VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Số liệu thống kê

Tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2009

06/08/2010 - 246 Lượt xem

Kinh tế-xã hội nước ta tháng Hai và 2 tháng đầu năm 2009 tiếp tục chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Chính phủ đã đề ra nhiều chính sách và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, ngăn ngừa lạm phát, thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội. Kết quả bước đầu đã có một số chuyển biến tích cực, tuy nhiên, tốc độ phát triển toàn nền kinh tế diễn ra còn chậm, tình hình cụ thể của từng ngành và lĩnh vực như sau:

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Nông nghiệp

Trọng tâm sản xuất nông nghiệp tháng Hai là tiếp tục gieo cấy lúa đông xuân ở phía Bắc, thu hoạch lúa đông xuân sớm ở phía Nam và gieo trồng cây màu vụ xuân trên cả nước. Tính đến trung tuần tháng 02/2009, cả nước đã gieo cấy được 2604 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 116,7% cùng kỳ, bao gồm các địa phương phía Bắc gieo cấy 723,7 nghìn ha, bằng 170,6%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1880,3 nghìn ha, bằng 104%. Sau tết Nguyên đán, thời tiết nắng ấm thuận lợi cho gieo mạ nên các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, bảo đảm đúng thời vụ. Một số địa phương phía Bắc đã mở rộng diện tích áp dụng phương pháp gieo sạ (Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên). Phương pháp gieo cấy này có ưu điểm là cho năng suất cao, tiết kiệm được chi phí lao động và giống. Các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng gieo cấy được 267,1 nghìn ha, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước; các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đã cơ bản kết thúc gieo cấy, đạt 321,2 nghìn ha, bằng 118,7%.

Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 1541 nghìn ha, bằng 102,3% cùng kỳ năm 2008. Giá lúa ở mức cao đã khuyến khích nông dân chuyển đổi một phần diện tích các cây trồng không hiệu quả sang trồng lúa, một số địa phương có diện tích gieo cấy tăng cao là: Long An tăng 5 nghìn ha; Kiên Giang tăng 7 nghìn ha; Trà Vinh tăng 2,3 nghìn ha. Cùng với gieo cấy lúa đông xuân, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 286,5 nghìn ha lúa đông xuân sớm, chiếm 17% diện tích xuống giống và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng đến trung tuần tháng 02/2009, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 223,5 nghìn ha ngô, bằng 79,4% cùng kỳ năm trước; khoai lang 72,4 nghìn ha, bằng 78,7%; sắn 52,7 nghìn ha, bằng 121,5%; lạc 117,9 nghìn ha, bằng 125%; đỗ tương 63,6 nghìn ha, bằng 89,1% và rau đậu 326,4 nghìn ha, bằng 111,1% cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm tháng này tập trung chủ yếu vào đầu tư để tái đàn do số lượng đầu con giảm mạnh sau dịp Tết nguyên đán. Tuy nhiên, do tâm lý lo sợ dịch bệnh nên tốc độ phát triển chậm. Tính đến 22/02/2009, dịch cúm gia cầm vẫn còn xuất hiện ở 10 tỉnh là: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Khánh Hoà, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau; dịch lở mồm long móng còn ở 7 tỉnh là: Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hoà Bình, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam và Kon Tum; dịch tai xanh chưa qua 21 ngày ở 2 tỉnh Quảng Ninh và Quảng Nam.

Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng tập trung tháng 02/2009 ước tính đạt 16,5 nghìn ha, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây trồng phân tán đạt 25,7 triệu cây, tăng 0,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 182 nghìn m3, tăng 0,5%. Tính chung 02 tháng đầu năm 2009, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 24,8 nghìn ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước; số cây trồng phân tán đạt 40,6 triệu cây, tăng 0,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 374,2 nghìn m3, tăng 0,7%. Trong tháng 02/2009, cả nước xảy ra 13 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 13,3 ha, trong đó Thái Nguyên 6,4 ha; Cao Bằng 4,8 ha.

Thủy sản

Sản lượng thuỷ sản tháng 02/2009 ước tính đạt 334,1 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 261,3 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 24,4 nghìn tấn, tăng 3%. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tháng 02/2009 ước tính đạt 129,1 nghìn tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 102 nghìn tấn, giảm 2,9% do diện tích nuôi có xu hướng giảm; tôm đạt 14,1 nghìn tấn, tăng 0,7%. Sản lượng thuỷ sản khai thác tháng 02/2009 ước tính đạt 205 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 190,8 nghìn tấn, tăng 5,9%. Sản lượng khai thác tăng chủ yếu do thời tiết thuận lợi, giá nhiên liệu ổn định nên sau tết Nguyên đán nhiều tàu, thuyền đã khẩn trương ra khơi đánh bắt. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, sản lượng thuỷ sản ước tính đạt 669,7 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm sản lượng nuôi trồng đạt 273,6 nghìn tấn, tăng 1,1%; sản lượng khai thác đạt 396,1 nghìn tấn, tăng 2,5%.

Sản xuất công nghiệp

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2009 tăng chậm do tiếp tục gặp khó khăn từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Giá trị sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm nay theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước giảm 4,4% (Trung ương quản lý giảm 4,2%, địa phương quản lý giảm 5%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 6,6%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,3% (dầu mỏ và khí đốt tăng 14,8%, các ngành khác tăng 2,2%).

Một số sản phẩm công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng sản lượng so với cùng kỳ năm trước là: Dầu thô khai thác ước tính đạt 2,98 triệu tấn, tăng 14,2%, chủ yếu do 5 mỏ dầu mới được đưa vào khai thác từ tháng 7, 8 năm 2008; xi măng tăng 10%; đường kính tăng 6,6%; vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 6,5%; sữa bột tăng 5,4%.

Tuy nhiên, nhiều sản phẩm công nghiệp đạt mức tăng thấp hoặc giảm so với 2 tháng đầu năm 2008 như: Điện sản xuất tăng 0,7%; phân hoá học tăng 1%; điều hòa nhiệt độ giảm 64,1%; kính thủy tinh giảm 50,5%; vải dệt từ sợi bông giảm 29,6%; gạch lát ceramic giảm 20,2%; máy giặt giảm 19%; bình đun nước nóng giảm 16,3%; khí hóa lỏng giảm 12,9%; xe máy giảm 12,7%; dầu thực vật tinh luyện giảm 12,3%; ti vi giảm 11,7%; thép tròn giảm 9%; thủy hải sản chế biến giảm 8,2%; ô tô giảm 6,1%; than sạch khai thác giảm 6%; tủ lạnh, tủ đá giảm 5,2%; khí đốt thiên nhiên giảm 5,1%; gạch xây giảm 4,1%.

Một số địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng khá so với 2 tháng đầu năm 2008 là: Thanh Hóa tăng 18,4%; Hải Phòng tăng 10,4 %; Cần Thơ tăng 10,3%; Đồng Nai tăng 9,9%; Hà Nội tăng 8,5%; Bình Dương tăng 8,3%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 10,8%. Thành phố Hồ Chí Minh đạt mức tăng thấp ở mức 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có tốc độ giảm như: Phú Thọ giảm 29,8%; Vĩnh Phúc giảm 17,5%; Hải Dương giảm 10,9%; Đà Nẵng giảm 8,1%.

Đầu tư

Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện 2 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 12,2 nghìn tỷ đồng, bằng 10,8% kế hoạch năm, bao gồm vốn trung ương đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, bằng 10,2%; vốn địa phương đạt 8,6 nghìn tỷ đồng, bằng 11,1%.

Trong 2 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện của Bộ Xây dựng đạt 68 tỷ đồng, bằng 16% kế hoạch năm; Bộ Công thương 33,7 tỷ đồng, bằng 14,2%; Bộ Giao thông Vận tải 710 tỷ đồng, bằng 11,6%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 86,8 tỷ đồng, bằng 11,3%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 327,5 tỷ đồng, bằng 11,1%; Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch 60 tỷ đồng, bằng 11,1%; Bộ Y tế 96,8 tỷ đồng, bằng 9,6%. Một số địa phương có tiến độ vốn đầu tư thực hiện nhanh là: Bắc Ninh 189 tỷ đồng, bằng 23,7% kế hoạch năm; Hòa Bình 195,5 tỷ đồng, bằng 20,2%; Hà Tĩnh 180,2 tỷ đồng, bằng 17,2%; Quảng Trị 121 tỷ đồng, bằng 16,8%.

Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/02/2009 đạt 1,5 tỷ USD vốn đăng ký với 67 dự án mới được cấp giấy phép. So với cùng kỳ năm trước, số dự án giảm 65%, tổng số vốn đăng ký giảm 69%. Nếu tính thêm 3,8 tỷ USD vốn đăng ký bổ sung của 10 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thì tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến 20/02/2009 đạt 5,3 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2008.

Thương mại, dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2009 theo giá thực tế ước tính đạt 179,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó kinh doanh thương nghiệp đạt 141,1 nghìn tỷ đồng, tăng 22,2%; khách sạn, nhà hàng đạt 20,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1%; dịch vụ đạt 16,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8%. Riêng hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đạt 63,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,3% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước và tăng 18,5% so với 2 tháng đầu năm 2008.

Giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2009 tăng 1,17% so với tháng trước. Các nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng có chỉ số giá tăng trên 1% là: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,67% (lương thực tăng 0,82%; thực phẩm tăng 1,72%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,59%. Nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng có chỉ số giá tăng dưới 1% gồm: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,8%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,44%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,7%; dược phẩm, y tế tăng 0,36%; giáo dục tăng 0,04%. Các nhóm hàng hoá và dịch vụ khác có chỉ số giá giảm: Văn hoá, thể thao, giải trí giảm 0,07%; phương tiện đi lại, bưu điện giảm 0,05%. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2009 tăng 14,78%; so với tháng 12/2008, chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2009 tăng 1,49%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 2 tháng đầu năm 2009 tăng 16,13% so với cùng kỳ năm 2008.

Chỉ số giá vàng tháng 02/2009 tăng 5,74% so với tháng trước, tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,59% so với tháng 12/2008. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 02/2009 tăng 0,91% so với tháng trước, tăng 9,28% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,4% so với tháng 12 năm trước.

Xuất, nhập khẩu hàng hoá

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 01/2009 đạt 3,7 tỷ USD, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm trước và giảm 2,1% so với số liệu đã ước tính. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 02/2009 ước tính đạt 4,3 tỷ USD, tăng 15,6% so với tháng trước và tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung kim ngạch hàng hoá xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 8 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 20,6%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 3,8 tỷ USD, giảm 23,4%.

Trong 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu như: Giá thế giới giảm, một số doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong khâu thanh toán, nhu cầu tiêu thụ tại một số thị trường giảm sút. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 2 tháng đầu năm 2009 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2008; dầu thô đạt 958 triệu USD, giảm 42,4% (tăng 26,7% về lượng); giày dép đạt 658 triệu USD, giảm 7,3%; thủy sản đạt 461 triệu USD, giảm 5,8%; cà phê đạt 440 triệu USD, giảm 9,6% (tăng 10,8% về lượng); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 327 triệu USD, giảm 26,3%; hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 307 triệu USD, giảm 13,7%. Riêng xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng cao cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, trong đó lượng đạt 919 nghìn tấn, tăng 103,6%; kim ngạch đạt 399 triệu USD, tăng 113,2%. Nếu 8 mặt hàng (Hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, gạo, than đá, dầu thô, cao su) được tính theo giá bình quân 2 tháng đầu năm 2008 thì kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2009 tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 01/2009 đạt 3,3 tỷ USD, giảm 55,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 18,8% so với số liệu đã ước tính do giảm nhập khẩu một số mặt hàng liên quan đến đầu tư và sả n xuất hàng công nghiệp như: Máy móc thiết bị; hàng điện tử, máy tính và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép; thức ăn gia súc... Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 02/2009 ước tính đạt 4,4 tỷ USD, tăng 32,1% so với tháng trước và giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2009, kim ngạch hàng hóanhập khẩu ước tính đạt 7,7 tỷ USD, giảm 43,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 4,9 tỷ USD, giảm 48,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,8 tỷ USD, giảm 29,8%.

Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm nay đều giảm về lượng, bên cạnh đó giá thế giới giảm mạnh dẫn đến kim ngạch hàng hoá nhập khẩu giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, trong đó máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,8 tỷ USD, giảm 24%; xăng dầu đạt 753 triệu USD, giảm 60% (giảm 26,2% về lượng và giá giảm 46%); vải đạt 494 triệu USD, giảm 4,4%; điện tử máy tính và linh kiện đạt 420 triệu USD, giảm 30,1%; sắt thép đạt 412 triệu USD, giảm 74,2% (giảm 69,7% về lượng và giá giảm 20%); chất dẻo đạt 312 triệu USD, giảm 34,4%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 219 triệu USD, giảm 27,1%; hóa chất đạt 174 triệu USD, giảm 41,6%; phân bón đạt 169 triệu USD, giảm 22,3% về lượng và giảm 33,7% về kim ngạch; số lượng ô tô nguyên chiếc giảm 75,3%. Nếu các mặt hàng chủ yếu được tính theo giá bình quân 2 tháng đầu năm 2008 thì kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2009 chỉ giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 01/2009 là tháng đầu tiên xuất siêu kể từ tháng 01/2006 với mức xuất siêu đạt 390 triệu USD, tháng 02/2009 nhập siêu ước tính 100 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2009, xuất siêu 290 triệu USD, bằng 3,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Khách quốc tế đến Việt Nam

Khách quốc tế đến nước ta 2 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 688,8 nghìn lượt người, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 403,4 nghìn lượt người, giảm 14,6%; đến vì công việc 107,7 nghìn lượt người, giảm 20,1%; thăm thân nhân đạt 129,3 nghìn lượt người, tăng 2,4%.

Trong 2 tháng đầu năm, lượng khách từ Hoa Kỳ đến nước ta ước tính đạt 89,5 nghìn lượt người, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ Ôx-trây-li-a đạt 49,5 nghìn lượt người, tăng 14,4%; khách đến từ Pháp 31,2 nghìn lượt người, tăng 12,4%; khách đến từ Ca-na-đa 22,5 nghìn lượt người, tăng 29,8%. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ tuy có lượng lớn khách đến Việt Nam nhưng giảm so với cùng kỳ năm 2008 là: Trung Quốc 72,1 nghìn lượt người, giảm 12,9%; Hàn Quốc 70,2 nghìn lượt người, giảm 22,4%; Nhật Bản 67,3 nghìn lượt người, giảm 8,3%; Đài Loan 49,4 nghìn lượt người, giảm 6,2%, Ma-lai-xi-a 26,1 nghìn lượt người, giảm 8,9%.

Vận tải

Vận chuyển hành khách 2 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 320,2 triệu lượt khách, tăng 7,4% và 13,8 tỷ lượt khách.km, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hành khách ở hầu hết các ngành vận tải đều tăng, trong đó đường bộ đạt 288,3 triệu lượt khách, tăng 7,8% và 9,7 tỷ lượt khách.km, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2008; đường sông đạt 27,2 triệu lượt khách, tăng 2,3% và 0,5 tỷ lượt khách.km, tăng 1,8%; đường hàng không đạt 1,7 triệu lượt khách, tăng 0,8% và 2,9 tỷ lượt khách.km, tăng 3,2%.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển 2 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 105,6 triệu tấn, giảm 0,4% và 26,7 tỷ tấn.km, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó vận tải đường bộ đạt 74,5 triệu tấn, tăng 2,3% và 4,1 tỷ tấn.km, giảm 2,2%; đường sông đạt 21,6 triệu tấn, giảm 2,9% và 3,5 tỷ tấn.km, giảm 6,2%; đường biển đạt 8,6 triệu tấn, giảm 11,5% và 18,6 tỷ tấn.km, giảm 8,5% do lượng xuất khẩu qua cảng biển của một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước.

Bưu chính viễn thông

Hoạt động bưu chính viễn thông tiếp tục phát triển, nhiều loại dịch vụ khuyến mại và chăm sóc khách hàng được cung cấp để kích cầu tiêu dùng. Số thuê bao điện thoại phát triển mới trong 2 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 4,5 triệu thuê bao, tăng 83,6% so với cùng kỳ năm 2008, nâng tổng số thuê bao điện thoại trên cả nước tính đến cuối tháng 02/2009 lên 83,9 triệu thuê bao, trong đó Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đạt 51,2 triệu thuê bao. Số thuê bao internet băng rộng trên cả nước tính đến cuối tháng 02/2009 ước tính đạt 4,2 triệu thuê bao. Tổng doanh thu thuần bưu chính viễn thông 2 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 13,8 nghìn tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đạt 10,4 nghìn tỷ đồng, tăng 35,2%.

Thu chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/02/2009 ước tính bằng 9,7% dự toán năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 10,7%; thu từ dầu thô bằng 6,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 9,5%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng 11,5%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 9,6%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước bằng 12%; thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao bằng 9,6%; thu phí xăng dầu bằng 8,6%; thu phí, lệ phí bằng 8,9%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/02/2009 ước tính bằng 10% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 9,4% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản bằng 9,2%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể bằng 11,8%; chi trả nợ và viện trợ bằng 12%.

Một số vấn đề xã hội

Tinh hình đón Tết Nguyên đán Kỷ Sửu

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, các cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp trong cả nước đã tập trung thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm cải thiện đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân, đảm bảo đủ hàng hoá và điều kiện cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009 trên tinh thần đoàn kết, vui tươi, phấn khởi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Trong thời khắc giao thừa mừng xuân mới, đã có 58 tỉnh/thành phố tổ chức bắn pháo hoa tại 111 điểm trên cả nước.

Trong những ngày giáp Tết, nhiều đoàn đại biểu do các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước dẫn đầu đã đến thăm hỏi, gặp gỡ và chúc Tết các ngành, chính quyền và nhân dân các địa phương. Lãnh đạo chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và các doanh nghiệp ở từng địa phương cũng đã tổ chức thăm và chúc tết các đối tượng là lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người cao tuổi, các gia đình có công hoặc có hoàn cảnh khó khăn, các cơ sở chăm sóc sức khoẻ y tế công cộng...

Tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, chính quyền địa phương các cấp đã khẩn trương thực hiện việc cung cấp những mặt hàng chính sách như: dầu hỏa, muối iốt và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ đồng bào đón Tết. Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, tổng trị giá các phần quà trợ giúp các đối tượng chính sách trên phạm vi cả nước ước tính trên 1 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cho 3 triệu hộ nghèo trên 1,8 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền trợ cấp theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 15/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ kinh phí cho người nghèo đón Tết là 1,6 nghìn tỷ dồng.

Ý thức chấp hành Chỉ thị số 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ trên địa bàn cả nước tương đối nghiêm túc. Chính quyền các cấp và các đơn vị chức năng đã thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất và tàng trữ pháo, do đó đã phát hiện kịp thời và xử lý 97 vụ vi phạm.

Tình hình bệnh dịch trong những ngày Tết cũng được kiểm soát chặt chẽ, do đó không có dịch bệnh xảy ra. Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh/thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh, đồng thời chỉ đạo các địa phương chủ động giám sát tình hình dịch cúm A trên người. Một đội thường trực phục vụ công tác chống dịch cúm A được thành lập tại Cục Y tế dự phòng và Môi trường để sẵn sàng chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp khi có dịch xảy ra, đồng thời trực tiếp kiểm tra công tác thường trực chống dịch tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là những địa phương có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh.

Thiếu đói trong nông dân

Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, trong kỳ báo cáo từ 21/01/2009 đến 20/02/2009, cả nước có 78,1 nghìn hộ thiếu đói với 317,8 nghìn nhân khẩu thiếu đói, chiếm 0,7% tổng số hộ và chiếm 0,6% tổng số nhân khẩu nông nghiệp. So với cùng kỳ năm 2008, số hộ thiếu đói giảm 21%; số nhân khẩu thiếu đói giảm 23,9%. Tình trạng thiếu đói tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng miền núi Trung du phía Bắc, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên do ảnh hưởng của đợt lũ lụt cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2008. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm các cấp, các ngành, các tổ chức từ trung ương đến địa phương đã hỗ trợ cho các hộ thiếu đói 9,7 nghìn tấn lương thực và 34 tỷ đồng; riêng tháng 02/2009, đã hỗ trợ 8 nghìn tấn lương thực và trên 33 tỷ đồng.

Tình hình dịch bệnh

Từ 21/01/2009 đến 20/02/2009, trên địa bàn cả nước có 2,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 3,3 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 668 trường hợp mắc bệnh viêm gan virút và 29 trường hợp mắc bệnh thương hàn. Tính chung 2 tháng đầu năm 2009, cả nước có 4,3 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét, giảm 50,6% so với cùng kỳ năm 2008; 8,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 37,8%; 969 trường hợp mắc bệnh viêm gan virút, tăng 43%; 49 trường hợp mắc bệnh thương hàn, giảm 35,5%. Trong tháng cũng đã phát hiện 2 trường hợp viêm phổi do virút cúm A H5N1 tại Quảng Ninh và Ninh Bình, tính chung 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 3 trường hợp viêm phổi do virút cúm A H5N1, trong đó 2 ca đã tử vong (gồm cả 1 ca tử vong tại Quảng Ninh ngày 21/02/2009).

Số trường hợp nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn cả nước tiếp tục gia tăng. Trong tháng 02/2009 đã phát hiện thêm 608 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV của cả nước tính đến 20/02/2009 lên 180,1 nghìn người, trong đó 71,7 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 41,9 nghìn người đã tử vong do AIDS.

Tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang là mối lo ngại của cả cộng đồng. Trong tháng 02/2009, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với 168 trường hợp bị ngộ độc tại 6 tỉnh/thành phố (Nghệ An, Ninh Thuận, Thừa Thiên-Huế, Bắc Kạn, Tây Ninh, Hải Dương). Tính chung 2 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với 795 trường hợp bị ngộ độc, trong đó 3 người đã tử vong. Để bảo vệ người tiêu dùng, các cấp, các ngành chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của người dân trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thực phẩm, đồng thời kiên quyết và nghiêm khắc xử lý những trường hợp vi phạm.

Tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Uỷ ban ATGT quốc gia, trong tháng 01/2009, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1,3 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 1,2 nghìn người, làm bị thương 862 người. So với cùng kỳ năm 2008, số vụ tai nạn giao thông tăng 15,6%, số người chết tăng 16,5%, số người bị thương tăng 33,4%. So với tháng 12/2008, số vụ tai nạn giao thông tăng 14,9%, số người chết tăng 19,3%, số người bị thương tăng 26%. Tai nạn giao thông đường bộ vẫn là chủ yếu với số vụ tai nạn chiếm 94,8% tổng số vụ, số người chết chiếm 93,8%, số người bị thương chiếm 96,1%. Bình quân một ngày trong tháng 01/2009, trên địa bàn cả nước xảy ra 41 vụ tai nạn giao thông, làm chết 39 người và làm bị thương 28 người. So với cùng kỳ năm 2008, số vụ tai nạn giao thông bình quân một ngày tăng 6 vụ, số người chết bình quân một ngày tăng 6 người và số người bị thương tăng 7 người.

Trong 03 ngày Tết Kỷ Sửu 2009, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông, làm chết 153 người, làm bị thương 151 người. Lực lượng CSGT đã xử lý 15,8 nghìn vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông, số tiền phạt 3,8 tỷ đồng, tạm giữ 9 ô tô, 3,5 nghìn mô tô và 2,6 nghìn giấy tờ xe các loại. Đặc biệt ngày 25/01/2009, tại bến đò ngang trên sông Ranh thuộc xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã xảy ra vụ chìm đò ngang, làm chết 42 người. Để hạn chế những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đáng tiếc xảy ra, một mặt các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định an toàn giao thông của các chủ phương tiện, đặc biệt xử lý nghiêm những trường hợp gây tai nạn; mặt khác người tham gia giao thông phải nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông và chủ động phòng ngừa tai nạn khi tham gia giao thông.

Khái quát lại, kinh tế-xã hội nước ta 2 tháng đầu năm 2009 phát triển với tốc độ chậm do tiếp tục ảnh hưởng của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Sản xuất công nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Kim ngạch xuất khẩu giảm do giá thế giới giảm và thị trường tiêu thụ có xu hướng thu hẹp. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu tăng chậm lại. Đời sống dân cư tuy đã được Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp tích cực quan tâm và chăm lo nhưng chưa được cải thiện nhiều. Để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, các Bộ, ngành và địa phương cần triển khai thực hiện một cách đồng bộ Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Muốn vậy phải tập trung thực hiện tốt một số vấn đề trọng tâm sau đây:

Một là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng; ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo việc làm, giảm thất nghiệp, từng bước ổn định đời sống cho người lao động.

Hai là, tích cực khai thác, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá xuất khẩu; chủ động nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, chủng loại và không ngừng nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, đồng thời tích cực, chủ động mở rộng thị trường trong nước.

Ba là, triển khai tập trung, khẩn trương, đồng bộ và dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình ưu tiên, trọng điểm.

Bốn là, chủ động với mọi diễn biến phức tạp của thời tiết để giảm tối đa thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên cơ sở giám sát, khoanh vùng không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Năm là, tiếp tục và làm tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội nhằm giảm bớt khó khăn trong đời sống của dân cư.

Nguồn: Tổng cục Thống kê