
"Nâng tầm" ngân hàng: Phát triển nóng với dễ sai lầm (01/10)
06/08/2010 - 398 Lượt xem
Tự làm khó mình
Trong làn sóng chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn sang ngân hàng thương mại cổ phần thời gian qua, đã có một số ngân hàng tự đánh bóng mình, tạo cho mình một “vỏ bọc” hình ảnh vượt quá năng lực thực sự.
Một ngân hàng từ quy mô vốn vài chục, vài trăm tỷ, bỗng chốc biến thành một ngân hàng có quy mô vốn ngàn tỷ. Từ ngân hàng chuyên cho vay nông thôn, để mua lúa, mua cá, buôn bán, sản xuất nhỏ, đến khi nhảy sang lĩnh vực cho vay các dự án lớn, quy mô hàng chục tỷ đồng, việc thẩm định dự án, quản lý các khoản vay, chắc chắn cần một sự “nâng tầm” thích hợp.
Để được chuyển đổi, một số ngân hàng phải chạy theo việc đáp ứng các chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định. Nhưng sự đáp ứng các quy định của một số ngân hàng chỉ là hình thức. Họ đánh bóng hình ảnh với thị trường một cách quá "nóng" và dễ dàng, nhưng chất lượng thì không theo kịp. Điều đó dẫn đến những rủi ro và hệ luỵ khôn lường do chính các quyết định kinh doanh mạo hiểm trước đó của họ.
Mặt khác, một bộ phận dân cư gửi tiết kiệm không quan tâm đến “chất lượng” ngân hàng, chỉ thấy ngân hàng nào huy động lãi suất cao nhất thì đổ xô đến gửi tiền. Cơn sốt rút nơi này, gửi nơi kia từng xảy ra làm xáo trộn hoạt động của không ít ngân hàng, gây hiệu ứng dây chuyền trên thị trường ngân hàng, làm tăng nguy cơ bất ổn cả về hoạt động thu hút vốn cũng như cho vay và các hoạt động khác.
Phát triển nóng vội dễ phạm sai lầm
Phát triển nóng vội, bất chấp nguyên tắc quản trị rủi ro, bỏ qua các biện pháp kiểm soát theo quy định của NHNN và các qui luật trong ngành ngân hàng... Đó là tình trạng của một số ngân hàng TMCP.
Một số nhà kinh doanh đổ vốn vào để chuyển đổi nâng cấp các ngân hàng nông thôn đã ngộ nhận về việc quản trị ngân hàng nên mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong việc điều hành hoạt động để rồi dẫn đến những khó khăn.
Một trong những điều đáng báo động đối với các ngân hàng chuyển đổi là năng lực quản trị không theo kịp sự chuyển đổi quy mô vốn. Không những vậy, việc quản trị rủi ro trong hoạt động tín dụng, thị trường và rủi ro trong tuân thủ các quy định pháp luật không được đảm bảo. Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Ngân hàng chuyển đổi còn đối mặt với tình trạng lạc hậu về công nghệ ngân hàng, thiếu nền tảng và hạ tầng công nghệ cho các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới.
Do thiếu nhân lực bởi phát triển quá nhanh, quá nóng trong việc mở rộng mạng lưới, các ngân hàng này ngoài việc mời gọi các nhân viên của ngân hàng khác, còn phải “vơ bèo vạt tép” nhân lực cho những vị trí còn khuyết. Vì vậy chất lượng đội ngũ nhân viên, quản lý là vấn đề đáng lo ngại. Năng lực quản trị cao cấp tầm chiến lược hầu như chưa có, dẫn đến định hướng kinh doanh không xác định được một cách rõ ràng, mạch lạc. Các năng lực điều hành chưa đáp ứng các đòi hỏi thách thức biến đổi nhanh hiện nay.
Một số ngân hàng chuyển đổi đã phải dựa vào các "đại gia" ngoài ngành ngân hàng, không có kinh nghiệm quản lý ngân hàng.Vì vậy đã xuất nhiện những bất cập trong hoạt động phục vụ các mục tiêu kinh doanh riêng của mình.
Hậu quả là thời gian qua, không ít ngân hàng sa lầy vào cổ phiếu, bất động sản. Con số khống chế 3% dư nợ cho vay chứng khoán, có ngân hàng thực hiện bằng cách đối phó, biến tướng lách qui định và kiểm soát của NHNN vì lo sợ không thể về đích kịp. Rủi ro trong kinh doanh chứng từ có giá nói chung đã được khuyến cáo là bài học ở các nước khác nhưng tại Việt Nam nó vẫn chưa được ngăn ngừa kịp thời. Do mối lợi trước mắt mà lao vào bất chấp rủi ro, hệ quả là không ít ngân hàng tự trói buộc, làm khó cho mình.
Kinh doanh tín dụng không thể chụp giật
Thời gian qua đã có lúc lãi suất vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng lên đến 30%. Một trong nhưng nguyên nhân gây nên tình trạng này là một số ngân hàng chuyển đổi nhưng quản trị rủi ro không theo kịp, dẫn đến việc lao vào kinh doanh vốn trên thị trường liên ngân hàng một cách... không biết sợ.
Một phần nguyên nhân của hiện tượng lãi suất huy động tăng vọt để hút tiền vào, song lại hạn chế cho vay ra thời gian qua, chính là bởi vốn đã được các ngân hàng đem quay vòng trên thị trường liên ngân hàng, thu siêu lợi nhuận. Chỉ sau một đêm thức dậy, ngân hàng cho vay thu về món hời lớn. Tuy nhiên, rủi ro trên thị trường này được coi là rủi ro đáng sợ nhất, chỉ đứng sau việc bị khách hàng ồ ạt đòi rút tiền đồng loạt.
Hiện có thể thấy rõ sự phân hoá rõ ràng của hệ thống NHTM làm 3 phần, khối các NHTM Nhà nước chậm chuyển đổi để thích ứng kịp với thị trường, nhóm các ngân hàng TMCP vươn lên bằng năng lực thật sự tự khẳng định mình và đang xác lập vị thế ngày càng vững chắc trên thị trường. Còn lại là nhóm các ngân hàng mới chuyển đổi.
Nếu như, các ngân hàng nông thôn cứ hoạt động đúng lĩnh vực của mình, nếu được phát huy hết khả năng vị thế thì hiệu quả sẽ tốt hơn rất nhiều về cả mặt ổn định xã hội cũng như tránh các xáo trộn hoạt động và rủi ro thị trường.
Với việc để hàng loạt các tổ chức tín dung nhỏ chưa đủ năng lực ra đời và hoạt động một cách ồ ạt như vừa qua trên thị trường ngân hàng chưa phát triển tất sẽ dẫn đến một hệ quả mà cơ quan quản lý sẽ sớm phải điều chỉnh nhằm ổn định và an toàn cho hoạt động nhạy cảm này.
Rõ ràng là kinh doanh ngân hàng không thể làm kiểu chụp giật, liều lĩnh. Mà có những nguyên tắc buộc phải tuân thủ nhằm thiết lập một cơ chế hoạt động an toàn nhất cho ngân hàng nói riêng và cho nền kinh tế nói chung.
Nguồn: Vietnamnet
