Hướng tới phát triển bền vững và mục tiêu Net Zero thông qua các giải pháp dựa vào tự nhiên
04/09/2024 - 24 Lượt xem
Tại buổi tập huấn cho các cơ quan truyền thông về phát triển bền vững năm 2024 với chủ đề “Hướng tới phát triển bền vững và mục tiêu Net Zero thông qua các giải pháp dựa vào tự nhiên (NbS)”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), nhận định đối với doanh nghiệp vốn tài chính là quan trọng nhưng còn 2 nguồn vốn khác nữa cũng quan trọng không kém nhưng dường như bị lãng quên, không được coi trọng đó là vốn xã hội và vốn tự nhiên. Trong khi đó, phát triển bền vững bằng các giải pháp tự nhiên mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp ở chỗ vừa giải quyết những thách thức về mặt tự nhiên, vừa mang lại lợi ích kinh tế bền vững, nâng cao giá trị, danh tiếng của doanh nghiệp.
Theo đó, NbS được hiểu là sử dụng các hệ sinh thái và quy trình tự nhiên để giải quyết những thách thức xã hội, kinh tế và môi trường. NbS bảo vệ, phục hồi thiên nhiên đồng thời mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cho con người. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), dự kiến nhóm giải pháp này có thể đóng góp 37% lượng cắt giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030 theo Thỏa thuận Paris, đồng thời mang lại những lợi ích bổ sung như tăng cường khả năng chống chịu, sức phục hồi cho môi trường và hệ sinh thái trước thiên tai.
Tại COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh quan điểm “Mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững”. Đây tiếp tục là “kim chỉ nam”, phương châm hành động cho các cấp chính quyền, cho người dân, khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên.
Nếu tại Hội nghị COP-27, lần đầu tiên các giải pháp dựa vào tự nhiên (NbS) được đề cập trong quyết định bao trùm thì tại COP-28, đây là điểm sáng được đánh giá cao và tập trung thảo luận bởi các chuyên gia, các tổ chức cũng như các doanh nghiệp. COP28 cũng đã công bố khoản tài trợ mới có giá trị lên tới 186,6 triệu USD dành cho các dự án/sáng kiến về thiên nhiên và khí hậu, với trọng tâm đặc biệt là phục hồi rừng, rừng ngập mặn, tài nguyên đất và đại dương. Đồng thời, trong Tuyên bố chung của COP28 về việc mở rộng quy mô tài chính và đầu tư cho khí hậu và thiên nhiên, nguồn quỹ đầu tư cũng được yêu cầu sử dụng thông qua các giải pháp dựa vào thiên nhiên, cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái, từ đó sử dụng các nguồn lực, nguồn tài chính một cách hiệu quả, toàn diện, công bằng. Thông qua các cam kết này, các nhà lãnh đạo các quốc gia và tổ chức tại COP28 đã khẳng định các giải pháp NbS “luôn là trọng tâm, được ưu tiên và được tài trợ”, từ đó sẽ được triển khai và nhân rộng mạnh mẽ hơn.
Theo các chuyên gia, có 5 bước để thực hiện NbS cho doanh nghiệp, bao gồm: Đánh giá xác định nhu cầu của doanh nghiệp và tài nguyên sẵn có; Xây dựng chiến lược, kế hoạch tích hợp vào chiến lược kinh doanh; Phát triển và triển khai các dự án; Giám sát, đánh giá thực thi; Nâng cao nhận thức - đào tạo tập huấn.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Hồng Nhi, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Truyền thông, Đối ngoại và Phát triển bền vững của Unilever Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi các nhãn hàng phải phát triển bền vững, cùng với đó chính phủ các quốc gia, trong đó có Việt Nam cũng đưa ra cam kết về phát triển bền vững. Theo đó, phát triển bền vững là đòi hỏi cấp thiết đối với doanh nghiệp. Do đó, năm 2024 này, lần đầu tiên nước rửa chén Sunlight ra mắt công nghệ độc quyền Rhamno Clean chứa đường ngô lên men nhờ vi sinh vật có lợi với 99,7% phân hủy sinh học.
Có thể nói, NbS sẽ mang lại những cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp, tuy nhiên, để theo đuổi mô hình này, theo bà Phạm Thị Cẩm Nhung – Điều phối Chương trình khí hậu – Năng lượng (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam – WWF Việt Nam), doanh nghiệp cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tài chính.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển dựa vào tự nhiên, bà Phạm Cẩm Nhung đưa ra 4 khuyến nghị, bao gồm: Thiết lập cơ chế, chính sách, ưu đãi cho giải pháp thuận tự nhiên; Khai thác tiềm năng thị trường carbon đồng lợi ích giữa môi trường, xã hội và lợi nhuận kinh doanh; Lồng ghép NbS vào mô hình kinh doanh và chứng minh được tính hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi đầu tư kinh doanh vào mô hình NbS.
Chia sẻ về hành trình phát triển bền vững của Công ty CP Traphaco, bà Đào Thuý Hà, Phó Tổng Giám đốc Traphaco cho biết, Traphaco đã lựa chọn phát triển bền vững là sứ mệnh của doanh nghiệp. Cách đây 15 năm, doanh nghiệp đã phát triển dự án phát triển dược liệu bền vững GreenPlan, với nhiều vùng trồng/ thu hái dược liệu theo chuẩn GACP-WHO. Các vùng trồng của Traphaco được xây dựng theo mô hình 4 nhà (nhà hộ dân, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước) và áp dụng kỹ thuật trồng trọt tiên tiến để đảm bảo chất lượng cao. Traphaco hỗ trợ người dân trong việc trồng, chăm sóc và thu hái sản phẩm tại các vùng trồng theo quy trình nghiêm ngặt, từ đó nâng cao thu nhập và đời sống cho bà con nông dân. Đến nay, Traphaco đã tạo được 8 vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn. Việc phát triển bền vững đã đem đến cho doanh nghiệp tạo được các sản phẩm đông dược đảm bảo tiêu chuẩn, phát triển ổn định, bền vững được người tiêu dùng tín nhiệm.
Tác giả: Ngọc Hân
Nguồn: https://moit.gov.vn/phat-trien-ben-vung/huong-toi-phat-trien-ben-vung-va-muc-tieu-net-zero-thong-qua-cac-giai-phap-dua-vao-tu-nhien.html