Điểm nóng: Kinh tế xanh
Lựa chọn kinh doanh xanh: Đòn cân não
18/03/2014 - 945 Lượt xem
Còn ít DN theo đuổi tăng trưởng xanh
Kinh tế xanh (Green Economy) được định nghĩa là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên (theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc - 2010). Đó chính là điều các DN theo đuổi.
Nhưng ở Việt Nam, với mỗi người điều hành DN, “kinh doanh xanh” lại là một phạm trù mở mà mỗi nơi đều có những cách hiểu riêng. Bởi vậy, đã có những cách ứng xử khác nhau trong đường hướng kinh doanh của DN. Chiều ngày 14/3, tại Hà Nội, diễn đàn CEO kinh doanh xanh với chủ đề: “Con đường hướng tới phát triển bền vững” đã được tổ chức nhằm tạo cơ hội trao đổi về vấn đề này giữa các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia và đại diện DN…
Nhiều ví dụ về phát triển kinh doanh xanh đã được các DN chia sẻ. Đối với Tổng công ty May 10, vốn hoạt động trong ngành sử dụng nhiều lao động và năng lượng, quan niệm về kinh doanh xanh bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc May 10 cho biết, với đặc thù của một DN trong ngành may, yếu tố “xanh” trong hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với yêu cầu thực hành tiết kiệm, từ ban lãnh đạo đến công nhân.
Cũng bởi, đây là ngành có tính cạnh tranh cao, trong đó yếu tố giá có vai trò quyết định rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, nên việc giảm tối đa chi phí đầu vào là yêu cầu tiên quyết với DN. Do đó, ngay trong những hoạt động đầu tư lớn như xây dựng nhà xưởng hay nhà ở cho công nhân, May 10 đều chú trọng các thiết kế sao cho tiết giảm tối đa chi phí sử dụng điện.
Trong sản xuất kinh doanh thì những quy tắc nhỏ nhất như tắt đèn khi ra khỏi phòng, sử dụng điều hoà phù hợp, dùng giấy hai mặt… đều phải được tuân thủ rất nghiêm ngặt.
Còn đối với Công ty cổ phần Traphaco, một DN hoạt động trong ngành dược phẩm, quan niệm “xanh” lại bắt nguồn từ chính sản phẩm và hướng đi chiến lược của DN. Lựa chọn “Con đường sức khoẻ xanh” là bước đi lâu dài, Traphaco đưa ra bốn mục tiêu: nguồn nguyên liệu xanh, sản phẩm xanh, công nghệ xanh và dịch vụ xanh. Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Traphaco cho biết: “Lựa chọn bước đi riêng mang tính bền vững nên Traphaco đã chú trọng khai thác nguồn dược liệu và nền y học cổ truyền lâu đời, kết hợp với phương thức sản xuất hiện đại.
Các công nghệ hiện đại được ứng dụng từ khâu trồng, sử dụng nguồn nước sạch, phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để giảm thiểu ít nhất độc hại, đến quy trình sản xuất sạch nhằm đem đến sản phẩm chất lượng cho người dùng. Chưa kể, định hướng kinh doanh của Traphaco còn tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân tộc, người dân ở các vùng núi, vùng đồng bào thiểu số vốn có đời sống kinh tế khó khăn”.
Thay đổi từ nhận thức
Với nhiều suy nghĩ và cách làm khác nhau, nhưng các DN đã xác định và lựa chọn kinh doanh xanh là mục tiêu chiến lược dài hạn để tiếp cận cơ hội phát triển bền vững, lâu dài cho DN. Nhưng, May 10 và Traphaco chỉ là số ít DN theo đuổi tăng trưởng xanh. Nhiều DN khác khi nêu chiến lược này như một tầm nhìn dài hạn, thực tế những hoạt động trước mắt không gắn với các định hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, kinh doanh xanh chỉ dừng lại ở câu “khẩu hiệu”.
Vì trên thực tế, chương trình “Nhãn xanh Việt Nam” đã được triển khai từ năm 2009, song đến nay chỉ có 2 DN đạt tiêu chuẩn. Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu vấn đề: “Phải chăng các DN còn đang e ngại, còn nhiều thứ cần lo cho cuộc sống trước mắt, phải tồn tại đã rồi mới tính đến yếu tố môi trường trong kinh doanh?
Sản xuất sạch hơn, tiêu thụ bền vững, làm thế nào để nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết kiệm năng lượng là câu hỏi đặt ra, song nhiều DN vẫn ngại ngùng vì nhận thức chưa tốt hay cách giáo dục?”.
Vấn đề mà ông Tùng nêu, có thể lấy số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) làm dẫn chứng. Theo tổ chức này, tỷ lệ đầu tư trên GDP cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam ở mức rất thấp, chỉ khoảng 0,2%. Ngay cả với nhiều DN đã áp dụng công nghệ và quy trình sản xuất cao nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường, theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu.
Bởi lẽ, để tăng trưởng xanh thì việc gắn kết ba nền tảng cốt lõi là tài chính, con người và thiên nhiên là điều kiện cần thiết. Song theo cách quản trị truyền thống, nhiều DN lại chỉ chú trọng đến nguồn lực tài chính và con người.
Thực tế, giữa tăng trưởng và phát triển bền vững có khác biệt nhất định. Khi theo đuổi phát triển bền vững thì buộc DN cũng phải hy sinh lợi ích trong một khoảng thời gian. Với những DN lấy kinh doanh xanh làm định hướng như Traphaco, việc lựa chọn giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài cũng là bài toán mà các lãnh đạo DN này “cân não” rất nhiều.
Bà Thuận cho biết, để thực hiện được “Con đường sức khoẻ xanh”, Traphaco phải mở rộng đầu tư với chi phí lớn, đồng thời để các dòng sản phẩm dược liệu truyền thống đứng vững trên thị trường cũng là bài toán không đơn giản.
Chiến lược nói trên của Traphaco được bắt đầu triển khai từ năm 2009, đúng vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu diễn ra kéo dài đến ngày nay, khiến khả năng thu xếp vốn để xây dựng vùng trồng nguyên liệu, các nhà máy sản xuất và hệ thống phân phối đặt ra nhiều thách thức cho DN.
“Để kinh doanh xanh trong bối cảnh khó khăn này là bài toán không đơn giản, song DN vẫn phải làm. Bởi vì những giá trị cứng có thể được tạo ra trước mắt, nhưng nếu tính toán được những giá trị mềm, giá trị bền vững thì điều quan trọng không chỉ là trước mắt mà còn về lâu dài, nên việc đầu tư là cần thiết”, bà Thuận nói.
Ở một chiều hướng thảo luận khác của diễn đàn, theo các DN, trong bối cảnh khó khăn, DN còn hạn chế về năng lực thì việc tạo ra chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ và ưu tiên cho các DN có chiến lược tăng trưởng xanh là rất cần thiết, nhằm tăng hiệu quả và tính bền vững chung cho nền kinh tế.
Ông Đỗ Mạnh Dũng, Phó tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam chia sẻ, trong khó khăn, ngay cả việc làm nhỏ nhất là tiết giảm chi phí mà nhiều DN cũng chưa quan tâm, thì từ chính nhận thức của DN phải có sự thay đổi để kinh doanh xanh không chỉ là “hô khẩu hiệu”.
Ông Nguyễn Thế Chinh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và
Môi trường Cần chính sách sát thực hơn
Kinh tế xanh và bảo vệ môi trường là hai phạm trù chứa đựng những nội hàm khác nhau, nhưng đang có xu hướng tiến gần nhau trong một phạm trù phổ biến là “Phát triển bền vững”. Hội nghị thượng đỉnh về môi trường toàn cầu tại Rio de Zanero (Brazin) năm 1992 đã khởi xướng “Chương trình nghị sự 21” về phát triển bền vững. Kể từ đó đến nay, thế giới đã luôn nỗ lực để thực hiện chương trình này.
Năm 2004 chúng ta đã ban hành Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam về Định hướng chiến lược phát triển bền vững tại Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg, trong đó những vấn đề liên quan đến kinh tế xanh và bảo vệ môi trường đã được thể hiện. Tuy nhiên, nhìn nhận toàn diện và đầy đủ hơn về kinh tế xanh và bảo vệ môi trường, Việt Nam cần phải có những chính sách sát thực và phù hợp hơn theo xu hướng mới của thế giới, đó là hướng tới nền kinh tế xanh.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam:
DN nên đưa chỉ số môi trường vào báo cáo
Kinh tế xanh là nền kinh tế mang lại hạnh phúc và bình đẳng cho xã hội và giảm thiểu biến đổi khí hậu. DN sử dụng 3 nguồn lực là tài chính, xã hội và thiên nhiên. Trong quản trị DN theo cách truyền thống từ trước tới nay các DN hướng tới nguồn lực tài chính rồi con người. Nhưng quản trị hiện đại thì kinh doanh xanh phải là nền tảng, là cốt lõi quan trọng.
Vì vậy, họ phải gắn quản trị một cách hài hòa, hiệu quả cả 3 nguồn lực nói trên. Trong đó, lấy nguồn lực tài chính là chính để hướng tới hỗ trợ và duy trì cho nguồn lực phát triển con người, quản trị nguồn lực tài nguyên.
Nhiều DN sản xuất như Tôn Hoa Sen hay Traphaco đã nghĩ tới áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất, trong đó giảm thiểu tác hại môi trường. Điều đó hoàn toàn đúng nhưng vẫn chưa đủ. Vai trò của DN là trung tâm vì sử dụng 3 nguồn lực và gây hiệu ứng với 3 nguồn lực đó.
Vậy DN phải thay đổi tư duy theo hướng phát triển kinh tế xanh. Nên đưa các chỉ số môi trường vào báo cáo để đánh giá hoạt động DN. Thay đổi nhận thức mang lại hiệu quả cho chính DN và họ sẽ phát triển bền vững.
Kinh doanh xanh phải là trách nhiệm vì cộng đồng của từng DN, từng người. Với DN lớn thì yếu tố xanh, công nghệ xanh, sản phẩm xanh và còn có cả nguồn nhân lực xanh; tư duy để mọi người cùng hiểu và biết về trách nhiệm xã hội, tư duy nhà quản lý và hoạch định chính sách để có chế tài đảm bảo mọi thứ được tuân thủ và đảm bảo khuyến khích DN trong việc có trách nhiệm với kinh doanh xanh.
Đơn giản hàng ngày giảm lượng rác thải trong văn phòng cũng là kinh doanh xanh, đầu tư công nghệ giảm thải, sử dụng tài nguyên hợp lý. Không phải trong thuận lợi mới làm mà kể cả trong khó khăn cũng có thể làm.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen:
Chú trọng thực thi và kiểm soát chặt chẽ
Nhận thức được tầm quan trọng của chiến lược tăng trưởng xanh, Tập đoàn Hoa Sen đã luôn chú trọng thực thi và kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng tôi luôn quan tâm đầu tư hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Bên cạnh đảm bảo về chất lượng, ưu điểm của quy trình sản xuất tại Hoa Sen chính là tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Trong những năm qua, Tập đoàn đã áp dụng và duy trì bộ tiêu chuẩn ISO 9001:2008 về hệ thống quản lý chất lượng; thực hành bộ tiêu chuẩn ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường và bộ tiêu chuẩn hóa OHSAS 18000 về hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp.
Song song đó, Tập đoàn đã nghiên cứu và có nhiều cải tiến trong quá trình sản xuất nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu như sáng chế và lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt trong quá trình sản xuất, có hệ thống tái sinh và tuần hoàn nước để lọc và sử dụng gần như 100% lượng nước sử dụng trong sản xuất nhằm hạn chế tối đa lượng nước thải, đầu tư hệ thống tái sinh axit, các công nghệ tiết kiệm điện thông qua việc sử dụng biến tần để kiểm soát lượng tiêu hao điện năng vừa đủ với nhu cầu sản xuất.
Bên cạnh đó, Hoa Sen cũng sử dụng nguồn nhiên liệu có suất thu hồi nhiệt cao như khí gas, tận dụng nhiên liệu thay thế như trấu ép để giảm việc tiêu thụ điện, khí gas. Hiện nay, công suất tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị sản phẩm của Hoa Sen thấp hơn mức bình quân trong ngành tại Việt Nam…
Ông Đỗ Mạnh Dũng, Phó tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam
Giá điện rẻ chưa khuyến khích tiết giảm
Chúng tôi là tập đoàn đa quốc gia, đóng góp vào việc xây dựng đường dây 500 kW bắt đầu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam. Kinh doanh xanh đã trở thành định hướng của chúng tôi.
Cách đây khoảng chục năm, chúng tôi có bộ phận chuyên về kinh doanh xanh đó là đầu tư về công nghệ và con người, đưa ra những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất đến Việt Nam. Với niềm tin, kinh doanh xanh chính là “mỏ vàng” của Việt Nam nên đến giờ chúng tôi đã gặt hái thành công.
Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhất của biến đổi toàn cầu như nước biển chỉ tăng 2 mét thôi thì có thể hơn 22 triệu dân ở đồng bằng sông Hồng phải chuyển chỗ ở. Nhu cầu về sử dụng điện tăng 14% nhưng khả năng chỉ đáp ứng được 10-12%.
Như vậy, thách thức về năng lượng rất cao. Nhiều chương trình của Chính phủ đã kêu gọi DN trong và ngoài nước tiến hành ngay việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Thách thức hiện nay là nhiều DN chưa quan tâm được làm thế nào để tiết giảm chi phí năng lượng.
Đối mặt với nhiều thách thức, với sự tạo điều kiện của Chính phủ, rất nhiều DN tiến hành quy trình sử dụng năng lượng hiệu quả. Tuy nhiên, hiện giá điện tại Việt Nam khá rẻ nên nhiều DN không quan tâm để tiết giảm chi phí.
Nếu như không áp dụng công nghệ quản lý năng lượng hiệu quả thì ngay từ ngày hôm nay, xu hướng tăng giá điện sẽ càng lớn và tác động của nó khiến sức cạnh tranh của chính DN sẽ kém đi. Đó cũng là lý do hiện chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình, dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm ở Việt Nam.