Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước
Tranh luận về sở hữu tài sản tư tại Trung Quốc: Ủng hộ bình đẳng chứ không phải bình quân
06/08/2010 - 244 Lượt xem
Dự luật sở hữu tài sản tư (Luật vật quyền) trình lên Quốc hội TQ đang trở thành đề tài tranh luận gay gắt trong dân chúng. Đây là dự luật được thảo luận nhiều nhất trong lịch sử lập pháp TQ vì đụng chạm đến nhiều vấn đề cốt lõi của định hướng phát triển tại TQ. Nó càng thu hút sự chú ý của công luận khi có tin dự luật sẽ được thông qua trong vài ngày tới.
Làm tổn hại quyền lợi “sở hữu tập thể”?
Giáo sư Học viện Pháp luật Đại học Bắc Kinh Củng Hiến Điền là người phản đối mạnh mẽ nhất. Tháng 8-2006 ông đã công khai phát biểu trên mạng về việc bộ luật đi ngược với nguyên tắc XHCN, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Ông nói không phản đối việc bảo vệ tài sản tư, nhưng kiên quyết phản đối tài sản bất minh, vì “chỉ bảo vệ tốt tài sản nhà nước thì tài sản tư mới có thể được bảo vệ thích đáng”. Bức thư của ông khi đó gây được sự chú ý của Ủy ban Soạn thảo luật Trung Quốc.
Do vậy lần này giáo sư Củng một lần nữa kêu gọi sự ủng hộ của dân chúng. Đến nay đã có hơn 700 học giả, quan chức, cán bộ về hưu, công nhân, nông dân, sinh viên Trung Quốc cùng ký tên vào bức thư gửi cho hơn 170 vị đại biểu Quốc hội Trung Quốc. Ngoài ra ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, Hàng Châu, Nam Kinh, Thâm Quyến, Thẩm Dương... cũng đang diễn ra cuộc vận động ký tên phản đối việc ban hành đạo luật.
Giáo sư Hàn Đức Cường, thuộc Đại học Hàng không Bắc Kinh, cũng cho rằng luật sở hữu tài sản tư mang bóng dáng của chủ nghĩa tự do, đang quay ngược lại thế kỷ 18 của chủ nghĩa tư bản. Một số nhà kinh tế học Trung Quốc cho rằng bảo vệ tài sản tư sẽ tổn hại quyền lợi sở hữu tập thể, sở hữu quốc dân, khiến tài sản xã hội tập trung vào tay một số người.
Nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường
Thế nhưng phần lớn ý kiến lại bày tỏ ủng hộ dự luật sở hữu tài sản tư. Ông Ngô Kính Liễn, nhà kinh tế học nổi tiếng Trung Quốc, nhấn mạnh tại một cuộc họp của Chính hiệp (tương đương MTTQ ở VN): “Trung Quốc đã cố gắng phát triển kinh tế thị trường 28 năm qua, từ lúc bắt tay soạn thảo Luật sở hữu tài sản tư đến nay thì đã đến lúc ban hành luật”.
Ông nhấn mạnh quyền sở hữu là nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường, phải dựa vào đó để phát triển kinh tế thị trường Trung Quốc.
Một ủy viên Chính hiệp khác là ông Trần Thanh Thái cho rằng nếu không làm rõ về việc bảo vệ quyền sở hữu và định nghĩa quyền sở hữu thì kinh tế thị trường rất khó vận động bình thường. Luật sở hữu tài sản tư sẽ giúp bảo hộ quyền lợi sở hữu quốc dân, sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân một cách bình đẳng.
Còn ủy viên Chính hiệp Khương Quang Dụ phân tích kể từ lúc bắt tay cải cách kinh tế và mở cửa nhà nước đã xuất hiện rất nhiều hình thức sở hữu như sở hữu quốc dân, sở hữu kinh doanh cá thể, sở hữu hợp doanh...
Nếu không có một bộ luật để bảo hộ các hình thức này thì mọi người sẽ không yên tâm. Đặc biệt là trong việc trưng dụng ruộng đất nông thôn gần đây, ruộng đất nông thôn là do tập thể sở hữu, do đó rất khó xác định bao nhiêu phần ruộng đất đó thuộc về nông dân. Trong việc trưng dụng ruộng đất nông thôn và di dời cư dân thành phố, mâu thuẫn giữa dân chúng và chính phủ rất lớn. Cho nên nếu Luật sở hữu tài sản tư được Quốc hội thông qua, nó sẽ hóa giải mâu thuẫn xã hội và thúc đẩy xây dựng xã hội hài hòa.
Dự luật sở hữu tài sản tư được soạn thảo từ năm 1990; tháng 12-2002 được thảo luận lần đầu tiên.
Lần thảo luận này là lần thứ bảy trong vòng năm năm, nên đây là dự luật được thảo luận nhiều nhất trong lịch sử lập pháp Trung Quốc, đồng thời cũng được quan tâm, tranh luận gay gắt nhất từ trước đến nay trong dân chúng Trung Quốc.
Trước một số ý kiến lo ngại Luật sở hữu tài sản tư sẽ gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Bắc Thành Tư Nguy cho rằng ban hành Luật sở hữu tài sản tư có thể khuyến khích dân chúng sáng tạo của cải. Nếu của cải cá nhân có thể bị người khác dễ dàng chiếm đi, người ta làm sao có động lực để sáng tạo của cải.
Việc ủng hộ thông qua dự luật sở hữu tài sản tư cũng được bàn tán sôi nổi trên nhiều diễn đàn mạng ở Trung Quốc. Đối với việc có người lo lắng Luật sở hữu tài sản tư sẽ “hợp pháp hóa” một số tài sản phi pháp, một cư dân mạng tên Hà Húc phản ứng: “Dù có ban hành bộ luật này hay không thì phần tài sản phi pháp đó vẫn tồn tại. Luật sở hữu tài sản tư chỉ bảo hộ quyền sở hữu tài sản hợp pháp chứ không bảo vệ tài sản phi pháp. Ý nghĩa tích cực của bộ luật này đối với việc bảo hộ dân sinh là rất rõ ràng. Để an cư lạc nghiệp, người dân cần một bộ luật bảo hộ mình”.
“Chúng ta nên ủng hộ bình đẳng chứ không phải bình quân. Chúng ta sẽ thu nhỏ khoảng cách giàu nghèo bằng cách khuyến khích người nghèo cố gắng giàu lên chứ không phải bằng cách làm người giàu trở nên nghèo đi”. ĐBQH THÀNH TƯ NGUY |