Tin tức
Hà Nội: Hàng hóa thiết yếu tăng giá từ 10-20% (15/01)
06/08/2010 - 254 Lượt xem
Làn sóng tăng giá mạnh phải kể đến các loại thực phẩm thiết yếu như thịt lợn, thịt gia cầm, hải sản các loại. Cụ thể giá thịt lợn tăng 12%, hải sản tăng từ 15 đến 20% chỉ trong vài ngày cuối tuần. Rau xanh các loại sau 1 tuần giảm giá cũng đã bắt đầu tăng trở lại từ với mức tăng 15%.
Các loại hàng nông sản cũng tăng giá, trong đó gạo nếp, gạo tẻ bắc hương tăng mạnh, trung bình khoảng 1.000đồng/kg.
Ông Đào Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ từ 280-300 tấn thịt gia súc, gia cầm, trong khi thành phố chỉ tự cung cấp được 40% nhu cầu về thịt lợn, 48% nhu cầu về thịt gà và 8% nhu cầu thịt bò.
Tương tự như vậy, đối với mặt hàng rau xanh, Hà Nội chỉ đáp ứng được 40%, số còn lại phải nhập từ các tỉnh nên nếu nguồn hàng từ các tỉnh về Hà Nội giảm sẽ tác động mạnh đến giá các mặt hàng thực phẩm, rau, củ quả.
Giá một số mặt hàng thiết yếu khác cũng đã tăng ngay từ những ngày đầu năm 2007. Từ 4/1, giá gas tại thị trường Hà Nội tăng từ 14.000 đến 15.000 đồng/bình, mỗi bình gas hiện giá từ 189.000 đến 195.000 đồng/bình. Giá dầu ăn cũng đã tăng thêm 10%, hiện ở mức 20.000 đến 23.000 đồng/chai loại 1 lít.
Phân tích nguyên nhân tăng giá nhiều mặt hàng trong thời gian qua, bà Vũ Thị Hậu, phụ trách kinh doanh siêu thị Fivimart cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng giá bán các mặt hàng nhưng chủ yếu là do các nguyên liệu đầu vào tăng, giá điện, cước vận chuyển tăng, dẫn đến việc các nhà sản xuất tăng giá bán buôn sản phẩm.
Ông Hồ Quốc Khánh, Sở thương mại Hà Nội cho rằng tăng giá vào thời điểm cuối năm âm lịch là quy luật hàng năm, khi cán cân "cung" "cầu" trên thị trường chênh lệch.
Theo dự báo của Sở Thương mại Hà Nội, nhu cầu hàng hóa trong Tết Đinh Hợi 2007 trên địa bàn Thủ đô sẽ tăng hơn 30% so với các tháng bình thường trong năm và tăng 15% so với năm trước, trong đó các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như gạo, các loại thịt, rau quả, bánh mứt kẹo tăng khoảng 10%.
Để ổn định nguồn hàng, các đơn vị kinh doanh thương mại lớn trên địa bàn có kế hoạch đặt hàng với các nhà sản xuất, các nhà cung cấp hàng hóa lớn từ cách đây vài tháng, từ đó có chính sách nhập hàng, trữ hàng bình ổn giá./.
Nguồn: TTX VN