Hội nhập kinh tế quốc tế
Ðổi mới cơ chế quản lý về sở hữu trí tuệ
06/08/2010 - 235 Lượt xem
Thời cơ và thách thức
Ở các nước phát triển, sở hữu trí tuệ đã phát triển vài trăm năm nay. Nhờ đó, mỗi năm trên thế giới, loài người tạo ra 1,5 đến hai triệu đơn đăng ký sáng chế và có từ 500 nghìn đến 600 nghìn bằng sáng chế được cấp (ở Việt Nam, con số này khoảng 100 đơn mỗi năm và 20 bằng được cấp mỗi năm).
Để trở thành thành viên của WTO, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy các hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ và ban hành nhiều nghị định Chính phủ về thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Ðể triển khai pháp luật về sở hữu trí tuệ, chúng ta nhận thức được rằng cơ hội mà sở hữu trí tuệ đem lại là rất to lớn. Ðó chính là con đường duy nhất giúp các nước nghèo thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Nhờ có sở hữu trí tuệ, các nhà sáng tạo mới tạo ra nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng mới thúc đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các đối tượng sở hữu trí tuệ. Hàm lượng trí tuệ trong chỉ số tăng trưởng GDP tăng nhanh, sẽ tạo ra một phong trào thi đua lao động sáng tạo, đẩy mạnh các hoạt động sáng kiến - sáng chế ở cơ sở, nâng cao dân trí bằng việc bảo hộ bản quyền các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, công nghệ.
Kinh nghiệm của các nước đã trải qua giai đoạn công nghiệp cho thấy nếu tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ lên 10% thì đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tăng 50% và các công nghệ cao sẽ tăng trưởng 40%. Ðó là cơ hội vô cùng to lớn mà các nước đang phát triển phải nắm lấy. Tuy nhiên, Việt Nam còn bộc lộ các điểm yếu và thách thức sau đây:
Nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ và trong các doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều người còn chưa hiểu sở hữu trí tuệ là gì, ngay cả các cán bộ thực thi quyền.
Hệ thống pháp luật của Việt Nam về sở hữu trí tuệ còn tản mạn, chồng chéo ở nhiều văn bản, thiếu sự thống nhất đồng bộ, cho nên khó áp dụng.
Mức phạt các vi phạm sở hữu trí tuệ còn nhẹ, thiếu khả năng răn đe và thực thi.
Hệ thống các cơ quan thực thi còn yếu, nhất là tòa án xét xử chưa nhiều các vụ án liên quan sở hữu trí tuệ.
Ðể khắc phục những tình trạng trên đây, vừa qua Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến hoàn thiện Luật Sở hữu trí tuệ. Ðây là bước tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong bước đường gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Có thể thấy rằng trong một thời gian ngắn, Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi nhiều lần để xem xét thông qua tại Quốc hội kỳ họp tới.
Cần sớm ban hành luật về sở hữu trí tuệ
Sau khi rà soát các quy định của Bộ luật Dân sự, các văn bản hướng dẫn và các quy định liên quan sở hữu trí tuệ, có thể nói đến nay, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam, về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cơ bản đáp ứng yêu cầu về tính đầy đủ mà Hiệp định TRIPS và các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ khác quy định. Chỉ còn một số rất ít các quy định cần được bổ sung sửa đổi đó là: Tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa, chương trình máy tính và sưu tập dữ liệu, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền ghi và truyền tới công chúng các chương trình phát thanh truyền hình; thủ tục xác lập quyền đối với bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bảo hộ bí mật kinh doanh, bảo hộ dữ liệu trình cơ quan cấp phép lưu hành sản phẩm, điều kiện cấp li-xăng không tự nguyện, thủ tục chấp nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế và công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, xác định và công nhận tính đặc thù của sản phẩm, hàng hóa mang tên gọi xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Việt Nam còn có những bất cập là: Các quy định về sở hữu trí tuệ được quy định trong phần 6 Bộ luật Dân sự được Quốc hội khóa 11, kỳ họp thứ 5 thông qua tháng 5-2005 gồm những quy định có tính chất nguyên tắc chung, thiếu cụ thể và chưa đầy đủ. Hơn nữa, Bộ luật Dân sự hiện hành chỉ quy định những vấn đề có tính chất dân sự trong khi đó lĩnh vực sở hữu trí tuệ không chỉ gồm những khía cạnh dân sự mà còn các khía cạnh khác như hành chính, tài chính, hình sự, li-xăng, chuyển giao...
Ðổi mới tổ chức các cơ quan quản lý
Ðể thực thi tốt Luật Sở hữu trí tuệ sau khi được Quốc hội ban hành và nhằm phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo, hướng dẫn đối với hoạt động sở hữu trí tuệ, nâng cao hiệu quả khai thác các nguồn lực, tránh sự chồng chéo, cần sắp xếp lại và kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ từ trung ương xuống cơ sở.
Hiện nay, việc bố trí cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ tại ba cơ quan khác nhau là bất hợp lý (Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Bản quyền tác giả và văn học nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin, Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Bởi vì, hoạt động sở hữu trí tuệ diễn ra và tác động tới tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ. Ở đâu có hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ở đó có tài sản trí tuệ và nảy sinh các quan hệ quyền và nghĩa vụ về các tài sản đó.
Nguyên tắc điều chỉnh các quan hệ đó là thống nhất. Trên bình diện quốc tế, các hoạt động sở hữu trí tuệ đều quy định về một mối thống nhất (WTO, WIPO) không hề tồn tại hai cơ quan về sở hữu trí tuệ. Hiện nay, 45 nước trên thế giới đều chỉ có một cơ quan duy nhất về sở hữu trí tuệ. Nhất là, đối với các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp (doanh nghiệp, nhà đầu tư), việc có một cơ quan duy nhất về sở hữu trí tuệ tạo điều kiện thuận lợi lớn cho họ trong các thủ tục xác lập quyền đơn giản và thuận tiện hơn.
Việc các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ hợp nhất thành một cơ quan duy nhất sẽ tiết kiệm đáng kể ngân sách quốc gia mà tập trung hướng về cơ sở và cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm: chuẩn bị dự thảo các quy phạm pháp luật xây dựng các chính sách, chiến lược về hoạt động sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, tiến hành thủ tục xác lập quyền cho các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước. Thực hiện các biện pháp bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của các tổ chức cá nhân trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và các công việc nghiệp vụ khác. Thực hiện quản lý thống nhất và hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ. Trong các nhiệm vụ nói trên, nhiệm vụ quan trọng nhất là xác lập và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, trong đó bao gồm sở hữu công nghiệp, bản quyền tác giả và giống cây trồng mới. Cơ quan này trực thuộc Chính phủ hoặc một bộ. Các cơ quan sở hữu trí tuệ tại các địa phương cũng cần phải được hợp nhất lại một tổ chức để bảo đảm phù hợp các cơ quan sở hữu trí tuệ ở trung ương. Cơ quan này trực thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hoặc trực thuộc một sở. Với việc thành lập một cơ quan thống nhất quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ sẽ giúp thực thi tốt hơn luật về sở hữu trí tuệ.
Ðổi mới hệ thống các cơ quan thực thi về sở hữu trí tuệ
Trong những năm qua, mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ, song tình hình vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tăng lên nhanh chóng. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra với hầu hết các loại sản phẩm, hàng hóa và phổ biến nhất là nạn sao chép nhãn hiệu, kiểu dáng, sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý, sao chép băng đĩa, các tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu, có liên quan cả khu vực tư nhân, Nhà nước, liên doanh và cả một số doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một nguyên nhân làm giảm đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam trong những năm qua, làm các nhà đầu tư và Chính phủ các nước quan ngại.
Ðể khắc phục tình trạng này, cần đổi mới hệ thống các cơ quan thực thi về sở hữu trí tuệ. Hiện nay, hệ thống các cơ quan thực thi trong nội địa có năm cơ quan: Quản lý thị trường, tòa án, công an kinh tế, thanh tra khoa học công nghệ và Ủy ban nhân dân các cấp. Việc bố trí quá nhiều cơ quan hành chính tham gia vào hệ thống thực thi về sở hữu trí tuệ khiến cho vai trò của quy định về chế tài dân sự, nguyên tắc dân sự trong đối xử với các quyền sở hữu trí tuệ, cũng như vai trò của các cơ quan xét xử bị lu mờ, đồng thời làm giảm tác dụng và hiệu lực của hoạt động bảo đảm thực thi. Ðề cao vai trò của tòa án nhân dân các cấp đưa trình tự dân sự trở thành phương thức chủ yếu trong điều chỉnh các quan hệ về sở hữu trí tuệ. Cơ quan quản lý thị trường và cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) phải được tăng cường cả về số lượng và chất lượng để bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Cơ quan cảnh sát kinh tế có chức năng điều tra, kiểm soát tình hình và phát hiện vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực hiện các biện pháp chế tài hành chính.