Hội nhập kinh tế quốc tế
Tác động của việc gia nhập WTO đối với khu vực nông nghiệp và nông thôn
06/08/2010 - 288 Lượt xem
Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ "Mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực, củng cố và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế". Ngày 18/11/1996, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về kinh tế đối ngoại nhằm chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Đại hội lần thứ IX của Đảng đã khẳng định chủ trương "Phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững". Thực hiện đường lối, chủ trương trên của Đảng, những năm qua nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại. Việc nước ta gia nhập WTO sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế xã hội nói chung và cuộc sống của mỗi người nông dân nói riêng. Nước ta chuẩn bị gia nhập WTO vào cuối năm nay xuất phát từ nhu cầu hội nhập quốc tế của chính chúng ta chứ không phải từ sức ép bên ngoài.
Việc chúng ta gia nhập WTO, đối với khu vực nông thôn và ngành nông nghiệp, ngoài những cơ hội mới, sẽ tạo những thách thức lớn vì hiện nay, khu vực này còn thô sơ, lạc hậu, năng suất lao động thấp, cơ sở hạ tầng kém, vốn đầu tư thiếu, trình độ của người nông dân chưa cao… Trong khi đó, đầu tư nước ngoài vào nước ta thường tập trung ở những ngành công nghệ cao và vào khu vực thành thị. Nếu chúng ta di chuyển một lực lượng lao động nhất định nào đó từ khu vực nông thôn ra thành thị, thì trình độ của người lao động ở khu vực nông thôn có đáp ứng được yêu cầu của công việc hay không? Mức độ thất nghiệp ở khu vực đô thị như thế nào, khi các nhà máy ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất làm cho lao động thủ công ở đó sẽ dôi dư?… Và nếu chúng ta di chuyển một lực lượng lớn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp từ khu vực nông thôn ra lao động trong lĩnh vực công nghiệp ở khu vực thành thị thì trong trường hợp năng suất lao động trong ngành nông nghiệp không tăng tương ứng, thì rõ ràng sản lượng nông nghiệp sẽ giảm tương ứng. Sản lượng nông nghiệp giảm sẽ dẫn đến giá cả hàng hoá thiết yếu (nông sản) tăng. Điều này buộc các nhà máy phải tăng lương cho lao động công nghiệp, để họ đảm bảo cuộc sống và có khả năng tái sản xuất sức lao động. Khi đó, đầu tư vào sản xuất công nghiệp sẽ giảm, dẫn tới sản lượng công nghiệp giảm, giá cả hàng hoá trong ngành công nghiệp tăng…
Thời gian qua Đảng và Nhà nước ta không ngừng nỗ lực nhằm tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền và thực hiện công bằng xã hội gắn với phát triển bền vững. Chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp để đẩy mạnh việc áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển mạnh một nền sản xuất nông nghiệp coi trọng số lượng sang một nền sản xuất chú trọng chất lượng nhằm tạo điều kiện cho nông dân đối phó với cạnh tranh của nhiều nông sản nhập khẩu. Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, hướng dẫn nông dân, địa phương phát huy lợi thế so sánh để tập trung vào sản xuất nông sản có ưu thế, phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm. Cố gắng phát triển thị trường xuất khẩu nông phẩm. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo để trao đổi ý kiến giữa các cơ quan Nhà nước , các nhà khoa học, các nhà kinh doanh tạo lên sự liên kết 4 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà kinh doanh - Nhà nông) để trợ giúp, bảo vệ nông dân. Chúng ta cũng đã đạt được nhiều tiến bộ ở những ngành sử dụng nhiều nhân công và hướng vào thị trường xuất khẩu. Nhà nước cũng đã có nhiều chương trình để hỗ trợ cho những vùng nông thôn, đặc biệt khó khăn như chương trình 135. Về dài hạn, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung lớn để đầu tư vào khu vực nông thôn như giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông, thuỷ lợi, công nghệ sinh học… để thực hiện công bằng xã hội và tiến tới phát triển đồng đều, bền vững.
Nhằm chủ động gia nhập WTO, chúng ta đã và đang tiến hành rộng rãi công tác tư tưởng, tuyên truyền, giải thích trong các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân để đạt được nhận thức và hành động thống nhất và nhất quán về hội nhập kinh tế quốc tế, coi đó là nhu cầu vừa bức xúc, vừa cơ bản và lâu dài của nền kinh tế nước ta, nâng cao niềm tin vào khả năng và quyết tâm của nhân dân ta chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Trong một lần về làm việc tại tỉnh Thái Bình - một tỉnh thuần nông thuộc miền duyên hải đồng bằng sông Hồng - đồng chí PGS. TS Đào Duy Quát, Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đã có buổi làm việc với Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ sau khi đã khảo cứu thực tiễn ở địa phương. Tại buổi làm việc này, đồng chí đã nhấn mạnh: "Công tác tuyên truyền trong lĩnh vực kinh tế phải tập trung mạnh vào 4 tiêu chí: nâng cao hàm lượng khoa học - kỹ thuật trong một đơn vị hàng hoá; nâng cao tỷ trọng hàng hoá trong nông nghiệp; tỷ trọng hàng hoá qua chế biến, đặc biệt là tinh chế phải tăng; hàng hoá của nông dân phải được sản xuất qua các hợp đồng lớn. Qua đó, người nông dân sẽ sản xuất hàng hoá tốt hơn, sẽ chủ động được quá trình sản xuất trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế".
Nước ta gia nhập WTO sẽ tạo cơ hội mới, tạo điều kiện cho hàng hoá nông sản của nông dân xâm nhập vào thị trường thế giới rộng lớn hơn. Việc thành lập các hợp tác xã, các hiệp hội, sản xuất theo hợp đồng tạo cơ sở cho mỗi hộ nông dân tham gia vào cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Các đơn vị xuất nhập khẩu nông sản có nhiều cơ hội tốt để khai thác thị trường mới. Ngoài sản phẩm chất lượng cao có ưu thế sẽ tăng trưởng, sẽ có nhiều sản phẩm tiềm năng, sản phẩm sạch có cơ hội phát triển. Qua đó, sẽ tạo được nhiều việc làm trong khu vực nông thôn. Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Ngoài điện, cơ khí, công nghệ sinh học… đang được triển khai mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp thì công nghệ thông tin cũng đang được đẩy mạnh trong cả nước. Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghệ thông tin. Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin vào lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta nhằm góp phần phát triển nhanh và hiện đại hoá ngành nông nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng và tạo khả năng đi tắt đón đầu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Dự kiến đến 2005, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ cơ bản hoàn tất việc đấu vào mạng liên tỉnh bằng cáp quang, mạng nội tỉnh truyền dẫn chủ yếu bằng cáp quang và viba số. Tất cả các huyện (trừ các huyện đảo) được đấu về trung tâm tỉnh bằng cáp quang. Qua đó, người nông dân sẽ có nhiều điều kiện để phát triển mạnh sản xuất hàng hoá. Người nông dân sẽ học tập qua mạng, tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước qua mạng… Và như vậy, phải chăng đã hình thành nên giai cấp công nhân nông nghiệp.
Gia nhập WTO toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm phấn đấu chủ động tạo bước chuyển biến mới về cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Phát huy cao độ nội lực, khai thác tối đa các nguồn lực bên ngoài để tạo thế lực mới cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, nhất định đất nước ta sẽ tiến nhanh, tiến mạnh và vững chắc trong thế kỷ XXI.
Ngọc Hiếu