VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Điểm nóng: Ba đột phá trong chiến lược phát triển

BÀI 1: KCN KIỂU TRUYỀN THỐNG CẦN THAY ĐỔI MÔ HÌNH THÀNH KCN SINH THÁI

06/09/2024 - 145 Lượt xem

Mô hình KCN truyền thống đã hết vai trò lịch sử

Thực tế, mô hình KCX, KCN ở Việt Nam ra đời từ năm 1991 trên cơ sở đường lối Đổi mới của Đảng, nhằm thực hiện chủ trương mở cửa, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Qua các thời kỳ, chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển KCN không ngừng được hoàn thiện để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

Thống kê của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 KCN, khu chế xuất (KCX) được thành lập với tổng diện tích khoảng 132,3 nghìn ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89,9 nghìn ha, trong đó có 301 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.

KCN và khu kinh tế (KKT) đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới (Samsung, LG, Canon, Foxconn, Lego, Gortek, Hyosung…).

BÀI 1: KCN KIỂU TRUYỀN THỐNG CẦN THAY ĐỔI MÔ HÌNH THÀNH KCN SINH THÁIKCN Deep C

Những năm gần đây, vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 35%- 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, thì vốn FDI trong KCN, KKT chiếm 70%-80% tổng vốn đăng ký cả nước; đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

“Nhưng, sự phát triển nhanh chóng của các KCN trong thời gian qua đã gây áp lực lớn đến môi trường sống của người dân. Có đến 13% KCN đang hoạt động chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải đe dọa sức khỏe và đời sống người dân quanh KCN, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, chất thải nguy hại tăng đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng dân cư xung quanh”, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Vương Thị Minh Hiếu nêu vấn đề.

Bà Hiếu cũng chỉ ra rằng, tại các KCN truyền thống hiện nay, cộng đồng các KCN trong cùng địa phương còn thiếu tính liên kết, cùng hợp tác nhằm tăng sức cạnh tranh cũng như kết nối với các KCN tại những địa phương lân cận.

“Doanh nghiệp trong cùng KCN cũng chưa tận dụng hết các lợi thế của nhau để cùng cộng sinh công nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đồng thời tiết kiệm chi phí, tận dụng tài nguyên sẵn có”, bà Hiếu phân tích.

Phát triển KCN sinh thái đã và đang trở thành một yêu cầu bắt buộc

Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ, do đó tất yếu đòi hỏi phải đổi mới toàn diện để tránh tụt hậu, trở thành quốc gia phát triển với nền sản xuất hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

“Điều này đặt ra yêu cầu cho Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa về thể chế, chính sách và các quy định hiện hành; điều chỉnh mục tiêu, định hướng phát triển KCN, KKT để thích ứng với bối cảnh mới, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay”, bà Vương Thị Minh Hiếu nói.

Theo quan niệm của UNIDO, thì KCN sinh thái là một cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nằm ở cùng một địa điểm. Các doanh nghiệp thành viên tìm cách nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội thông qua sự cộng tác về quản lý các vấn đề môi trường và tài nguyên. Còn các KCN sinh thái cũng phải là nơi xây dựng được hệ sinh thái doanh nghiệp cộng sinh trong KCN – đây cũng là cấp trung gian trong sự phân cấp của kinh tế tuần hoàn. Điều này cũng có nghĩa là cộng sinh công nghiệp, hay nói cách khác các doanh nghiệp có thể đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua việc trao đổi và chia sẻ nguyên liệu, năng lượng, nước và các sản phẩm phụ; từ đó tăng cường phát triển bền vững và bao trùm. Đây là giải pháp hiệu quả để xây dựng KCN bền vững, loại bỏ chất thải và giảm thiểu các tác động đến môi trường.

Mô hình KCN sinh thái là việc tạo ra các KCN hiệu quả hơn về tài nguyên và chi phí, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trong KCN và doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng, tăng tính cạnh tranh và khả năng chống chịu rủi ro. Tại KCN sinh thái, các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ sử dụng chung hạ tầng và dịch vụ, tìm kiếm cơ hội nâng cao hiệu quả môi trường, kinh tế và xã hội thông qua việc hợp tác để tối ưu hóa các yếu tố và quá trình sản xuất.

Mô hình KCN sinh thái xuất phát từ khái niệm sinh thái công nghiệp. Theo đó, phát triển quá trình sản xuất theo hướng tuần hoàn thay thế cho mô hình tuyến tính. Trong KCN, đầu ra hoặc chất thải, sản phẩm phụ của doanh nghiệp này là đầu vào cho doanh nghiệp khác với mô hình sản xuất khác. Mô hình KCN sinh thái cũng tích hợp tất cả các vấn đề xã hội và kinh tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch tổng thể KCN, theo đó, tạo điều kiện cho các ngành nghề trong KCN kết hợp và tương hỗ lẫn nhau, tạo thành các mạng lưới cộng sinh công nghiệp.

KCN sinh thái mang lại lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp cho các doanh nghiệp trong KCN, vượt ra ngoài khuôn khổ kinh doanh truyền thống, hướng tới những lợi ích lớn hơn thông qua cải tạo chất lượng nước, không khí, môi trường sống của dân cư xung quanh KCN.

BÀI 1: KCN KIỂU TRUYỀN THỐNG CẦN THAY ĐỔI MÔ HÌNH THÀNH KCN SINH THÁI
Mô hình KCN sinh thái cũng tích hợp tất cả các vấn đề xã hội và kinh tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch tổng thể KCN

Trong bối cảnh các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm và lựa chọn các đối tác có cùng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và an toàn lao động, thì phát triển KCN theo hướng KCN sinh thái sẽ là lợi thế lớn của Việt Nam để thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển bền vững, mang lại lợi ích to lớn cho các KCN và cộng đồng dân cư xung quanh KCN trên cả 3 khía cạnh: kinh tế - xã hội - môi trường.

“Phát triển KCN theo mô hình sinh thái hiện nay không còn là giải pháp được Chính phủ khuyến nghị, mà đã và đang trở thành một yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn đạt hiệu quả cao hơn trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư FDI”, lãnh đạo Vụ Quản lý các khu kinh tế nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự hợp tác từ đối tác nước ngoài, mô hình khu công nghiệp sinh thái được hình thành từ năm 2014. Việt Nam đang trong quá trình thử nghiệm sự chuyển đổi, đồng thời, nhân rộng mô hình tại một số địa phương. Mô hình này đang được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực.

Về mặt chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP, ngày 22/5/2018 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Nghị định quy định rõ về khu công nghiệp sinh thái cũng như những tiêu chí để trở thành khu công nghiệp sinh thái.

Sau đó, ngày 28/5/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo đó, những tiêu chí cơ bản về khu công nghiệp sinh thái được giữ nguyên theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP, nhưng làm rõ hơn về điều kiện, tiêu chí với từng nhóm đối tượng doanh nghiệp.

Cụ thể, nhiều nội dung sửa đổi về trình tự, thủ tục quy hoạch, đầu tư, thành lập KCN, KKT, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với KCN, KKT và bổ sung các mô hình KCN, KKT mới.

Nghị định còn định hướng xây dựng KKT, KCN theo hướng tăng hàm lượng khoa học, công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế khí phát thải nhà kính, chú trọng trách nhiệm xã hội và được quản trị theo mô hình chính phủ số. Đây chính là xu hướng mới trong phát triển các KCN ở nước ta hiện nay.

Đặc biệt, ưu đãi đối với KCN sinh thái cũng được chú trọng như: miễn giảm tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi, đưa vào danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư; được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Quỹ đổi mới công nghệ, Ngân hàng phát triển, các quỹ của nhà tài trợ quốc tế…; được cung cấp thông tin về công nghệ, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi sang doanh nghiệp sinh thái; tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, xúc tiến đầu tư.

BÀI 1: KCN KIỂU TRUYỀN THỐNG CẦN THAY ĐỔI MÔ HÌNH THÀNH KCN SINH THÁI

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Vương Thị Minh Hiếu

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn 2045, mô hình KCN sinh thái là xu hướng tất yếu cho công cuộc phát triển bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Hơn nữa, mô hình này phát triển sẽ là giải pháp “bứt phá” để Việt Nam tiến gần hơn với các nguồn vốn FDI và kinh tế thế giới.

Từ năm 2020 đến 2024, từ nguồn hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thụy Sỹ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với UNIDO nhân rộng mô hình KCN sinh thái thêm tại 3 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh và thu được các kết quả rất đáng khích lệ.

Phương Anh

Nguồn: https://kinhtevadubao.vn/bai-1-kcn-kieu-truyen-thong-can-thay-doi-mo-hinh-thanh-kcn-sinh-thai-29587.html