Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước
Tăng trưởng Trung Quốc đối mặt với thách thức lâu dài
06/08/2010 - 208 Lượt xem
Thành công rất đáng chú ý của Trung Quốc trong việc giữ vững đà tăng trưởng ngắn hạn có thể khiến nước này “phớt lờ” những thách thức dài hạn, nhất là phát huy tiềm năng cải tiến năng suất lao động thông qua việc “giải quy” nhiều hơn nữa nền kinh tế lai tạp giữa kinh tế thị trường và kinh tế chỉ huy. Tại nhiều thành phố lớn, hầu như tất cả dự án kinh doanh béo bở đều dành cho các công ty, tổng công ty nhà nước, từ đó hạn chế sự phát triển của kinh tế tư nhân. Ở nông thôn, việc phát triển thị trường bị bỏ xó từ những năm 1990 đã khiến nông dân không còn thiết tha đầu tư vào đồng áng. Chính phủ Trung Quốc vẫn thường cho rằng khủng hoảng tài chính không làm thay đổi những thế mạnh căn bản của nước này như thị trường nội địa rộng lớn và lực lượng lao động cạnh tranh. Điều đó có thể đúng, ít nhất cho đến khi dân số nước này già đi làm thay đổi mối tương quan. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh toàn cầu trong đó các công ty Trung Quốc hoạt động đã thay đổi. Xuất khẩu từng là đòn bẩy cho sự mở mang của kinh tế Trung Quốc mấy năm gần đây, nhưng năm nay thương mại thế giới đã co lại lần đầu tiên trong mấy thập kỷ qua. Người dân Mỹ có vẻ sẽ thắt lưng buộc bụng trong nhiều năm tới, đã không còn là nguồn nhu cầu vô tận tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc cần đến một chiến lược thay thế cho việc đẩy mạnh xuất khẩu nếu muốn tiếp tục tăng trưởng vững chắc. “Chiến lược tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á đã không còn mang lại lợi nhuận nhiều như trước nữa”, Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo như vậy trong tuần trước. Ở Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã lồng ghép chính sách kích cầu vào một kế hoạch dài hạn nhằm cải thiện hàng loạt lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và sử dụng năng lượng. Ông đã bị chỉ trích là “ôm đồm” quá nhiều mục tiêu. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo thường bị phê phán ngược lại rằng họ đã làm quá ít. “Biện pháp kích cầu [của Trung Quốc] chỉ mang tính tình thế, không phải là một giải pháp thật sự”, ông Arthur Kroeber, Giám đốc điều hành của Công ty Nghiên cứu Dragonomics tại thủ đô Bắc Kinh, nói. Trong đợt suy thoái trước đây của Trung Quốc, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997-1998, Chính phủ Trung Quốc đã kết hợp liệu pháp kích cầu với cải tổ cơ bản nền kinh tế như tư nhân hóa lĩnh vực nhà đất ở đô thị và đổi mới nỗ lực gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Lần này, Chính phủ Trung Quốc cũng mạnh tay chi ngân sách cho cơ sở hạ tầng, phục vụ tăng trưởng ngắn hạn, nhưng cho tới nay vẫn chưa thực hiện một sự tự do hóa đáng kể nào. Trong năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chương trình trợ giá, giúp nông dân mua xe cộ và đồ dùng gia đình, một phần trong nỗ lực vực dậy khu vực nông thôn, nơi thu nhập và tăng trưởng đều tụt hậu khá xa so với thành thị. Những sự hỗ trợ tạm thời như vậy không thể thay thế cho việc gỡ bỏ những rào cản người dân nông thôn tiến tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, chẳng hạn như giúp cho họ tiếp cận nguồn tài chính. Các cơ sở sản xuất ở nông thôn Trung Quốc đóng góp hơn một phần tư nền kinh tế nhưng chỉ nhận được 5% vốn tín dụng của ngân hàng, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Những lời hứa hẹn gần đây của Chính phủ Trung Quốc đảm bảo quyền lợi của nông dân đối với đất đai của họ - như công nhận quyền thuê đất bằng văn bản và chấm dứt việc chính quyền các địa phương tịch thu ruộng đất - đã khuyến khích nông dân đầu tư vào những sự cải tiến dài hạn. Tuy nhiên, nông nghiệp cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nền kinh tế Trung Quốc - đóng góp khoảng 11% tổng sản phẩm nội địa của nước này vào năm ngoái, và có xu hướng trở thành lĩnh vực tăng trưởng tương đối chậm ở các quốc gia khác. Vì vậy, tiềm năng lớn nhất thúc đẩy sự tăng trưởng tương lai và năng suất lao động của Trung Quốc không nằm trong lĩnh vực nông nghiệp mà trong lĩnh vực dịch vụ. Cuộc bùng nổ trong sản xuất công nghiệp gần đây của Trung Quốc được hỗ trợ bằng những chính sách cho phép vốn đầu tư nước ngoài đổ vào với khối lượng lớn và sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp nội địa. Nhưng doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn thống trị các lĩnh vực dịch vụ then chốt như giao thông vận tải và truyền thông. Theo nhiều nhà kinh tế, bằng cách tháo dỡ rào cản để các doanh nghiệp tư được tham gia những lĩnh vực này sẽ nâng cao tính hiệu quả của cả nền kinh tế, đồng thời khuyến khích một làn sóng đầu tư mới vào những lĩnh vực có khả năng sinh lợi. “Chúng ta không thể để hũ nếp ngon riêng cho doanh nghiệp nhà nước hưởng. Chúng ta cần phải mở cửa cho đầu tư tư nhân”, ông Zhang Xiaojing, một nhà kinh tế của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc - cơ quan tư vấn chính sách hàng đầu của chính phủ, nhận định. Ông cùng nhiều người khác đề xuất một chương trình tương tự như cuộc cải tổ nhà đất năm 1998: biến nhà cửa từ phúc lợi riêng của Chính phủ thành hàng hóa trên thị trường, mở đường cho một làn sóng đầu tư của doanh nghiệp và tiêu dùng của cá nhân. Một số thành phần trong Chính phủ hiện đang đòi hỏi một sự thay đổi tương tự. Báo cáo hàng quí của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố cuối tuần qua thừa nhận, mặc dù giữ vững tăng trưởng kinh tế là điều cốt yếu nhưng “quan trọng hơn là thúc đẩy nhịp độ tái cơ cấu, canh tân và đổi mới nền kinh tế”. Song điều đó lại mâu thuẫn với một ưu tiên khác của Chính phủ Trung Quốc: xây dựng những doanh nghiệp quốc doanh khổng lồ. Trong khi các doanh nghiệp nhà nước tích lũy lợi nhuận kỷ lục trong những năm gần đây, chính quyền lại tỏ ra ngần ngại khi gặt hái những “thành quả” ấy hay đưa ra những áp lực cạnh tranh mới. “Vấn đề là ở chỗ chính phủ trực tiếp hay gián tiếp kiểm soát quá nhiều nguồn tài nguyên. Chính quyền lợi của chính phủ đang gặp nguy hiểm”, ông Zhang Shugang, một nhà kinh tế học của Viện Nghiên cứu Unirule - một trong vài cơ quan nghiên cứu độc lập ở Trung Quốc, nhận xét. Nguồn: Wall Street Journal, TBKTSG |