VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Nhìn lại Hội nghị Cancun về biến đổi khí hậu: Những khoảng cách còn lại

21/12/2010 - 217 Lượt xem

Hội nghị đồng ý rằng các nước giàu sẽ bỏ ra hàng ngàn tỉ đô la Mỹ để giúp các nước nghèo phát triển theo một con đường “xanh” hơn. Kết thúc hội nghị vào sáng thứ Bảy tuần trước, sau cuộc thương thảo cuối cùng kéo dài suốt đêm, có 194 quốc gia - trừ Bolivia và Cuba - đồng ý lập ra một quỹ tài chính có tên là Green Climate Fund (GCF), huy động sự đóng góp của các nước giàu để từ năm 2020 trở về sau sẽ chi ra mỗi năm khoảng 100 tỉ đô la Mỹ giúp các nước nghèo thích nghi với tình trạng khí hậu cực đoan. Thỏa thuận này được coi là thành công quan trọng nhất của hội nghị Cancun sau hai tuần thảo luận căng thẳng.

Tuy nhiên chung quanh việc hình thành và hoạt động của quỹ GCF vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp. Các nhà ngoại giao vẫn chưa thảo luận những chi tiết cụ thể như nước nào góp bao nhiêu tiền, các nước nghèo phải hội đủ những điều kiện nào thì mới nhận được hỗ trợ từ quỹ GCF... Cho đến nay, các quốc gia thường cắt giảm mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thông qua hai biện pháp đồng thời: tăng thuế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch như xăng dầu và trợ cấp các ngành năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, khuyến khích việc sử dụng năng lượng có hiệu quả. Cân đối thu - chi cho hai biện pháp này là một bài toán khó.

 

Việc đóng góp vào quỹ GCF, chưa kể kinh phí giành cho việc cắt giảm khí thải trong nội bộ từng quốc gia, có thể sẽ tạo thêm một gánh nặng cho ngân sách của các nước giàu. Chính vì thế, ngay tại hội nghị Cancun, các nước phát ra nhiều khí thải nhất thế giới như Mỹ và Trung Quốc đều ra sức vận động để không bị áp một mức đóng góp cụ thể vào quỹ GCF.

Thiếu sự tham gia của các quốc gia này, tương lai của quỹ GCF vẫn khó bảo đảm được. Hội nghị Cancun đồng ý Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ điều hành quỹ GCF trợ giúp các nước đang phát triển, nhưng chi tiết của sự điều hành này vẫn chưa được thảo luận mà gác lại cho các hội nghị sau.

Sau hội nghị Cancun, tương lai của Nghị định thư Kyoto vẫn chưa được xác định. Nghị định thư Kyoto là một công ước quốc tế ra đời năm 1997 và có hiệu lực đến cuối năm 2012; các quốc gia phê chuẩn công ước này phải cắt giảm lượng khí thải phát vào bầu khí quyển trong một nỗ lực chung nhằm làm cho nhiệt độ trái đất không cao quá 2 độ C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp hóa. Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto cho nên không bị buộc phải cắt giảm khí thải như các nước công nghiệp khác.

Năm ngoái, hội nghị về biến đổi khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch) đã thất bại trong nhiệm vụ thảo ra một hiệp ước quốc tế mới có tính ràng buộc về pháp lý, có hiệu lực từ năm 2013 nhằm nối tiếp Nghị định thư Kyoto, theo đó các quốc gia phải cam kết cắt giảm khí thải. Thất bại này được coi như là hồi chuông báo tử cho nỗ lực quốc tế cắt giảm sự phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Năm nay, bước vào hội nghị Cancun, Nhật Bản - một trong các nền kinh tế lớn nhất đã phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Kyoto, đã tuyên bố dứt khoát sẽ không tham gia một hiệp ước cắt giảm khí thải mới, nếu không có sự tham gia đồng thời của Mỹ và Trung Quốc. Nga cũng bày tỏ một lập trường tương tự Nhật Bản. Shinsuke Sugiyama, nhà đàm phán chính của Nhật, nói rằng sẽ “không công bằng và không hiệu quả” khi Nhật Bản phải cắt giảm khí thải mà các nước công nghiệp khác thì không.

Đáp lại cáo giác của Nhật, cả Trung Quốc và Mỹ - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng phát ra nhiều khí thải nhất thế giới - đều nói rằng, họ đang đi theo hướng cắt giảm khí thải một cách tự nguyện thông qua các biện pháp thúc đẩy việc sử dụng năng lượng có hiệu quả và mở rộng việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Ngay sau hội nghị Cancun, Trung Quốc đưa ra tuyên bố khẳng định lại lập trường của nước này: kêu gọi các nước giàu phải chấp nhận các mức cắt giảm khí thải trong vòng đàm phán kế tiếp về hiệp định biến đổi khí hậu sẽ tổ chức ở Nam Phi vào cuối năm 2011 và phải có nghĩa vụ cung cấp tiền bạc để “hỗ trợ nỗ lực của các nước đang phát triển trong việc ứng phó với sự biến đổi khí hậu”. Cho dù đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, tại các diễn đàn quốc tế, Trung Quốc luôn tự nhận mình là quốc gia đang phát triển để thu hút đồng minh và đòi hỏi sự đối xử ưu đãi.

Theo Tổ chức Năng lượng quốc tế IEA, những cam kết cắt giảm khí thải hiện nay không đủ để ngăn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên mức mà nhiều viện nghiên cứu khoa học quốc gia cho rằng có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp do khí hậu biến đổi. Chính vì vậy, bà Coonie Hedegaard, Ủy viên châu Âu về khí hậu, cảnh báo ngay sau khi hội nghị Cancun kết thúc: “Có một con đường dài và gập ghềnh ở phía trước và còn rất nhiều việc phải làm”.

Nguồn: TBKTSG