VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Nhà xuất khẩu châu Á lo ngại khủng hoảng nợ tại châu Âu

06/08/2010 - 172 Lượt xem

Các công ty châu Á bán hàng cho thị trường châu Âu, từ áo len lông cừu đến pin năng lượng mặt trời cảm nhận sâu sắc sự ảnh hưởng. Hiện, euro so với tiền tệ địa phương thấp hơn 20% so với năm ngoái khiến các nhà sản xuất châu Á phải đàm phán với khách hàng châu Âu để định giá lại.

Ông Willy Lin, 52 tuổi, Giám đốc Công ty dệt kim Milo’s (Hongkong) chuyên cung cấp áo len cho các thương hiệu cao cấp của châu Âu, cho biết các đơn đặt hàng trước đó của châu Âu đang làm cho công ty của ông thiệt hại.

Xu hướng của euro có thể gây khó khăn tạm thời. Vấn đề lớn hơn là, kinh tế châu Âu yếu sẽ làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa của châu Á trong dài hạn. Do ngành sản xuất của châu Á đã trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu nên điều này rất quan trọng với kinh tế thế giới.

Châu Á không thể rời khỏi khách hàng châu Âu. Theo thống kê của Ngân hàng DBS (Singapore), thị trường Liên minh châu Âu (EU) chiếm đến 13% kim ngạch xuất khẩu của châu Á. Thị trường Mỹ chiếm 11% kim ngạch xuất khẩu.

Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn tại Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 đầu tháng 5-2010 ở Busan (Hàn Quốc) nói các chính phủ châu Âu cắt giảm chi tiêu có thể tác động tiêu cực đến các nước đang phát triển mà tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.

Ông Kahn nói các thị trường mới nổi cần có biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để bù đắp cho những ảnh hưởng bất lợi do kinh tế châu Âu mang lại.

Tuy nhiên, những thay đổi trên phải đợi nhiều năm mới có hiệu quả. Hiện nay, châu Á vẫn cần các thị trường phát triển duy trì sự tăng trưởng.

Hiện nay, sự suy giảm của đồng euro vẫn là mối đe dọa trực tiếp nhất.

Các nhà sản xuất điện tử cao cấp bị ảnh hưởng đầu tiên. Nhà phân tích Saurabh Chugh của CLSA cho biết 1/2 doanh thu của hãng sản xuất máy tính Acer (Đài Loan) đến từ châu Âu. Theo đó, đồng euro so với Đài tệ giảm 1% thì lợi nhuận của công ty này sẽ giảm 5%. Doanh thu của hãng điện tử khổng lồ Samsung (Hàn Quốc) cũng có 15% tính bằng euro.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng lớn. Khoảng 85% doanh thu của nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời Solarfun Power tại Thượng Hải đến từ châu Âu.

Một số người lo lắng các ngân hàng và công ty tại châu Á phụ thuộc nhiều vào cung cấp tài chính của ngân hàng châu Âu có thể bị một đòn nặng khi châu Âu thắt chặt tín dụng, hoặc sẽ lặp lại hiện tượng các dự án liên doanh bốc hơi như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tất nhiên, cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu cũng có thể không khiến châu Á thiệt hại nhiều. Một số người cho rằng chỉ cần kinh tế Mỹ duy trì tăng trưởng, ngay cả khi tăng trưởng kinh tế của châu Âu giảm thì các nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu của châu Á vẫn sẽ có biểu hiện tốt.

Kinh tế trưởng về thị trường châu Á – Thái Bình Dương của CLSA, ông Eric Fishwick, nhận xét tăng trưởng xuất khẩu của châu Á sẽ tiếp tục chịu áp lực nhưng trên tổng thể, ảnh hưởng của châu Âu vẫn ít hơn so với tác động từ chất lượng tăng trưởng kinh tế của chính châu Á.

Nguồn: TBKTSG