VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Báo cáo của chính phủ

Báo cáo của Chính phủ về Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước

06/08/2010 - 325 Lượt xem

Cổ phần hoá các DNNN thời gian qua đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc cổ phần hoá, sắp xếp các doanh nghiệp có quy mô lớn, trong đó các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng thực hiện còn chậm.

Các DNNN đã cổ phần hoá, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và việc huy động vốn ngoài xã hội trong quá trình cổ phần hoá DNNN còn hạn chế do chưa khuyến khích việc bán cổ phần ra bên ngoài. Chưa có doanh nghiệp nào tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá.

Thời gian thực hiện cổ phần hoá một doanh nghiệp còn dài, làm tiến độ cổ phần hoá chậm.

Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương về kết quả hoạt động của 850 doanh nghiệp cổ phần hoá đã hoạt động trên một năm cho thấy: vốn điều lệ bình quân tăng 44%; doanh thu bình quân tăng 23,6%; lợi nhuận thực hiện bình quân tăng 139,76%; trên 90% số doanh nghiệp sau cổ phần hoạt động kinh doanh có lãi; nộp ngân sách bình quân tăng 24,9%; thu nhập của người lao động bình quân tăng 12%.

Vốn nhà nước còn chiếm tỷ trọng lớn trong vốn điều lệ ở nhiều doanh nghiệp không thuộc diện cần giữ cổ phần chi phối, phổ biến nhất là trong các tổng công ty nhà nước thuộc các ngành xây dựng, giao thông.

Việc thu hút cổ đông ngoài doanh nghiệp mới đạt 24,1% vốn điều lệ; mới có trên 20 công ty có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài; các cổ đông chiến lược vì thế cũng không có nhiều cơ hội để tham gia vào phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc người lao động trong một số doanh nghiệp bán bớt cổ phần ưu đãi sau khi mua đã làm giảm tác dụng của chính sách khuyến khích người lao động có cổ phần trong doanh nghiệp.

Nhiều công ty cổ phần chưa có sự đổi mới thực sự trong quản trị công ty; phương pháp quản lý, lề lối làm việc, tư duy quản lý vẫn còn như DNNN. Hạn chế này rõ nhất là ở những doanh nghiệp mà Nhà nước còn giữ cổ phần chi phối, ban lãnh đạo của doanh nghiệp đều từ DNNN trước đó chuyển sang.

Trong một số công ty cổ phần, người lao động - cổ đông phần do nhận thức chưa đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình, phần do sự hiểu biết pháp luật về công ty cổ phần còn hạn chế, nên có nơi quyền làm chủ chưa được phát huy. Ngược lại có nơi lạm dụng quy định của pháp luật gây khó khăn cho công tác quản lý của Hội đồng quản trị, sự điều hành của giám đốc. Nhiều nội dung của cơ chế, chính sách quản lý công ty cổ phần như: chính sách tiền lương, tiền thưởng… vẫn còn áp dụng như DNNN.

Nguyên nhân

Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, đảng viên ở các cấp, người lao động trong doanh nghiệp chưa nhận thức đúng đắn về công cuộc đổi mới, sắp xếp và cổ phần hoá DNNN. Một số khác còn mang nặng tư tưởng bao cấp, lo ngại sau cổ phần sẽ mất đặc quyền, đặc lợi.

Một số Bộ, ngành, địa phương, tổng công ty nhà nước chưa quán triệt sâu sắc và nghiêm chỉnh chấp hành Nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước, thiếu chương trình, kế hoạch cụ thể, chưa tích cực, sâu sát trong chỉ đạo thực hiện đã làm ảnh hưởng tới tiến độ cổ phần hoá DNNN.

Một số khó khăn, vướng mắc trong chính sách cổ phần hoá chưa được xử lý kịp thời như: đối tượng cổ phần hoá, việc bán cổ phần ra bên ngoài, chính sách bán cổ phần ưu đãi, phương thức bán cổ phần, quy định về xác định giá trị doanh nghiệp; chưa có giải pháp xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính, quy trình cổ phần hoá toàn bộ tổng công ty nhà nước.

Những khó khăn, vướng mắc của DNNN sau cổ phần hoá chưa được xử lý kịp thời, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử trong việc cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất, di chuyển địa điểm sản xuất, vay vốn kinh doanh…

Phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2010

Theo số liệu tổng hợp từ các Bộ, địa phương, tổng công ty 91, đến nay, cả nước còn 2.176 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với tổng số vốn nhà nước gần 260 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 1.546 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, 335 doanh nghiệp quốc phòng an ninh và sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và 295 nông, lâm trường quốc doanh. Phân theo cơ quan chủ sở hữu, có 301 doanh nghiệp thuộc tổng công ty 91; 408 doanh nghiệp thuộc tổng công ty 90; 307 doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành; 1.160 doanh nghiệp thuộc địa phương.

Với những bối cảnh và yêu cầu nêu trên, phấn đấu đến cuối năm 2009, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp DNNN. Cụ thể là:

a) Tiếp tục cổ phần hóa các công ty nhà nước độc lập thuộc các Bộ, địa phương :

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh: tiến hành cổ phần hóa toàn bộ, kể cả doanh nghiệp hoạt động ở địa bàn khó khăn: hỗ trợ cho doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế, thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng đến mua cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hoá ở địa bàn này. Những doanh nghiệp có khó khăn về tài chính cần cơ cấu lại trước khi chuyển đổi sở hữu.

Những doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, kinh tế với an ninh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hoạt động trong lĩnh vực may mặc, xây lắp, thương mại... sẽ cổ phần hóa; trường hợp thật cần thiết Nhà nước mới giữ cổ phần chi phối. Có chính sách, chế độ lương hợp lý đối với số sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp làm việc trong các doanh nghiệp cổ phần hoá.

Những công ty không còn vốn nhà nước thì bán, giải thể hoặc phá sản.

Đối với những doanh nghiệp quy mô nhỏ, có cùng ngành nghề hoặc có mối quan hệ về công nghệ, thị trường... với các doanh nghiệp khác thì xem xét sáp nhập, hợp nhất, không phụ thuộc vào doanh nghiệp do địa phương hay do Trung ương quản lý để hình thành những doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Sau khi tổ chức lại sẽ tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ. Việc sáp nhập, hợp nhất không được làm ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của đơn vị nhận sáp nhập, hợp nhất; phải tiến hành xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính, lao động trước khi thực hiện phương án sáp nhập, hợp nhất. Tránh tình trạng thực hiện sáp nhập một số DNNN quản lý yếu kém, kinh doanh thua lỗ vào các DNNN đang kinh doanh có hiệu quả làm giảm sức mạnh của đơn vị tiếp nhận.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích: Chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thực hiện sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, nhiệm vụ quốc phòng an ninh ;

Thực hiện cổ phần hóa với lộ trình phù hợp, trước mắt Nhà nước giữ cổ phần chi phối đối với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích theo phương thức đặt hàng, giao kế hoạch quy định tại Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2005.

Cổ phần hóa, Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc chỉ nắm giữ cổ phần ở mức thấp (< 35%) tại các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích theo phương thức đấu thầu, đặt hàng quy định tại Nghị định nói trên.

b) Đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước:

Các tổng công ty nhà nước là lực lượng chủ lực trong nền kinh tế quốc dân, chiếm tới 87% tổng vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp, riêng các tổng công ty 91 chiếm 71,6%. Những năm trước đây chúng ta chủ yếu sắp xếp, cổ phần hóa những doanh nghiệp quy mô nhỏ, có một số ít doanh nghiệp quy mô vừa và lớn nhằm thu gọn đầu mối.

Việc cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty là vấn đề mới mẻ, hệ trọng, khó khăn và phức tạp. Vì vậy, cần phải có quan điểm, phương pháp, bước đi phù hợp, chắc chắn, giữ vững ổn định sản xuất, không gây tác động đến môi trường đầu tư, đời sống người lao động và xã hội. Khẩn trương phân loại rõ những tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần nắm giữ 100% vốn; những tập đoàn, tổng công ty cần cổ phần hoá. Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn đối với các tập đoàn, tổng công ty hoạt động có hiệu quả, được Nhà nước giao quản lý, khai thác và phân phối một bộ phận tài nguyên quốc gia, làm công cụ để Nhà nước điều tiết vĩ mô.

Các tổng công ty nhà nước là những doanh nghiệp có quy mô lớn, đa số hoạt động có hiệu quả, tuy nhiên, vẫn còn một số tổng công ty kết quả sản xuất, kinh doanh còn thấp. Để cổ phần hóa một cách hiệu quả, cần phân thành hai loại: loại hoạt động có hiệu quả thì tiến hành cổ phần hóa ngay, loại hiệu quả chưa cao thì cần làm rõ nguyên nhân để có biện pháp nâng cao hiệu quả trước khi cổ phần hóa như: đầu tư, sắp xếp lại, lành mạnh hóa tình hình tài chính, đổi mới tổ chức cán bộ.

c) Cổ phần hoá các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm:

Ngân hàng thương mại nhà nước là loại doanh nghiệp đặc thù, là một kênh cung cấp vốn quan trọng nhất cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại nhà nước có vốn điều lệ và hệ số an toàn vốn còn thấp, năng lực quản lý, trình độ công nghệ còn yếu, các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng còn nghèo, mới tập trung chủ yếu vào hoạt động cấp tín dụng. Ngân hàng thương mại nhà nước nhìn chung chưa thật sự đáp ứng nhu cầu vay vốn, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp chưa thật sự bình đẳng, vừa là đối tác, vừa là bạn hàng, gắn bó chặt chẽ với nhau để hoạt động và phát triển. Trong các năm 2007 - 2010, cần tập trung chỉ đạo đổi mới và phát triển ngân hàng thương mại nhà nước theo các hướng sau:

Đối với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long, cần khẩn trương thực hiện các công việc mà Thủ tướng Chính phủ đã quyết định, hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ đề án cổ phần hóa ngay trong năm 2006 để hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2007.

Đối với ba ngân hàng thương mại còn lại (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) thì thực hiện cổ phần hóa theo hai bước:

+ Bước 1: nâng cao năng lực tài chính theo hướng đạt các chỉ số lành mạnh tài chính theo chuẩn quốc tế vào cuối năm 2006 đối với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công thương Việt Nam và cuối năm 2007 đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

+ Bước 2: từ năm 2007 tiến hành cổ phần hoá Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam; từ năm 2008 cổ phần hoá Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Đối với Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam, cần khẩn trương thực hiện đề án cổ phần hóa Tổng công ty này và hình thành Tập đoàn Tài chính bảo hiểm Bảo Việt mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Đối với Công ty Bảo hiểm Dầu khí, cần xây dựng đề án cổ phần hóa, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt ngay trong đầu năm 2007 và đi vào thực hiện. Việc cổ phần hóa hai công ty bảo hiểm nhà nước này phải chú trọng tới ổn định và phát triển thị trường bảo hiểm trong nước, đồng thời có biện pháp nhanh chóng vươn ra thị trường quốc tế.

Đối với các công ty dịch vụ tài chính, cần tiến hành rà soát để đề ra và thực hiện lộ trình cổ phần hóa phù hợp với đặc thù của loại hình doanh nghiệp này và yêu cầu phát triển thị trường tài chính.

Tổng hợp lại, theo phương án trên, từ nay đến hết năm 2010, sẽ cổ phần hóa khoảng 1.500 doanh nghiệp và đến cuối năm 2010 cả nước có 554 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trong đó 26 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn; 178 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ thiết yếu; 200 nông, lâm trường; 150 doanh nghiệp thành viên các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

(lược ghi)