Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước
Kinh tế Trung Quốc: thặng dư tăng, tăng trưởng giảm
16/08/2010 - 210 Lượt xem
Hôm qua 10-8, Chính phủ Trung Quốc công bố số liệu thống kê cho thấy, thặng dư thương mại trong tháng 7 đã lên mức 28,7 tỉ đô la Mỹ, nhiều hơn mức 20,02 tỉ đô la Mỹ của tháng 6 và vượt xa mức dự báo 19,6 tỉ đô la Mỹ mà các nhà kinh tế đưa ra. Đây cũng là mức thặng dư thương mại cao nhất kể từ tháng 1-2009, khi Trung Quốc đạt thặng dư thương mại 39,11 tỉ đô la Mỹ.
Thặng dư thương mại làm tăng áp lực tỷ giá
Thặng dư thương mại tháng 7 của Trung Quốc tăng mạnh một phần do nhập khẩu giảm nhiều hơn xuất khẩu. Số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu chỉ tăng 22,7%, thấp hơn mức 34,1% của tháng 6; xuất khẩu tháng 7 tăng 38,1% so với cùng kỳ nhưng thấp hơn mức tăng 43,9% của tháng 6.
Một dấu hiệu về sức mạnh xuất khẩu của Trung Quốc là lượng hàng hóa nước này bán sang thị trường châu Âu vẫn tăng bất chấp thực tế châu lục này đang bị khủng hoảng tài chính và nhiều nước EU phải thực hành tiết kiệm, giảm chi tiêu. Số liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu trong tháng 7 tăng 5,4% so với tháng 6, từ 27,2 tỉ đô la Mỹ tăng lên 28,67 tỉ đô la.
Số liệu thương mại tháng 7 của Trung Quốc được đưa ra sớm hơn một ngày so với số liệu của Mỹ, dự kiến công bố vào hôm nay thứ Tư (tức sáng sớm mai giờ Việt Nam) nhưng giới phân tích dự báo thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 7 sẽ không dưới 40 tỉ đô la.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc từ năm ngoái đến nay |
Nhà kinh tế Brian Jackson của ngân hàng Royal Bank of Canada nhận định: “Sự trái ngược trong chiều hướng thương mại giữa hai nền kinh tế quan trọng nhất thế giới có khả năng sẽ khiến Washington gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh phải để cho đồng nhân dân tệ tăng giá thêm nữa, nhất là khi cuộc bầu cử quốc hội Mỹ giữa kỳ vào tháng 11 đang đến gần”. Một số nhà kinh tế khác cũng đồng ý rằng, thặng dư thương mại lớn có thể sẽ khiến đồng nhân dân tệ Trung Quốc tăng giá trong vài tháng tới.
Hôm 19-6 Trung Quốc đã công bố thay đổi chính sách tỷ giá, thay vì “neo chặt” đồng tiền vào đồng đô la Mỹ như trước thì cho phép đồng nhân dân tệ được tăng giảm trong biên độ +/- 0,5% mỗi ngày. Từ đó đến nay, đồng tiền Trung Quốc đã tăng giá 0,77% so với đô la Mỹ.
Tuy nhiên, giới cầm quyền Mỹ vẫn cho rằng Trung Quốc kiềm chế giá trị đồng nhân dân tệ để giành lợi thế cho hàng xuất khẩu và ngăn cản nhập khẩu. Một dự luật đang được chuẩn bị tại quốc hội Mỹ cho phép các công ty Mỹ đề xuất các mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc để bù vào thiệt hại mà các doanh nghiệp này phải chịu do đồng tiền Trung Quốc bị định giá thấp. Nghị sĩ Charles Schumer, người bảo trợ dự luật này, cho rằng: “Số liệu [thặng dư thương mại] cho thất Trung Quốc chỉ hành động chiếu lệ mà không chấm dứt việc thao túng đồng tiền trừ phi họ bị buộc phải làm như vậy”.
Sự sụt giảm nhập khẩu của thị trường Trung Quốc cũng làm mờ triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á và làm tăng nỗi lo của giới đầu tư quốc tế về khả năng hổi phục kinh tế toàn cầu. Hôm qua, giá cổ phiếu trên các thị trường châu Á đồng loạt giảm mạnh, chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 2,9%, còn 2.595,27 điểm.
Hôm nay thứ Tư 11-8, Trung Quốc tiếp tục công bố những số liệu kinh tế khác cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Á này đang tăng trưởng chậm lại.
Đáng chú ý nhất là tăng trưởng về đầu tư và sản xuất công nghiệp trong tháng 7 đều giảm do chính phủ nước này đưa hoạt động tín dụng trở lại mức bình thường sau thời kỳ đẩy mạnh kích thích kinh tế từ cuối năm 2008 đến nay. So với cùng kỳ năm trước, mức tăng sản lượng công nghiệp hàng năm trong tháng 7 giảm xuống 13,4% so với mức 13,7% trong tháng 6 nhưng vẫn cao hơn mức dự báo 13,2% của các nhà kinh tế.
Tốc độ tăng đầu tư vào tài sản cố định như căn hộ và nhà máy ở các đô thị cũng giảm xuống 24,9% từ mức 25,5% của tháng trước. So với cùng kỳ năm ngoái, đầu tư phát triển bất động sản trong tháng 7 chỉ tăng 33%, đạt mức 411,8 tỉ nhân dân tệ (60,85 tỉ đô la Mỹ), thấp hơn nhiều so với mức 46,3% và 583 tỉ nhân dân tệ của tháng 6. Giới phân tích dự báo, hoạt động đầu tư vào tài sản cố định của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục giảm mạnh trong những tháng cuối năm nay.
Chính sách tín dụng chặt chẽ hơn, cùng với việc đóng cửa hàng loạt nhà máy lãng phí năng lượng và gây ô nhiễm môi trường góp phần tạo nên sự giảm sút này. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, mức giảm đầu tư và sản lượng như thế là bình thường và không phải là dấu hiệu cho thấy kinh tế nước này đang đi xuống.
Trên thị trường, chỉ số giá tiêu dùng tăng lên trong khi tổng mức bán lẻ lại giảm cho thấy biện pháp thay đổi tỷ giá chưa có tác dụng bù đắp cho lạm phát và sức mua của xã hội vẫn chưa bật lên như mong muốn của các nhà hoạch định chính sách. So với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng doanh số bán lẻ toàn Trung Quốc trong tháng 7 chỉ đạt 17,9%, thấp hơn mức 18,3% của tháng 6. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng – thước đo tốc độ lạm phát – trong tháng 6 đã tăng lên 3,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 2,9% của tháng 6 và vượt qua chỉ tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 3% mà chính phủ Trung Quốc đề ra từ đầu năm nay. Các quan chức nước này giải thích các trận lụt lớn liên tục ở miền tây nam Trung Quốc, cùng với trận lở đất khủng khiếp đang diễn ra ở Cam Túc, khiến cho sản lượng nông nghiệp bị sút giảm mạnh, đẩy giá lương thực tăng cao và kéo theo giá cả các loại hàng hóa khác.
Nằm bên dưới và chi phối mọi hoạt động của nền kinh tế Trung Quốc là các chính sách về tiền tệ - tín dụng. Theo số liệu thống kê, tốc độ cung tiền ra xã hội (M2) đã giảm đáng kể trong tháng 7, chỉ còn tăng 17,6% so với năm ngoái; thấp hơn nhiều so với mức 18,5% của tháng 6.
Trung Quốc đặt kế hoạch tăng dư nợ tín dụng cả năm nay là 7.500 tỉ nhân dân tệ, chỉ bằng ba phần tư mức 9.600 tỉ nhân dân tệ năm ngoái. Trong tháng 7, hệ thống ngân hàng nước này đã cho vay mới 533 tỉ nhân dân tệ, thấp hơn mức dự báo 600 tỉ nhân dân tệ mà ngân hàng trung ương nước này đưa ra. Các chính sách khuyến khích tiêu dùng bị rút lại, việc vay tiền để mua nhà cửa bị giới hạn, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ chung của thị trường, từ xi-măng, sắt thép tới bàn ghế và đồ dùng gia đình.
Giới phân tích cho rằng. Trung Quốc không nên quá lo ngại lạm phát mà siết chặt nguồn cung tín dụng, vì như thế sẽ không phát triển được thị trường tiêu thụ và làm cho nền kinh tế nước này càng phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu. Trong báo cáo phân tích của mình, Yu Song và Helen Qiao, hai nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs, nhận định: “Chúng tôi tin rằng mức tăng cung tiền này là quá hạn chế vì nó sẽ làm nặng nề thêm áp lực giảm lên tăng trưởng nhu cầu nội địa trong tương lai gần”. Và điều đó càng gây thêm khó khăn cho Trung Quốc khi các thị trường tiêu thụ lớn như châu Âu và Mỹ chưa có dấu hiệu phục hồi bền vững.
Nhìn chung các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc năm nay sẽ khó vượt qua được mức tăng 9,1% của năm ngoái, cho dù nước này có thể vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xét về quy mô tổng sản lượng.
Nguồn: TBKTSG