Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước
Trung Quốc mạnh tay với lãnh đạo các tập đoàn
06/08/2010 - 200 Lượt xem
Ông ta sống vương giả, tiêu tiền như nước, nuôi nhiều tình nhân và làm giả tài liệu liên quan đến 20 tỷ nhân dân tệ. Đó là vài nét mà tờ Straits Times của Singapore phác thảo chân dung Zhang Chunjiang, 51 tuổi, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành nhà mạng di động lớn nhất Trung Quốc – China Mobile.
Bị bắt giam tháng trước, Zhang, lúc ấy còn kiêm nhiệm vị trí bí thư đảng ủy của China Mobile, là một trong 35 quan chức lãnh đạo các công ty, tập đoàn nhà nước (state-owned enterprise, SOE) ở Trung Quốc phải vào khám vì liên quan đến tham nhũng. Trong bộ máy chính quyền, chức vụ của Zhang Chunjiang tương đương hàm thứ trưởng.
Trước tình trạng tham nhũng và lạm dụng quyền lực ngày càng phổ biến trong giới quan chức, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố, năm 2010, sẽ mở đợt thanh lọc mới để chống lại “những thói hư tật xấu” trong nội bộ đảng, từ chuyện say sưa chè chén đến việc dùng công quỹ chi cho những chuyến du lịch xa xỉ, hay chuyện tình nhân, em út.
Tốc độ tăng trưởng cao của Trung Quốc trong vòng 30 năm trở lại đây đã kéo theo nạn tham nhũng trầm trọng. Nhiều quan chức tìm mọi cách để trở nên giàu nhanh chóng so với số đông trong xã hội.
Các SOE hấp thụ số ngân sách khổng lồ vốn là tiền thuế của người dân, nay là mục tiêu số một của các cơ quan phòng chống tham nhũng Trung Quốc, trong bối cảnh bức xúc xã hội đối với những trò làm ăn bịp bợm, lối sống trơ trẽn của những nhân vật tai to mặt lớn như Zhang tăng cao.
Theo Tân Hoa Xã, Zhang Chunjiang từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Công nghiệp thông tin khi mới 42 tuổi. Ông này từng nắm giữ những vị trí quan trọng tại China Netcom, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cố định hàng đầu Trung Quốc.
Tờ Straits Times cho hay, ngay khi những việc làm mờ ám của mình bị phát hiện, Zhang đã li dị vợ và sang tên một số tài sản chưa được xác định giá trị cho bà ta. Hiện, một trong những tình nhân của Zhang, một phó phòng thuộc China Netcom cũng đang bị điều tra.
Thứ năm vừa rồi, Ủy ban Kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cam kết sẽ tăng cường giám sát các lãnh đạo của SOE và bổ nhiệm nhân sự phụ trách điều tra các hoạt động liên doanh, liên kết và tái cấu trúc doanh nghiệp, cổ phần hóa.
Đây là bước cụ thể hóa sau khi những quy định chống tham nhũng mới được ban hành hồi cuối năm 2009, trong đó có việc yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng Trung Quốc khai báo tài sản cũng như cấm họ tự quyết định mức lương của mình.
Theo một nghiên cứu của Wang Rongli, một luật gia kì cựu có văn phòng ở Thâm Quyến, trong năm 2009, hơn 40% số doanh nghiệp máu mặt bị phát hiện có liên quan đến tội phạm là các SOE.
Nghiên cứu của luật sư Wang cho hay 36 trong tổng số 85 vị lãnh đạo tập đoàn bị bắt là lãnh đạo của các SOE, với số tiền “có vấn đề” là 3,4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 9.200 tỷ đồng).
Chen Tonghai, cựu chủ tịch công ty dầu mỏ lớn thứ hai Trung Quốc- Sinopec, là một trong những cái tên. Chen đã bị tuyên án tử hình (được hoãn thi hành án) sau khi thừa nhận đã ăn hối lộ 196 triệu nhân dân tệ (530 tỷ đồng) hồi tháng 7-2009.
Những vụ việc này đã khiến dư luận Trung Quốc sôi sục. Người ta cho rằng tham nhũng đã trở thành vết nhơ lớn nhất đối với hình ảnh quốc gia, sau những vụ hàng giả và hàng kém chất lượng.
Thậm chí sự tức giận của người dân đã biến thành những cuộc biểu tình, như hồi năm 2008. Hơn 500 người dân ở tỉnh Vân Nam đã xuống đường phản đối hai quan chức, những người đã nhận hối lộ 1 triệu nhân dân tệ (2,7 tỷ VND).
Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo rằng công cuộc chống tham nhũng, dù đã được khởi động và diễn ra 20 năm nay, vẫn có vai trò quyết định đối với sự tồn tại của chính quyền.
Thậm chí giờ đây, chỉ đơn giản là sự phô trương giàu sang của một số quan chức cũng đủ để công chúng giận dữ, như việc một quan chức cảnh sát ở Thâm Quyến bỏ ra 600.000 nhân dân tệ (1,62 tỷ VND) chỉ để tổ chức tiệc cưới. Cảnh sát sau đó xác định rằng anh này không lạm dụng công quỹ.
Giáo sư Xu Zhengzhong (Học viện Quản trị Trung Quốc) nói: Khi chi tiêu của chính phủ được công khai, những bữa tiệc xa xỉ và những chuyến công du tốn tiền phải được chấm dứt, dù đó là tiền công hay tiền tư”.
Nhiều tỉnh thành từ lâu đã tìm cách xử lý chuyện này bằng cách kiểm soát công tác phí, yêu cầu quan chức phải giới hạn số khách ở các bữa tiệc xuống dưới 100 người. Bắc Kinh thậm chí còn dùng các mệnh lệnh hành chính để yêu cầu quan chức từ bỏ chuyện vợ bé, em út, tránh xa tiếp viên nhà hàng, không rượu chè quá độ…
Nhưng giáo sư Lin Zhe của Trường Đảng Trung Quốc nói: “Đó mới là những mệnh lệnh trên giấy. Sự giám sát của kỉ luật đảng, của luật pháp, báo chí và người dân rõ ràng còn thiếu”.
Nguồn: Tiền Phong