Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước
Thị trường chứng khoán toàn thế giới chao đảo
06/08/2010 - 274 Lượt xem
Hôm nay thị trường chứng khoán (TTCK) trên toàn thế giới tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt ở Châu Á sau cú sụt giảm nghiêm trọng nhất trong vòng 10 năm qua của TTCK Trung Quốc ngày 27- 2.
Chỉ số TOPIX của Nhật Bản giảm 5.04% trong khi chỉ số Nikkei giảm 3.83% xuống còn 693.50 điểm. Ở TTCK Seoul, Hàn Quốc, chỉ số chuẩn cũng giảm 3.9%.
Các chỉ số cơ bản trên thị trường chứng khoán châu Âu như FTSE 100 của Anh giảm 2,3%, DAX của Đức và CAC-40 của Pháp đều mất giá 3%. Chỉ số Dow Jones Stoxx 600 ở châu Âu cũng giảm tới 3%. Giá cổ phiếu ở Nga cũng giảm.
Tại Washington, tất cả các loại cổ phiếu lớn nhỏ tại thị trường chứng khoán Mỹ đều đồng loạt bị mất giá ở mức khủng khiếp và được mô tả là ngày đen tối nhất trong vòng 5 năm qua.
Nguyên nhân chủ yếu đẩy giá cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh là do mối lo ngại ngày càng tăng của các nhà đầu tư trước khả năng nền kinh tế Mỹ đang trên đà xuống dốc nhanh hơn dự báo và Chính phủ Trung Quốc đang tìm biện pháp tài chính để hạ nhiệt nền kinh tế.
Tại sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới ở thành phố New York, trong phiên giao dịch trước khi đóng cửa ngày 27-2, giá cổ phiếu công nghiệp Dow Jones giảm 416,02 điểm (3,3%), chỉ còn 12.216,24 điểm.
Trước đó, vào đầu giờ chiều, giá loại cổ phiếu chủ lực này có lúc đã giảm tới 4,3% (546,02 điểm), chỉ còn 12.086,06 điểm. Đây là lần mất giá cao kỷ lục trong 5 năm qua của cổ phiếu Dow Jones kể từ lần mất giá 684,81 điểm (7,1%) vào ngày 17.9.2001, một tuần sau vụ khủng bố 11.9.
Cách đây một tuần, giá cổ phiếu Dow Jones có lúc đã vọt lên mức cao kỷ lục 12.795,92 điểm. Trong khi đó, cổ phiếu tổng hợp Nasdaq trong ngày 27.2 cũng giảm tới 3,9% (96,66 điểm), chỉ còn 2.407,86 điểm, giảm mạnh nhất trong vòng bốn năm qua.
Cổ phiếu Standard & Poor' 500 cũng giảm 50,33 điểm (3,5%), còn 1.399,04 điểm. Cổ phiếu Russell 2000 của các công ty nhỏ cũng bị mất giá 3,76% (30,96 điểm), còn 792,74 điểm. Giá cổ phiếu của toàn bộ 30 thành viên trong nhóm Dow Jones đều bị sụt giảm, trong khi chỉ có cổ phiếu của 3 công ty trong 500 thành viên của S&P tăng. Sự tụt dốc của thị trường chứng khoán Mỹ chỉ trong một ngày đã xoá sạch 600 tỉ USD là những kết quả đạt được trong cả một năm. Chỉ trong 1 phút, thị trường chứng Mỹ mất 151 điểm.
Cũng trong phiên giao dịch sáng nay ở New Zealand, các cổ phiếu đồng loạt giảm 3%. Đây là con số sụt giảm lớn nhất kể từ đợt sụt giảm 5% vào ngày 11-9-2001.
Tại Hong Kong, các chỉ số chứng khoán Châu Á niêm yết ở Wall Street trượt dốc 4,28%, con số lớn nhất trong vòng 3 năm qua. Trong khi đó, Straits Times Index của Singapore cũng giảm 4,82%, mất 155.89 điểm.
Tất cả những biến động trên được coi là phản ứng dây chuyền của sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày 27-2. Chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải (Shanghai Composite Index) trong ngày 27-2 đột ngột bị mất giá tới 8,8%, chỉ còn 2.771,79 điểm (sau khi vượt ngưỡng 3.000 điểm hôm 26-2) và đây là mức sụt giá lớn nhất của loại cổ phiếu chủ lực này của Trung Quốc kể từ lần mất giá 8,9% xảy ra vào ngày 18-2-1997, do các nhà đầu tư lo ngại Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách hạ nhiệt nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất hoặc giảm bớt lượng tiền cho vay. Chỉ số của thị trường Thâm Quyến còn giảm mạnh hơn, tới 797,87 điểm (9,3%), xuống còn 7.790,82 điểm.
Không có một lý do đơn lẻ nào giải thích cho hiện tượng giá cổ phiếu ở Trung Quốc sụt giảm mạnh trong ngày 27-2, nhưng từ nhiều tháng qua các nhà phân tích đã cảnh báo về sự mong manh của thị trường chứng khoán Trung Quốc, sau khi tăng liên tục trong hơn một năm qua.
Cùng lúc đó, Bộ Thương mại Mỹ ra thông báo cho biết đơn đặt mua các mặt hàng lâu bền ở Mỹ trong tháng 1-2007 giảm xuống mức thấp kỷ lục (giảm 7,8%). Đây được coi là nguyên nhân trực tiếp tác động vào thị trường chứng khoán Mỹ, cộng với lời cảnh báo ngày 26-2 của cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan rằng kinh tế Mỹ có khả năng bước vào thời kỳ suy thoái ngay trong những tháng cuối cùng của năm 2007, sớm hơn so với dự đoán.
Trong khi đó, hoạt động của thị trường nhà đất ở Mỹ được dự báo là còn mất nhiều thời gian mới có thể phục hồi được từ tình trạng ế ẩm kéo dài từ suốt năm 2006 tới nay.
Vụ đánh bom liều chết vào một căn cứ quân sự của Mỹ ở Afghanistan giữa lúc phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney đang có mặt ở đó cũng được coi là một diễn biến tác động tiêu cực vào thị trường chứng khoán. Tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 4.2006 có thể sẽ phải điều chỉnh lại, chỉ đạt ở mức 2,3% thay vì mức 3,5% như dự báo trước đây.
Theo mạng tin tài chính Bloomberg, trái phiếu, các đơn vị tiền tệ và thị trường chứng khoán trên thế giới đều tụt dốc thảm hại sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo mạnh nhất kể từ một thập kỷ qua.
Quan chức phụ trách đầu tư của công ty PanAgora Asset Management, ông Ed Peter, cho rằng sự biến động ở Trung Quốc là đáng ngạc nhiên và khi một thị trường lớn bị chao đảo thì nó sẽ làm chao đảo tất cả các thị trường khác trên thế giới.
Cụ thể, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã kéo theo cổ phiếu Hang Seng của Hong Kong cũng lập tức bị mất giá 1,8%, cổ phiếu tổng hợp Kuala Lumpur của Malaysia mất giá 2,8%, trong khi cổ phiếu Nikkei của Nhật Bản giảm trung bình 3%.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nếu nhân tố mở màn từ Trung Quốc, thì việc kinh tế Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - có thể suy thoái mới là nguyên nhân chính làm cho thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm đồng loạt. Các nhà kinh tế Mỹ cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ và cả thế giới sẽ phải làm quen với thực tế rằng kinh tế Mỹ sắp bắt đầu bước vào thời kỳ tăng trưởng khiêm tốn chỉ từ 2 đến 3%.
Nguồn: Tuổi trẻ