VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

"ASEAN-12 tạo động lực cho một ASEAN năng động, hiệu quả..."

06/08/2010 - 636 Lượt xem

Chiều 15/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn Chính phủ nước ta đã rời thành phố Cebu (Philíppin) về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 12 và các hội nghị liên quan từ 12-15/1.

Kết quả của các hội nghị lần này đã tạo động lực mới cho tiến trình hình thành một Cộng đồng ASEAN liên kết chặt chẽ, năng động, hiệu quả và mở rộng.

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự hội nghị không chỉ khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được củng cố và nâng cao trong khu vực, mà còn có những đóng góp tích cực vào sự thành công của hội nghị.

Ngay sau khi Hội nghị kết thúc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời phỏng vấn Đoàn báo chí Việt Nam dự Hội nghị, trong đó, nhấn mạnh: 

"Hội nghị Cấp cao ASEAN-12 với chủ đề “Một Cộng đồng Đùm bọc và Chia sẻ”  tạo động lực mới quan trọng cho tiến trình hình thành một cộng đồng ASEAN liên kết chặt chẽ, năng động, hiệu quả và rộng mở. Theo tôi, hội nghị lần này đã đạt được một số kết quả đáng chú ý sau:

Một là đẩy nhanh thời hạn hình thành Cộng đồng ASEAN từ 2020 lên 2015: Quyết định này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của các nước ASEAN hướng tới xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN đoàn kết, năng động và rộng mở. Đây cũng là một quyết sách đúng đắn, kịp thời của ASEAN trước những biến chuyển nhanh chóng của tình hình khu vực và quốc tế, cũng như xuất phát từ chính yêu cầu phát triển của Hiệp hội. Hơn thế nữa, quyết định này còn có ý nghĩa như một "cú huých" lớn tạo ra động lực mới, thúc đẩy hợp tác nội khối ngày càng phong phú, sâu sắc và hiệu quả hơn.

Hai là thống nhất soạn dự thảo Hiến chương ASEAN. Do Hiến chương có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu quá trình trưởng thành của ASEAN trong 4 thập kỷ tồn tại và phát triển nên đây là một chủ đề trọng tâm của Hội nghị được các nước dành nhiều thời gian trao đổi. Về vấn đề này, lãnh đạo các nước ASEAN đã xem xét, cho ý kiến về Báo cáo của Nhóm Những nhân vật nổi tiếng (EPG) về Hiến chương ASEAN. Nhìn chung, các nước đều cho rằng xây dựng Hiến chương trước hết phải dựa trên những nguyên tắc, giá trị căn bản chuẩn mực chung vốn là nền tảng của những thành tựu mà ASEAN đã đạt được trong gần 40 năm qua. Đồng thời, Hiến chương ASEAN còn tạo ra khuôn khổ pháp lý cho các thể chế của ASEAN qua đó cải tiến mạnh mẽ và sâu sắc bộ máy tổ chức, lề lối hoạt động nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác của ASEAN. Đây sẽ là một món quà cho sinh nhật lần thứ 40 của ASEAN. Nhóm đặc trách cao cấp (HLTF) có trách nhiệm soạn dự thảo Hiến chương và báo cáo lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tới vào cuối năm 2007 tại Singapore.

Ba là đạt nhiều thành tựu về hợp tác kinh tế. Thời gian qua, hợp tác kinh tế nội khối của ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ; mức độ liên kết của các nền kinh tế ASEAN đang ngày càng được nâng cao với những hình thức ngày càng phong phú, nội dung ngày càng sâu sắc. Do đó, đây chính là thời điểm để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ hội nhập nhằm tận dụng tốt hơn những thời cơ mới, ứng phó hiệu quả với những thách thức mới. Quyết định của ASEAN đẩy nhanh việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 mở rộng nội dung, triển khai cũng như tiếp tục phát triển các thỏa thuận về kinh tế với các đối tác quan trọng ngoài ASEAN sẽ tạo ra thế đứng hình ảnh mới của ASEAN trong con mắt của cộng đồng quốc tế.

Bốn là đạt nhiều kết quả về quan hệ đối ngoại. Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với các nước Đối thoại cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng với việc các nước này tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt và cùng có lợi với ASEAN; khẳng định cam kết tiếp tục ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong các tiến trình khu vực, hỗ trợ ASEAN trong các nỗ lực xây dựng Cộng đồng cũng như hợp tác chặt chẽ trong ứng phó có hiệu quả với các vấn đề xuyên quốc gia. Điều này cho thấy vai trò vị thế của Hiệp hội trong khu vực đang ngày càng gia tăng. Không những thế, sức hút của hợp tác ASEAN cũng được thể hiện rõ ràng hơn thông qua việc các nước Pháp và Ti-mo Lét-xtê chính thức tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC).

Xin Thủ tướng cho biết những đóng góp của Việt Nam cho thành công của Hội nghị cấp cao lần này?

Như tôi đã đề cập tới trên đây, Hội nghị lần này đánh dấu một bước phát triển mới, quan trọng của ASEAN. Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hiệp hội, Việt Nam cùng các quốc gia thành viên ASEAN đã một lần nữa khẳng định những nguyên tắc và giá trị cơ bản của Hiệp hội, trên cơ sở đó, tiếp tục thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các nước thành viên, tăng cường hơn nữa sự năng động, tính linh hoạt, khả năng thích ứng với những biến đổi sâu sắc của tình hình thế giới, nhu cầu phát triển và hoàn cảnh của khu vực và mỗi nước thành viên; thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN và giữa ASEAN với các khu vực khác. Đó là sự lựa chọn đúng đắn để ASEAN xây dựng  thành công Cộng đồng ASEAN đoàn kết, năng động và rộng mở, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Trong năm 2007, để góp phần thiết thực vào tiến trình này, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Hợp tác Phát triển (IDCF) lần thứ 2, nhằm đề ra chiến lược tổng thể cho việc triển khai Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Việt Nam cũng sẽ đăng cai Cấp cao ACMECS và Cấp cao CLMV tại Việt Nam trong năm nay.

Xin Thủ tướng đánh giá kết quả của Cấp cao Đông Á lần II?

An ninh năng lượng đang là một vấn đề có tính thời sự cao không chỉ đối với các nước trong khu vực nói riêng mà cả thế giới nói chung. Do đó, đây là nội dung được các nước hết sức quan tâm. Để tăng cường hơn nữa hợp tác khu vực trong lĩnh vực này, Lãnh đạo các nước Đông Á đã tuyên bố đẩy mạnh hợp tác trong tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn năng lượng hiện có, bảo đảm cung cấp nguồn năng lượng ổn định cho sự phát triển của các nước trong khu vực.

Ngoài ra, Tuyên bố của Lãnh đạo các nước Đông Á về Hợp tác An ninh Năng lượng còn thể hin ASEAN tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong tiến trình hợp tác Đông Á, đồng thời khẳng định Cấp cao Đông Á là bộ phận không thể tách rời của các cấu trúc khu vực trong đó có ASEAN+3.

Nguồn: www.vietnam.gov.vn