VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Điểm nóng: Tái cấu trúc nền kinh tế

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Nhìn từ Bộ Giao thông Vận tải

16/04/2014 - 985 Lượt xem

Vượt qua thách thức

Nói đến cổ phần hóa (CPH), tái cơ cấu DNNN thì Bộ GTVT được đánh giá là có những bước đi quyết liệt trong tái cơ cơ cấu các DN thuộc Bộ quản lý, đặc biệt là Vinashin và Vinalines, và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Trong 3 năm qua, Bộ GTVT đã cổ phần hóa 54 DNNN, trong đó có 11 DN quy mô lớn như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), 10 tổng công ty 90 do Bộ thành lập. Sau 3 năm CPH, đến nay Bộ GTVT chỉ còn 42 DN 100% vốn nhà nước và sẽ CPH 42 DN trong hai năm 2014-2015. Quá trình thực hiện thoái vốn sau 3 năm tại 27 DN thu về 552 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả ấn tượng này, thực tế cũng cho thấy, hầu hết các DNNN thuộc Bộ đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn về sản xuất, kinh doanh cũng như tài chính, thua lỗ lớn, vốn điều lệ thấp. Cụ thể, Vinashin đã mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu, không còn vốn để hoạt động sản xuất, kinh doanh; Dư nợ vay lớn và tiếp tục gia tăng do chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá; Kinh doanh thua lỗ, công nợ và xử lý nợ khó khăn.

Để thoát khỏi tình trạng này, không còn con đường nào khác là tái cơ cấu. Theo quyết định của Chính phủ, Vinashin phải tái cơ cấu với 216 công ty "con", công ty "cháu". Bên cạnh đó, quyết định thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Vinashin, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Công ty mẹ SBIC là Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tại thời điểm thành lập có vốn điều lệ hơn 9.500 tỷ đồng, với khoảng 8.000 lao động, tập trung vào các ngành, nghề chính như đóng mới tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi, sửa chữa, hoán cải tàu thủy...

Từ cuối tháng 6/2010 đến nay, Vinashin trong quá trình tái cơ cấu, đã hoàn thiện bàn giao 42 tàu xuất khẩu, thu về hơn 5.000 tỷ đồng, trả nợ ngân hàng gần 3.000 tỷ đồng. Ðồng thời, hoàn thiện 16 tàu chờ bán để giảm thiệt hại với giá trị thu về dự kiến gần 5.200 tỷ đồng, giảm thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Nếu không thực hiện tái cơ cấu, Vinashin sẽ thiệt hại khoảng 10 nghìn tỷ đồng đối với các sản phẩm dở dang.

Ngoài ra, Bộ đã đẩy mạnh thực hiện sắp xếp được 52 DN trong tổng số 216 DN không giữ lại trong mô hình tập đoàn. Đặc biệt, đã giảm áp lực trước khoản nợ đối với các tổ chức tín dụng trong nước từng gây tranh cãi và quan ngại lớn khi mới đây, Vinashin cùng Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và các tổ chức tín dụng đã hoàn thành việc tái cơ cấu nợ giai đoạn 1 (đối với số nợ gốc gần 11.540 tỷ đồng) theo hình thức phát hành trái phiếu hoán đổi nợ, kỳ hạn 10 năm, lãi suất 8,9%/năm.

 Với việc thực hiện phương án này đã giúp Vinashin giảm nợ gốc và lãi hơn 13.000 tỷ đồng, khoản nợ đó sau tái cơ cấu còn 3.462 tỷ đồng, sẽ trả một lần sau 10 năm (năm 2023). Với khoản nợ 600 triệu USD mà Vinashin vay các tổ chức tín dụng nước ngoài. Tháng 10/2013, Vinashin và DATC cũng đã hoàn thành việc phát hành trái phiếu DN có bảo lãnh của Chính phủ trên thị trường Singapore. Qua đó, quy về giá trị hiện tại thuần, tương đương khoảng 48% nợ gốc, giảm 25% nghĩa vụ nợ so với phương án phải thanh toán ngay toàn bộ khoản nợ nếu không thực hiện tái cơ cấu. Sau tái cơ cấu tài chính, các khoản nợ của Vinashin cơ bản sẽ được giảm nợ, xóa lãi, giảm lãi suất, một số khoản sẽ được Vinashin thực hiện mua lại.

Trong 3 năm qua, Bộ GTVT đã cổ phần hóa 54 DNNN, trong đó có 11 DN quy mô lớn như Hàng không Việt Nam (VNA), 10 tổng công ty 90 do Bộ thành lập. Sau 3 năm CPH, đến nay Bộ GTVT chỉ còn 42 DN 100% vốn nhà nước và sẽ CPH 42 DN trong hai năm 2014-2015. Quá trình thực hiện thoái vốn sau 3 năm tại 27 DN thu về 552 tỷ đồng.

Đối với Vinalines, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, biến động tiêu cực của thị trường vận tải biển, cộng với "gánh nặng" tiếp nhận một số DN từ Vinashin sang, nên Vinalines cũng đang chịu những khoản lỗ khoảng trên 2.439 tỷ đồng trong năm qua. Khả năng trả nợ của Vinalines hiện nay gần như bằng không khi khoản thiếu hụt khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng không chi trả được. Do vậy, nếu không tái cơ cấu, Vinalines sẽ có nguy cơ phá sản, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy xấu cho nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Vinalines CPH 10 cảng; trong đó Nhà nước giữ 75% cổ phần. Hiện ngành GTVT đang thực hiện tái cơ cấu toàn diện đối với Vinalines. Theo đó, Vinalines đã thu gọn đầu mối từ 73 DN xuống còn 36 DN, tập trung vào ba nhóm ngành, nghề kinh doanh chính gồm vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải...

Tổng công ty Hàng không Việt Nam tuy lợi nhuận trước thuế năm 2012 đạt gần 70 tỷ đồng, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu không vượt quá 1%, một tỷ lệ quá thấp so với doanh thu hơn 50 nghìn tỷ đồng. Việc thoái vốn chưa thực hiện được, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và trên vốn điều lệ của tổng công ty vượt xa mức quy định của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, các tổng công ty xây lắp (Cienco), tình hình sản xuất, kinh doanh cũng hết sức khó khăn. Phải kế thừa khó khăn từ những năm trước để lại, nên kết quả kinh doanh của các đơn vị này rất yếu kém. Trừ Cienco 4 công bố lãi, 6 Cienco còn lại đều đứng ở ranh giới mong manh giữa lỗ và lãi tùy theo cách hạch toán, riêng Cienco 8 và Tổng công ty Xây dựng đường thủy đang nằm ở bờ vực phá sản.

Mục tiêu trong năm 2014

Xác định CPH, tái cơ cấu DNNN là công việc vô cùng nặng nề với các đơn vị chủ quản, đặc biệt khi gánh nặng các khoản lỗ của nhiều tổng công ty, công ty trực thuộc Bộ GTVT còn lớn, vì vậy năm 2014, Bộ GTVT sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện tái cơ cấu các DN thuộc Ngành. Theo đó, ngoài 44 DN đã tái có cấu, Bộ GTVT sẽ thực hiện CPH đối với 15 tổng công ty thuộc Bộ, hoàn tất các thủ tục chuyển 11 công ty mẹ sang hoạt động theo loại hình công ty cổ phần. Cụ thể, Bộ sẽ CPH 11 tổng công ty lớn gồm các Cienco 1, 4, 5, 6, 8; Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, Xây dựng đường thủy, Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), Vận tải thủy, Tư vấn thiết kế GTVT và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Arlines). Đặc biệt, 9/11 phương án cổ phần tổng công ty lớn đã được Bộ trình Chính phủ xem xét phê duyệt; Tại Cienco 8 và Vietnam Arlines, đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để trình Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, quyết liệt cổ phần hóa các DN vận tải thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhằm thực hiện tách hạ tầng đường sắt và hoạt động kinh doanh vận tải; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa 9 DN cảng biển còn lại; thí điểm thực hiện cổ phần hóa 01 cảng hàng không hiện là chi nhánh của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương I; chuẩn bị các thủ tục cổ phần hóa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vàTổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam vào năm 2015. Tiếp đó, Bộ tiếp tục chỉ đạo các Tổng công ty xử lý vướng mắc về tài chính để chuyển các DN thành viên đã mất vốn chủ sở hữu thành công ty cổ phần. Đối với những DN không đáp ứng các tiêu chí theo quy định, không thể cổ phần hóa được thì chủ động đề xuất, báo cáo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủc ho thực hiện bán hoặc phá sản. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các tổng công ty thực hiện xử lý tài chính để chuyển các DN đã mất vốn chủ sở hữu thành công ty cổ phần.

Thông qua tái cơ cấu, CPH, các DN thuộc Bộ đã bước đầu lành mạnh hóa tài chính, tăng vốn điều lệ, giảm hệ số nợ phải trả/vốn điều lệ bình quân giảm 50%.

Tiến hành tái cơ cấu trong tình cảnh hết sức khó khăn, ngành GTVT đã đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Việc sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN phải được thực hiện đồng bộ từ việc quán triệt chủ trương đến khâu tổ chức thực hiện. Công tác chỉ đạo có ý nghĩa quyết định, vì vậy các cơ quan phải xây dựng kế hoạch, có giải pháp khả thi, chỉ đạo triệt để. Những DN làm tốt công tác tái cơ cấu, CPH đều do người đứng đầu thực hiện quyết liệt, chỉ đạo chặt chẽ. Thực tiễn công tác đổi mới DNNN ngành GTVT cho thấy cán bộ là nhân tố quyết định, nếu không có cán bộ dày dạn kinh nghiệm, không quyết liệt đổi mới và tuân thủ nghiêm quy định thì không có cơ chế nào kiểm soát được. Bộ đã yêu cầu Chủ tịch, Tổng giám đốc các đơn vị rà soát, xây dựng chương trình, có giải pháp tích cực, gắn trách nhiệm với kết quả CPH DN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, coi đây là chỉ tiêu quan trọng đánh giá hiệu quả sản xuất của DN và năng lực quản lý điều hành.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 3 - 2014

Nguồn: tapchitaichinh.vn