VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Phát triển các loại thị trường

Triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới

06/08/2010 - 270 Lượt xem

Một thời kỳ ảm đạm kéo dài suốt mấy năm cho đến tận 2005, chỉ số VN-Index chỉ xoay quanh mức 200 điểm. Thị trường chứng khoán đối với đa số người dân dường như không tồn tại trong thời gian này.

Thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ thực sự khởi sắc bắt đầu từ năm 2006 khi thị trường có sự gia nhập của nhiều công ty lớn hơn niêm yết trên sàn chứng khoán, trong đó có những công ty có vốn lớn và làm ăn hiệu quả như Vinamilk. Với nhiều nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán bắt đầu có hiệu lực, thị trường chứng khoán đã thu hút sự chú ý của các công ty cổ phần và các nhà đầu tư trong nước. Số công ty niêm yết trong năm 2006 tăng vọt về số lượng, từ 41 công ty năm 2005 lên 193 công ty.

Thị trường chứng khoán Việt Nam được coi là bùng nổ vào những tháng cuối năm 2006 và đầu 2007, sau những sự kiện nổi bật là Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC tháng 11/2006, và ngay sau đó là sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cùng với kết quả tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua, những sự kiện dồn dập này mang lại niềm hứng khởi cho các nhà đầu tư trong nước về triển vọng đầu tư. Tính đến tháng 12/2006, số lượng tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư mở tại các công ty chứng khoán là trên 120.000, gấp 3 lần cuối năm 2005 và hơn 30 lần so với năm đầu mở thị trường. Trong quí 1 năm 2007 đã có thêm 60 ngàn tài khoản được mở, bằng số lượng của cả giai đoạn 5 năm đầu (2000-2005).

Trên thực tế, VN-Index đã tăng từ 350 điểm vào cuối năm 2005 lên 750 điểm vào cuối năm 2006 và lên đến đỉnh cao 1.170 vào đầu tháng 3/2007, một mức tăng gần 230% trong vòng hơn một năm. Chỉ số HaSTC tăng từ 100 điểm lên 430 điểm vào tháng 3 vừa qua. Tổng số vốn hóa thị trường của cổ phiếu niêm yết trên hai trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tính tại thời điểm này đạt 340.000 tỷ, tương đương 35% GDP (tính theo GDP năm 2006). Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng này đã khiến Chính phủ phải điều chỉnh tăng mục tiêu phấn đấu phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2010.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận tỉnh táo hơn sẽ thấy thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến thời điểm này về thực chất vẫn là sơ khai mặc dù đã có một khung khổ pháp lý tương đối hoàn chỉnh. Qui mô thị trường nếu tính theo giá trị niêm yết của các công ty vẫn là quá nhỏ và chưa đóng vai trò là kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, hay nói cách khác chưa phải là kênh đầu tư nguồn tiền tiết kiệm mang tính chất lâu dài của người dân như ở các nước có thị trường chứng khoán phát triển. Tuy nhiên, từ sự phát triển vượt bậc của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, có thể nói rằng thị trường chứng khoán bắt đầu có ý nghĩa thực sự trong đời sống kinh tế và xã hội ở Việt Nam. Điều đó cho thấy triển vọng phát triển của thị trường chứng khoán về lâu dài là rất sáng sủa.

Mặc dù vậy, sự phát triển với tốc độ nhanh chóng của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ trong thời gian rất ngắn, đặc biệt là kể từ cuối 2006 cho đến cuối Quí 1/2007, đã thu hút sự chú ý của rất nhiều giới phân tích và bình luận cả trong và ngoài nước (tuy chưa có một nghiên cứu nào thực sự kỹ lưỡng để đưa ra được kết luận). Sau khi chỉ số thị trường chứng khoán VN-Index đạt được đỉnh cao là 1200 điểm vào giữa tháng 3/2007, thị trường chứng khoán bắt đầu giảm sút cũng khá bất ngờ như khi nó tăng lên, và đến thời điểm đầu tháng 5 (tức là chưa đầy hai tháng sau khi đạt đỉnh cao) nó đã trở về gần mức trước khi tăng là 900 điểm, và bắt đầu gây sự chú ý của những người quan tâm khi ngày 8/5 VN- Index vượt qua 1000 điểm. Tuy nhiên đà tăng mạnh qua hai phiên liên tiếp có thể đã làm dãn tính bền vững của chu kỳ này.

Việc dự đoán và nhận định về triển vọng phát triển ngắn hạn luôn là một việc khó khăn và người ta thường né tránh vì dễ dàng có thời gian kiểm nghiệm, đặc biệt là với một thị trường đầy bất ổn như thị trường chứng khoán mới nổi của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xuất phát từ đặc điểm của thị trường chứng khoán là một thị trường đặc biệt trong đó qui luật cung cầu được chi phối phần lớn bởi yếu tố kỳ vọng (yếu tố tâm lý) của những người tham gia thì có thể nói rằng sự lên xuống (rất nhanh) của thị trường chứng khoán là điều bình thường (còn bình thường hơn cả hiện tượng chỉ có lên mà không có xuống). Như vậy, sự tăng lên quá nhanh trong mấy tháng gần đây có thể giải thích bằng việc nhà đầu tư đặt kỳ vọng quá cao vào khả năng sinh lời của thị trường chứng khoán, thể hiện vào việc đẩy giá chứng khoán lên quá cao, và chắc chắn là vượt xa giá trị thật của nó, và do đó việc thị trường đang tự điều chỉnh giảm xuống trở về giá trị thật là đúng qui luật và là tín hiệu của thị trường hiệu quả.

Trong năm 2007, phía cung của thị trường chứng khoán sẽ có sự góp mặt của nhiều công ty lớn. Hiện nay, trong số 109 công ty thực hiện niêm yết đăng ký giao dịch tại Trung tâm giao dịch TP Hồ Chí Minh, mới có trên dưới 10 công ty lớn, kinh doanh ổn định, có mức tăng trưởng đều qua các năm, phần đông còn lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo dự kiến, có tới 22 công ty đưa cổ phiếu ra bán trên thị trường chứng khoán trong 4 tháng tới, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Mobiphone, Vietcombank, Incombank, Habubank, BIDV, Bảo Việt.. với số vốn điều lệ hàng ngàn tỷ đồng. Rõ ràng với sự tăng cung lớn với nhiều loại cổ phiếu được đánh giá là tốt này sẽ thu hút một lượng cầu lớn và qui mô thị trường sẽ tăng lên rõ rệt.

Trong khi đó, về phía cầu của thị trường chứng khoán, hiện nay chủ yếu do các nhà đầu tư cá nhân chi phối, chiếm đến hơn 90% thị trường. Sự tăng lên rồi giảm xuống khá nhanh của thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua là do những quyết định đầu tư của phần lớn những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, thể hiện ở số lượng đăng ký tài khoản giao dịch chứng khoán tăng vọt trong thời gian rất ngắn và thể hiện ở hiện tượng giá tất cả các loại chứng khoán (bất kể của công ty nào) đồng loạt tăng kéo dài trong nhiều phiên giao dịch liền. Như vậy, sự sụt giảm cũng nhanh không kém đang diễn ra hiện nay là bài học lớn cho các nhà đầu tư. Chắc chắn họ sẽ có những quyết định đầu tư thận trọng hơn và sẽ góp phần không nhỏ cho sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Gạt sang bên yếu tố tâm lý và kinh nghiệm của nhà đầu tư thì điểm cuối cùng muốn nói tới về triển vọng phát triển ngắn hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới là cung và cầu chứng khoán đang tiến tới cân bằng (mặc dù đều có sự tăng lên ở cả phía cung và phía cầu). Như vậy, điều chắc chắn là thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng mạnh về qui mô trong thời gian tới mà khó có sự nhảy vọt về chỉ số VN-Index như đã diễn ra vừa rồi. Theo chúng tôi, đó là những tín hiệu tốt cho sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán.

Tất nhiên, nhận định trên đây của chúng tôi dựa trên giả định rằng thời gian tới không có những sự kiện tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư chẳng hạn như Việt Nam gia nhập WTO (để hứa hẹn mở rộng những cơ hội đầu tư từ đó dẫn đến tâm lý lạc quan của nhà đầu tư). Theo khía cạnh này, chỉ có triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và của các công ty niêm yết nói riêng là yếu tố quan trọng quyết định tâm lý của nhà đầu tư trong thời gian tới. Giả định thứ hai là sự điều chỉnh giảm xuống của thị trường đang diễn ra hiện nay không quá mạnh để kéo chỉ số VN-Index xuống đến mức dưới 700 điểm, là mức đã tính đến yấu tố lạc quan hợp lý của các nhà đầu tư về triển vọng phát triển kinh tế tại thời điểm Việt Nam gia nhập WTO. Bởi vì nếu thị trường ở mức này sẽ kéo theo tâm lý bi quan của các nhà đầu tư mà rất khó có thể lấy lại niềm tin của họ vào sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Thực tế cho thấy rằng sự sụt giảm giá cổ phiếu đang diễn ra hiện nay khác với giai đoạn đầu năm 2001 khi chỉ số VN-Index trở về gần vị trí ban đầu chỉ sau mấy tháng hoạt động. Ở giai đoạn trước, VN-Index sụt giảm và khối lượng giao dịch cũng sụt giảm thê thảm. Còn ở giai đoạn này, tuy chỉ số VN-Index giảm nhưng lượng mua vào không phải là nhỏ, giá trị giao dịch hàng ngày vẫn xê dịch trong khoảng 600 – 800 tỷ đồng. Như vậy là đã có những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn để mua vào với giá rẻ như ở thời điểm này. Trong thời gian tới, nhiều quĩ đầu tư, đặc biệt là các quĩ đầu tư nước ngoài vẫn đang chuẩn bị có kế hoạch đầu tư vào thị trường Việt Nam mà theo ước tính có thể vào khoảng 4 tỷ USD.

Như vậy, dự kiến chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục xuống đến mức 800 hoặc 850 điểm trong vài tuần tới, nhưng sẽ có nhiều khả năng VN-Index sẽ xoay quanh mức 900điểm. Tuy nhiên từ nay đến cuối năm 2007 sẽ có những yếu tố tích cực tác động đến diễn biến chung của thị trường chứng khoán (khả năng tăng trưởng kinh tế, mức độ hiệu quả trong hoạt động của DN, luồng vốn trong và ngoài nước đổ vào thị trường…). Xu hướng đi lên của giá cổ phiếu là khá rõ vào nửa cuối năm 2007 nhưng khả năng VN-Index chỉ có thể đạt tới 1.000 hoặc cao nhất là 1100 điểm trong năm nay.