Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước
Trung Quốc, 5 năm sau khi vào WTO
06/08/2010 - 249 Lượt xem
Sau một nửa thập niên vào WTO, thành tựu đạt được của Trung Quốc là không nhỏ, song các đối tác kinh tế lớn của nước này vẫn tìm ra nhiều điều chưa ổn.
Kỷ niệm năm năm ngày gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các báo lớn của Trung Quốc đều đồng loạt hân hoan tổng kết các thành tựu của nước này sau thời kỳ hội nhập thương mại vừa qua.
Từ năm 2001 tới nay, Trung Quốc đã sửa đổi hơn 2000 văn bản pháp luật liên quan đến thương mại, bãi bỏ gần 700 văn bản pháp luật khác nhằm đáp ứng các cam kết của mình khi tham gia sân chơi thương mại quốc tế.
Theo người đại diện Trung Quốc tại WTO, ông Sun Zhenyu, mức thuế đánh vào hàng công nghiệp 14,8% trước khi gia nhập WTO của nước này đã giảm xuống 9,1% vào năm 2005. Mức thuế đối với nông sản đã giảm từ 23,2% xuống còn 15,35%.
Trung Quốc cũng đã mở cửa để thúc đẩy cạnh tranh đối với 9 ngành công nghiệp và 102 ngành tiểu ngạch, nhiều hơn so với các nước đang phát triển cũng là thành viên WTO. Các ngành tiểu ngạch này bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, dịch vụ pháp lý, kế toán, và phân phối.
Đặc biệt, ngành công nghiệp ôtô của Trung Quốc - thay vì chết yểu trước sự cạnh tranh của các nước phát triển như người ta dự đoán - đã đứng vững và phát triển rất khởi sắc. Mặc dù các doanh nghiệp ôtô có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 50% tỉ trọng của ngành (với tổng vốn đầu tư khoảng 96 tỷ đô la), song các nhà sản xuất ôtô nội địa Trung Quốc cũng đã đóng góp không hề kém cạnh vào kết quả tăng trưởng 300% năm năm qua của ngành này.
Với vị trí nước sản xuất xe hơi nhiều thứ ba trên thế giới, Trung Quốc vẫn giữ vững tỉ lệ tăng trưởng xuất khẩu ôtô hàng năm là 15% từ 2001 tới nay.
Ông Zhenyu cũng nêu những nỗ lực của Trung Quốc trong vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời cho biết số tiền nộp bản quyền và các khoản liên quan đã tăng mạnh trong năm qua, đạt tới 4,5 tỷ đô la. Có khoảng 400.000 cán bộ đang làm công tác bảo hộ bản quyền tại Trung Quốc.
Tuy người đại diện của Trung Quốc tại WTO nhấn mạnh những cải thiện của nước này trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ và tính minh bạch của hệ thống pháp luật, song các quan chức của Liên minh châu Âu (EU) và Ủy ban châu Âu (EC) lại không hoàn toàn nhất trí về điều đó.
“Tôi không cho rằng họ đã làm đủ những gì cần làm. Ví dụ, họ vẫn chưa mở cửa trong lĩnh vực tài chính. Một số văn văn bản luật vấn chưa đủ minh bạch”. Đó là nhận xét của ông Thomas W. Felber, Tổng giám đốc EC.
Còn ông Janssens de Varebeke, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, bên cạnh những nhận xét thuận lợi rằng “phần lớn các nước châu Âu làm ăn ở Trung Quốc đều tin vào việc thực hiện cam kết của nước sở tại”, vẫn nói thêm “tính minh bạch và vấn đề sở hữu trí tuệ là những lo ngại lớn nhất của chúng tôi”.
Cũng chia sẻ những bức xúc của ông Felber trong lĩnh vực tài chính chưa cởi mở hoàn toàn của Trung Quốc, Mỹ sẽ tiến hành lập báo cáo về vấn đề này. Nếu Trung Quốc bị kết luận là chưa tháo dỡ các hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, họ có thể sẽ phải đối mặt với kiện tụng từ phía Hoa Kỳ.
Mỹ còn chỉ trích Trung Quốc đã giữ đồng Nhân dân tệ ở mức giá thấp để thúc đẩy các giao dịch ngoại thương, gây khó khăn trong cạnh tranh đối với các công ty Mỹ. Phía Mỹ cũng than phiền về những khắt khe của của Trung Quốc đối với hàng nông sản nhập khẩu.
Như vậy, trong niềm vui kết thúc năm năm đầu tiên có mặt trong WTO, đất nước đông dân nhất thế giới cũng đang phải chuẩn bị để đáp trả những than phiền đối với việc thực hiện cam kết hội nhập, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngoại thương và bảo hộ bản quyền.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam