Tổng hợp
Ngân hàng Thế giới: Đông Á đang phục hưng
06/08/2010 - 244 Lượt xem
Ngày 6/6, Ngân hàng Thế giới đã công bố nghiên cứu mới của mình với tựa đề Đông Á phục hưng: Ý tưởng phát triển, một phân tích tổng thể về những yếu tố kinh tế xã hội và những thử thách mới đối với khu vực.
Báo cáo khẳng định rằng 10 năm sau khủng hoảng, Đông Á đã tự chuyển mình bằng cách tạo ra những nền kinh tế có sức cạnh tranh và sáng tạo hơn, nhưng bây giờ đã đến lúc khu vực phải quay trở lại giải quyết những thử thách nội tại, đó là bất bình đẳng, gắn kết xã hội, tham nhũng và môi trường xuống cấp do chính thành công của nó gây ra.
Theo Báo cáo, tăng trưởng của các nước trong khu vực Đông Á kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính rất đáng chú ý. Tổng sản phẩm quốc dân đã tăng gấp đôi, tăng trưởng đạt mức hơn 9% mỗi năm và đạt tới 4 nghìn tỉ USD năm 2005. Các chỉ số khác cũng rất ấn tượng. Xuất khẩu đã tăng lên mức một phần năm tổng xuất khẩu thế giới, tức là trên 2 ngàn tỉ USD mỗi năm, làm cho khu vực Đông Á trở thành khu vực thương mại mở nhất thế giới.
Khu vực này cũng là nơi nhận nhiều đầu tư nước ngoài nhất và có dự trữ ngoại tệ có giá trị 1,6 ngàn tỉ USD. Thị trường vốn đã tăng trưởng và tổng tài sản tài chính nội địa có giá trị 9,6 nghìn tỉ USD. Số người nghèo đã giảm hơn 300 triệu người (tính theo mức chi đầu người ít nhất là 2 USD/ngày) so với năm 1998. Nếu xu hướng phát triển hiện nay tiếp tục, đến năm 2025, Đông Á sẽ lại có vai trò lớn trong nền kinh tế thế giới (chiếm 43%) như những năm 1820, mà sau đó Đông Á dần đánh mất tầm quan trọng trên trường quốc tế của mình.
Báo cáo đánh giá tương lai của các nước Đông Á có thu nhập trung bình, trong đó nhấn mạnh các nền kinh tế không có lợi thế về lương thấp hoặc kỹ năng cao và với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế trong khu vực này đang đi theo một con đường hội nhập khu vực mới do Trung Quốc dẫn đầu. Trên con đường này, các nhà hoạch định chính sách phải quản lý luồng di cư 2 triệu người một tháng tới các thành phố Đông Á.
Tiến sĩ Homi Kharas, đồng tác giả của báo cáo nói: “Nhưng những thử thách phát triển tại mức thu nhập trung bình sẽ còn phức tạp hơn, và các nước sẽ phải điều chỉnh chiến lược của mình để tránh sức ép giữa các nước thu nhập cao, công nghệ cao và những đối thủ cạnh tranh có thu nhập thấp và mức lương thấp”.
Báo cáo cho rằng dòng chảy hàng hóa, tài chính và công nghệ sẽ giúp các nước nhỏ hơn ở Đông Á thu lợi từ kinh tế dựa trên quy mô, và cần phải khuyến khích hội nhập khu vực. Nhưng điều này cũng có nghĩa là các yếu tố này phải được hỗ trợ bởi các hoạt động nội địa để làm giảm sức ép mà tăng trưởng kinh tế tạo ra. Điều cơ bản cần thiết là phải xây dựng các thành phố đầy sức sống, xã hội gắn kết, và chính phủ sạch.
Tiến sĩ Indermit Gill, đồng tác giả báo cáo phát biểu: “Các thành phố là trung tâm của chiến lược phát triển dựa trên hội nhập, đầu tư và sáng tạo quốc tế... Đông Á đang chứng kiến sự chuyển đổi dân số nông thôn sang thành thị lớn nhất trong lịch sử. Trong vòng 20 năm tới, số lượng thị dân mỗi tháng sẽ tăng thêm khoảng hai triệu người. Điều này có nghĩa là phải lập kế hoạch xây dựng các thành phố vừa năng động vừa kết nối tốt với các khu vực nội địa khác cũng như với thế giới, để tiếp tục tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh gắn kết xã hội”.
Báo cáo cho rằng lợi ích từ tăng trưởng kinh tế dựa trên tri thức sẽ tập trung vào một số địa điểm và một số tầng lớp xã hội nhất định, vì vậy cần có các chính sách công để có thể chia sẻ những lợi ích này đồng đều hơn. Đối với các nước có thu nhập trung bình trong khu vực, báo cáo cho rằng cần tập trung cải thiện quản lý các thành phố nhỏ và trung bình, tăng cường cung cấp dịch vụ xã hội và tạo ra sự minh bạch và tinh thần trách nhiệm cao hơn trong các cấp chính quyền trung ương và địa phương.
Nhận xét về báo cáo này, Tổng thư ký ASEAN, tiến sĩ Ong Keng Yong nói: “Một trong những định nghĩa của “phục hưng” là việc áp dụng một cách sáng tạo các yếu tố văn hóa, giáo dục và kĩ năng. Điều này đang xảy ra với mức độ chưa có tiền lệ ở châu Á. Nó đã tạo ra những thay đổi căn bản trong khu vực và trên thế giới. Liệu sự thay đổi này có bền vững không? Những xu hướng và phân tích trong cuốn sách này là những câu trả lời quan trọng”.
Nguồn: TB KTVN