VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Hội nhập kinh tế quốc tế

WTO và pháp luật Việt Nam về điều kiện áp dụng các biện pháp chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu

06/08/2010 - 283 Lượt xem

Những năm gần đây, trong quan hệ kinh tế với Việt Nam, các quốc gia đã và đang sử dụng những biện pháp chống bán phá giá đối với một số loại hàng hóa của Việt Nam khi những mặt hàng này được xuất khẩu sang thị trường của họ, làm cho một số doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn và thiệt hại rất lớn trên thị trường của những nước này. Theo thống kê của Bộ thương mại, từ năm 1994 đến nay, Việt Nam đã phải đối phó với gần 20 vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có hai thị trường điển hình đó là Mỹ với những vụ kiện chống bán phá giá cá Tra, cá Basa, Tôm và thị trường Châu Âu với các sản phẩm như chốt cài, bật lửa gas và xe đạp…Ngược lại, đối với Việt Nam, trên thực tế cũng đã có hiện tượng bán phá giá của hàng hoá nhập khẩu từ một số nước vào Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn chủ động và có đủ lực để đối phó với những vụ kiện này, mặc dù Việt Nam đã ban hành được Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam ngày 29 tháng 4 năm 2004 và Pháp lệnh này đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2004.

Hiện nay, Việt Nam đang gấp rút tiến hành những vòng đàm phán cuối cùng để được gia nhập vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm 2005. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ chính thức bước vào sân chơi của WTO mà trong đó, các biện pháp chống bán phá giá là một trong những biện pháp được các quốc gia thường xuyên sử dụng để bảo hộ nền sản xuất trong nước. Có nghĩa là Việt Nam cũng sẽ phải bắt đầu vận dụng những quy định về chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam trên cơ sở phù hợp với những quy định của WTO để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong thương mại quốc tế.

Để vận dụng tốt quyền chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam, trước tiên, chúng ta phải xác định được thế nào là bán phá giá và những điều kiện để áp dụng các biện pháp chống bán phá giá theo quy định của WTO và theo pháp luật Việt Nam.

Bán phá giá

Theo nghĩa chung, bán phá giá được hiểu là hành vi bán một mặt hàng với giá thấp hơn giá hiện hành của mặt hàng đó trên thị trường nhằm làm ảnh hưởng đến các mặt hàng tương tự trên cùng thị trường. Hành vi này có thể dẫn đến một trong hai trường hợp bất lợi sau đây đối với nhà sản xuất những mặt hàng tương tự với mặt hàng được bán phá giá:

Thứ nhất, các nhà sản xuất những mặt hàng tương tự muốn cạnh tranh và giữ được thị trường thì phải giảm giá bán các sản phẩm của mình cho tương đương với giá của những hàng hóa được bán phá giá. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì các nhà sản xuất những mặt hàng tương tự này sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ. Bởi vì, đôi khi để giảm cho giá của hàng hoá của mình tương đương với giá của hàng hoá bán phá giá thì nhà sản xuất buộc phải bán hàng hoá của mình với mức giá thấp hơn chi phí sản xuất ra mặt hàng đó.

Thứ hai, nếu không chấp nhận giảm giá bán thì hàng hóa không thể cạnh tranh và tiêu thụ được trên thị trường. Lúc đó, những doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng tương tự sẽ bị tê liệt và có thể dẫn đến nguy cơ phá sản.

Trong thương mại quốc tế, Theo quy định tại Điều 2.1 của Hiệp định chống bán phá giá của WTO thì hành vi bán phá giá là hành vi bán hàng hoá từ một quốc gia này (quốc gia xuất khẩu) sang thị trường của một quốc gia khác (quốc gia nhập khẩu) với mức giá thấp hơn mức giá thông thường bán tại thị trường trong nước của quốc gia xuất khẩu trong điều kiện thương mại bình thường.

Mặc dù chưa chính thức là thành viên của WTO nhưng định nghĩa này đã được chuyển hóa toàn bộ vào pháp luật Việt Nam. Theo Điều 3, Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam năm 2004 thì "hàng hoá có xuất xứ từ nước hoặc vùng lãnh thổ bị coi là bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam nếu hàng hoá đó được bán với giá thấp hơn giá thông thường…”. Giá thông thường ở đây được hiểu là giá của mặt hàng tương tự đang được bán trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường. Trong trường hợp không có mặt hàng tương tự hay số lượng của mặt hàng tương tự này không đáng kể trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu thì giá thông thường này có thể được xác định căn cứ vào giá của một mặt hàng tương tự đang được bán trên thị trường của một nước thứ ba (không phải là nước xuất khẩu và nước nhập khẩu) hoặc có thể xác định bằng tổng của giá thành hợp lý với chi phí và lợi nhận ở mức hợp lý của hàng hoá đó. Như vậy, mỗi khi một mặt hàng nước ngoài được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam với mức giá thấp hơn mức giá thông thường thì có thể bị xem là hành vi bán phá giá vào thị trường Việt Nam.

Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong quan hệ thương mại quốc tế. Mặc dù người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi vì được mua hàng hóa với mức giá rẻ hơn mức giá thông thường, nhưng nó có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất hàng hóa tương tự của nước nhập khẩu. Chính vì vậy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tìm mọi cách, mà trước tiên là bằng việc thỏa thuận thông qua các điều ước quốc tế và xây dựng luật quốc gia, để chống lại hành vi bán phá giá, nhằm bảo vệ thị trường và nền sản xuất trong nước của mình.

Điều kiện áp dụng các biện pháp chống bán phá giá

Nhằm khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh từ việc bán phá giá nêu trên, ngay từ khi mới thành lập, WTO đã ban hành Hiệp định chống bán phá giá nhằm thực thi Điều VI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại năm 1994 (G.A.T.T 1994). Như vậy, hai Hiệp định này đã cho phép các quốc gia sử dụng những biện pháp nhất định như áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của các tổ chức, cá nhân xuất khẩu đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước nhập khẩu để chống lại việc bán phá giá ngay khi có những thiệt hại nghiêm trọng đến nền sản xuất trong nước của nước nhập khẩu. Tuy vậy, không phải tất cả các hành vi bán phá giá đều bị quốc gia liên quan áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Hay nói các khác, các biện pháp chống bán phá giá chỉ được thực hiện trong những hoàn cảnh nhất định và phải đáp ứng được các điều kiện cụ thể.

Theo Hiệp định chống bán phá giá của WTO, để áp dụng biện pháp chống bán phá giá quốc gia muốn áp dụng, thông qua thủ tục điều tra, phải chứng minh được 3 yếu tố sau: Có hành vi bán phá giá vi phạm của hàng hóa nước ngoài trên thị truờng trong nước của mình; có thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước của mình; hành vi bán phá giá với thiệt hại nêu trên phải có mối liên hệ nhân quả với nhau.

- Đối với yếu tố thứ nhất: Như đã nói, không phải bất kỳ hành vi bán phá giá nào cũng vi phạm và bị áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Do đó, muốn chứng minh là có hành vi bán phá giá vi phạm hay không thì quốc gia nhập khẩu phải chứng minh được "biên độ phá giá” đạt từ 2% trở lên. Bởi vì theo Điều 5.8 của Hiệp định chống bán phá giá thì biên độ này sẽ không bị coi là vi phạm nếu nó thấp hơn 2% (nguyên tắc de minimis). Biên độ phá giá được xác định bằng cách lấy giá thông thường trừ cho giá xuất khẩu rồi chia lại cho giá xuất khẩu. Nếu kết quả tính biên độ bán phá giá đạt từ 2% trở lên thì chúng ta có thể kết luận đây là hành vi bán phá giá vi phạm Hiệp định.

Theo pháp luật Việt Nam, tại khoản 3, Điều 2 của Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam thì "biên độ bán phá giá không đáng kể là biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam”. Như vậy, theo quy định này thì biên độ phá giá hàng nhập khẩu vào Việt Nam nếu ở mức 2% vẫn được xem là không bán phá giá vào thị trường Việt Nam. Chỉ khi biên độ này vượt quá 2% thì mới bị coi là bán phá giá vi phạm pháp luật Việt Nam. Hay nói cách khác, theo quy định này thì phạm vi, biên độ phá giá mà các doanh nghiệp nước ngoài có thể hạ giá hàng hoá so với giá thông thường để nhập khẩu vào Việt Nam mà không vi phạm pháp luật sẽ rộng hơn so với quy định của WTO.

Ngoài ra, tại Việt Nam, trong nhiều trường hợp trên thị trường nội địa ở nước ngoài, hàng hoá được bán với giá cao nhưng khi xuất khẩu vào Việt Nam, các nhà xuất khẩu bán với giá thấp, với biên độ vượt quá 2%, mà vẫn không bị xem là bán phá giá. Bởi vì, nguyên nhân có thể là do nhu cầu của thị trường nội địa ở nước xuất khẩu đối với mặt hàng này rất ít, không đáng kể, vì thế nhà sản xuất của nước xuất khẩu khó đạt được quy mô kinh tế nên phải bán với giá cao trên thị trường nội địa của mình. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường Việt Nam đối với mặt hàng này rất lớn nên các nhà sản xuất bán với giá thấp hơn, vì họ rất dễ thu lợi nhuận và đạt quy mô kinh tế do bán được số lượng nhiều. Trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 3 khoản 3 của Pháp lệnh chống bán phá giá 2004 và Hiệp định chống bán phá giá của WTO, muốn xác định được là các doanh nghiệp nước ngoài có bán phá giá mặt hàng đó vào Việt Nam hay không thì chỉ có thể thông qua một trong hai phương pháp: Thứ nhất, đó là xác định “biên độ phá giá” giữa giá thông thường của mặt hàng này trên cơ sở giá thông thường được bán trong điều kiện thương mại bình thường tại một quốc gia thứ ba với giá xuất khẩu vào Việt Nam đã xuất khẩu. Tuy nhiên, phương pháp này rất khó thực hiện vì đòi hỏi phải tốn nhiều chi phí, thời gia và nhất là sự hợp tác, giúp đỡ của quốc gia thứ ba muốn so sánh. Thứ hai, xác định “biên độ phá giá” giữa giá thông thường được tính bằng cách tính giá thành hợp lý của hàng hoá cộng thêm các chi phí khác và lợi nhuận ở mức hợp lý, xét theo từng công đoạn từ sản xuất đến lưu thông trên thị trường của nước xuất khẩu hay nước thứ ba với giá xuất khẩu mặt hàng đó vào Việt Nam.

- Đối với yếu tố thứ hai: Hành vi bán phá giá vi phạm nêu trong điều kiện thứ nhất phải gây thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước của quốc gia nhập khẩu.

Theo quy định tại Điều 3.1 của Hiệp định chống bán phá giá của WTO, hành vi bán phá giá bị xem là gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước của quốc gia nhập khẩu khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Thứ nhất, số lượng hàng hóa bán phá giá bán vào thị trường của nước nhập khẩu gia tăng đáng kể so với mức sản xuất hoặc nhu cầu tiêu dùng tại nước nhập khẩu. Số lượng này, theo Điều 5.8 của Hiệp định chống bán phá giá, phải chiếm từ 3% trở lên so với tổng số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào thị trường nội địa của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, số lượng này được quy định tại khoản 4 Điều 2 của Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là phải cao hơn 3% so với tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá tương tự nhập khẩu vào Việt Nam. Trong khi đó, đối với trường hợp nhiều nước có tỷ phần hàng hoá bán phá giá dưới 3% (theo quy định của WTO) hoặc không vượt quá 3% (theo quy định của Việt Nam) cùng xuất khẩu vào thị trường của nước nhập khẩu thì cả WTO và Việt Nam đều quy định giống nhau là tổng số lượng xuất khẩu của các nước này vào nước nhập khẩu phải chiếm trên 7% tổng số lượng hàng nhập khẩu của nước nhập khẩu mới bị coi là gây thiệt hại đáng kể cho nước nhập khẩu. Thứ hai, hàng nhập khẩu bán phá giá được bán với giá thấp hơn một cách đáng kể so với giá của hàng hóa tương tự. Thứ ba, hàng hoá bán phá giá làm giảm giá của hàng hoá tương tự một cách đáng kể tại thị trường của nước nhập khẩu…

So với quy định của WTO, pháp luật Việt Nam quy định về điều kiện gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước có phần rõ ràng và cụ thể hơn. Tại Điều 2 khoản 7, Pháp lệnh chống bán phá giá của Việt Nam quy định về thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước đó là "tình trạng suy giảm đáng kể hoặc kìm hãm tăng trưởng về sản lượng, mức giá, mức tiêu thụ hàng hoá, lợi nhuận, tốc độ phát triển sản xuất, việc làm của người lao động, đầu tư và các chỉ tiêu khác của ngành sản xuất trong nước hoặc là tình trạng dẫn đến khó khăn cho việc hình thành một ngành sản xuất trong nước".

Song song với việc xác định hành vi bán phá giá gây thiệt hại đáng kể, Điều 3.7 của Hiệp định chống bán phá giá cũng cho phép quốc gia nhập khẩu có quyền chứng minh tình trạng “đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng” đến ngành sản xuất trong nước của mình thay cho việc chứng minh là có "thiệt hại đáng kể" từ hành vi bán phá giá. Tuy nhiên, Điều 3.7 này không đưa ra một định nghĩa cụ thể thế nào được gọi là đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng, mà chỉ đưa ra một danh sách các ví dụ về vấn đề này và xem như là các yếu tố để có thể kết luận là có đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng hay không. Các yếu tố này bao gồm: Tỉ lệ gia tăng đáng kể hàng nhập khẩu; năng lực sản xuất lớn của nhà sản xuất nhằm xuất khẩu những sản phẩm liên quan; nguy cơ làm giảm hoặc kìm hãm đáng kể giá trong nước; số lượng tồn kho của sản phẩm liên quan đang bị điều tra. Đối với Việt Nam, Điều 2, khoản 8 của Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam đã định nghĩa rõ tình trạng đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước là "khả năng trước mắt, rõ ràng và chứng minh được sẽ gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước".

- Đối với yếu tố thứ ba: Quốc gia nhập khẩu phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá và thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước của quốc gia mình.

Yếu tố mối quan hệ nhân quả này được quy định tại Điều 3.5 của Hiệp định chống bán phá giá và cũng được pháp luật Việt Nam quy định tại Điều 6 của Pháp lệnh chống bán phá giá năm 2004. Theo đó, Việt Nam chỉ được áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hoá bán phá giá vào Việt Nam khi có hai điều kiện sau đây: "Hàng hóa bị bán phá giá vào Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể" và "việc bán phá giá hàng hoá…là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước".

Theo quy định này thì những thiệt hại xảy ra phải là hệ quả của việc bán phá giá chứ không phải là do những nguyên nhân khác. Nói cách khác, trên thực tế, có những trường hợp có hành vi bán phá giá và có thiệt hại xảy ra cho ngành sản xuất trong nước của quốc gia nhập khẩu, nhưng những thiệt hại này không phải là do việc bán phá giá của hàng hoá nước ngoài này gây nên mà có thể là do những nguyên nhân khác như: sự giảm cầu hoặc thay đổi hình thức tiêu dùng của người dân trên thị trường nước nhập khẩu, gây khó khăn cho ngành sản xuất trong nước hoặc do năng suất của ngành sản xuất trong nước giảm sút, do sự chênh lệch quá lớn về nhu cầu tiêu thu giữa thị trường nội địa xuất khẩu và thị trường nội địa nhập khẩu…Và như vậy, trong trường hợp ngành sản xuất trong nước của quốc gia nhập khẩu gặp khó khăn hay bị thiệt hại do các nhân tố này gây ra chứ không phải do hàng nhập khấu phá giá gây ra thì quốc gia nhập khẩu không được áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Quy định này có ý nghĩa nhằm tránh tình trạng quốc gia nhập khẩu lợi dụng những khó khăn khách quan trong nước để áp dụng các biện pháp chống bán phá giá một cách tùy tiện, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ngoài trên thị trường của nước nhập khẩu.

Tóm lại, trong thực tiễn thương mại quốc tế cho thấy, các biện pháp chống bán phá giá là công cụ được các quốc gia áp dụng khá phổ biến trong việc khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Để áp dụng các biện pháp này, căn cứ vào hồ sơ yêu cầu của tổ chức, cá nhân đại diện cho phần lớn cho nền sản xuất trong nước, cơ quan điều tra của nước nhập khẩu phải chứng minh được ba yếu tố nêu trên. Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng, những quy định của WTO (đặc biệt là về điều kiện để áp dụng các biện pháp chống bán phá giá) tỏ ra khá dễ vận dụng, tạo điều kiện cho một số quốc gia vận dụng một cách thường xuyên, liên tục như một công cụ để bảo vệ thương mại trong nước một cách hữu hiệu đến mức có thể được coi là rào cản thương mại đối với các nước khác muốn xuất khẩu hàng hoá vào thị trường của họ, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.