Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước
Mỹ nỗ lực vực nền kinh tế
06/08/2010 - 205 Lượt xem
Ngày 8/7, các nhà hoạch định chính sách Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đi đến một quan điểm chung là khủng hoảng trên thị trường địa ốc và tài chính có thể bén rễ sang năm 2009, trở thành một trong những vấn đề quốc nội đáng chú ý nhất khi tân tổng thống bắt đầu nhiệm kỳ tại Nhà Trắng vào tháng 1/2009. Trong bài phát biểu ngày 8/7, ông Ben S.Bernanke, Chủ tịch FED kêu gọi sự đồng thuận đối với một loạt các biện pháp khẩn cấp mà FED sắp thực hiện trong những tháng tới. Một trong những bước đi đầu tiên là chương trình cho vay lãi suất thấp dành cho các ngân hàng đầu tư lớn nhất Phố Wall. Ông Bernanke cũng kiến nghị Quốc hội trao thêm quyền lực cho FED để giám sát và quản lý thị trường tài chính nhằm đảm bảo tính ổn định trong tương lai. Ngày 8/7, Tổng thư ký Kho bạc Mỹ, ông Henry M.Paulson cũng phát biểu rằng chính quyền của ông Bush đang nỗ lực ngăn chặn càng nhiều cuộc vỡ nợ càng tốt, nhưng “con số các vụ vỡ nợ cao bất thường được công bố ngày hôm nay là không thể ngăn chặn được”. Ông Paulson cho biết, 1,5 triệu vụ tịch biên nhà cửa đã bắt đầu từ năm 2007 và ước tính khoảng 2,5 triệu vụ sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm nay. Trong bài phát biểu tuần trước ở London Anh, ông Paulson cũng khuyến nghị rằng những khó khăn trên thị trường tài chính và nhà đất có thể còn kéo dài hơn dự kiến ban đầu. Cùng ngày, ông Bernanke cho biết, tuần sau FED sẽ công bố những điều luật đã được mong chờ từ lâu để hạn chế việc phát sinh những khoản thế chấp độc hại và các khoản vay chi phí cao. Đây là nguyên nhân trọng tâm gây ra những vấn đề hiện tại trên thị trường. Cũng trong tuần sau, Ban quản trị Liên bang sẽ bắt đầu những nỗ lực tiếp theo để giúp đỡ thêm nhiều chủ hộ gặp khó khăn thông qua việc tái cấp vốn cho những khoản thế chấp có lãi suất điều chỉnh. Theo kế hoạch này, các “con nợ” sẽ được tái cấp vốn nếu họ chưa thanh toán được 3 tháng lãi thế chấp trong vòng 12 tháng qua. Những “con nợ” mất khả năng thanh toán vì mất việc, giảm lương và gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng được hưởng chính sách này. Bên cạnh đó, Quốc hội sắp hoàn thành quy định về kế hoạch giải cứu trị giá 300 tỷ USD. Qua đó, những người đi vay gặp rắc rối có thể được tái cấp vốn thông qua những khoản vay dễ chi trả hơn, được Chính phủ Liên bang đảm bảo. Thượng Nghị viện dự kiến sẽ thông qua kế hoạch này trong tuần sau. Tháng 3 năm nay, FED đã xây dựng các chương trình cho vay đối với những định chế tài chính trên phố Wall, đây là một phần trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng phá sản của các tổ chức tài chính lớn. Khác với tiền lệ của FED vốn chỉ cho những ngân hàng thương mại vay, đối tượng của chương trình mới này lại là các ngân hàng đầu tư. Để đạt được khoản vay này, FED cho phép các ngân hàng đầu tư ký quỹ bằng các công cụ tài chính kém thanh khoản. Chương trình này đã góp phần củng cố được thị trường tài chính khổng lồ chống chọi với tình trạng nguy kịch. “Rối loạn tài chính vẫn tiếp diễn và nỗ lực của chúng ta là tập trung vào việc giúp đỡ hệ thống tài chính trở về với những chức năng bình thường”, ông Bernanke phát biểu tại một diễn đàn ở bang Virginia, Mỹ. Tuy nhiên, ông không dự đoán đến bao giờ thị trường mới được trả lại những chức năng vốn có. “Mặc dù những thị trường vốn ngắn hạn vẫn đang bị căng thẳng, nhưng kể từ tháng 3/2008, đã có phần được cải thiện. Điều này phản ánh tác dụng từ sự can thiệp của FED thông qua các khoản cho vay và nỗ lực không ngừng của các công ty tài chính trong việc cải thiện tình trạng thanh khoản của họ”, ông Bernanke nói. Các quan chức của FED cho biết, cách đây một thời gian họ đã có chung quan điểm rằng sự ốm yếu của lĩnh vực tài chính và bất động sản sẽ tiếp tục vào năm sau. Tuy nhiên, các quan chức này cũng nhấn mạnh rằng, điều này không có nghĩa là sẽ có sự thay đổi trong chính sách lãi suất. Nguồn: VNEconomy. |
|