VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Giáo sư Bertrand Badie: “VN - bằng chứng sống động của một thế giới đang thay đổi” (8/2)

06/08/2010 - 280 Lượt xem

*  Thưa giáo sư, những thay đổi mới trong quan hệ quốc tế có ảnh hưởng gì tới VN?

- Sức mạnh cơ bắp (quân sự) trong quan hệ quốc tế đang mất dần thế mạnh. Hiện nay trên thế giới đang diễn ra sự chuyển đổi mạnh mẽ liên quan tới toàn cầu hóa và vai trò ngày càng tăng của các xã hội so với nhà nước. Trong quan hệ quốc tế mới này, sức mạnh truyền thống ít được sử dụng hơn.

Điều đó có nghĩa an ninh đang trở nên toàn cầu hơn. Thứ nhất, muốn duy trì an ninh ở Pháp hay VN, chúng ta phải quan tâm tới các điểm nóng về an ninh khác trên thế giới. Vụ khủng bố ngày 11-9-2001 là bằng chứng rõ ràng chứng tỏ rằng nếu an ninh ở Trung Đông không được bảo đảm thì bất an cũng có thể xảy ra ở Mỹ. Thứ hai, an ninh phụ thuộc vào an ninh toàn cầu. Nếu muốn có an toàn ở nơi bạn ở, bạn phải đảm bảo được an ninh lương thực, sức khỏe, môi trường, kinh tế... của khu vực và thế giới.

Ở VN, điều đó ít thấy rõ hơn vì VN ở cách xa các điểm nóng. VN tự chủ về ngoại giao và không tham gia các cuộc khủng hoảng. Nhưng mọi thứ vẫn rất mong manh. Việc tôi xuống sân bay tại Hà Nội và phải đi qua kiểm tra an ninh cũng chứng tỏ các bạn liên quan tới an ninh toàn cầu.

Một thay đổi quan trọng trong quan hệ quốc tế là các nước phương nam đang cố gắng liên kết với nhau. Hãy nhìn vào vai trò tích cực của khu vực Mỹ Latin, hay tam giác liên kết Trung Quốc - Brazil - Ấn Độ. Đối với VN, đây là tam giác rất quan trọng. VN sẽ phải xác định vai trò của mình trong quan hệ quốc tế vì VN sẽ trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và khi đó, VN sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề toàn cầu hơn.

* Theo giáo sư, VN đang ở đâu trên thế giới?

- Trước hết, VN đang ở trong thế giới. Với việc gia nhập WTO, ASEAN, ASEAN+3, APEC... VN đang hội nhập thế giới hơn bao giờ hết.

Thứ hai, VN ở phương nam. Trước đây các nước phương nam bị đe dọa vì các cường quốc đều muốn biến họ thành sân sau của mình. Giờ đây, các nước phương nam chủ động liên kết với nhau và tạo mối liên hệ mới. VN cần thúc đẩy quan hệ với khối Mỹ Latin, châu Phi và thế giới Ả Rập. VN có thể xây dựng vai trò của mình ở những quan hệ này, thậm chí là vai trò dẫn dắt.

Thứ ba, VN ở châu Á. Châu Á ngày càng có vai trò mạnh mẽ hơn. Vấn đề là phải tạo dựng một sự cân bằng mới cho châu lục này. Tôi thấy sự cạnh tranh ở châu Á hiện có những nét tương tự như những gì đã diễn ra ở châu Âu thế kỷ 19. Điều đó rất nguy hiểm vì cạnh tranh giữa Anh, Pháp, Đức, Nga đã dẫn tới hai cuộc chiến tranh thế giới. Vì vậy, tôi rất lo ngại về sự cạnh tranh giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ.

VN, cũng như Hàn Quốc, đứng ngay sau đó, tức có thể đóng vai trò thứ hai. Sức mạnh của cường quốc hạng hai đủ để tự chủ nhưng không đủ để đứng chơi một mình và thành người đứng đầu. Điều đó giúp VN có thể chơi con bài của mình mà không tạo ra e sợ. Hơn nữa, VN có vị trí rất quan trọng, nằm giữa ASEAN+3, giữa Trung Quốc và ASEAN, giữa đất liền và biển, giữa thế giới phương Tây và châu Á. Tôi nghĩ là hiện nay VN đang ổn định hơn rất nhiều và cởi mở hơn nhiều với thế giới bên ngoài. Và khi có thể dùng ảnh hưởng của mình, VN sẽ trở thành một nước được nhiều người biết đến hơn và yêu thích.


* Xin cảm ơn giáo sư.


H.GIANG - T.TUẤN thực hiện