VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

“Thả nổi” giá xăng dầu: Thuận lợi và thách thức đặt ra (cập nhật 17/05/2007)

06/08/2010 - 487 Lượt xem

Xăng dầu hiện vẫn tiếp tục là nguồn nhiêu liệu có vai trò quyết định đến tốc độ tăng trưởng và sự bình ổn của các nền kinh tế và an ninh năng lượng của mỗi quốc gia. Giá xăng dầu tăng mạnh trong những năm vừa qua là một thử thách lớn đối với các nền kinh tế mới nổi vốn đang trợ giá các sản phẩm xăng dầu trong nước. Trong vòng 3 năm qua, chỉ có một nửa trong số các nền kinh tế mới nổi điều chỉnh giá xăng dầu lên ngang với mức giá trên thị trường quốc tế. Các nước còn lại đã sử dụng các biện pháp trợ giá công khai cũng như không công khai nhằm kiểm soát giá xăng dầu bán lẻ và do đó nhiều nước đã gặp phải những khó khăn nhất định về tài chính. Kinh nghiệm điều chỉnh giá xăng dầu ở các nước trên thế giới cho tới nay cho thấy cả thành công và thất bại, nhưng một lộ trình điều chỉnh giá xăng dầu theo từng bước nhằm đưa giá trong nước lên ngang với mức giá quốc tế là hết sức cần thiết.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng khan hiếm các nguồn năng lượng và phải nhập khẩu, Chiến lược năng lượng quốc gia từ nay tới năm 2020 và tầm nhìn tới năm 2050 vừa được Bộ Công nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng sẽ xóa bỏ độc quyền, bao cấp về năng lượng, trong đó có mặt hàng xăng dầu, như là một giải pháp giải quyết vấn đề cân bằng năng lượng cho Việt Nam trong tương lai. Tiến tới mục tiêu này, ngay từ những năm qua, chính phủ Việt Nam đã từng bước thực hiện việc điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng đưa giá cả theo sát thị trường. Quyết định trao quyền cho doanh nghiệp tự định giá xăng dầu vừa qua là một bước tiến lớn theo hướng đó. Tuy nhiên, dư luận xã hội vẫn lo ngại rằng, nếu trao quyền tự định giá xăng dầu trong lúc các doanh nghiệp này vẫn kinh doanh xăng dầu theo kiểu cũ, vẫn dựa theo cung cách độc quyền, và sự bảo hộ của Nhà nước mà không hề có một kế hoạch hay lộ trình kinh doanh thực sự thị trường, nghĩa là chấp nhận cạnh tranh, vươn lên trong cạnh tranh, thì người tiêu dùng sẽ là đối tượng bị thiệt thòi nhiều nhất từ chính sách mới này.

I- Tóm tắt diễn biến giá xăng dầu trong thời gian qua

Cho đến trước thời điểm Nghị định 55 NĐ-CP ngày 6/4/2007 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực, xăng dầu vẫn là mặt hàng được Nhà nước trợ giá. Từ tháng 7/2004, Chính phủ bắt đầu thực hiện chính sách giá bảo đảm kinh doanh; đó là khi giá thế giới tăng thì điều chỉnh giảm thuế hoặc tăng giá, cũng có thể kết hợp cả việc giảm thuế và tăng giá đồng thời; khi giá thế giới giảm thì tăng thuế nhập khẩu hoặc giảm giá... Tính từ tháng 6/2005 đến nay, riêng mặt hàng xăng đã có 9 lần điều chỉnh giá, trong đó 6 lần điều chỉnh tăng giá và 3 lần điều chỉnh giảm giá và 13 lần điều chỉnh thuế nhập khẩu. Năm 2006 có 7 lần điều chỉnh thuế với mức dao động từ 0 đến 20% và trong 4 tháng đầu năm 2007 đã có tới 2 lần điều chỉnh giá bán và thuế suất.

Việc liên tục điều chỉnh chính sách giá và thuế xăng dầu như vậy đã khiến cho các doanh nghiệp trực tiếp tham gia kinh doanh xăng dầu gặp nhiều lúng túng. Bên cạnh đó, việc thay đổi giá cả liên tục cũng ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực gây ra những xáo trộn trên thị trường và tác động xấu đến tâm lý người tiêu dùng. Trong khi đó, Nhà nước vẫn liên tục phải bù lỗ cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và chịu thất thu ngân sách với con số hàng chục ngàn tỷ mỗi năm. Ngoài ra, do bao cấp về giá nên xảy ra nạn buôn lậu làm "chảy máu" xăng dầu sang các nước láng giềng.

Thực tế trên cho thấy rằng, cơ chế điều hành giá xăng dầu áp dụng trong nhiều năm qua còn nhiều bất cập vì việc xử lý thường chậm và mang tính tình thế, nặng tính chất hành chính trong quy trình định giá, thường "lệch pha" nhiều với biến động của thị trường. Có thể thấy rõ điều này trong đợt điều chỉnh giá tháng 3 năm 2007; đó là sự kiện khi giá dầu thô thế giới giảm xuống, thì cùng một lúc giá bán lẻ xăng tăng lên, và thuế suất thuế nhập khẩu lại giảm. Cơ chế này cũng dẫn đến việc không huy động được nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia vào đầu tư phát triển (bán dầu thô bù cho xăng dầu nhập khẩu), dễ tạo ra sự ỷ lại của doanh nghiệp... và làm "méo mó" hệ thống giá trong nước, do hệ thống giá không tính đúng giá trị hàng hóa. Do vậy, việc đưa ra một cơ chế giá xăng dầu mới phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường, trong đó Nhà nước chỉ đóng vai trò điều tiết vĩ mô là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

II- Chính sách giá xăng dầu mới của Chính phủ theo Nghị định số 55/NĐ-C P về kinh doanh xăng dầu

Theo Nghị định số 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu do Chính phủ ký ban hành ngày 6/4/2007, các doanh nghiệp được quyền tự quyết giá bán lẻ, thực hiện ngay giá bán xăng theo cơ chế thị trường dựa trên cơ sở giá thế giới, thuế nhập khẩu và các chi phí. Các mức giá bán đảm bảo đúng quy định của Nhà nước và lợi nhuận hợp lý để tái đầu tư, phát triển sản xuất và các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Quy định này được áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và các thương nhân sản xuất chế biến xăng dầu, theo nguyên tắc giá bán phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Theo Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, Nghị định này là một bước chuyển đổi cơ bản về cơ chế kinh doanh xăng dầu nhằm đưa giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, đảm bảo hạch toán chính xác, không bị méo mó, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường của Việt Nam và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Nghị định mới này sẽ thay thế toàn bộ quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu được ban hành theo Quyết định 187 ngày 15/9/2003 của Chính phủ. So với Quyết định 187, Nghị định số 55/2007/NĐ-CP có một số điểm mới. Thứ nhất, điều kiện kinh doanh được quy định chặt chẽ hơn với các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật để có thể được kinh doanh xăng dầu; thứ hai, Nghị định quy định mỗi doanh nghiệp chỉ được làm đại lý cho một doanh nghiệp đầu mối nhằm tránh tình trạng như trước đây một doanh nghiệp có thể làm đại lý cho một hoặc nhiều đầu mối, dẫn tới không đảm bảo được việc quản lý chất lượng xăng dầu (như vụ xăng Aceton vừa qua); thứ ba, để chống gây ra các đột biến lớn, Nghị định quy định giá xăng dầu ở Việt Nam sẽ được tiếp cận từng bước theo giá thị trường. Trước hết, xăng là sản phẩm chủ yếu dùng cho ôtô, xe máy nên được thực hiện ngay theo giá thị trường, từ thời điểm Nghị định có hiệu lực. Còn dầu diesel và mazút chủ yếu dùng cho sản xuất nên sẽ được áp dụng theo giá thị trường dự kiến vào cuối năm nay đối với mặt hàng mazút và đầu năm 2008 đối với diesel. Sau khi đã trao quyền tự quyết giá bán lẻ cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý sẽ xây dựng những nguyên tắc để chống liên minh độc quyền và tăng giá, đồng thời đảm bảo sự bình ổn của thị trường. Nếu doanh nghiệp tự ý tăng giá bán không hợp lý, ngoài việc bị phạt tiền theo quy định, doanh nghiệp có thể sẽ bị thu hồi toàn bộ số tiền lãi bất hợp pháp, bị thu hồi giấy phép kinh doanhh, thậm chí còn bị truy tố nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

III- Mặt tích cực và một số điểm còn gây băn khoăn của việc thả nổi giá xăng dầu

1- Mặt tích cực

- Giảm bớt gánh nặng ngân sách cho Nhà nước; hạn chế nạn “chảy máu” xăng dầu: Có thể thấy rõ rằng, theo tinh thần của Nghị định số 55/2007/NĐ-CP, bằng việc trao quyền tự định giá cho doanh nghiệp, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ không phải bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng về trợ giá xăng dầu. Lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy việc trợ giá của Nhà nước đã bóp méo các tín hiệu thị trường và có thể dẫn đến việc lãng phí trong tiêu dùng và các quyết định đầu tư thiếu hiệu quả. Vì vậy, việc Nhà nước bỏ dần việc trợ giá cho mặt hàng xăng dầu sẽ dẫn đến các hiệu ứng tích cực trong hoạt động của nền kinh tế. Cũng do sự hỗ trợ từ phía Nhà nước mà giá xăng dầu của Việt Nam luôn thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Điều này khiến tình trạng kinh doanh xăng dầu lậu qua biên giới tăng cao, nhất là khu vực biên giới Việt Nam- Campuchia, gây ra sự mất ổn định về kinh tế xã hội ở các vùng đó. Vấn nạn này sẽ được giải quyết một khi mức giá xăng dầu đứng ở mức giá trị thực của nó.

- Tạo sự chủ động cho doanh nghiệp:Với cơ chế kinh doanh xăng dầu mới, doanh nghiệp có được sự chủ động kinh doanh căn cứ vào tình hình cung cầu và giá thế giới để điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước mềm dẻo hơn, và nhanh nhạy hơn. Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Phó TGĐ Petrolimex, cơ chế kinh doanh xăng dầu mới sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát huy tính tự chủ trong hạch toán kinh doanh từ đó cầm chắc khả năng có lãi; đồng thời “thoát” khỏi thủ tục kiểm soát từ cơ chế quản lý.

- Đem lại lợi ích cho người tiêu dùng: Cơ chế giá mới sẽ giúp người tiêu dùng mua được xăng dầu với mức giá công bằng nhất. Ngoài ra, người tiêu dùng sẽ được hưởng cơ chế giám sát thị trường và có được lợi ích từ sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tạo ra. Tuy nhiên, đây mới chỉ là lợi ích trên lý thuyết; để đạt được điều này thì cần phải xây dựng các chế tài xử phạt đối với các hành vi liên kết tăng giá hoặc bán phá giá, đồng thời nâng cao vai trò của hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng để khách hàng sẵn sàng phản ánh với cơ quan chức năng khi phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.

2- Một số điểm còn gây băn khoăn

Việc thực hiện cơ chế giá xăng dầu theo giá thị trường theo Nghị định số 55/2007/NĐ-CP không có nghĩa là Nhà nước không còn can thiệp vào chính sách giá của doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là sự kiểm soát giá nửa vời của Nhà nước. Bởi vì, mặc dù thị trường mở ra cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhưng Tổng công ty xăng dầu Việt Nam vẫn chiếm thị phần áp đảo (60%), và các doanh nghiệp trước khi tăng giá phải đăng ký với liên Bộ Tài chính và Thương mại, nếu thấy không hợp lý thì liên Bộ sẽ không đồng ý. Như vậy thì doanh nghiệp vẫn bị động trong kinh doanh, đồng thời việc phải xin phép, đưa ra trước phương án tăng giá sẽ gây mất ổn định và làm cho thị trường lộn xộn, tâm lý bất an trong người dân. Thực vậy, cơ chế giao việc tự quyết định giá bán cho doanh nghiệp mới chỉ gỡ một phần sự phụ thuộc, lúng túng của các doanh nghiệp khi giá xăng dầu lên, xuống. Nhưng rõ ràng rằng doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tự chủ khi phụ thuộc vào cơ chế “xin” ý kiến liên Bộ Tài chính- Thương mại khi áp dụng giá bán.

Về thời điểm thực hiện cơ chế xăng dầu theo giá thị trường, một chuyên gia kinh tế cho biết, Việt Nam chỉ có thể nói đến việc thả nổi giá xăng dầu khi đảm bảo 3 điều kiện: Thứ nhất là tính cạnh tranh. Hiện nay thị phần của các doanh nghiệp vẫn chênh lệch, trong đó Petrolimex chiếm thị phần khống chế với trên 60% với hệ thống đại lý, cửa hàng rộng khắp trên cả nước, 40% còn lại chia đều cho vài chục doanh nghiệp khác. Như vậy thị trường xăng dầu trong nước tuy không độc quyền nhưng cũng chẳng khác nào ngành bưu chính viễn thông của những năm trước khi bị thâu tóm bởi VNPT. Thứ hai là cần phải minh bạch thông tin, trong đó doanh nghiệp phải hạch toán rõ chi phí lỗ lãi và phải công bố rõ ràng; thực tế thời gian qua cho thấy, những con số lỗ của doanh nghiệp được nêu ra là số lỗ hiện vẫn do các doanh nghiệp tự hạch toán, quyết toán, Bộ Tài chính chỉ cử một đoàn đến để tính bù lỗ, chứ chưa có các công ty kiểm toán độc lập vào cuộc để "minh bạch hóa" con số này. Thứ ba là Nhà nước phải xử lý được các loại thuế nhập khẩu và VAT, bên cạnh đó bằng các biện pháp quản lý khác thúc đẩy phát triển thị trường có tính giao dịch ổn định, giao dịch có kỳ hạn, qua đó cơ quan quản lý kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp. Dựa vào các điều kiện đó để đối chiếu với thực tế thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay, thì có thể thấy rằng chúng ta chưa đáp ứng được ba yếu tố trên và do vậy điều kiện để thả nổi giá xăng dầu là chưa đủ.

Cơ chế cho phép doanh nghiệp tự định giá bán xăng dầu theo Nghị định mới vừa mới có hiệu lực từ ngày 1/5/2007, nên vào thời điểm này rất khó đề cập chính xác đến những tác động của nó. Song, một điều có thể thấy rất rõ rằng với cơ chế này thì Nhà nước và doanh nghiệp sẽ có lợi nhiều hơn. Còn đối với người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm người có thu nhập thấp thì đây quả thực là một vấn đề hết sức đáng lo ngại, vì chắc chắn rằng họ sẽ phải chịu một mức giá cao hơn so mức giá trong cơ chế bù lỗ. Sự kiện tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu liên kết cùng đồng loạt tăng giá bán thêm 800đ/1lít xăng ngày 7/5 vừa qua đã chứng minh điều này. Trước tình hình đó, đa số người dân lo ngại rằng, tình trạng liên minh tăng giá như vậy của các doanh nghiệp sẽ không thể tạo ra được sự cạnh tranh; người dân sẽ càng chịu cảnh khốn khổ khi phải gồng mình chi trả thêm một khoản tiền mua xăng dầu. Một điểm cực kỳ bất lợi nữa cho người tiêu dùng là việc tăng giá xăng dầu sẽ làm cho khả năng tăng giá của một số hàng hóa khác là không thể tránh khỏi. Trong bản báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2007, nhóm phương tiện đi lại - bưu điện có mức tăng cao nhất là 1,05%, các nhóm còn lại có mức tăng từ 0,17-0,48%. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng thì chắc chắn sẽ đẩy chỉ số CPI lên cao hơn nữa. Một nghiên cứu của IMF về tác động của giá xăng dầu tăng đối với thu nhập thực tế của một số nước cho thấy tác động của giá xăng dầu lên thu nhập là khá lớn. Khi giá xăng dầu tăng từ 31-68%, chi phí nhiên liệu của các hộ gia đình sẽ phải tăng thêm từ 1-9% tổng thu nhập. Như vậy, đối với trường hợp Việt Nam, việc thực hiện chính sách giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, bên cạnh những ưu thế như đã đề cập, lại đặt ra một bài toán hóc búa khác đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn chỉnh biểu thuế nhập khẩu và công thức tính giá xăng, dầu để có thể công bố trong vài tuần tới. Qua công thức tính thuế và giá này, người tiêu dùng sẽ tự giám sát được phương án tăng, giảm giá mà các doanh nghiệp đưa ra có hợp lý không. Theo biểu thuế mà Bộ Tài chính dự định ban hành trong thời gian tới, các mức thuế sẽ được ấn định dựa vào sự biến động của giá xăng dầu thế giới. Chẳng hạn khi giá dầu vận hành quanh mức 55-60 USD/thùng thì ứng với nó, thuế nhập khẩu ở mức 0 hay 5%... Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng công bố công thức tính giá xăng để người dân tiện theo dõi, đánh giá những biến động về giá cả trên thị trường. Những thông số cơ bản để tính ra giá bán lẻ cho người tiêu dùng gồm giá nhập khẩu cộng thêm các loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, tỷ giá USD/VND, lệ phí giao thông (500 đồng/lít), chi phí quản lý, bán hàng, khấu hao...

Ngoài ra để đảm bảo ổn định thị trường, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, ngày 15/5/2007, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã ký quyết định thành lập tổ giám sát Liên bộ đối với mặt hàng xăng dầu khi trao quyền định giá bán cho doanh nghiệp. Tổ giám sát này có nhiệm vụ theo dõi việc điều chỉnh giá xăng dầu của doanh nghiệp theo quy định của Luật Thương mại, đồng thời xem xét đề xuất, báo cáo liên bộ về việc điều chỉnh giá bán theo Nghị định 55 của Chính phủ và các yêu cầu về bình ổn giá bán theo từng thời kỳ. Bên cạnh đó, Tổ giám sát này cũng kiêm nhiệm vụ tiếp nhận các phương án điều chỉnh giá bán mà các doanh nghiệp đăng ký trước 2 ngày. Sau khi xem xét, phát hiện các yếu tố hợp lý hoặc bất hợp lý, Tổ giám sát sẽ thông báo cho doanh nghiệp một ngày trước khi tăng giá.


Kinh nghiệm của một số nước trong việc định giá bán lẻ xăng dầu

Có ba phương thức định giá dầu là tự do hóa để thị trường quyết định, điều chỉnh theo một công thức tự động và điều chỉnh theo đợt do chính phủ tiến hành. Việc lựa chọn phương thức định giá sẽ quyết định giá bán trong nước. Một cơ chế điều chỉnh giá hiệu quả cần có một mức giá chuẩn và một biên độ dao động hợp lý. Đối với cả nước xuất khẩu và nước nhập khẩu, giá trong nước nên được dựa trên giá cân bằng khu vực. Các nước nhập khẩu nên xác định giá bán lẻ theo giá CIF cộng với thuế, lợi nhuận và các chi phí khác. Đối với các nước xuất khẩu ròng, giá bán lẻ nên được xác định trên cơ sở giá xuất khẩu cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Việc định giá theo một công thức điều chỉnh tự động thường được thực hiện dưới các dạng sau đây:

• Mức thay đổi trung bình: Ở Đôminica, giá bán lẻ được xem xét lại hàng tháng trên cơ sở mức thay đổi trung bình trong vòng 3 tháng của giá nhập khẩu;

• Xác lập các mức trần: Ở Sri Lanka, công thức điều chỉnh giá được thông qua năm 2003 qui định biên độ dao động hàng tháng của giá dầu không được quá 0,02 USD/tháng;

• Biên độ dao động cực đại: theo cơ chế điều chỉnh giá của Gabông, nay đã tạm dừng, giá bán lẻ xăng dầu sẽ được điều chỉnh khi giá bán chênh lệch so với giá nhập khẩu trên thị trường quốc tế 4%.

• Dải biến động: Giá bán lẻ sẽ dao động trong giới hạn cực đại (giá trần) và cực tiểu (giá sàn). Chilê và Peru sử dụng cơ chế bình ổn giá mà theo đó nếu giá thành các sản phẩm bán lẻ cao hơn mức giá trần, các công ty sẽ được rút phần chênh lệch từ một quỹ bình ổn. Ngược lại, nếu giá thành các sản phẩm này thấp hơn giá sàn, các công ty sẽ phải trả phần chênh lệch vào quỹ đó. Trong giai đoạn 1998-2004, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng một cơ chế điều chỉnh giá trong một biên độ tương đối nhỏ và giá bán lẻ xăng dầu sẽ được điều chỉnh khi giá thị trường lệch khỏi dải dao động 3%. - IMF


Nguồn: VNEP, tháng 5/2007.