Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước
Châu Á tuyên chiến với lạm phát
17/01/2011 - 157 Lượt xem
Ngày 13-1, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc gây ngạc nhiên khi tuyên bố tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, lên 2,75%. Hãng tin Yonhap cho biết Tổng thống Lee Myung Bak đã cam kết mở cuộc “chiến tranh toàn diện” chống lạm phát và đặt mục tiêu kéo tỉ lệ lạm phát của cả năm 2011 xuống 3%, thấp hơn mức 3,5% của tháng 12-2010. Chính quyền Seoul đã tung ra hàng loạt biện pháp, bao gồm giám sát giá cả các mặt hàng mà người có thu nhập thấp và trung bình thường tiêu thụ, cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm như cá, cà phê và sữa bột. Ngoài ra, Seoul cũng tăng nguồn cung các căn hộ mới sớm hơn dự kiến và cho thuê căn hộ chưa bán được của các công ty xây dựng nhà nước.
“Ưu tiên hàng đầu của chính phủ trong sáu tháng đầu năm 2011 là ổn định giá cả” - Bộ Tài chính Hàn Quốc tuyên bố.
Theo Korea Times, trong năm 2010 giá thực phẩm tại Hàn Quốc đã tăng tới 21,3% so với một năm trước. Trong nửa cuối năm 2010, chính quyền đã áp dụng một số biện pháp ngắn hạn để kiểm soát giá cả. Tuy nhiên, giới truyền thông Hàn Quốc cho rằng chính phủ vẫn ưu tiên chính sách “tăng trưởng là trên hết” khi giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp và đẩy tỉ giá ngoại hối ở mức cao khiến lạm phát tiếp tục tăng. Hàng loạt diễn biến bất lợi, bao gồm giá nguyên liệu thô quốc tế và hàng nông nghiệp tăng, thời tiết thất thường và dịch bệnh lở mồm long móng gia súc đã đẩy lạm phát Hàn Quốc tăng mạnh kể từ đầu năm 2011 buộc chính phủ phải có các biện pháp mạnh.
Trong khi đó tại Ấn Độ, Press Trust of India cho biết hôm 11-1 Thủ tướng Manmohan Singh đã họp khẩn với các bộ trưởng để bàn biện pháp chống giá cả tăng cao, sau khi giá thực phẩm vọt hơn 18% so với tháng trước, riêng giá rau tăng 70% so với năm ngoái do mưa lớn bất thường ở miền nam và tình trạng đầu cơ. Chính phủ đã ra lệnh cấm xuất khẩu hành, tăng nhập khẩu mặt hàng này và yêu cầu hai hợp tác xã lớn được nhà nước hỗ trợ giữ giá ở mức thấp. Giá hành trên thị trường lên tới 85 rupee (1,87 USD)/kg nhưng được bán với giá chỉ 35 rupee ở các cửa hàng nhà nước.
Ấn Độ cũng nhập 1.000 tấn hành từ nước láng giềng Pakistan. Ngoài ra, chính phủ tiếp tục cấm xuất khẩu đậu, dầu ăn, các loại gạo giá rẻ và cảnh báo sẽ nghiêm khắc trừng phạt những kẻ đầu cơ hàng hóa. Chính phủ sẽ bán khoảng 5 triệu tấn gạo và bột mì với giá ưu đãi cho người dân. Nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Ấn Độ tiếp tục tăng lãi suất.
“Ấn Độ cần học tập Trung Quốc trong việc xây dựng các kho dự trữ ngũ cốc chiến lược nhằm giảm giá thực phẩm” - Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Atul Chaturvedi, giám đốc điều hành Tập đoàn Adani Enterprises - công ty hàng nông sản lớn nhất Ấn Độ, cho biết. Theo ông, nhờ dự trữ dầu ăn, đường và các sản phẩm nông nghiệp, Trung Quốc đã có thể điều tiết thị trường để giảm giá sản phẩm.
Ở Đông Nam Á, Indonesia đã đầu tư 111 triệu USD để ổn định giá thực phẩm và 222 triệu USD để bù lỗ cho nông dân bị thiệt hại do biến đổi khí hậu, theo Hãng tin Bloomberg. Ngân hàng Trung ương Indonesia vẫn giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 6,5%, nhưng khẳng định sẽ sẵn sàng tăng lên nếu lạm phát tiếp tục tăng. Trước đó, Ngân hàng Trung ương đã yêu cầu các ngân hàng trong nước tăng dự trữ bắt buộc. Chính phủ hi vọng sẽ kéo tỉ lệ lạm phát năm 2011 xuống 5% thay cho mức gần 7% thời gian qua.
Trong khi đó, Chính phủ Singapore cam kết sẽ giám sát chặt chẽ nền kinh tế để tránh tình trạng phát triển quá nóng dẫn đến lạm phát cao. Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp S. Iswaran khẳng định mức tăng trưởng 4-6% là đủ “lành mạnh” và Singapore sẽ không áp dụng những biện pháp kích thích kinh tế. Năm ngoái, tăng trưởng Singapore đạt tới 14,7%, kéo lạm phát tăng lên 4%.
Từ tháng 12-2010, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp chống lạm phát và đầu cơ mạnh mẽ. Nhờ đó, như Tân Hoa xã cho biết, tỉ lệ lạm phát đã giảm từ 5,1% trong tháng 11-2010 - mức cao nhất trong vòng 28 tháng - xuống còn 4,3% trong tháng 12-2010. Giới chuyên gia dự báo lạm phát của Trung Quốc trong cả năm 2011 sẽ chỉ ở mức 4,5%.
Nguồn: Tuổi trẻ