VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Xây dựng và phát huy vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

06/09/2024 - 35 Lượt xem

Mục tiêu nhằm quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 66/NQ-CP. Phát huy vai trò kiến tạo, đồng hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển bền vững, tạo lập đội ngũ doanh nhân có trí tuệ, đạo đức kinh doanh. Chủ động tham mưu các cơ chế, chính sách và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh mới, hướng tới kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Các nhiệm vụ chung là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, cống hiến. Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển trong thời kỳ mới. Tăng cường sự đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức. Theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, tỷ lệ doanh nghiệp đóng góp vào GDP, việc làm, tỷ lệ doanh nghiệp đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu và trình độ của chủ doanh nghiệp. Kịp thời động viên, khuyến khích, vinh danh và tháo gỡ các rào cản, khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.

Nhiệm vụ trọng tâm là đôn đốc, theo dõi, xây dựng báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 03/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đề xuất các giải pháp đẩy mạnh triển khai Nghị quyết trong thời gian tới, đồng thời điều chỉnh theo hướng kiểm soát, xóa bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất kinh doanh, báo cáo Chính phủ trong năm 2025.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp năm 2020 nhằm khắc phục các bất cập, vướng mắc hiện nay.

Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; trình Chính phủ trong năm 2024.

Đôn đốc, theo dõi tình hình thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Hoàn thiện Nghị định về cơ chế thử nghiệm các mô hình kinh tế tuần hoàn; trình Chính phủ trong năm 2024.

Đánh giá việc thực hiện Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ; đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và truyền thống, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh và các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025.

Nghiên cứu, hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024.

Nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp; trình Chính phủ trong năm 2024.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, tập trung vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, thúc đẩy tham gia vào các chuỗi liên kết, đẩy mạnh các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo, áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp tạo tác động xã hội, doanh nghiệp hoạt động ở địa bàn đặc biệt khó khăn, doanh nhân dân tộc thiểu số; trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong năm 2026.

Xây dựng Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân giai đoạn 2026 - 2030, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025.

Xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo lực lượng doanh nhân có tầm nhìn, trí tuệ, có tinh thần tiên phong, đổi mới sáng tạo, có đạo đức và văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội; từng bước đưa đội ngũ doanh nhân Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; tuyên truyền về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, cống hiến; tuyên truyền về sự phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển trong thời kỳ mới./.