VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Phát triển các loại thị trường

Giải pháp phát triển thương mại nội địa

06/08/2010 - 256 Lượt xem

Trên bình diện thị trường bán lẻ, đã xuất hiện những nhân tố mới được chuẩn bị ở kế hoạch dài hơi, mang tính chuyên nghiệp như Phú Thái, Sài Gòn Co.op, 24-Seven..., nhưng chủ yếu vẫn trong giai đoạn xây dựng mô hình và thử nghiệm. Phần còn lại, nếu là doanh nghiệp Nhà nước cũng không khá hơn, phương thức hoạt động còn thiếu bài bản, thiếu tính chuyên nghiệp. Thực tế trên không chỉ dẫn tới tăng trưởng của khu vực này còn chậm, thiếu khả năng tích tụ và tập trung nguồn lực, mà còn đẩy hoạt động bán lẻ, bán buôn không tuân theo quy luật thị trường phân công lao động xã hội.

Vậy, phải làm thế nào để khu vực này tiếp tục giữ vững và phát triển thị phần, đảm nhiệm vai trò quan trọng trong ổn định thị trường và đóng góp vào tăng trưởng? Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến của các nhà quản lý, doanh nghiệp xung quanh vấn đề trên.

Khắc phục 4 tồn tại của thương mại nội địa
Ông Phan Thế Ruệ, Thứ trưởng Bộ Thương mại

“Hệ thống phân phối nội địa của Việt Nam có quy mô không lớn, nếu không nói là nhỏ, cho nên chưa đáp ứng được tốc độ phát triển. Vì vậy, phải tập trung vào phát triển thị trường nội địa tương xứng với quy mô và tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Để làm được điều này, thứ nhất, chúng ta phải nhanh chóng đổi mới tư duy phát triển thương mại trong nước. Đồng thời, từng bước xây dựng một thể chế phù hợp với hoàn cảnh của mình và tập quán buôn bán quốc tế cũng như các cam kết song - đa phương với các nước trên thế giới.

Thứ hai, phải khắc phục hạ tầng thương mại yếu kém, tạo ra không gian tổ chức lưu thông hàng hóa một cách hoàn hảo từ sản xuất - lưu thông - tiêu dùng. Mấy năm gần đây, Chính phủ rất quan tâm nhưng thực tế, hạ tầng thương mại vẫn còn manh mún và chưa đi vào chiều sâu của hạ tầng để không gian lưu thông hàng hóa thực sự tạo điều kiện cho các đối tác thương mại hoạt động thuận lợi.

Thứ ba, tính cạnh tranh hóa và tự do thương mại trên thị trường nội địa phát triển chưa thực sự khách quan. Nhiều khi còn bị tác động bởi quản lý hành chính, làm méo mó sự vận động của quy luật thị trường, làm cho sản phẩm thương mại và dịch vụ không phản ánh đúng sự phát triển. Vì thế, Chính phủ phải nhanh chóng tạo ra cơ chế, chế tài, quy chế để hoạt động thương mại đi đúng và đạt được những tiêu chuẩn của xu thế quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng sức cạnh tranh doanh nghiệp và các sản phẩm Việt Nam ngay trên thị trường nội địa.

Thứ tư, trong chiến lược phát triển của mình, phải kiểm tra, kiểm soát thị trường bằng những biện pháp mà chúng ta đã cam kết như chống gian lận thương mại, chống vi phạm sở hữu. Đặc biệt, khi Luật thương mại bắt đầu thực hiện từ 1/5/2006 sẽ có rất nhiều vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách thương mại, nhà quản lý và những người hoạt động thương mại phải làm thế nào đó để thị trường Việt Nam phát triển một cách văn minh hiện đại.

Nếu 4 tồn tại trên được khắc phục thì thương mại Việt Nam sẽ đạt được một trình độ, tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng của một đất nước có 90 triệu người sau 10 năm tiếp theo”.

Phát triển các trung tâm phân phối
Ông Phạm Đình Đoàn, Tổng giám đốc Công ty Phú Thái Group

“Như chúng ta đã biết ngành phân phối bán lẻ có một vai trò rất quan trọng trong thương mại nội địa. Hệ thống phân phối bán lẻ (bán sỉ) hiện nay phát triển theo hai hướng, một là kênh phân phối theo kiểu truyền thống, hai là phân phối theo phương thức hiện đại. Mục tiêu của hệ thống này là đáp ứng được những yêu cầu thuận tiện nhất cho người tiêu dùng. Hệ thống phân phối bán lẻ quyết định rất quan trọng so với nền sản xuất trong nước.

Theo tôi, tác động của phân phối đối với sản xuất chiếm tới 70%. Hiện tại tư duy của các nhà sản xuất làm phân phối còn lạc hậu. Nếu không phát triển tốt hệ thống phân phối, khi chúng ta gia nhập WTO, bỏ hàng rào thuế thì nguy cơ sẽ có nhiều cơ sở sản xuất phải “đóng cửa”. Tiếp nữa, hệ thống phân phối còn có tác động đến xuất khẩu.

Thị trường phân phối là thị trường rất nhạy cảm, như Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã nói: nó còn nhạy cảm hơn cả thị trường bảo hiểm.

Chính vì vậy các chính sách của Nhà nước là cực kỳ quan trọng. Chúng tôi không cần vốn, chỉ cần một chính sách tốt, thuận lợi cho chúng tôi. Cụ thể hơn, chẳng hạn chính sách về đất đai, ở Hà Nội khi chúng tôi xin phép xây dựng một trung tâm phân phối phải mất đến 4 năm trời mới được cấp. Các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam là đi buôn chứ không phải làm từ thiện.

Các chi phí cho việc xây dựng trung tâm phân phối (khoảng 10-25%) sẽ đánh vào nhà sản xuất hoặc người tiêu dùng. Nếu những chính sách như hiện nay thì các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh với các tập đoàn khổng lồ của nước ngoài được. Cạnh tranh phải tương đương về sức lực chứ cạnh tranh như kiểu 1 với 10 là không thể. ở Thái Lan, nếu như có một trung tâm bán lẻ của nước ngoài được xây dựng thì trong vòng bán kính 1 km không ai có thể bán được cái gì.

Chúng tôi kiến nghị với Bộ, với Nhà nước nên có pháp lệnh bán lẻ. Và khi cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài vào nên để ở các vị trí xa các trung tâm và nên tìm cách hạn chế tốc độ đầu tư vào lĩnh vực này. Ta không thể cấm hẳn nhưng cho vào bao nhiêu, liều lượng như thế nào thì phải cân nhắc, không nên cho vào “ồ ạt” và cho phép ở gần các trung tâm đô thị. Đó là các biện pháp để điều tiết và điều chúng tôi mong mỏi ở chính sách vĩ mô”.

Cần gắn kết thương mại với sản xuất
Ông Thomas Fikel, Cố vấn trưởng Tổ chức hỗ trợ kỹ thuật Đức (GTZ)

“Tôi cho rằng năng lực sản xuất và thương hiệu hàng hoá trong nước phải được đánh giá thông qua những quy chuẩn và phù hợp tiêu dùng. Và điều này chỉ có được khi gắn kết mối quan hệ giữa nhà sản xuất với nhà phân phối. Trong phương pháp tiếp cận của mình, chúng tôi coi đây là một chuỗi giá trị từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đây lại là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam mà bằng chứng là sự thiếu tin tưởng giữa nhà phân phối đối với nhà sản xuất trong các hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhiều nhà phân phối phàn nàn rằng, đã không được đáp ứng đầy đủ số lượng, chất lượng sản phẩm cũng như thời gian giao nhận đơn hàng trong các hợp đồng và phá vỡ các kế hoạch làm ăn của họ.

Thêm vào đó, những cơ chế để tài trợ cho hoạt động buôn bán thương mại giữa nhà sản xuất và nhà phân phối cũng chưa đầy đủ. Ví dụ, trong kinh doanh phân phối có thể kinh doanh nguồn vốn từ con số không như ở một số nước nhưng ở Việt Nam lại chưa có quy định cụ thể.

Vậy, phải làm thế nào để gắn kết giữa nhà phân phối với sản xuất? Tôi nghĩ rằng, bên cạnh việc xây dựng môi trường chính sách thuận lợi, cần chú trọng tới công tác đào tạo nhân lực hoạt động trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp hoạt động phân phối để xây dựng thành công hệ thống phân phối hiện đại, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cũng như để tự họ xây dựng được mối quan hệ tốt với nhà sản xuất.

Những lĩnh vực đào tạo ở đây có thể là phương pháp quản lý, phương pháp xây dựng hệ thống phân phối hiện đại kết hợp tham quan một số mô hình các nước để hình thành mô hình phù hợp với Việt Nam. Mặt khác cần nhân rộng những mô hình như Metro, Phú Thái vốn có những thành công nhất định trong bán lẻ.

ở một góc độ khác, cũng cần xem xét bối cảnh tại Việt Nam, khi mà số lượng người nghèo vẫn chiếm số đông cũng như không ít nhà sản xuất khu vực nông thôn còn phụ thuộc vào hệ thống bán lẻ truyền thống nơi các khu chợ nhỏ và hè phố. Con số nghiên cứu của chúng tôi về đối tượng này chiếm tới 80% thị phần bán lẻ cả nước. Vì thế, khi áp dụng hệ thống phân phối hiện đại, rất cần thiết phải cân nhắc đến số phận của khu vực đối tượng này để không bị tác động quá tiêu cực đến họ”.

Hỗ trợ nâng cấp chuỗi cửa hàng bán lẻ
Ông Hoàng Anh Tuân, Giám đốc Công ty phân phối và bán lẻ 24-Seven

“Công ty phân phối và bán lẻ 24-Seven Việt Nam là doanh nghiệp tiên phong nghiên cứu và phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ tiện lợi từ 2003 và được đánh giá cao tại Hội thảo kinh doanh toàn cầu ở Ấn Độ.

Hiện tại, công ty chúng tôi phát triển hai thương hiệu bán lẻ tiện lợi là 24-Seven Open 24H và Daily open 24H tại Việt Nam; khai trương cửa hàng nhượng quyền đầu tiên vào cuối năm 2005 và hiện nay chúng tôi đã có các cửa hàng nhượng quyền tại Hà nội, Thái Nguyên và đang triển khai xây dựng tại Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình...

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ vĩ mô, khi nói đến phát triển ngành thương mại bán lẻ nước nhà, chúng ta phải nói đến một sự phát triển đồng bộ. Khi nói đến phát triển đồng bộ, phải bao hàm sự phát triển toàn diện bao gồm kênh phân phối, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, trung tâm bán buôn, bán lẻ... Thiếu sự phát triển của một trong những mô hình này, ngành bán lẻ sẽ không thể gọi là phát triển chiến lược và đồng bộ.

Trong bối cảnh hiện tại, phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ là không thể coi nhẹ, thậm chí là rất quan trọng. Chúng ta dường như quên đi bộ phận này khi nhắc đến ngành thương mại bán lẻ. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế nó lại không phải hoàn toàn như vậy. Vì chính 900 nghìn cửa hàng bán lẻ truyền thống (có số liệu của Bộ Thương mại ước tính là 400 nghìn) đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong ngành thương mại bán lẻ.

Hệ thống cửa hàng này đóng góp một tỉ trọng lớn trong GDP và tạo ra 5 triệu nhân công. Còn các trung tâm thương mại và siêu thị lớn mới chỉ có ở các TP lớn và cũng mới chỉ đóng góp được một vài % nhỏ trong tổng số doanh thu bán lẻ. Hơn nữa, nhìn vào sự phát triển của các nước có bối cảnh tương tự giống ta thì luôn tồn tại song song mô hình bán lẻ siêu thị, trung tâm thương mại và hệ thống cửa hàng nhỏ lẻ.

Ở Việt Nam tôi cho rằng trong 10 năm tới, hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ được nâng cấp dần thành bán lẻ tiện lợi hiện đại, nhưng vẫn tồn tại song song hai hình thức. Tuy nhiên, quy mô các cửa hàng truyền thống sẽ thu nhỏ dần.

Là doanh nghiệp làm việc trực tiếp với chủ sở hữu cửa hàng bán lẻ truyền thống này, tôi xin phép được đề nghị với Bộ thương mại và Chính phủ một số vấn đề hỗ trợ dưới đây xuất phát từ chính những yếu điểm của mô hình cửa hàng bán lẻ truyền thống này.

Thứ nhất là cần có một chương trình giáo dục do chính Bộ thương mại hoặc các Sở Thương mại các tỉnh, thành phố. Chương trình này sẽ đào tạo những chủ hộ kinh doanh cá thể những lý thuyết cơ bản nhất về kinh doanh bán lẻ hiện đại. Phân tích về tầm quan trọng phải đổi mới để tồn tại và cạnh tranh khi gia nhập WTO.

Thứ hai là những hỗ trợ thiết thực về chính sách thuế, giờ mở cửa, cũng như các chính sách ưu đãi đầu tư...

Thứ ba là tạo điều kiện cho những hộ kinh doanh cá thể này tiếp cận được với các nguồn tín dụng, để họ có thể vay vốn phát triển nâng cấp, cũng như mở rộng phạm vi kinh doanh.

Điều cuối cùng tôi muốn nói đến một tương lai giả định là điều gì sẽ xảy ra nếu không có chính sách hỗ trợ các cửa hàng bán lẻ truyền thống này. Điều dễ nhận thấy rằng, chỉ với một siêu thị của doanh nghiệp trong nước mở ra cũng đủ khiến hàng trăm cửa hàng bán lẻ truyền thống trong bán kính 2 km kinh doanh kém hoặc phải đóng cửa.

ậy sẽ bao nhiêu trong số 900 nghìn cửa hàng phải đóng cửa trong các năm tới khi mà ở Việt Nam khắp các tỉnh thành phố đều có Metro, BigC rồi tiến tới là Waltmart... 5 triệu lao động phổ thông sẽ làm gì? Hàng triệu gia đình sẽ mất thu nhập chính và GDP sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Hơn nữa, khi đó kênh phân phối sẽ rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài, khi đó liệu ngành sản xuất hàng tiêu dùng trong nước có cơ hội tiêu thụ sản phẩm?

Với tinh thần một doanh nhân, tôi sẽ làm tất cả để mô hình bán lẻ này không rơi vào tay các tập đoàn bán lẻ lớn. Doanh nghiệp đã quyết tâm vậy chỉ mong Bộ thương mại và Chính phủ có những chính sách kịp thời và chiến lược”.

Thị trường nội địa đóng góp lớn vào tăng trưởng
Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ chính sách thị trường trong nước

“Phải nhận thức rằng, tiêu thụ nội địa (thị trường nội địa) đóng góp một phần rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, làm cho tăng trưởng kinh tế đảm bảo tính bền vững. Điều này dễ thấy khi thị trường thế giới có vấn đề, xuất khẩu gặp khó khăn.

Cách đây mấy năm, khi thị trường tài chính khu vực bị khủng hoảng, xuất khẩu gặp khó khăn, đầu tư nước ngoài giảm sút, nếu không có thị trường nội địa phát triển mạnh, rất khó đảm bảo cân đối cơ cấu trong tăng trưởng.
Khi thị trường nội địa phát triển, sẽ tạo ra nhiều nhà buôn giỏi và kích thích sản xuất phát triển, tạo ra nhiều hàng hóa cho xuất khẩu. Chính những nhà buôn giỏi là người đặt hàng, tham gia đầu tư vốn và định hướng cho sản xuất.

Mặt khác, trong hội nhập Việt Nam phải mở cửa thị trường nội địa và buộc chúng ta phải chuẩn bị lực lượng để đảm bảo giữ vững thị phần của mình, tạo những tiền đề về mặt vật chất, kỹ thuật và tổ chức để cạnh tranh, hợp tác tốt. Theo đó, không chỉ chuẩn bị vững mạnh về hàng hoá, nguồn vốn, mà còn chuẩn bị công nghệ, phương thức, trình độ quản lý, mạng lưới, hệ thống phân phối và cả yếu tố con người.

Trên thực tế, hệ thống phân phối trong nước đã có tiến bộ, nhưng đã xứng tầm với xu thế mới hay chưa lại là việc khác. Có thể thấy, tổng nguồn vốn, số lượng doanh nghiệp nhiều hơn, kết quả doanh thu bán buôn bán lẻ; tình trạng tham gia vào GDP, thu hút lao động, xây dựng hệ thống của thị trường nội địa đã được cải thiện.

Trong số đó, có một số doanh nghiệp, nhà phân phối đã bắt đầu có tư duy, chuyển biến mới trong việc phát triển theo hướng đón đầu một cách chuyên nghiệp. Nhiều mô hình với công nghệ hiện đại như Tập đoàn dệt may, Tổng công ty thương mại Sài Gòn... hay những ý tưởng mới lạ trong kinh doanh như tập đoàn G7mart - Trung Nguyên, Phú Thái, 24-Seven... đã ra đời. Đây là những hạt nhân quan trọng nhằm thúc đẩy hệ thống phân phối trong nước chuyển động theo hướng hiện đại hơn.

Dĩ nhiên, sự chuyển động này phải kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại. Cũng không đơn thuần chỉ chăm lo những đại siêu thị hay trung tâm mua sắm lớn, mà còn tập trung phát triển hệ thống cửa hàng theo chuỗi và áp dụng các phương thức tiên tiến như nhượng quyền thương mại...”.

Nên có quỹ phát triển hạ tầng thương mại
Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Tổng giám đốc Saigon Co.op

“Tiến trình hội nhập xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vì thế tự thân các doanh nghiệp phải nỗ lực phát triển. Trong khoảng 5-10 năm trở lại đây, ta vẫn tập trung cho phát triển mạng lưới bán lẻ, tuy nhiên, theo tôi vẫn là quá chậm. Chẳng hạn doanh nghiệp của chúng tôi xây dựng được một chuỗi 14 siêu thị mất đến 10 năm. Như vậy là tốc độ quá chậm so với yêu cầu.

Tôi xin có những kiến nghị sau:

Thứ nhất, về mặt tổng quan về định hướng phát triển, năm nay Bộ thương mại đưa ra tương đối rõ nét những mục tiêu lớn là cụ thể hoá. Nhưng cũng nên đưa ra những chỉ tiêu như cơ cấu, tỷ trọng các doanh nghiệp trong nước phải chiếm bao nhiêu phần trăm qua từng giai đoạn.

Về mặt giải pháp, các doanh nghiệp Việt Nam đều mong hình thành những kênh phân phối theo hướng hiện đại. Có nhiều loại hình như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... đang có xu hướng phát triển ở các thành phố lớn. Các doanh nghiệp muốn tham gia vào các loại hình này lại gặp những trở ngại liên quan đến chính sách đó là nguồn lực tài chính.

Khi các nước mở cửa thị trường phân phối cũng là lúc đặt các doanh nghiệp phân phối của ta phải mở rộng mạng lưới phân phối của mình. Lúc đó vấn đề lại là kết cấu hạ tầng của thương mại nội địa. Ở Trung Quốc, họ đã hình thành một quỹ gọi là quỹ phát triển hạ tầng thương mại nội địa. Ban đầu là của Nhà nước, sau đó sẽ có một số doanh nghiệp cùng góp vốn, đầu tư để hình thành và phát triển quỹ này.

Chính việc tham gia quỹ này của các doanh nghiệp sẽ kích thích việc đầu tư và mở rộng. Các doanh nghiệp sản xuất cũng tham gia vào quỹ này (tất nhiên sẽ có những cam kết cụ thể). Việc tham gia của những doanh nghiệp sản xuất vào quỹ này sẽ biến nó thành chất kết dính giữa nhà sản xuất và nhà phân phối. Mối quan hệ giữa “hai nhà” sẽ được gắn bó hơn. Ngay bản thân các nhà sản xuất sẽ không phải mất thêm chi phí để xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm của mình.

Thứ hai, trở ngại liên quan đến chính sách đó là chiến lược đào tạo. Theo chúng tôi ta phải có chiến lược đào tạo được tổ chức đồng bộ. Ngay cả trong các chương trình đào tạo thông qua hệ thống các trường đại học hoặc các trường trung học chuyên nghiệp. Nếu các địa phương có chương trình đưa cán bộ đi đào tạo dài hạn trong hoặc ngoài nước nên dành các chỉ tiêu đào tạo về chuyên ngành phân phối cho nguồn nhân lực tại địa phương.

Nói tóm lại, chúng ta phải sử dụng đa dạng các nguồn vốn trong và ngoài nước để hỗ trợ trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của các doanh nghiệp. Có chương trình hỗ trợ đổi mới đội ngũ giáo viên và giáo trình của một số trường đại học kinh tế, trường cao đẳng, dạy nghề theo kịp với xu hướng khu vực và thế giới trong lĩnh vực phân phối để đáp ứng nhu cầu đổi mới chất lượng nguồn lực về lâu dài”.

 

Nguyễn Hoài - Hồng Quang thực hiện

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 17/3/2006