VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

R&D tại Trung Quốc: Một góc nhìn khác

06/08/2010 - 274 Lượt xem

Năm nay, Trung Quốc có thể chi nhiều hơn Nhật cho công tác nghiên cứu phát triển (R&D), nhưng phần lớn chi phí đó lại vào túi các nhà sản xuất nước ngoài, tác giả Bruce Einhorn trên tờ Business Week số ra mới đây nhận định.

Trong cuộc cạnh tranh kinh tế khốc liệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản, quốc gia đông dân nhất thế giới đã thu hút được sự chú ý của toàn châu Á bằng mức tăng trưởng kinh tế hai con số và khoảng một ngàn tỷ đô la dự trữ ngoại hối. Nhưng quốc đảo Mặt trời vẫn thường có thể tự an ủi mình rằng họ vẫn chiếm lợi thế trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Đầu tháng 12 vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cung cấp một số liệu gây tranh cãi, theo đó mức chi ngân sách cho nghiên cứu phát triển cả năm của Trung Quốc sẽ đạt 136 tỷ đô la.

Còn theo những tính toán của một nhóm điều tra đặt văn phòng tại Paris (Pháp), tổng chi phí của Trung Quốc cho nghiên cứu phát triển lần đầu tiên đã vượt Nhật Bản, đạt 130 tỷ đô la, và chỉ xếp sau mức chi 330 tỷ đô la của Mỹ. OECD đưa ra con số 136 tỷ đô la vì họ đã tính một kết quả tương đương với sức mua của Trung Quốc.

Số liệu nhìn từ góc độ khác

Vì chi phí nghiên cứu phát triển và giá lao động ở Trung Quốc thấp hơn nhiều, nên các cán bộ nghiên cứu ở Trung Quốc có thu nhập cao gấp 4 lần so với các đồng nghiệp Nhật Bản.

Ông Mario Cervantes, một kinh tế gia cao cấp của OECD tại Paris đồng thời là một trong các đồng tác giả của Báo cáo về Trung Quốc, nhận xét rằng trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển “Trung Quốc đang vươn mình thành một đối thủ lớn”. Ông này còn cho rằng “tuy Trung Quốc chưa phải là một cường quốc sáng kiến nhưng quốc gia này rất có tiềm năng”.

Mặc dù các kết luận của OECD rất êm tai, nhiều người ở Bắc Kinh và Thượng Hải vẫn thấy hoài nghi đôi chút. Không thể nghi ngờ việc Trung Quốc đang dành nhiều nhân lực và vật lực để thúc đẩy nghiên cứu phát triển, nhưng các chuyên gia không tin rằng quốc gia này đã tiến vượt bậc như vậy. Tỉ lệ phần trăm chi phí nghiên cứu phát triển so với GDP của Trung Quốc nhỏ hơn rất nhiều tỉ lệ của Nhật, chỉ đạt 1,3% so với 3,15% của Nhật.

Hơn thế, môi trường nghiên cứu phát triển của Trung Quốc còn đang trong giai đoạn xây dựng. Bà Anne Stevenson Yang, một doanh nhân làm ăn tại Bắc Kinh và là cựu giám đốc điều hành của Văn phòng công nghệ thông tin - một cơ quan hỗ trợ phát triển ngành công nghệ thông tin của Mỹ tại Bắc Kinh, cho rằng “họ đã có những cải thiện tổng quan về chuẩn chất lượng ở các đơn vị nghiên cứu”, tuy nhiên bà cũng nói thêm “chỉ nhìn qua cũng thấy rõ ràng chi phí dành cho  nghiên cứu phát triển của Trung Quốc vẫn còn khá thấp”

Máy móc, thiết bị vẫn phải nhập

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng chỉ ra rằng lý thuyết sức mua không phản ánh đúng thực tế trong phòng thí nghiệm, nơi phần lớn các thiết bị và máy móc đắt tiền đều được nhập từ phương Tây hoặc từ Nhật.

Giá trị của những thiết bị đó được quy ra ngoại tệ mạnh, chứ không phải tính bằng Nhân dân tệ (đồng tiền này vẫn chưa được quy đổi tự do). Còn chuyên gia về ung thư, bác sĩ Guo Yajun, cựu giáo sư trường đại học Y Nebraska, giờ đây là Giám đốc Trung tâm Kháng thể Thượng Hải, một trung tâm hàng năm được nhà nước bao cấp khảng 10 triệu đô la.

Ông quản lý 215 cán bộ, một nửa trong số họ có học vị tiến sĩ, nhưng ông giám đốc vẫn phải chi hơn một phần ba ngân sách của Trung tâm cho máy móc phân tích DNA và các chất protein. Bảy mươi phần trăm số máy móc đó cũng là ngoại nhập.

Ông giám đốc cho biết “thiết bị rất đắt”. Ông đã cố gắng dùng máy móc nội địa, nhưng ông thừa nhận “chúng tôi vẫn phải nhập rất nhiều từ nước ngoài”. Khi phải dùng đến những thiết bị tối tân để phân tích DNA và protein, “mọi thứ vẫn phải nhập từ nước ngoài”, ông nói thêm.

Đôi khi, các nhà khoa học Trung Quốc được đãi ngộ kém hơn so với các đồng nghiệp ngoại quốc. Ông Ming-Wei Wang, giám đốc Viện Khoc học Dược phẩm Quốc gia Thượng Hải, nói rằng nhập thiết bị công nghệ cao rất đắt.

Theo ông Wang, “nếu mua các thiết bị sinh hóa phức tạp, chúng tôi thường phải trả giá cao hơn ít nhất 30 hoặc 40% so với các đồng nghiệp ở Mỹ hoặc Nhật.

Nhân công là tài sản lớn của Trung Quốc

Người ta có thể tiêu thụ 2.000 chiếc máy ở Mỹ nhưng lại chỉ có thể bán 20 chiếc tại Trung Quốc. Các công ty thường đặt giá cố định cho hàng hóa của mình dù khách hàng mua với số lượng bao nhiêu, tuy nhiên các đại lý của họ thường bán lại với giá cao hơn tới các khách hàng tại Trung Quốc.

Ông Wang nói “rất nhiều công ty nước ngoài không có chi nhánh thương mại tại Trung Quốc”. Với nhiều tầng phân phối làm tăng chi phí phát sinh và hoa hồng, giá thành của các thiết bị rất cao khi đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Wang nhất trí với chuyên gia kinh tế OECD Cervantes, rằng người Trung Quốc có nhiều lợi thế trong các chi phí nghiên cứu phát triển khác, ví dụ như nhân công. Ông nói “nếu bạn tiêu một đô la ở Mỹ, một ở Nhật, và một ở Trung Quốc, thì ở Trung Quốc bạn sẽ mua được nhiều thứ hơn, do nhân công rẻ và tổng phí thấp”.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc có thể còn phải đi một quãng đường dài để đạt được trình độ của Mỹ hay Nhật, song ai cũng thấy là họ đang đi đúng đường.

Hiền Anh (Theo Business Week)

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam