VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu: Tương lai mù mịt

10/12/2010 - 218 Lượt xem

Cuộc họp diễn ra vào lúc tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s hôm thứ Hai (6-12) hạ mức tín nhiệm của trái phiếu chính phủ Hungary xuống hai bậc, từ BAA1 xuống BBA3, ngấp nghé ngưỡng “trái phiếu rác” (junk bond) và lợi suất trái phiếu của các chính phủ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tiếp tục tăng lên, nghĩa là niềm tin của nhà đầu tư vào các loại trái phiếu này đã giảm thêm.

Giải pháp nào cũng không xuôi lọt

Trọng tâm của cuộc họp là xác định xem quỹ ứng cứu tài chính hiện thời, gọi là Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF), có đủ tiền để ứng cứu một khi Bồ Đào Nha, thậm chí cả Tây Ban Nha đi vào vết xe đổ của Hy Lạp và Ireland, cần được cứu khỏi nguy cơ phá sản hay không. Quỹ EFSF ra đời tháng 5-2010, ngay sau vụ khủng hoảng ở Hy Lạp, hiện có khoảng 750 tỉ euro (997 tỉ đô la Mỹ) trong đó các nước giàu trong khối eurozone đóng góp 450 tỉ euro, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) góp 250 tỉ euro và số còn lại do các nước EU bên ngoài khối eurozone góp. Quỹ EFSF hiện đang chuẩn bị giải ngân 85 tỉ euro để cứu Ireland và theo giới phân tích, nếu cuộc khủng hoảng nợ lan ra các nước bị thâm hụt lớn khác như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và Bỉ thì EFSF sẽ không đủ sức cáng đáng.

 

Giải pháp hàng đầu được các bộ trưởng bàn luận là tăng quy mô nguồn vốn ứng cứu của châu Âu, nghĩa là các nước giàu phải đóng thêm tiền vào Quỹ EFSF. Giải pháp này do chính phủ Bỉ đề nghị, được cả IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ủng hộ. Nhưng, người “chủ chi” (paymaster) của khối eurozone là Đức thì ra sức phản đối. Từ Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố: “Tôi thấy vào lúc này không cần thiết phải mở rộng quy mô của Quỹ EFSF”. Đức chủ trương giữ nguyên nguồn vốn của quỹ và chỉ giải ngân khi thật sự cần thiết. Sự phản đối này không gây ngạc nhiên vì ai cũng biết Chính phủ Đức không muốn tiếp tục sử dụng tiền đóng thuế của người dân để cứu trợ cho các nước lân bang mà họ cho là sống phung phí, tiêu nhiều làm ít.

Ngay đến Tây Ban Nha - nền kinh tế có quy mô lớn gấp đôi kinh tế Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Ireland cộng lại, và bị coi là con cờ domino sắp ngã trong cuộc khủng hoảng này - cũng phản đối việc mở rộng quỹ cứu nguy EFSF. Phát biểu trên báo Pháp Les Echos, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Elena Salgado cho rằng, những yếu tố nền tảng của kinh tế Tây Ban Nha vẫn vững chắc và nước này sẽ không yêu cầu trợ giúp tài chính từ châu Âu. Theo bà Salgado, Tây Ban Nha đã có những biện pháp tích cực giải tỏa mối lo âu của nhà đầu tư như công bố hàng loạt chương trình cải cách hưu bổng, tăng thuế thuốc lá, giảm trợ cấp cho năng lượng gió…

Giải pháp thứ hai là thành lập một cơ quan quản lý nợ châu Âu làm đầu mối phát hành trái phiếu thay cho việc phát hành của từng quốc gia riêng rẽ. Ý kiến này được thủ tướng hai nước Luxemburg và Ý đề xuất trên báo Financial Times số ra ngày thứ Hai (6-12) với hy vọng sẽ làm yên lòng các nhà đầu tư tài chính, nhưng trong cùng số báo này, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble đã lên tiếng phản đối. Việc thiết lập một đầu mối phát hành trái phiếu chung cho cả khối eurozone, theo Thủ tướng Merkel, sẽ xóa nhòa sự khác biệt giữa các chính phủ và không khuyến khích các nước cải thiện việc quản lý tài chính công. Bà Merkel nhận định: “Nếu được vay nợ với lợi suất trái phiếu ngang bằng các nền kinh tế khác, các chính phủ sẽ không có động lực thực hiện Hiệp ước Ổn định và tăng trưởng” (là hiệp ước cắt giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách và nợ công của các nước eurozone, theo đó mức thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% GDP).

Tại cuộc họp, ngoài việc cổ xúy cho việc mở rộng Quỹ EFSF, Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB đẩy mạnh việc mua lại trái phiếu để ngăn chặn khủng hoảng, giống như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã làm khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ năm 2008 và mới làm lại gần đây. Trong thực tế, việc ECB tung tiền mua trái phiếu đã giúp làm yên thị trường trong nửa cuối tuần qua, làm giảm chi phí vay vốn của các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý nhưng theo các chuyên gia, tác dụng đó chỉ là tạm thời và khối eurozone sẽ khó tiếp tục tồn tại ở dạng thức hiện thời nếu cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng và kéo dài. Hơn thế nữa, ngay trong nội bộ ECB đã không có sự đồng thuận đối với biện pháp in tiền mua trái phiếu. Thống đốc Ngân hàng trung ương Đức và có ảnh hưởng lớn ở ECB, ông Axel Weber, từ đầu năm nay đã cực lực bác bỏ biện pháp này vì không muốn lạm phát tăng cao, đe dọa đà phục hồi của kinh tế Đức.

Bấp bênh eurozone

 

So sánh lợi suất trái phiếu 10 năm của một số chính phủ (%/năm)- Nguồn: Thomson Reuters.

Nếu không có sự đồng thuận của Đức, mọi kế hoạch cứu nguy ở châu Âu đều trở nên không khả thi và sự phản đối của Đức cũng cho thấy một thực tế đầy rủi ro của khối eurozone. Trong một bài trước, chúng tôi đã nói rằng, về mặt kinh tế các quốc gia trong khối này bị kéo theo hai hướng khác nhau, hình thành những quốc gia giàu mạnh dựa vào xuất siêu và những quốc gia còn lại, thường xuyên nhập siêu và phải dựa vào vay mượn để hoạt động. Cùng trong Liên minh châu Âu, các quốc gia này có chính sách xã hội gần như nhau nhưng trình độ phát triển, năng suất lao động, trình độ công nghiệp hóa và toàn cầu hóa kinh tế rất khác nhau, dẫn tới cảnh “đồng sàng dị mộng” vẫn ám ảnh EU.

Xét cho cùng, khối eurozone đang phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng chứ không phải một. Một là cuộc khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách hiển hiện ngay trước mặt. Hai là sự phân cách giữa các nền kinh tế xuất khẩu và có sức cạnh tranh cao như Đức, Pháp, Hà Lan ở phía Bắc với các nền kinh tế có sức cạnh tranh kém hơn như Hy Lạp, Bồ Đào Nha ở phía Nam. Công cuộc toàn cầu hóa mang lại cơ hội phát triển cho các nước giàu phía Bắc vì họ có thể mở rộng đầu tư, thâm nhập các thị trường mới ở châu Á, trong khi các nước phía Nam lại càng khó khăn hơn do không thể cạnh tranh với những đối thủ mới nổi như Trung Quốc, Brazil, Nga và các nước Đông Âu cũ.

Cuộc khủng hoảng nợ công - và nhất là sự bất đồng giữa Đức và các nước khác nói trên - cho thấy, vấn đề phân

cách Nam-Bắc trong khối eurozone đe dọa trở thành một cái vòng luẩn quẩn, ngày càng căng thẳng và số phận đồng tiền chung châu Âu ngày càng thêm bấp bênh. Ngay cả những người nhiệt liệt ủng hộ đồng tiền chung châu Âu cũng phải thừa nhận rằng, khối eurozone sẽ khó tồn tại nếu các nước yếu bị rơi vào tình trạng thường xuyên phải thắt chặt chi tiêu, giảm thu nhập trong khi các nước mạnh cứ phải bòn rút tiền thuế của dân để góp vào các quỹ cứu nguy tài chính.

Giáo sư Nouriel Roubini, Đại học New York và là chuyên gia hàng đầu về khủng hoảng kinh tế, tỏ ra không lạc quan về tương lai của khối eurozone. Theo ông, để thúc đẩy tăng trưởng và ra khỏi khủng hoảng hiện thời các nước Nam Âu cần phá giá đồng tiền, nhưng đó là nhiệm vụ bất khả thi vì bị ràng buộc vào đồng tiền chung, còn giảm giá đồng euro cũng không thể được giữa lúc kinh tế Đức vẫn đang mạnh và kinh tế Mỹ đang bị thâm hụt thương mại lớn. “Họ [các nước eurozone] có làm được việc cải tổ cơ cấu kinh tế, điều chỉnh tài khóa, phục hồi tăng trưởng, giảm thất nghiệp và tăng sức cạnh tranh hay không? Tôi không chắc”, ông Roubini nói. Và cho dù họ theo đúng con đường cải tổ đó thì cũng phải mất hàng thập kỷ mới tăng được sức cạnh tranh, lấp đầy khoảng cách giữa các nước trong cùng khối eurozone. Trong thời gian đó, khối eurozone sẽ khó tìm được sự ổn định và tăng trưởng, thậm chí đà phát triển của các nền kinh tế mạnh như Đức và Pháp cũng có thể bị “trật đường ray” do sức kéo của các lân bang ốm yếu.


Nguồn: TBKTSG