Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước
Kinh tế Trung Quốc: thách thức và triển vọng
27/12/2010 - 200 Lượt xem
Hai tổ chức xếp hạng tín dụng hàng đầu Moody’s và Fitch Ratings nói rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục đà tăng trưởng cao nhưng gần đây họ đã cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng nước này. Fitch còn nói bóng gió tới khả năng xảy ra một làn sóng nợ xấu gắn chặt với thị trường bất động sản Trung Quốc.
Vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên này, Chính phủ Trung Quốc bị buộc phải cứu nguy và tái cấp vốn cho hàng loạt ngân hàng quốc doanh sau khi nợ xấu tăng vọt khiến cho chúng suýt bị tê liệt. Các ngân hàng ấy giờ đây đã mạnh hơn rất nhiều sau hàng loạt các cuộc phát hành cổ phiếu thu về hàng trăm tỉ đô la Mỹ từ các nhà đầu tư quốc tế những năm gần đây. Nhưng tuần trước, một nhà phân tích của Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) khuyến cáo khách hàng nên cẩn trọng trước nguy cơ dòng tiền đổ vào Trung Quốc, cộng với lạm phát phi mã, có thể dẫn tới “ngày phán xử cuối cùng”.
Kết thúc hội nghị công tác kinh tế trung ương mới đây - hội nghị thường niên cấp cao về chính sách kinh tế của Trung Quốc, quy tụ các quan chức hàng đầu ở trung ương và địa phương thảo luận các ưu tiên kinh tế cho năm tới - Bắc Kinh cam kết sẽ ngăn chặn lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Cam kết này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc buộc các ngân hàng thương mại phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc - lần tăng thứ sáu trong năm nay và lần tăng thứ ba trong vòng một tháng - như một biện pháp làm chậm đà tăng trưởng tín dụng; và cơ quan thống kê nước này cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11-2010 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất trong ba năm trở lại đây. Những động thái ấy làm phát sinh lời đồn đoán rằng, qua năm mới, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản sau khi đã tăng một lần hồi tháng 10-2010, lần tăng lãi suất đầu tiên trong vòng ba năm qua.
Những thách thức đa chiều
Những người lạc quan tin rằng, Chính phủ Trung Quốc rất khéo léo trong việc lèo lái nền kinh tế đi đúng hướng trong các thập niên qua, thúc đẩy tăng trưởng khi cần thiết và hãm đà tăng trưởng khi nó trở nên quá nóng, cũng sẽ thành công trong năm tới. Tuy nhiên một số người khác nhận định, lần này Trung Quốc không chỉ phải đương đầu với lạm phát mà còn đang cố gắng tái cấu trúc nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư, hướng tới tiêu thụ nội địa nhằm đạt được sự phát triển cân bằng và bền vững hơn.
Thêm vào đó, Trung Quốc còn phải đương đầu với áp lực mạnh mẽ của quốc tế đòi phải nâng giá trị đồng nhân dân tệ khi ngày càng có nhiều đối tác thương mại than phiền Trung Quốc kìm giá đồng tiền ở mức thấp giả tạo để giúp các nhà xuất khẩu giành lợi thế cạnh tranh. Thách thức lớn nhất trước mắt có lẽ là lạm phát mà nhiều nhà phân tích cho rằng trong thực tế đã nghiêm trọng hơn nhiều so với số liệu thống kê được công bố.
Giá nhà đất đã vọt lên ngất ngưởng. Ngay cả giá các mặt hàng thiết yếu như sữa, rau xanh và thực phẩm cũng đã tăng phi mã trong năm nay. Số liệu thống kê chính thức cho thấy vào tháng trước, trong khi chỉ số giá tiêu dùng chung chỉ tăng 5,1% thì giá lương thực đã tăng tới 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Andy Xie, một nhà phân tích kinh tế có tiếng ở Thượng Hải từng làm việc cho Ngân hàng Morgan Stanley, lý giải: “Nguồn cung tiền quá lớn. Chính phủ và các ngân hàng Trung Quốc đã tung ra rất nhiều tiền để kích thích kinh tế. Giờ đây, giá đất ở nhiều nơi đã tăng 20 lần, thậm chí có nơi tăng 100 lần. Lạm phát có nền tảng rất rộng; ví dụ vào một siêu thị sẽ thấy giá sữa ở Trung Quốc cao hơn ở Mỹ rất nhiều”. Ở Thượng Hải, nơi thu nhập bình quân hàng tháng của người dân tương đương 530 đô la Mỹ nhưng một gallon sữa có giá tới 5,5 đô la.
|
Một nguyên nhân khác góp phần vào lạm phát là trong năm nay tiền lương của người lao động ở các tỉnh duyên hải Trung Quốc tăng lên sau những vụ đình công lớn và công nhân đòi được trả lương nhiều hơn. Nhiều nhà phân tích dự báo, tiền lương ở Trung Quốc sẽ còn tăng nhiều trong năm tới. Đó là điều tốt cho người lao động, nhưng tăng lương cũng sẽ làm thay đổi động lực của kinh tế Trung Quốc, đồng thời góp phần thúc đẩy lạm phát.
Nhu cầu cải tổ cơ cấu
Giờ đây Bắc Kinh đang bị áp lực phải hút về lượng tiền dư thừa trong lưu thông sau khi các ngân hàng quốc doanh phóng tay cho vay theo chương trình kích cầu của chính phủ từ đầu năm 2009. Các nhà phân tích nói rằng, phần lớn các khoản cho vay này đều được chuyển vào đầu cơ bất động sản.
Ngoài việc hạn chế cho vay của các ngân hàng quốc doanh lớn, gần đây Bắc Kinh còn đóng cửa nhiều tổ chức tín dụng ngầm hoạt động bên ngoài hệ thống ngân hàng, đồng thời ngăn cản các chính quyền địa phương vay tiền để thực hiện các dự án hạ tầng cơ sở hoành tráng nhưng lãng phí và tham nhũng.
Hội nghị công tác kinh tế trung ương của Trung Quốc vừa qua cũng nhắc lại những tuyên bố trước đây rằng chính sách tài chính và tiền tệ của Trung Quốc trong năm tới sẽ “cẩn trọng” hơn là “nới lỏng vừa phải” như năm nay, dù không đưa ra mục tiêu hay dự báo cụ thể. Tuyên bố của hội nghị cũng kêu gọi “đừng theo đuổi mức tăng trưởng cao một cách mù quáng mà phải tập trung nhiều hơn vào chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng, vào công cuộc tạo ra thêm nhiều việc làm và cải thiện đời sống người dân”.
Theo một số nhà kinh tế, giải pháp thật sự cho Trung Quốc là phải tư nhân hóa thêm nhiều ngành công nghiệp và để cho thị trường giữ vai trò lớn hơn trong hoạt động kinh tế. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhà nước Trung Quốc đã gia tăng sự kiểm soát kinh tế và đó là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng hiện nay.
Giáo sư Hứa Tiểu Niên (Xu Xiaonian), khoa Kinh tế tài chính trường Kinh doanh quốc tế Trung Quốc - châu Âu tại Thượng Hải, nhận định: “Lạm phát chưa phải là vấn đề nghiêm trọng nhất. Vấn đề căn bản nhất mà chúng ta phải giải quyết là cơ cấu. Chúng ta cần mở cửa nhiều hơn, cần những chính sách cải cách. Hãy xem sự độc quyền của nhà nước về giáo dục, y tế, viễn thông và giải trí. Chúng ta cần mở cửa những lĩnh vực này. Chúng ta cần tạo ra thêm nhiều công việc làm và làm cho nền kinh tế có sức canh tân hơn”.
Giáo sư Trần Chí Vũ (Zhiwu Chen), khoa Tài chính Đại học Yale (Mỹ), cũng đồng ý như vậy. “Kinh tế nhà nước và chính quyền địa phương là những nơi sẽ xảy ra vấn đề trong tương lai. Đó là cội nguồn sinh ra những rắc rối thực sự cho hệ thống ngân hàng và tài chính Trung Quốc”, Giáo sư Trần nói.
Tác động đối với thế giới
Mặc dù không một nhà kinh tế nào dự báo đà phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc sẽ bị dừng lại, nhưng ai cũng tỏ ra thận trọng hơn khi đánh giá triển vọng của nền kinh tế khổng lồ này. Tổ chức Fitch Ratings mới đây đã công bố một nghiên cứu mà Fitch thực hiện cùng với tổ chức dự báo Oxford Economics về tác động đối với phần còn lại của thế giới một khi kinh tế Trung Quốc bị chậm lại.
Theo nghiên cứu này, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ giảm xuống 8,6% trong năm tới, từ mức 9,7% năm nay; nhưng nếu Trung Quốc giảm xuống 5% thì kinh tế của nhiều nước châu Á sẽ bị sút giảm nghiêm trọng. Sắt thép, năng lượng và nhiều ngành công nghiệp khác trên toàn thế giới sẽ phải chịu một cú sốc nặng.
Sự chậm lại của nền kinh tế này cũng có thể là một cú đấm mạnh vào kinh tế toàn cầu bởi vì nhu cầu mãnh liệt của Trung Quốc đối với tài nguyên thiên nhiên đang giúp thúc đẩy sự tăng trưởng ở châu Á và châu Mỹ Latin, thậm chí cả khi Mỹ và châu Âu đang lụn bại.Và bởi vì Trung Quốc là người nắm giữ nhiều nhất trái phiếu chính phủ Mỹ, đồng thời là một điểm đến quan trọng của dòng vốn đầu tư từ Mỹ trong những năm gần đây, bất kỳ cú vấp ngã nào của Trung Quốc cũng sẽ làm các công ty Mỹ bị thương tổn.
Tuy các nhà phân tích của Fitch rất cẩn trọng, không dự báo một sự sụt giảm mạnh ở Trung Quốc nhưng họ nói rằng, nếu điều đó xảy ra thì “rất có khả năng nó bắt nguồn từ mối kết hợp giữa sự sụp đổ của thị trường bất động sản và khủng hoảng của hệ thống ngân hàng”.
Nguồn: TBKTSG