VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Kinh tế thế giới chưa qua cơn bĩ cực

06/08/2010 - 193 Lượt xem

Một năm trước đây, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều bị đánh gục bởi suy thoái. Mức độ thiệt hại thật đa dạng. Ở những nước giàu, sản lượng sụt giảm, tại Trung Quốc và một số nền kinh tế đang nổi khác, sự tăng trưởng chậm lại rõ rệt. Tuy vậy, đặc điểm nổi bật của cuộc khủng hoảng này là tính đồng bộ cũng như tính khốc liệt của nó. 

Giai đoạn phục hồi đã bắt đầu. Sự hồi phục của Trung Quốc bắt đầu sớm nhất và ngoạn mục nhất. Nền kinh tế của nước Mỹ lại bắt đầu tăng trưởng trở lại vào giữa năm 2009 và dường như tăng tốc mạnh mẽ trong những tháng cuối cùng của năm này. Nhiều nhà phân tích mong đợi sự tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ tăng vọt lên 5,5% hoặc hơn. Các tin tức từ khu vực châu Âu và Nhật Bản thì có phần ảm đạm hơn. Nước Đức bật lên từ khủng hoảng trước cả Mỹ song số liệu gần đây cho thấy sự tăng triển đã trở lại con số không trong quý 4 năm 2009. Sự hồi phục tại Nhật Bản cũng có vẻ ảm đạm. 

Việc thay đổi mô hình phát triển có thể tạo ra hiệu quả lớn cho trị giá tài sản. Lấy ví dụ, sức mạnh tiềm tàng trong các nền kinh tế đang nổi có thể thúc đẩy giá hàng hóa tăng lên, trong khi sự phục hồi nhanh của nền kinh tế Mỹ có liên quan tới khả năng mạnh lên của đồng đô la so với đồng euro tại châu Âu. 

Những người lạc quan cho rằng, sau mỗi cuộc khủng hoảng trầm trọng sẽ là một cuộc hồi phục đầy sinh khí, và sự hồi phục đó sẽ vượt trên cả mức dự kiến trong năm 2010 nhưng đến giờ thì kết quả vẫn rất mờ mịt. Có rất ít dấu hiệu của tăng trưởng việc làm. Các món nợ nhà đất vẫn chồng chất. Và có cả rủi ro trong việc hiệu chỉnh của các thị trường chứng khoán. 

Nhưng thậm chí cuộc hồi phục chậm của Mỹ cũng sẽ nhanh hơn những nền kinh tế lớn và giàu có khác. Khu vực sử dụng đồng euro hiện đối mặt với hai vấn đề khác biệt nhưng gây tác hại ngang nhau. Những nền kinh tế “bong bóng” thủ cựu như Tây Ban Nha hay Ireland đang phải gánh chịu tàn tích nặng nề. Nước Đức, giống như Nhật Bản, lại bị điêu đứng bởi nhu cầu tiêu thụ nội địa yếu ớt thường xuyên. Người tiêu dùng miễn cưỡng tiêu thụ hàng hóa, vì thế, dù xuất khẩu tăng trưởng mạnh cũng không khuyến khích được các công ty đầu tư, bất chấp những hy vọng về sự đảo ngược tình hình. 

Nước Mỹ sẽ tiến xa hơn các nước khác ở mức độ nào sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc liệu những quốc gia khác có thắt chặt chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài chính. Có nhiều cuộc thảo luận về quy tắc tài chính trong khu vực sử dụng đồng euro. Hy Lạp trong tháng này đã thông báo một sự siết chặt tài chính chưa từng có cho 3 năm tiếp theo. Nhưng Hy Lạp chỉ tạo ra 3% tăng GDP cho khu vực sử dụng euro, và việc củng cố tài chính nhanh chóng là ít hơn nhiều so với những nền kinh tế lớn khác. Chính phủ liên minh của Đức đang thúc đẩy việc giảm thuế vào năm 2011. Còn nước Pháp lại đang phản đối mạnh mẽ ý tưởng sớm cắt bỏ thân hụt do bội chi. 

Ngân sách của Mỹ có phần bất ổn hơn, đặc biệt là trước chiến thắng không được mong đợi tại Thượng viện của các đại diện Đảng Cộng hòa ở bang Massachusetts. Gói kích thích kinh tế hiện tại sẽ chấm dứt sự bùng nổ tăng trưởng GDP vào giữa năm. Nhờ nhu cầu cân bằng ngân sách, các bang tại Mỹ đang cắt giảm chi tiêu một cách quyết liệt. Cho dù Nghị viện đã thông qua một khoản bổ sung trị giá 150 tỷ USD để kích thích tăng trưởng việc làm, song Thượng viện vẫn chưa thực hiện điều này. Và nếu Nghị viện không làm gì, việc cắt giảm thuế từ thời Bush sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay. Điều này khó lòng xảy ra nhưng sự bế tắc về mặt chính trị có thể làm chậm lại sự tăng trưởng tài chính tại Mỹ. 

Những quyết định về chính sách sẽ có ảnh hưởng tới sự phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế đang nổi so với với các nước giàu. Dù nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc mạnh lên nhiều trong nửa cuối năm 2009, mức tăng trưởng vẫn nhờ vào các khoản cho vay vốn của chính phủ. Vậy nên, những triển vọng trong ngắn hạn tại Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào việc chính phủ kìm hãm lại sự bùng phát cho vay vốn nhanh đến đâu. 

Ông Jonathan Anderson thuộc UBS chỉ ra rằng thậm chí nếu không tính Trung Quốc và Ấn Độ, các nền kinh tế đang nổi vẫn phát triển nhanh hơn 4% so với các nền kinh tế giàu có trong suốt cuộc khủng hoảng, con số này cũng như vậy trước khủng hoảng. Một số nền kinh tế đang nổi, đặc biệt những nước trông cậy vào nguồn tài chính nợ nước ngoài, sẽ đối diện với các vấn đề tồn tại kéo dài. Ngân hàng Thế giới phàn nàn trong một thông báo mới đây, các điều kiện tài chính thắt chặt hơn có thể làm giảm 0,2–0,7% sức tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển trong 5 đến 7 năm tới. 

Sức mạnh của các nền kinh tế đang nổi, đặc biệt là Trung Quốc, cho thấy giá cả hàng hóa sẽ bình ổn. Điều đó cũng có nghĩa đồng tiền của họ sẽ tăng giá trị so với đồng đô la, dù điều này phụ thuộc vào quyết định của Trung Quốc về đồng nhân dân tệ. Trong thế giới phát triển, khoảng cách tăng trưởng giữa hai bờ Đại Tây Dương đang tăng lên đã giúp đồng đô la thắng thế trước đồng euro: đô la đã tăng hơn 5% so với mức thấp hồi tháng 11. Cuộc đua này liệu có tiếp diễn? Câu trả lời phụ thuộc nhiều vào việc phối hợp chính sách cũng như sự khác biệt trong sức tăng trưởng hiện nay. Chính sách tài chính thắt chặt hơn khiến phải duy trì chính sách tiền tệ thả lỏng lâu hơn cùng một đồng tiền yếu hơn. Vì vậy, quy tắc tài chính tại Mỹ sẽ đẩy đồng đô la đi xuống, và ngược lại. 

Sự phục hồi cũng có tác động không đều giữa mức thặng dư và thâm hụt tài chính hiện tại của các nước. Thâm hụt tài chính hiện tại ở Mỹ và thặng dư tài chính hiện tại ở Trung Quốc đều giảm một nửa so với lúc cao nhất của họ, tới xấp xỉ lần lượt 3% và 6% GDP. Sự suy giảm đó có tiếp diễn hay không phụ thuộc trước hết vào giá dầu, thứ hai là vào nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu. Khi kinh tế toàn cầu phục hồi, sự mất cân bằng sẽ chỉ còn thấp nếu các nền kinh tế thặng dư, đặc biệt Trung Quốc, và cả các nước như Đức và Nhật, dựa vào nhu cầu nội địa trong khi những nước đi vay lớn, đặc biệt là Mỹ, lại cắt giảm thâm hụt ngân sách và tiết kiệm nhiều hơn. Các nền kinh tế hiện đang tăng trưởng với những tỷ lệ khác nhau. Chúng cũng phải phát triển theo những cách khác nhau. 

Nguồn: Economist, Vietnamnet