Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa
Nâng cao vai trò của địa phương trong phát triển công nghiệp hỗ trợ
05/09/2024 - 25 Lượt xem
Với nhiều nỗ lực từ Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành cùng sự chủ động từ phía doanh nghiệp, thời gian qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, năng lực cung ứng của các doanh nghiệp không còn là vấn đề đáng ngại như những năm về trước.
Trong đó, mô hình hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu là một trong những chương trình hợp tác điển hình mà Bộ Công Thương đã triển khai, ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Một số doanh nghiệp đã thành công áp dụng mô hình cải tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất, dần tiếp cận và đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của chuỗi giá trị toàn cầu. Tham gia vào chương trình, các địa phương cũng cho thấy vai trò tích cực hơn trong hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương – chia sẻ tại Tọa đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương” do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây, một số địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng,… trong thời gian vừa qua, trên cơ sở những chính sách chung của Trung ương, đã chủ động ban hành những chính sách cho riêng địa phương mình. Những chính sách này tập trung chủ yếu vào một số nội dung như hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Đơn cử: TP. Hồ Chí Minh thời gian vừa qua (trước năm 2024) đã có chính sách cho các dự án ưu tiên được vay vốn bằng cách cấp bù lãi suất. Ngày 19/7/2024, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành một Quyết định số 42/2024/QĐ-UBND về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Chính sách cấp bù lãi suất cũng đã được đưa vào trong dự thảo của Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
“Quan điểm Bộ Công Thương, bước đầu để các địa phương triển khai, mà vai trò của các địa phương là rất lớn. Đối với chính sách thu hút đầu tư của địa phương cũng cần có sự ràng buộc nhà đầu tư, khi họ được hưởng các chính sách ưu đãi thì cũng phải có trách nhiệm đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, ví dụ có thể trong một thời gian nhất định đưa một số lượng doanh nghiệp của Việt Nam tham gia vào cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI. Đây là một nội dung mà các địa phương rất nên lưu ý”- ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam – đánh giá cao vai trò từ định hướng của Bộ Công Thương và sự tham gia rất tích cực của các Sở, ban, ngành tại địa phương.
Minh chứng cho thấy các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể cả về chất và lượng trong thời gian qua. Về mặt số lượng, từ đánh giá ban đầu là có hơn 300 doanh nghiệp Việt Nam đạt được chứng chỉ ISO/TS 16949, tuy nhiên, đến hiện tại thì con số này đã đạt được trên 500. Còn về chất lượng, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển dịch dần trong việc là không chỉ sản xuất những linh kiện mà có hàm lượng công nghệ thấp và chỉ cần tập trung vào những thế mạnh về nhân công giá rẻ, mà đã tiến lên những nấc thang cao hơn của các linh kiện đòi hỏi về công nghệ cao hơn, ví dụ như dập rèn, hay là các linh kiện cho những dòng xe mới. Bên cạnh đó , trình độ quản lý của tầng lớp lãnh đạo, nhận thức về việc nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng, về chi phí, về khả năng giao hàng cũng đã được nâng lên một bước đáng kể.
Ngoài ra, những chương trình phối hợp giữa Toyota với Bộ Công Thương và địa phương thời gian qua đã trở thành một điểm nhấn trong sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, trong đó góp phần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp tại các địa phương.
Ông Hiếu cho biết, Toyota Việt Nam đã có một chương trình hợp tác lâu năm với Bộ Công Thương. Năm nay là năm thứ tư chương trình này được triển khai với kết quả đang ghi nhận.
Cụ thể, có những đơn vị đã giảm được tồn kho lên đến 59% và tiết kiệm được gần 4.000 m2 diện tích nhà xưởng. Như vậy là họ có thể tiết kiệm rất nhiều tiền trong việc chi trả chi phí thuê diện tích nhà xưởng hoặc có thể nâng cao được công suất, sản lượng của họ mà không cần phải đầu tư thêm. Có những đơn vị loại bỏ đến hàng chục tấn trang thiết bị không cần thiết và có đơn vị thậm chí đã tăng được năng suất lao động lên đến hơn 70%.
Là 1 trong những doanh nghiệp sản xuất nhôm thanh định hình phục vụ công nghiệp và xây dựng, đã thành công tham gia vào chuỗi cung ứng với hệ thống nhà xưởng quy mô tại Bắc Ninh, ông Dương Minh Hải - Giám đốc Sản xuất Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN – đánh giá cao đối với những chính sách và hoạt động thiết thực của các cơ quan quản lý nhà nước và các đối tác mà Bộ Công Thương đã liên kết là hoạt động mà giúp cho KIMSEN trong giai đoạn công ty đang chuyển mình tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
“Nhờ sự hỗ trợ, kết nối của Bộ Công Thương cùng với Tập đoàn Samsung, KIMSEN đã được lựa chọn là một trong năm doanh nghiệp tham gia vào chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến doanh nghiệp. Tiếp sau đó thì đến năm 2023, cũng dưới sự kết nối của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương thì chúng tôi được sự tư vấn, hỗ trợ của Toyota Việt Nam. Ngoài ra, trong giai đoạn 2023-2024, chúng tôi cũng được sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) dưới sự chủ trì dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”- ông Dương Minh Hải chia sẻ.
Đến nay, những sản phẩm của KIMSEN đã tham gia cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia, các công ty FDI hoạt động tại Việt Nam và xuất khẩu. Tính đến thời điểm hiện nay, khoảng trên 50% sản lượng của chúng tôi là dành cho các hoạt động xuất khẩu trực tiếp và các doanh nghiệp FDI trong nước”- ông Dương Minh Hải thông tin và cho biết thêm, bên cạnh việc tư vấn cải tiến hiện trường thì chúng tôi cũng được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương trong việc đào tạo các kỹ sư, các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, lập trình các chương trình CNC, những sản phẩm yêu cầu có độ chính xác cao.
Mặc dù đã có những kết quả tích cực từ mô hình hợp tác, nhìn chung, đến nay, các địa phương còn khá thụ động trong triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Việc xây dựng và thực hiện các chính sách, phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng biệt, đặc biệt là công tác bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và hoạt động của doanh nghiệp gắn chặt với địa phương.
Ông Lê Khắc Bảo - Phó trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng – cho biết nhìn chung, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã cơ bản tham gia tích cực vào chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố và cũng có những một số đề án đã xin được hỗ trợ. Tuy nhiên, do chương trình mới được ban hành nên các đề án này còn đang trong quá trình xem xét, chưa tham mưu được cho thành phố để thông qua.
Theo ông Bảo, khó khăn chính của doanh nghiệp trong tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn mà thành phố đã thu hút đầu tư trên địa bàn như LG, Bridgestone,… là: khả năng tài chính của các doanh nghiệp còn hạn chế; công nghệ, thiết bị, công tác quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn gặp nhiều khó khăn; các doanh nghiệp quy mô còn rất nhỏ, về cơ bản chưa làm chủ được máy móc, thiết bị để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp lớn yêu cầu, nên gần như là các doanh nghiệp Việt mình không thể tham gia được. Ngoài ra, chất lượng của đội ngũ lãnh đạo cũng như là nhân sự, lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung là còn yếu. Mặt khác, hiện giờ mặt bằng để sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố cũng còn thiếu.
Để triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố, ông Bảo cho biết, Sở Công Thương Hải Phòng cũng tham mưu thành phố tiếp tục đầu tư phát triển các khu, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Thứ hai, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết các công việc hành chính nâng lên cấp độ ba, cấp độ bốn. Thứ ba, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực lực cao, quản trị doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng đang đề xuất một số nội dung để khi các doanh nghiệp lớn đến thành phố thì phải có một số ràng buộc, ví dụ như về chuyển giao công nghệ, hay là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia vào một chuỗi nào đó ở trong sản xuất để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước lên, đảm bảo mục tiêu theo chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố đặt ra là 60% các sản phẩm công nghiệp do các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn trong nước sản xuất”- ông Bảo thông tin.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương luôn phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương để triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ năm 2022, Bộ Công Thương đã thành lập một tổ công tác gồm các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, trong đó Cục Công nghiệp là đơn vị thường trực, để làm việc với các địa phương. Cụ thể, Cục đã làm việc với khoảng 15 địa phương nhằm trao đổi những nội dung về các chính sách của Trung ương đã ban hành và trên cơ sở đặc thù của từng địa phương thì tiếp tục xây dựng những chính sách cho phù hợp với các địa phương.
Ông Phạm Tuấn Anh thông tin, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp nói chung cũng như công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng chính sách tại địa phương để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp; xây dựng các cơ chế làm sao trong quá trình thu hút đầu tư phải có những ràng buộc với các doanh nghiệp nước ngoài trong công tác phát triển tỉ lệ nội địa hóa.
Đối với địa phương, ông Tuấn Anh cho biết, trong vòng ba năm từ 2022 đến nay, chúng tôi có làm việc với 15 địa phương, nhận thấy rằng bộ phận làm phát triển công nghiệp ở địa phương rất mỏng, do đó kiến nghị các địa phương cần xem xét bố trí bổ sung các nhân sự để triển khai công việc này. Thứ hai, các địa phương cần có những chính sách để làm sao khi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào địa phương của mình thì phải có những ràng buộc trong phát triển các doanh nghiệp nội địa.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để xây dựng các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương cũng như hoàn thiện các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Trung ương… để các chính sách ngày càng hỗ trợ các doanh nghiệp một cách trực tiếp và thiết thực hơn.
Tác giả: Huy Dương
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/nang-cao-vai-tro-cua-dia-phuong-trong-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro.html