hơn như ở Mỹ là 0,25%. Nay, một phần số tiền này sẽ được chuyển về nước để cứu trợ các hoạt động kinh tế.

Trước hết trong ngành xây dựng, sau đó sẽ đến ngành chế tạo máy, sản xuất ô tô. Chính quyền cần phải phục dựng các thành phố, mở đường, tái thiết hải cảng. Hiển nhiên như vậy đòi hỏi lượng đầu tư đáng kể, khối lượng lớn vật liệu và nguyên liệu. Nhật Bản có thể thoát khỏi tình trạng thiểu phát kéo dài hàng chục năm qua theo kiểu “tái ông mất ngựa”.

Đầu tư của ASEAN có bị ảnh hưởng?

Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Nhật Bản cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất ở khu vực này. Mối quan hệ kinh tế này sau thảm họa ở Nhật Bản trở thành nguyên nhân gây lo ngại đặc biệt ở ASEAN trong bối cảnh khối này chỉ mới vừa hồi phục từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009.

Nước Nhật sẽ mất nhiều thời gian và tiền của để tái thiết các vùng bị tàn phá, do vậy các khoản đầu tư lớn của Nhật Bản có thể bị trì hoãn hoặc ngừng lại. Một số nhà phân tích cảnh báo, về dài hạn, Nhật Bản sẽ buộc phải xem xét lại cách thức can dự của mình với ASEAN.

Mặc dù đã có nhận định rằng thảm họa tại Nhật Bản là một yếu tố làm tăng thêm khó khăn cho các nền kinh tế châu Á, ít nhất là trong ngắn hạn (do giảm đầu tư, du lịch, thương mại từ Nhật Bản tới các nước châu Á), nhưng rất nhiều nhà kinh tế tin rằng đa số các quốc gia ASEAN có đủ hàng trong kho để đảm bảo hoạt động sản xuất công nghiệp trong thời gian ngắn hạn, làm giảm bớt nguy cơ gây biến động tới tình hình thương mại toàn cầu.

Chẳng những thế, theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, trong ngắn hạn và trung hạn, các nước sản xuất và xuất khẩu nhiên liệu như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam có thể hưởng lợi vì giá năng lượng sẽ lên cao, vì Nhật Bản có thể sớm phải nhập khẩu nhiên liệu ít lưu huỳnh, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than đá để bù đắp lại sự thiếu hụt về năng lượng do các sự cố trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Dù có vẻ nghịch lý, nhưng có nhiều nhận định lạc quan cho rằng tai họa thiên nhiên như Nhật Bản đang phải gánh chịu hiện nay, lại có thể tác động tích cực đến nền kinh tế của đất nước này và toàn bộ khu vực châu Á.

Cục diện Đông Á sẽ thay đổi

Tờ Global Times ngày 22-3 đăng bài phân tích về những diễn biến mới đây tại khu vực Đông Á, trong đó khẳng định trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Nhật Bản ngày 11-3 vừa qua đã góp phần làm thay đổi cục diện khu vực này.

Trận động đất mặc dù không như “sự kiện 11-9” làm biến động cả thế giới trong suốt những năm sau đó, nhưng xét từ vị trí cũng như vai trò hiện nay của Nhật Bản, mọi người dễ nhận thấy nó sẽ góp phần đẩy nhanh những diễn biến, thay đổi cục diện của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Điều này thể hiện trên một số nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, những thiệt hại to lớn về kinh tế sẽ làm Nhật Bản mất khả năng cạnh tranh vị trí dẫn đầu khu vực với Trung Quốc.

Thứ hai, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ phụ thuộc vào nhau nhiều hơn. Nhập khẩu của Nhật Bản từ Trung Quốc (bao gồm vật liệu xây dựng, may mặc, nhân lực…) chắc chắn sẽ tăng mạnh khi Tokyo tái thiết đất nước. Dự đoán, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong những năm tới có thể tăng 20%-30%.

Thứ ba, tình cảm giữa người dân Nhật Bản và Trung Quốc sẽ phát triển tốt đẹp. Điện chia buồn của Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, thái độ tích cực sẵn sàng giúp đỡ của quân đội, đề xuất cứu trợ của hàng trăm học giả, của đội cứu trợ Trung Quốc… có tác dụng không nhỏ trong việc chia sẻ, động viên xã hội Nhật Bản cũng như thúc đẩy hợp tác quân sự 2 nước thời gian tới. Nhiều cơ quan truyền thông quốc tế cho rằng trận động đất đã tạo ra thời cơ quan trọng để làm “ấm lại” quan hệ Trung-Nhật.

Bất ổn Trung Đông - Bắc Phi thổi bùng lạm phát

Tình trạng bất ổn và bạo loạn gần đây ở Trung Đông và Bắc Phi cũng đã đẩy nền kinh tế thế giới một lần nữa đứng trước ngã ba đường.

Dầu mỏ vẫn được xem là huyết mạch nuôi dưỡng nền kinh tế thế giới. Theo phân tích của Deutsche Bank, với mức tiêu thụ trên toàn cầu 86 triệu thùng dầu thô/ngày, quy theo giá 100 USD/thùng, một năm chi phí cho dầu mỏ của nền kinh tế thế giới là hơn 3.000 tỷ USD, chiếm 4,7% tổng sản lượng kinh tế thế giới. Nếu giá dầu tăng đến 120 USD, tỷ lệ này sẽ vượt quá mức 5,5%, khiến tăng trưởng kinh tế bị cản trở.

Kể từ năm 1970 đến nay, 5 cuộc suy thoái toàn cầu (1974, 1980, 1990, 2001 và 2008) đều diễn ra sau một đợt giá dầu tăng vọt, tương ứng với các biến cố chính trị và quân sự lớn, ví dụ như cuộc chiến tranh giữa Israel và liên quân Ai Cập - Syria năm 1973, cách mạng Iran năm 1979, hay chiến tranh vùng Vịnh năm 1990.

Làn sóng bất ổn tại khu vực Trung Đông được cho là lý do khiến giá dầu tăng thêm 20%. Tình trạng hỗn loạn ở khu vực sản xuất dầu mỏ vốn đã đầy biến động làm giới đầu cơ tích trữ trên thế giới lo sợ và khiến giá dầu cùng giá vàng tăng vọt.

Sở dĩ tình hình ở Libya có tác động mạnh tới giá dầu quốc tế vì loại dầu thô “ngọt” của nước này không dễ thay thế trong việc sản xuất xăng, dầu diesel và xăng hàng không, đặc biệt tại những nhà máy lọc dầu ở châu Âu và châu Á vốn không được trang bị để lọc loại dầu “chua” có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn.

Arab Saudi, nước “anh cả” của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có công suất dự trữ hơn 4 triệu thùng dầu/ngày, nhưng phần lớn số dầu này là dầu chua. Tình hình này có thể tạo ra một chu trình, theo đó bất ổn đẩy giá năng lượng tăng, thổi bùng lạm phát. Và nếu tính đến sự lệ thuộc của nền kinh tế toàn cầu vào nguồn cung cấp dầu mỏ từ khu vực này thì hậu quả có thể sẽ là thảm họa to lớn.

Khủng hoảng chồng khủng hoảng ở châu Âu

Các thị trường tài chính ở châu Âu cũng không nằm ngoài vòng xoáy bất ổn. Theo các chuyên gia, xung đột quân sự tại Libya xảy ra vào thời điểm xấu đối với châu Âu, khi hiện trạng kinh tế EU đang cần được cải thiện. Chuyên gia tài chính Mỹ George Soros thậm chí còn nói rằng EU đang cùng lúc trải qua 3 cuộc khủng hoảng: tiền tệ, ngân hàng và thị trường nợ công. EU không thể đồng thuận về một chính sách kinh tế chung nhất, còn sự mất cân bằng trong các nền kinh tế quốc dân đều tác động làm suy thoái triển vọng đầu tư của toàn khu vực.

Nếu xung đột ở Libya tiếp tục kéo dài, hoạt động quân sự mở rộng hơn cả trên bộ, nó sẽ đe dọa lôi châu Âu chìm sâu hơn vào một cuộc chiến tranh quá đắt giá. Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng tức thời nhiều nhất từ tình hình căng thẳng ở Libya. Hơn 85% lượng xuất khẩu dầu của Libya là sang châu Âu, trong đó hơn 1/3 sang Ý. Phần lớn số dầu còn lại được xuất sang châu Á, 5% được xuất sang Mỹ. Trong trường hợp xấu như vậy, theo sau sự giảm sút các chỉ số kinh tế sẽ là cuộc suy thoái kế tiếp.

 

Nguồn: SGGP