Tổng hợp
Tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2005
06/08/2010 - 352 Lượt xem
1. Về công nghiệp, nông-lâm-ngư nghiệp
Công nghiệp tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao: tháng 9 đạt 19,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất lần lượt đạt 25% và 26,9%. Nhìn chung 9 tháng năm 2005, sản xuất công nghiệp tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nhà nước, ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài tăng lần lượt là 9,6%; 24,8% và 17,2%.
Hầu hết các tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp trên địa bàn lớn như Bình Dương, Khánh Hoà, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Đồng Nai đều có mức tăng trưởng công nghiệp cao trên mức trung bình cả nước.
Sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá, trung bình 9 tháng đầu năm 2005 tăng 5,2% cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (4,3%); trong đó nông nghiệp tăng 4%, lâm nghiệp 1%, thuỷ sản 9%.
2. Về dịch vụ
Các hoạt động du lịch tiếp tục phát triển. Trong tháng 9, số khách du lịch quốc tế ước đạt 270 nghìn lượt người, tăng trên 14,5% so với cùng kỳ năm 2004. Khách quốc tế đến Việt Nam từ các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Thuỵ Sĩ, Hà Lan và Bỉ...tăng mạnh do tác động của chính sách miễn thị thực, lần lượt đạt 21%, 57%, 26%, 20% và 30%.
Dịch vụ bưu chính viễn thông và thông tin liên lạc tiếp tục tăng trưởng nhanh. Trong tháng 9 năm 2005, có 480 nghìn thuê bao điện thoại mới, nâng tổng số thuê bao điện thoại mới trong 9 tháng 2005 lên 2,83 triệu trong tổng số thuê bao 13,13 triệu máy. Tổng số người sử dụng Internet là 8,1 triệu (tăng 100 nghìn người so với tháng trước) bằng 9,8% tổng dân số.
3. Về xuất nhập khẩu
Xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 năm 2005 ước đạt 2,8 tỷ USD. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 23,5 tỷ USD, tăng hơn 21% so với cùng kỳ (bằng 76,5% kế hoạch năm). Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ đều có mức tăng trường xuất khẩu cao. Trong 9 tháng 2005, xuất sang thị trường Nhật Bản tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước, EU tăng 14,4% và Hoa Kỳ tăng 15,4%. Tăng giá một số mặt hàng xuất khẩu (dầu thô,gạo..) cũng góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 ước đạt 3,1 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng 8. Mức nhập siêu 9 tháng 2005 ước đạt gần 3,9 tỷ USD, bằng 16,5% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước (năm 2004 là 17,7%; năm 2003 là 20,4%). Mức nhập siêu giảm do tăng khối lượng hàng hoá xuất khẩu, và giá dầu thô thế giới tăng cao (tăng 46 % so với dự kiến).
4. Về đầu tư
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả khá. Trong tháng 9, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 628,7 triệu USD, nâng tổng số vốn cấp mới và tăng thêm của 9 tháng đầu năm đạt 4.094,4 triệu USD, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2004.
9 tháng năm 2005 |
Số dự án |
Số vốn (triệu USD) |
Tăng trưởng về số dự án so với cùng kỳ năm 2004 |
Tăng trưởng về số vốn so với cùng kỳ năm 2004 |
Dự án được cấp phép đầu tư mới |
570 |
2.643 |
10% |
65% |
Dự án tăng vốn |
361 |
1.449,4 |
5,2% |
5,5% |
Vốn đầu tư đăng ký chủ yếu tập trung trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp.
Lĩnh vực |
Số dự án đăng ký |
Tổng vốn đăng ký (triệu USD) |
Tỷ lệ trong tổng số dự án đầu tư |
Tỷ lệ trong tổng vốn đăng ký |
Dịch vụ |
124 |
1.270 |
21,7% |
48,3% |
Công nghiệp |
386 |
1.250 |
67,7% |
47,5% |
Trong số các dự án mới được cấp phép trong 9 tháng 2005, có 161 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, đạt 568,8 triệu USD.
Vốn đầu tư thực hiện tháng 9 ước đạt 312 triệu USD. Tính chung 9 tháng 2005 đạt 2.459 triệu USD.
Thu hút vốn ODA đạt khá, đến giữa tháng 9/2005, nguồn ODA được cam kết đạt trị giá hơn 1.890 triệu USD, trong đó vốn vay là 1.617 triệu USD và viện trợ không hoàn lại là 273 triệu USD. Mức giải ngân ODA 9 tháng ước đạt khoảng 1.260 triệu USD, đạt khoảng 68% so với kế hoạch. Trong tổng vốn giải ngân 9 tháng, phần vốn vay của 3 nhà tài trợ JBIC, WB và ADB chiếm khoảng 838 triệu USD, bằng 76% giá trị giải ngân vốn vay.
5. Về giải quyết việc làm
Xuất khẩu lao động trong tháng 9 đạt 7.000 lao động. Tính chung cả 9 tháng đã đưa được 50 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài. Các hoạt động xúc tiến quảng bá lao động đã được tăng cường, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, đặc biệt là ở Trung Đông.
Trong quý 4, các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP, kiềm chế tác động nghịch của thị trường bên ngoài đến thương mại, đầu tư và xã hội được thực hiện là:
Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp và dịch vụ; Đẩy mạnh hoạt động của ngành dịch vụ có giá trị cao: du lịch, bưu chính viễn thông, vận tải hàng không; Khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng.
Kiềm chế tốc độ tăng giá, bảo đảm tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế; Kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với các sản phẩm độc quyền, các ngành sản xuất cung ứng vật tư nguyên liệu quan trọng; Điều hành linh hoạt tỷ giá, lãi suất nhằm ổn định tiền tệ…
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo.
Nguồn: http://www.mofa.gov.vn